Tưởng sẽ tìm được công việc tốt hơn sau khi rời công ty cũ, tuy nhiên cái gì cũng có cái giá của nó.
Nhảy việc và thất bại khi phỏng vấn
Tôi vừa quyết định thôi việc ở công ty cũ sau 6 tháng làm việc. Và cũng vừa trượt mất một đợt phỏng vấn gần đây. Tôi nhớ sâu sắc rất rõ lúc đó nhà tuyển dụng đã đặt cho tôi câu hỏi rằng: “Tại sao lại không làm việc ở công ty cũ nữa”. Tôi mạnh miệng trả lời, vì tôi muốn cho mình nhiều trải nghiệm, nhiều cơ hội khám phá và làm việc ở môi trường tốt hơn, thách thức tôi nhiều hơn. Nhà tuyển dụng nói tiếp: “tức có nghĩa là công ty cũ không có môi trường tốt, không cho bạn cơ hội để phát triển. Thế tại sao lúc đầu lại lại apply đơn vào đó làm gì?”.
Có thể nhiều lúc thật sự bạn không trả lời đúng như những gì mình nghĩ trong đầu, nhưng nhà tuyển dụng không bao giờ là người dễ để bạn vượt mặt được. Băn khoăn với câu trả lời vì tôi biết rằng câu trả lời nào cũng dẫn đến lối tắt. Tôi đã thất bại trong cuộc chiến bảo vệ mình trước nhà tuyển dụng. Không phải vì tôi không thể nói lý của mình với họ được, mà ngay chính câu trả lời tôi đã không thành thật với mình, và với cả họ nữa. Làm sao chúng ta có thể dễ dàng thành thật về việc từ bỏ một nơi từng cống hiến trí tuệ để cống hiến trí tuệ cho một nơi khác.
Tôi đã có 2 lần nhảy việc, đơn giản vì tôi cảm thấy áp lực công việc quá lớn dù đó là chính công việc mà tôi có khả năng nhất. Nhưng cái lý do này thật chẳng khác nào là quả bom xuống cái sự nghiệp của tôi nếu tôi thành thật trả lời họ cả. Làm sao một công ty có thể chấp nhận một ứng viên là vì quá áp lực trong công việc mà đã từng nghĩ việc để tìm môi trường khác tốt hơn. Không hẳn ít người có cùng lý do đó với tôi, thậm chí là quá chán nản công việc, quá mệt mỏi với môi trường…
Tôi nghĩ rằng nhà tuyển dụng cũng biết điều đó, nhưng hoài nghi thì họ vẫn hoài nghi. Đôi khi chấp nhận sự hoài nghi đó, tin tưởng tôi đi chăng nữa họ vẫn muốn thấy cái sự chuyên nghiệp của ứng viên trong việc luồn lách cứu rỗi chính mình.
Thách thức khi đối mặt với nhà tuyển dụng
Lúc đó, nhà tuyển dụng xem bản thân tôi như một rủi ro vậy. Tức có nghĩa là, việc tôi từng rời bỏ 2 công ty cũng đồng nghĩa với việc tôi có thể rời bỏ thêm một công ty nữa và đó chính là họ. Hoặc họ sẽ tự đặt ra câu hỏi, lý do vì sao mà tôi không còn làm ở 2 công ty nữa: khả năng yếu, trách nhiệm kém, thái độ không tốt… đủ thứ vân mây xấu xa nhất trên cuộc đời này sẽ ám vào cái CV của tôi chứ không phải mượt mà như là “muốn tìm một công việc tốt hay là muốn tạo cơ hội cho bản thân mình”. Vì thật sự, cơ hội ở đâu chẳng có, nếu tài giỏi thì bản thân đã tự biết tạo cơ hội để phát triển rồi. Đi tìm môi trường khác để phát triển thì chỉ còn được gọi tìm sự may mắn mà thôi.
Đưa kinh nghiệm làm việc ở 2 công ty vào chỉ mong họ nhìn thấy được những việc tôi trải qua và đã tích lũy. Nhưng cái họ khai thác bên cạnh nữa, nó chính là lý do vì sao lại nghỉ việc ở nơi cũ. Họ hoài nghi về chính lòng trung thành của tôi với tổ chức.
“Định hướng nghề nghiệp của bạn trong 3 năm nữa là gì? Bạn sẽ tiếp tục công việc trong 3 năm nữa chứ? Bạn sẽ gắn bó với công ty chúng tôi bao lâu? Đã học hỏi từ những công ty cũ nhưng gì? Và bạn tự đánh giá mình ở công ty cũ như thế nào, đạt được bao nhiêu điểm? Nếu chúng tôi đào tạo theo chuyên môn cho bạn, thì sau 1 năm nữa bạn sẽ được bao nhiêu điểm?…”
Tôi đã không nghĩ rằng có hàng tá thứ câu hỏi trên trời dưới đất mà người phỏng vấn sẽ ép tôi đến đường cùng. Họ vô tình tạo cho tôi cảm giác mình trở nên xấu xa hơn khi rời bỏ đi chỗ cũ và trở nên là một kẻ đầy nghi hoặc không có lòng tin khi apply đơn vào công ty mới.
Thế đấy, nói để các bạn biết hành trình nhảy việc chẳng đơn giản tí nào, lại càng chẳng đơn giản hơn cho những người đã từng có “tiền sử” nhảy việc như tôi khi đi phỏng vấn. Đôi khi cũng chỉ vì muốn làm tốt hơn, muốn bản thân có môi trường thoải mái hơn để tiến triển hơn là cứ giam mình ở một môi trường quá áp lực, nhưng khó khăn thì tất nhiên sẽ chẳng thể nào tránh khỏi. Chẳng ai chịu nghĩ được những suy nghĩ của người khác đâu.
Thế nên, nếu bây giờ vẫn đang ngồi đâu đó trong công ty mà có ý định nhảy việc, tôi vẫn cho rằng hãy suy nghĩ thật kĩ. Hoang mang trên chặn đường sự nghiệp tôi không dám chắc là ai cũng gặp phải, vì có những người họ quá tài giỏi để được chào đón tất cả mọi nơi.
Nhưng có những người như tôi, vấn đề nằm ở niềm tin mà nhà tuyển dụng họ đặt vào, tự nhiên vì nhảy việc mà bị vơi đi hơn một nửa. Có thật sự là mình sẽ có được cơ hội tốt hơn khi làm việc khác? Có chắc chắn rằng mình sẽ có công việc mới khi mình từ bỏ công việc này? Liệu mình có đang từ bỏ một cơ hội quá sớm chỉ vì những mệt mỏi này không? Hãy suy nghĩ những vấn đề này, còn nếu vì tiền lương thì xin đừng. Vì tôi nghĩ, một khi thật sự tài giỏi, phát triển được bản thân tốt, thì tự khắc tiền sẽ đi song song theo khả năng đó.
Bây giờ tôi vẫn hoang mang. Chán việc, áp lực và từ bỏ để tìm việc mới, nó thật sự chẳng khác nào là một sự đánh đổi cả. Và sự đánh đổi đó đôi khi tôi phải trả giá rất nhiều, bằng đôi bàn tay trắng.
Quyền Linh
Hồ Chí Minh