Hành trình tìm nghề hợp nhất của HRBP Manager MoMo: Tưởng là kế toán, hóa ra bén duyên cùng nhân sự

Hành trình sự nghiệp của chị Nguyễn Thị Thanh Lam – HRBP Manager tại MoMo bắt đầu từ khoảnh khắc chị cảm thấy không còn phù hợp với nghề kế toán. Quyết định nghỉ việc dù đứng trước nhiều cơ hội đầy triển vọng, bắt đầu với ngành nhân sự hoàn toàn mới mẻ, chị Thanh Lam đã có những bước đi như thế nào để tìm thấy đam mê và khẳng định bản thân. Việc Làm 24h đã cùng ngồi lại với chị Thanh Lam, một tiền bối đã có kinh nghiệm 8 năm trong lĩnh vực nhân sự, để nghe chị kể về lý do chọn nghề HRBP là gì và kỹ năng làm nghề chuyên nghiệp.

Chọn nghề chưa hợp – Đi làm trở thành gánh nặng

Từ một người được đào tạo bài bản theo ngành kế toán, đã đảm nhiệm công việc này được một thời gian, vì sao chị vẫn lựa chọn theo đuổi một công việc hoàn toàn khác?

Chị từng trải qua giai đoạn học ngành kế toán, lúc ấy đã có cảm giác không vui với việc học nhưng vẫn cố gắng theo để có được tấm bằng tốt nghiệp cho xong. Sau khi ra trường, chị nộp đơn vào một công ty outsourcing cho doanh nghiệp ở Úc với công việc kế toán. Vào thời điểm công việc ấy, công việc đang có nhiều triển vọng để phát triển.

Dù vậy, càng ngày chị càng cảm nhận rõ mình không thích công việc này. Công việc chỉ tiếp xúc với máy tính, như “thợ” và không thể kết nối với con người, hết ngày rồi về. Chị cảm giác mỗi ngày không hứng thú đi làm, cảm giác cuộc đời chôn vùi vào thứ không thuộc về mình. Chị cứ lần lữa mãi vì tiếc khoảng thời gian đi học. Lúc ấy, chị cũng chưa dám quyết định ngay vì không đủ tiền trang trải trong lúc tìm việc mới. Tuy nhiên, sau 8 tháng thử và đắn đo, chị quyết định nghỉ và tìm cơ hội ở lĩnh vực mới.

HRBP là gì

Dù có làm công việc mình yêu thích, nhiều bạn trẻ vẫn chia sẻ cảm giác có những ngày ngủ dậy vẫn không muốn đi làm, chị có nghĩ đây là cảm giác bất kỳ người đi làm nào cũng sẽ trải qua?

Điều này phụ thuộc vào tâm trạng, mà tâm trạng thì mình phải chấp nhận là sẽ có lúc lên lúc xuống. Chị nghĩ chỉ 10% sẽ người đi làm vì đam mê còn lại 90% kia sẽ phụ thuộc vào các yếu tố khác như: môi trường làm việc, công ty này phù hợp với tôi về kế hoạch bản thân, chặng đường sự nghiệp, sếp và đồng nghiệp rất vui, thành quả công việc được sếp công nhận… Đây là câu chuyện của sự phù hợp, chưa bàn đến yếu tố tốt hay không.

HRBP là gì? HRBP đúng nghĩa không dành cho Fresher

Vậy từ cơ duyên nào đã đưa chị đến với ngành nhân sự? Chị có thể chia sẻ những tiêu chí khi lựa chọn công việc mới?

Khi muốn chuyển ngành, chị có xu hướng tìm kiếm công việc liên quan đến nhân sự hoặc admin (hành chính văn phòng) vì gần nhất với công việc kế toán đã được đào tạo. Nhân sự sẽ có một số phân ngành liên quan đến tính lương, cần người có nền tảng kiến thức về kế toán. Công việc hành chính cũng không cần một kỹ năng nào quá chuyên môn. Một điểm hay là khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp lớn, chị được trải nghiệm các công cụ trắc nghiệm tính cách đánh giá độ phù hợp công việc của bản thân. Đây là một nguồn tham khảo tốt để lựa chọn nghề nghiệp.

Chị có may mắn tìm được công việc Consultant (Tư vấn) tại TalentNet. Công việc với các nhiệm vụ như làm các khảo sát về lương, tư vấn cho dự án liên quan đến đánh giá các vị trí công việc, khung lương, khung phúc lợi cho nhân sự… Chị cảm giác công việc rất thú vị vì vừa cho phép chị tận dụng được lợi thế nhạy cảm với các con số, vừa được giao tiếp với khách hàng. Chị thấy rất đúng thời điểm vì lúc này chị đang muốn học một nghề hoàn toàn khác.

Lý do chị chọn công việc HRBP là gì? Để thăng tiến lên vị trí HRBP Manager, chị đã trải qua những công việc gì trong ngành nhân sự?

Sau 3 năm làm việc trong mảng Consultant, công việc chỉ chạy theo các dự án ngắn hạn từ 3 – 4 tháng cho những doanh nghiệp khác, chị muốn tìm kiếm một hướng đi dài hạn hơn, không phải dài hạn theo hướng ở lâu tại một vị trí. Chị dần nhận ra việc thực thi dự án có khi mất từ 2 – 3 năm, nhiều thời gian hơn vẽ ra framework đôi khi chỉ cần 2 – 3 tháng. Chị đã được trải nghiệm công việc vẽ framework và muốn học thêm về triển khai dự án nên đã chọn công việc tiếp theo liên quan đến mảng C&B. Sau đó, chị nhận ra thế mạnh của bản thân là phân tích các dự án, trong khi công việc C&B bắt đầu chuyển sang giai đoạn vận hành. Hơn 50% mô tả công việc giai đoạn này không còn mang lại cho chị cảm hứng.

HRBP là gì

Từ đó, chị quyết định chuyển sang HRBP với mong muốn được hiểu hơn về mô hình kinh doanh. HRBP là gì? Có thể hiểu HRBP (Human Resource Business Partner) là người đi cùng business. Nhiệm vụ chính là define (xác định) kế hoạch, trong quá trình thực hiện cần kiểm tra liên tục, nếu có vấn đề cần thay đổi thì phải điều chỉnh kế hoạch.

Tuy nhiên, không thể nói HRBP chỉ có công việc làm kế hoạch vì business thay đổi liên tục. Lấy ví dụ vào năm 2021 không ai nghĩ rằng tình trạng lockdown kéo dài đến vài tháng. Đầu năm doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng, tuyển nhân sự liên tục, vậy đến cuối năm kế hoạch ấy có còn phù hợp không. Người làm HRBP cần theo sát liên tục với kế hoạch kinh doanh.

Chị đánh giá những khó khăn của nghề HRBP là gì, cơ hội nghề nghiệp HRBP tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

Ở một số công ty sẽ không có vị trí HRBP vì có thể chính HRM (Human Resource Manager) đang kiêm nhiệm luôn vị trí đó. Thật ra vị trí HRBP không có cũng không sao. Tuy nhiên, tại Việt Nam HRBP đi theo đúng ý tưởng của cha đẻ mô hình Dave Ulrich (bao gồm Define – Design – Deliver) hiện chưa có nhiều. Kể cả khi define (xác định) kế hoạch, người làm HRBP tại Việt Nam cũng cần phải deliver (phân phối) kế hoạch làm sao để ra được kết quả mong muốn.

Rất ít doanh nghiệp tìm kiếm HRBP ở trình độ fresher hoặc Intern. Lộ trình phát triển của các bạn làm HRBP là gì? Thông thường bạn sẽ là chuyển qua từ một mảng nhân sự nào đó, thông thường là TA (Talent Acquisition), L&D (Learning & Development)… Tuy nhiên tuyển vị trí HRBP phụ thuộc vào giai đoạn đó công ty đang cần gì. Ví dụ khi chị đang làm cho nhà máy, vấn đề công ty đang gặp phải là công nhân cảm thấy mức lương quá thấp. Vấn đề lớn nhất lúc này là C&B, không phải tuyển dụng. Lúc này, một bạn HRBP với kinh nghiệm làm việc liên quan đến C&B sẽ nắm bắt nhanh hơn để giải quyết vấn đề ấy.

Cấp bậc thăng tiến cho nghề HRBP là gì? Người làm HRBP có thể thăng tiến lên vị trí HR Director, Head of HR,… Tuy nhiên cái khó của những người làm HRBP khi lên vị trí HR Director là phải đảm nhận các nhiệm vụ liên quan đến vận hành. HRBP rất khác với HR General. Khi làm vị trí General, bạn sẽ phải đảm nhận tất cả các đầu việc còn nhiệm vụ chính của HRBP là thiết kế các giải pháp về nhân sự cho doanh nghiệp.

HRBP là gì

Xem thêm: Nhân sự là gì? Lộ trình thăng tiến nghề nhân sự từ A-Z mới nhất 2022

Nhảy việc và tham vọng đúng cách cũng là một loại kỹ năng

Là một người đã có kinh nghiệm nhảy việc sang một lĩnh vực hoàn toàn mới, chị đánh giá những bất lợi và lợi thế mà các bạn trẻ cần nhận thức rõ khi đứng trước quyết định này như thế nào?

Về bất lợi thì rất dễ dàng để thấy. Các bạn fresher hoàn toàn chưa có kinh nghiệm khi ra trường, công ty cần ngân sách rất lớn để đào tạo. Dù các bạn học đúng ngành, khi bước chân vào môi trường công việc cũng phải đào tạo thêm. Những bạn trái ngành sẽ mất gấp đôi, gấp ba lần khoảng thời gian để thành thạo. Doanh nghiệp sẽ cân nhắc về chi phí đào tạo, liệu có cần thiết phải tuyển các bạn trái ngành không. Chắc chắn đó sẽ là bất lợi rất lớn cho những bạn nhảy ngành.

HRBP là gì

Ví dụ điển hình như ngành kỹ thuật, khi chị làm nhân sự cho nhà máy, chị vẫn ưu tiên tuyển các bạn có kiến thức từ các trường như Bách Khoa, Sư Phạm Kỹ Thuật, Cao Thắng,… Nếu tuyển bạn từ chuyên ngành Kinh tế, dù có giỏi đến đâu, đứng trước một cái máy mới bạn cũng sẽ không biết phải làm gì.

Về mặt lợi thế còn phụ thuộc rất nhiều vào góc nhìn của nhà tuyển dụng. Có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tuyển các bạn có background từ ngành khác. Một số ngành nghề vẫn đón chào các bạn làm việc trái ngành, điển hình là Data Analytics. Hiện chưa có trường lớp đào tạo bài bản cho ngành này nên đa phần các bạn chỉ cần chứng chỉ, tư duy tốt, đầu óc nhạy bén, sử dụng được các công cụ phân tích, bạn vẫn có cơ hội xin được việc, thậm chí không cần tốt nghiệp đại học.

Tuy nhiên, các bạn làm trái ngành cũng cần chú ý đến kỹ năng làm CV. Trong CV của các bạn phải thể hiện được bạn có những kinh nghiệm tham gia các hội thi, câu lạc bộ hoặc hoạt động ngoại khóa liên quan đến công việc đang ứng tuyển. Nếu không, doanh nghiệp có thể loại bạn ngay vòng đầu tiên hoặc bạn sẽ gặp bất lợi rất lớn khi không có trải nghiệm để trả lời phỏng vấn.

Xem thêm: Cách làm CV cho sinh viên mới ra trường, giúp bạn nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng

Vậy nhân sự có phải là ngành mở phù hợp cho các bạn muốn nhảy ngành? Có nhận định cho rằng ai cũng có thể làm nghề nhân sự, chị có đồng ý với nhận định đó không?

Chị đồng ý trong ngành nhân sự background của các bạn khá đa dạng. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào bạn làm phân ngành nào của nhân sự. Ví dụ bạn làm nhân sự chuyên về mảng Payroll, doanh nghiệp có thể cần các bạn có bằng cấp kế toán. Nếu các bạn fresher học chuyên ngành kinh tế, có thể thử công việc tuyển dụng và các phân ngành khác của nhân sự, ngoại trừ C&B và HRBP.

Chị đánh giá thế nào về thế hệ gen Z đang tham gia vào thị trường lao động hiện tại?

Chị quan niệm gen Z cũng là một độ tuổi khác tham gia vào lao động thôi. Đó là quy luật vận động của xã hội. Vì gen Z mới tham gia, mọi người sẽ chưa có nhiều trải nghiệm với các bạn. Gen Z có rất nhiều tiềm năng phát triển khi so sánh với thế hệ gen X không có nhiều cơ hội, còn phải xem TV trắng đen. Gen Z sinh trưởng trong những gia đình có điều kiện kinh tế, được tiếp xúc với những mô hình giáo dục hiện đại bao gồm cả critical thinking, đẩy mạnh tầm quan trọng của cái tôi,… Các công ty cũng phải nghĩ ra các vị trí công việc phù hợp với gen Z. Gen Y nếu không đi nhanh được bằng gen Z thì bắt buộc phải nhường sân chơi.

HRBP là gì

Với vai trò một người làm nhân sự, chị thấy đâu sẽ là hình mẫu nhân viên lý tưởng?

Chị không có hình mẫu lý tưởng, quan trọng là bạn ấy phù hợp với văn hóa công ty và màu sắc team ấy đang tìm kiếm. Ví dụ với những công ty lớn, họ rất quan trọng việc tuân thủ quy định. Trong lúc phỏng vấn, ứng viên lại thể hiện mình không phải là người thích theo quy tắc luật lệ, nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá không phù hợp. Công ty đánh giá cao integrity nhưng bạn lại nói dối dù là một chi tiết nhỏ, nhà tuyển dụng cũng sẽ cho rằng bạn không phù hợp với giá trị công ty.

Với các bạn muốn gia nhập ngành nhân sự dù ở bất kì level nào, những vấn đề tưởng chừng rất cơ bản như đọc kỹ Job Description (mô tả công việc), thông tin về công ty, nhưng bạn lại không đầu tư tìm hiểu thì chị cũng không chấp nhận. Đối với chị, nhân sự không chỉ là người thực hiện một nhiệm vụ chuyên biệt mà còn là Ambassador (đại sứ) của công ty để quảng bá hình ảnh. Điều này còn thể hiện mức độ tôn trọng của bạn với nghề.

HRBP là gì

Cảm ơn chị về những chia sẻ vừa rồi!

5 lời khuyên Alo tiền bối! mong bạn ghi nhớ:

1. Chọn nghề là câu chuyện của sự phù hợp. Nếu đi làm mỗi ngày trở thành gánh nặng, hãy nghĩ đến một công việc phù hợp hơn.

2. Người làm trái ngành sẽ mất gấp 3 lần thời gian so với những người được đào tạo bài bản để thành thạo công việc. Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi nhảy ngành.

3. Dù thuộc gen X, Y, hay Z, nếu không rèn luyện các kỹ năng thường xuyên, bạn cũng sẽ sớm bị loại bỏ khỏi cuộc chơi.

4. HRBP là gì, HRBP là nghề nhân sự đồng hành sát sao với các chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. HRBP là công việc nhân sự cần học tập nhiều nhất.

5. Người làm nhân sự chính là đại sứ thương hiệu của công ty, khi đi ứng tuyển, bạn cần nắm các thông tin hơn bất kỳ ai khác.

Việc Làm 24h hy vọng những chia sẻ từ chị Thanh Lam đã giúp các bạn có thêm nhiều góc nhìn  về nghề HRBP là gì, những kỹ năng cần thiết nếu muốn làm trái ngành. Chúc các bạn sẽ tìm ra cho mình nghề nghiệp phù hợp với bản thân và cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Đừng quên truy cập Việc Làm 24h khi có ý định tìm kiếm công việc mới nhé.

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục