Ngành quảng cáo học trường nào, mức lương khi đi làm có cao không?

Cùng với xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên thị trường hiện nay, các hoạt động quảng cáo được đẩy mạnh trên các nền tảng số và quảng bá sản phẩm, thương hiệu “chạm” gần hơn đến người tiêu dùng. Cũng chính vì thế mà chuyên ngành quảng cáo trở nên HOT hơn bao giờ hết, được nhiều bạn trẻ quan tâm và theo đuổi. Vậy ngành quảng cáo là gì? Ngành quảng cáo học trường nào? Học ngành quảng cáo ra làm gì, triển vọng nghề nghiệp ra sao? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h

Ngành quảng cáo là gì?

ngành quảng cáo
Ngành quảng cáo là một trong những ngành dẫn đầu về lượng thí sinh xét tuyển hàng năm

Quảng cáo (Advertising) là một phần của chiến lược truyền thông Marketing. Đây là hoạt động truyền thông trả phí của doanh nghiệp để tăng sự hiện diện của sản phẩm, dịch vụ và thu hút sự chú ý của công chúng. Nhiều bạn thường nhầm giữa thuật ngữ quảng cáo và PR, do quá trình truyền thông và giới thiệu sản phẩm/dịch vụ đến với công chúng khá tương tự. Tuy nhiên, PR là thông tin của một bên thứ ba nói về doanh nghiệp và mang tính phi thương mại, còn quảng cáo là những thông tin chính xác được chính doanh nghiệp cung cấp và mang tính thương mại. 

Ngành quảng cáo là ngành học mang đến những kiến thức về bản chất, chức năng, nhiệm vụ và vai trò của hoạt động quảng cáo, Marketing đối với doanh nghiệp, cá nhân. Ngoài ra, sinh viên theo học ngành quảng cáo còn được tìm hiểu các kỹ thuật, phương tiện truyền thông hỗ trợ và nắm rõ quy trình hoạch định chiến lược quảng cáo đảm bảo hiệu quả.

Ngành quảng cáo học gì?

Ngành quảng cáo được chia thành 2 chuyên ngành chính:

Chuyên ngành Quảng cáo số: Trang bị cho người học các kiến thức về hoạt động quảng bá sản phẩm/dịch vụ, qua đó, người học xác định mục tiêu và biết cách đo lường hiệu quả của từng chiến dịch quảng cáo dựa trên công nghệ số (digital). Một số môn học trọng tâm của chuyên ngành này gồm có Quảng cáo trực tuyến, Digital Marketing, Thiết kế web quảng cáo, Thiết kế hình hiệu,…

Chuyên ngành Quản trị quảng cáo: Trang bị cho người học kiến thức về kỹ thuật quản lý, kỹ năng phối hợp và phương thức vận hành ngành quảng cáo đạt hiệu quả cao. Một số môn học trọng tâm của chuyên ngành này gồm có Phân tích dữ liệu truyền thông, Quản lý dự án quảng cáo, Quản trị khách hàng quảng cáo, Kinh doanh quảng cáo,…

Mã ngành và các khối thi ngành quảng cáo 

Mã ngành quảng cáo: 7320110

Một số khối thi xét tuyển vào ngành quảng cáo:

A00 (Toán, Vật lý, Hóa học)

A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh)

C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí)

D01 (Ngữ văn, Toán, tiếng Anh)

D72 (Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh)

D78 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh)

Ngành quảng cáo học trường nào? 

ngành quảng cáo
Nhiều trường đào tạo ngành quảng cáo uy tín hiện nay mà chắc chắn bạn sẽ cần

Quảng cáo là ngành thuộc lĩnh vực Marketing, do đó, các bạn có thể được đào tạo bài bản kiến thức về Marketing nói chung và quảng cáo nói riêng tại một số trường đại học dưới đây:

Khu vực Hà Nội:

  • Học Viện Báo Chí và Tuyên Truyền
  • Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông (Phía Bắc)
  • Học Viện Ngoại Giao
  • Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia Hà Nội
  • Đại học Kinh tế Quốc dân
  • Đại học Thương Mại
  • Đại học Hà Nội
  • Đại học Văn Hoá Hà Nội
  • Đại Học Công Nghiệp Hà Nội

Khu vực TP Hồ Chí Minh:

  • Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông (phía Nam)
  • Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia TPHCM
  • Đại học Công Nghệ TPHCM
  • Đại Học Tài Chính Marketing
  • Đại Học Kinh Tế TPHCM
  • Đại Học Tôn Đức Thắng
  • Đại Học Mở TPHCM

Các tỉnh thành khác:

  • Đại học Khoa học – Đại học Huế
  • Đại Học Nha Trang
  • Đại học Công Nghệ Thông Tin và Truyền Thông – Đại Học Thái Nguyên
  • Đại Học Hòa Bình
  • Đại Học Cần Thơ

Triển vọng nghề nghiệp ngành quảng cáo ra sao, mức lương thế nào?

Xu hướng chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện nay đã kéo theo hoạt động quảng cáo trở nên không thể thiếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Nếu muốn thúc đẩy doanh số sản phẩm/dịch vụ, các doanh nghiệp thường không tiếc tiền đầu tư vào quảng cáo truyền thông. Chính vì thế, ngành quảng cáo là một lựa chọn tuyệt vời, mang đến nhiều cơ hội việc làm trên thị trường tuyển dụng hiện nay. Hơn nữa, các bạn có cơ hội làm việc trong môi trường năng động, hiện đại và được thỏa sức phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới mỗi ngày để phát triển các chiến dịch quảng cáo nổi bật.

Mức lương ngành quảng cáo dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng. Đối với các bạn có hơn 2-3 năm kinh nghiệm, mức lương có thể lên đến 15-20 triệu đồng/tháng. Chưa kể, người làm trong ngành quảng cáo thường nhận được các khoản thưởng hấp dẫn nếu dự án, chiến dịch quảng cáo hiệu quả, đạt KPI đề ra. 

Xem thêm: Nên làm gì khi không đạt KPI: Trốn tránh hay đương đầu?

Học ngành quảng cáo ra làm gì, cơ hội nghề nghiệp ra sao?

ngành quảng cáo
Học ngành ra làm gì, mức lương ra sao, có cơ hội phát triển không? 

Với xu thế truyền thông phát triển không ngừng hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng tích cực thúc đẩy hoạt động quảng cáo sản phẩm/dịch vụ và khẳng định sự hiện diện thương hiệu trước công chúng. Điều này mang đến cơ hội “vàng” giúp các bạn tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực của bản thân.

Sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể làm việc tại các công ty, đại lý quảng cáo, các hãng, doanh nghiệp, cơ quan truyền thông đại chúng,… và giữ một số vị trí quan trọng sau:

Quản lý dự án (Project manager): Người sắp xếp kế hoạch, thời gian, trang thiết bị, ngân sách,…của một dự án, đốc thúc dự án đảm bảo tiến độ.

Nhân viên quan hệ khách hàng (Account executive): Người giữ vai trò cầu nối giữa công ty và khách hàng, quản lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. 

Chuyên viên lập kế hoạch truyền thông (Media Planner): Xác định phương tiện phân phối các chiến lược quảng cáo và sắp xếp vị trí quảng cáo, địa điểm truyền thông. 

Chuyên viên quảng cáo (Copywriter): Đưa ra các ý tưởng và viết khẩu hiệu, thông điệp quảng cáo “ăn tiền” dựa trên yêu cầu, mong muốn của khách hàng và phù hợp với thị trường mục tiêu.

Chuyên viên nghiên cứu và lập Creative Brief: Nghiên cứu thị trường, phân tích dữ liệu, xác định mục tiêu dự án và lập danh sách các mục tiêu cụ thể mà chiến dịch quảng cáo cần đạt được. 

Nhân viên thiết kế quảng cáo: Đưa ra các ý tưởng thiết kế phù hợp và thiết kế các sản phẩm quảng cáo như hình ảnh, banner, poster, tờ rơi, bản in, brochure, video,…

Chuyên viên chạy quảng cáo kỹ thuật số (Digital advertising): Chịu trách nhiệm triển khai và quản lý các chiến lược quảng cáo trực tuyến sáng tạo. 

Xem thêm: Lộ trình tự học Digital Marketing từ A đến Z bất kỳ ai cũng có thể theo đuổi

Đâu là tố chất quan trọng giúp bạn thành công trong ngành quảng cáo?

Dưới đây là những tố chất và kỹ năng quan trọng không thể thiếu trong ngành quảng cáo. 

  • Khả năng sáng tạo, yêu thích việc đưa ra những ý tưởng độc đáo.
  • Kỹ năng truyền đạt ý tưởng độc đáo.
  • Nhanh nhạy với truyền thông và khả năng nắm bắt xu hướng mới.
  • Am hiểu các kênh social như Facebook, TikTok, Zalo, Youtube….
  • Khả năng thu thập, nghiên cứu và phân tích thông tin.
  • Năng lực sử dụng các công cụ và công nghệ thực hiện chiến lược quảng cáo.
  • Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình tốt.
  • Kỹ năng làm việc nhóm.
  • Chịu được áp lực cao trong công việc.

Các câu hỏi thường gặp về ngành quảng cáo

Làm quảng cáo là đồng nghĩa với thỏa sức sáng tạo?

Với suy nghĩ làm quảng cáo cũng giống như nghệ thuật, phải thật bay bổng, cá tính với những ý tưởng độc lạ “không đụng hàng”, các sinh viên mới ra trường mới ra trường đã cảm thấy khủng hoảng khi nghe các anh chị cấp trên nhận xét và phê bình về bản ý tưởng đầu tiên của mình. Các bạn ngộ ra sự thật phũ phàng ngành quảng cáo truyền thông được sinh ra cũng để phục vụ cho mục tiêu cuối cùng là khách hàng, nhãn hàng, các hoạt động kinh doanh… Vì thế, cho dù ý tưởng có thật sự sáng tạo cũng phải tuân theo một số nguyên tắc hay giới hạn về kinh phí, thời gian, nguồn lực và đặc biệt là phải đáp ứng nhu cầu từ khách hàng.

Làm ngành sáng tạo sẽ không bao giờ thấy nhàm chán hay áp lực?

Sự thật là khi đã làm trong những ngành nghề liên quan đến sáng tạo, điều không bao giờ được phép nhàm chán chính là bản thân bạn và ý tưởng của mình, bởi nếu bạn để điều này xảy ra thì bạn đang tự đào thải chính mình ra khỏi ngành. Và việc luôn luôn phải cập nhật, học hỏi và làm mới chính mình cũng là một trong những áp lực luôn có ở người làm trong ngành bên cạnh những loại áp lực khác như sản xuất ý tưởng hay, deadline kề cận, hay áp lực từ khách hàng khó tính… 

Xem thêm: 5 tuyệt chiêu giúp nhân viên vượt qua áp lực công việc mùa lễ hội

Đây là ngành nghề dựa hoàn toàn trên năng khiếu

Điều này đúng một phần bởi trong bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, nếu bạn có sẵn các năng khiếu liên quan thì bạn sẽ có lợi thế hơn. Ngành quảng cáo cũng không ngoại lệ, các năng khiếu về viết lách, thiết kế, thẩm mỹ…sẽ giúp bạn dễ dàng gia nhập ngành. Tuy nhiên, những điều trên chỉ giúp bạn đi nhanh hơn trên cùng một con đường với mọi người, để có thể đi được một con đường dài và vững chắc trong nghề này thì khả năng học hỏi, bắt các kịp những xu hướng mới và chuyển đổi ý tưởng sáng tạo cá nhân thành sản phẩm cụ thể, phù hợp với thị hiếu mới là yếu tố quyết định sự thành công.

Lương, thưởng luôn cao ngất ngưởng 

Khi nhìn vào nguồn doanh thu khổng lồ mà ngành này mang về, chắc chắn không ít các bạn trẻ cũng từng có suy nghĩ nhân sự trong ngành này cũng sẽ có lương, thưởng cao hơn nhiều so với những ngành nghề khác. Tuy nhiên, trong ngành truyền thông quảng cáo cũng có rất nhiều mảng, nhiều bộ phận phối hợp làm việc với quy mô rất phong phú và mức lương cũng rất đa dạng tùy theo chuyên môn và kinh nghiệm. Hơn nữa, để có được một chiến dịch quảng cáo thành công vang dội không thể nào chỉ dựa trên ý tưởng hay công sức của một cá nhân, và dĩ nhiên thành quả nhận được cũng cần phải chia sẻ cho cả tập thể.

Kết luận

Ngành quảng cáo ngày càng phát triển và trở thành ngành HOT hiện nay, đây chắc chắn là lựa chọn tuyệt vời dành cho các bạn trẻ tư duy sáng tạo, giao tiếp tốt và thích nắm bắt xu hướng độc đáo. Hy vọng những thông tin mà Việc Làm 24h chia sẻ trong bài viết trên thực sự hữu ích để các bạn có thể theo đuổi và chinh phục mục tiêu nghề nghiệp của mình. Chúc các bạn thành công. 

Xem thêm: Thực tập sinh pháp lý có nhiệm vụ gì, có cơ hội trở thành nhân viên chính thức không?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục