Bật mí cách trả lời điểm yếu bản thân giúp tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng

“Nêu điểm yếu của bản thân” là câu hỏi phổ biến ở mọi cuộc phỏng vấn. Nếu có câu trả lời tốt sẽ giúp bạn nổi bật so với những ứng viên khác. Chìa khóa để chuẩn bị cho câu hỏi này là xác định điểm yếu nhưng vẫn truyền đạt được điểm mạnh và hướng về sự tích cực. Vậy phải trả lời câu hỏi này như thế nào? Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu về điểm yếu của bản thân thông qua những câu trả lời gợi ý ở bài viết này.

Tại sao người phỏng vấn lại hỏi “điểm yếu của bạn là gì?”

điểm yếu của bản thân
Nêu điểm yếu của bản thân là câu hỏi phổ biến trong phỏng vấn

Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao các nhà tuyển dụng lại yêu cầu đưa ra danh sách điểm yếu của bản thân trong cuộc phỏng vấn? Nếu bạn cho rằng đây là câu hỏi bất lợi vì “tốt khoe, xấu che”, rất có thể bạn đang hiểu sai ý đồ của nhà tuyển dụng. Để có câu trả lời tốt nhất, bạn nên hiểu lý do tại sao nhà tuyển dụng lại đề cập đến vấn đề này. Khi nhà tuyển dụng yêu cầu đưa ra điểm yếu của bản thân, họ đang tìm kiếm ở bạn những điều sau:

  • Tính trung thực: họ muốn biết rằng bạn có đang trung thực để đưa ra điểm yếu thực sự. Lựa chọn tốt nhất là hãy cởi mở về chúng, vì khi bạn được chọn, điểm yếu sẽ xuất hiện theo cách này hay cách khác, và bạn chẳng thể giấu được mãi.
  • Khả năng tự nhận thức bản thân: bạn có đang thực sự hiểu chính mình. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao điều này vì nhận thức được bản thân sẽ giúp bạn có những hành động phù hợp.
  • Sẵn sàng thay đổi: mọi người đều có điểm yếu, ngay cả nhà tuyển dụng cũng vậy. Đó là lý do họ không muốn bạn nói dối về điều này. Đồng thời họ cũng mong đợi bạn sẵn sàng và cố gắng cải thiện điểm yếu của bản thân.
điểm yếu của bản thân
Bạn có xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân

Ngoài ra, thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu sự phù hợp giữa bạn và công việc, bạn và team, công ty. Từ đó tránh trường hợp không phù hợp từ sớm.

Khi đã hiểu được mục đích và tâm ý của nhà tuyển dụng qua câu hỏi nêu điểm yếu của bản thân, câu trả lời sẽ dễ dàng hơn và bạn cũng không quá áp lực khi thể hiện mặt chưa tốt của mình. Vậy làm thế nào để có câu trả lời phù hợp nhất?

điểm yếu của bản thân
Làm thế nào để trả lời câu hỏi phỏng vấn “điểm yếu của bạn là gì?”

Cách trả lời điểm yếu của bản thân ghi điểm với nhà tuyển dụng

Đầu tiên, hãy thành thật và nói rõ điểm yếu của bản thân. Thay vì trả lời chung chung, qua loa, bạn nên thể hiện điểm yếu theo cách tích cực bằng cách:

  • Không nói dối nhưng hãy chọn điểm yếu không liên quan đến vị trí đang ứng tuyển. Bạn không thể trả lời hạn chế của bạn là khả năng viết chưa tốt khi đang phỏng vấn vị trí content phải không?
  • Đề cập đến giải pháp bạn đang thực hiện để khắc phục và cải thiện điểm yếu này.

Ví dụ: bạn đang ứng tuyển cho vị trí Copy Editor với mô tả công việc bao gồm:

điểm yếu của bản thân
Mô tả công việc của Copy Editor

Khi trả lời điểm yếu của bản thân, bạn không nên đề cập đến kỹ năng giao tiếp (communicate), cẩn thận để đảm bảo sự chính xác (accurate), chú ý đến chi tiết (proofread) hoặc làm việc nhóm (engage). Những kỹ năng này đều cần thiết cho công việc, khi bạn trả lời chúng như là điểm yếu, người thiệt thòi chính là bạn. Thay vào đó, hãy xác định điểm yếu khác, thể hiện chân thành và làm nổi bật cách bạn đang và sẽ khắc phục chúng. 

Ví dụ: Điểm yếu của em là quản lý thời gian. Em là người nghiêng về định hướng chi tiết nên đôi khi sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc so với dự định. Do đó, em đã sử dụng phần mềm quản lý thời gian ColorNote để hoàn thành công việc theo kế hoạch.

Câu trả lời này đã đáp ứng các tiêu chí:

  • Điểm yếu rõ ràng và không liên quan đến vị trí ứng tuyển.
  • Thể hiện cách bạn cải thiện điểm yếu.
  • Đề cập khéo léo đến điểm mạnh cần thiết cho công việc là định hướng chi tiết.
điểm yếu của bản thân
Một câu trả lời tốt sẽ giúp bạn nổi bật trong buổi phỏng vấn

Xem thêm: Đi phỏng vấn mặc gì? Bí kíp để thành công lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng

Gợi ý câu trả lời khi được hỏi “điểm yếu của thân là gì?”

Thiếu kinh nghiệm

Nếu bạn là sinh viên mới tốt nghiệp hoặc làm trái ngành, đây sẽ là câu trả lời phù hợp. 

Ví dụ: bạn là sinh viên mới ra trường và ứng tuyển vị trí nhân viên thiết kế đồ họa. Bạn có thể trả lời rằng bản thân thiếu kinh nghiệm ở phần mềm A vì bạn thường sử dụng phần mềm B hơn:

“Em chưa có nhiều kinh nghiệm dùng AI vì em chủ yếu sử dụng Corel. Tuy nhiên, đây đều là 2 phần mềm thiết kế chính nên em đang tự học thiết kế bằng AI thông qua các video hướng dẫn trên Youtube.”

Thiếu kinh nghiệm là điểm yếu của sinh viên mới ra trường

Tập trung quá mức vào chi tiết

Tập trung vào chi tiết thường là kỹ năng tốt, nhưng nếu bạn là người có xu hướng dành quá nhiều thời gian vào tiểu tiết thì sẽ trở thành điểm yếu. Tuy nhiên bạn vẫn có thể làm nổi bật yếu tố tích cực là tập trung vào chi tiết sẽ giảm thiểu sai sót trong công việc. Đồng thời thể hiện bạn đang cố gắng cải thiện bằng cách nhìn tổng quát công việc. Ví dụ:

“Điểm yếu của em là tập trung quá nhiều vào chi tiết và dành thời gian phân tích các giải pháp tốt hơn. Em đã cố gắng cải thiện hạn chế này bằng cách tập trung vào bức tranh toàn cảnh và giữ mình không sa đà vào các chi tiết. Qua đó, em sẽ tránh được trường hợp trễ thời hạn hay ảnh hưởng đến năng suất làm việc.”

Thiếu kiên nhẫn, nóng vội

Thiếu kiên nhẫn có thể dẫn đến những hành động thái quá khi bạn đang làm việc. Những trường hợp làm bạn nóng vội như chưa hoàn thành nhiệm vụ khi đã gần đến hạn, đồng nghiệp sơ suất làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án… Điều quan trọng là cách bạn phản ứng với cảm xúc tiêu cực này và không để ảnh hưởng đến mối quan hệ với đồng nghiệp, khách hàng…

Câu trả lời tham khảo cho điểm yếu này là:

“Thiếu kiên nhẫn, nóng vội là điểm yếu của em. Khi cùng làm việc với nhóm trong một dự án, nếu có vấn đề không được xử lý theo cách tốt nhất, em thường khó chịu và đứng ngồi không yên. Điều này đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của em với đồng nghiệp. Do đó, em đã tham gia các buổi thiền cộng đồng và đăng ký khóa học làm chủ cảm xúc để trau dồi tính kiên nhẫn. Đồng thời em cũng đang tích cực rèn luyện để biến sự kiên nhẫn trở thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày.”

điểm yếu của bản thân
Nên đưa ra cách khắc phục cho những điểm yếu

Chỉ trích bản thân

Không ít bạn gặp phải vấn đề này, tại thời điểm nào đó bản thân cảm thấy như thể mình có thể làm tốt hơn thế hoặc đã không cố gắng hết sức cho công việc. Nếu xác định đây là điểm yếu của bản thân, bạn có thể chọn cách trả lời như sau:

“Điểm yếu lớn nhất của em là quá chỉ trích bản thân và thường cảm thấy bản thân không cống hiến hết sức hay em đã làm mọi người thất vọng. Điều này khiến em luôn trong tình trạng làm việc quá sức, cảm thấy thua kém đồng nghiệp dù quản lý không đánh giá về em như vậy. Để vượt qua cảm giác này, em đã tích cực làm việc với chính mình và đối xử công bằng hơn với bản thân.”

Đa nhiệm

Chắc hẳn nhiều bạn sẽ nghĩ đa nhiệm phải là điểm mạnh. Lối sống bận rộn ngày nay đôi khi đánh lừa bạn rằng đây là điều tuyệt vời, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy đa nhiệm có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Đây là cách trả lời cho điểm yếu này:

“Trước đây em không nghĩ đa nhiệm là điểm yếu của mình. Tuy nhiên, ở công việc cũ, em đã giải quyết nhiều nhiệm vụ cùng lúc dẫn đến sự mất tập trung và ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Kể từ đó, em nhận thấy đa nhiệm là điểm yếu của mình. Em đã thay đổi cách làm việc, cố gắng xác định rõ và phân chia công việc theo mức độ ưu tiên.”

Xem thêm: Multitasking skill – Có nên trở thành người làm việc đa nhiệm?

điểm yếu của bản thân
Làm nhiều việc cùng lúc dễ dẫn đến sự mất tập trung

Sự trì hoãn

Khi chọn sự trì hoãn là điểm yếu của bản thân, bạn nên có sự chuẩn bị về câu trả lời thật khéo léo. Nếu không nhà tuyển dụng sẽ dễ hiểu lầm rằng bạn không đáp ứng được công việc cả về chất lượng và thời gian hoàn thành. Chìa khóa để có câu trả lời hoàn hảo là cách bạn đã hoặc đang cải thiện. Ví dụ:

“Khi còn ở đại học, em đã nhận thấy bản thân cần phải đối mặt với sự trì hoãn. Nhưng không nghĩ rằng đó là điểm yếu vì em chưa bao giờ nộp luận văn trễ hay bị điểm thấp. Ở những trải nghiệm ở công việc trước đây đã giúp em nhận thấy sự trì hoãn có thể ảnh hưởng đến năng suất và công việc của người khác. Do đó em đã thay đổi nhận thức về vấn đề này và tìm cách khắc phục, bằng cách tạo động lực để thúc đẩy bản thân làm việc tốt hơn.”

Gặp khó khăn khi nhờ giúp đỡ

Yêu cầu giúp đỡ là một kỹ năng cần thiết khi bạn gặp những tình huống khó như thiếu chuyên môn, kiệt sức hoặc khối lượng công việc nhiều. Nếu bạn thuộc tuýp người khó mở lời nhờ sự hỗ trợ, có thể xem xét câu trả lời sau:

“Vì em thích làm việc độc lập và tự hoàn thành công việc nên đôi khi gặp khó khăn để nhờ người khác giúp đỡ khi cần. Thông qua quá trình làm việc, em nhận ra trong nhiều trường hợp, nhờ hỗ trợ sẽ là giải pháp tốt cho cả bản thân và công việc chung.”

điểm yếu của bản thân
Khó khăn khi nhờ giúp đỡ là điểm yếu của nhiều người

Những lưu ý khi trả lời điểm yếu của bản thân trong khi phỏng vấn

  • Không nên nói quá nhiều: bạn nên nói đủ các ý điểm yếu là gì, cách khắc phục như thế nào. Đừng đi quá đà vì nhà tuyển dụng có thể đánh giá không tốt về bạn.
  • Đừng thể hiện rằng mình hoàn hảo: bất kỳ ai cũng đều có điểm yếu, do đó không nên tỏ ra kiêu ngạo hoặc không trung thực bằng việc trả lời “em không có điểm yếu nào”.
  • Đưa yếu tố tích cực vào câu trả lời: dù đây là câu hỏi về mặt chưa tốt của bản thân tuy nhiên bạn nên tìm cách để câu trả lời luôn mang hướng tích cực và cho thấy bạn hiểu rõ bản thân cần làm gì để thay đổi.
điểm yếu của bản thân
Không nên nói quá nhiều về những điểm yếu của bản thân trong cuộc phỏng vấn

Thông qua những chia sẻ trên hy vọng đã mang đến cho bạn đọc góc nhìn mới về câu hỏi phỏng vấn điểm yếu của bản thân. Hãy chuẩn bị thật tốt và chúc bạn có buổi phỏng vấn thành công. Đừng quên theo dõi Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để cập nhật những thông tin hữu ích về kỹ năng và cuộc sống công sở. Nếu bạn đang tìm kiếm nghề nghiệp mới, hãy truy cập Việc Làm 24h với rất nhiều cơ hội hấp dẫn.

Xem ngay: Tìm hiểu mẫu bảng lương nhân viên chuẩn mà doanh nghiệp cần biết

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục