Thực hiện chương trình BYOD – Lựa chọn thiết bị điện tử mong muốn
BYOD trong tiếng Anh có nghĩa là “Bring Your Own Device” và chương trình này đã trở nên khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Hầu như tất cả dân văn phòng đều sử dụng các thiết bị cá nhân như điện thoại, laptop riêng… cho công việc, vậy thì không có lý do gì để không “chính thức hóa” việc này. Đừng vội xem nhẹ chương trình này nhé, các khảo sát đã chỉ ra rằng BYOD làm tăng năng suất cũng như hiệu quả công việc của nhân viên, và dĩ nhiên, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Chiến lược BYOD cho phép nhân viên tự do chọn lựa thiết bị điện tử trong công việc theo mong muốn của họ, theo thương hiệu họ yêu thích và thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng cũng như nhu cầu sử dụng trong công việc. Đó hoàn toàn có thể là thiết bị cá nhân của họ từ trước đến nay, nếu như đáp ứng được yêu cầu về bảo mật và kỹ thuật. Chỉ cần giúp nhân viên vào hệ thống email cũng như database, báo cáo… từ thiết bị cá nhân, bạn sẽ thấy việc giao tiếp trong công việc được trôi chảy hơn và công việc được giải quyết nhanh hơn.
Khảo sát nhân viên để tăng sự gắn kết
Lãnh đạo các doanh nghiệp đều muốn tăng sự gắn kết của nhân viên với doanh nghiệp, nhằm tạo ra một lực lượng nhân sự giàu động lực làm việc và năng suất cao. Hãy xem nhân viên là khách hàng mà phòng nhân sự mong muốn tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho họ. Tôi không thể nghĩ ra một khởi đầu phù hợp hơn một cuộc khảo sát, tạo một diễn đàn cho nhân viên nhận xét về những gì hay và chưa hay mà phòng nhân sự đang mang lại. Chỉ cần có cơ hội được nói lên những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân là cũng đã giúp nhân viên cảm thấy họ được công ty quan tâm một cách chân thành. Sau khi có kết quả khảo sát, bạn cần nghiêm túc đặt ra mục tiêu “vá” những lỗ hổng trong quản lý nhân sự. Hãy khảo sát lại sau 6 hoặc 12 tháng để đo lường mức độ hài lòng của nhân viên.
Cải thiện quy trình tuyển dụng và chào đón nhân viên mới
Những trải nghiệm đầu tiên trong môi trường làm việc mới là vô cùng quan trọng trong cảm nhận của nhân viên mới về công ty và đặc biệt ảnh hưởng đến quyết định có tiếp tục ở lại cống hiến lâu dài hay không. Thế nên hãy không chỉ rà soát lại quy trình tuyển dụng mà còn phải đảm bảo nhân viên mới cảm thấy được chào đón một cách chuyên nghiệp và ấm áp – chuẩn bị sẵn những “gói” thông tin theo 4C mà họ cần biết để hòa nhập một cách nhanh nhất vào công ty nhé.
Company: tất tần tật những thông tin quan trọng về công ty như tầm nhìn & sứ mệnh, chiến lược, sơ đồ tổ chức, các nhân sự trọng yếu, sản phẩm & dịch vụ…
Career: mục tiêu ngắn hạn & dài hạn của công ty, của phòng ban, mà trong đó vị trí của người nhân viên mới sẽ đóng vai trò như thế nào? Đâu là KPI cùng những mong đợi dành cho nhân viên để họ nỗ lực hướng tới?
Culture: văn hóa của công ty cùng những quy luật bất thành văn mà nhân viên mới cần chú ý
Communication: những đội nhóm nào sẽ phối hợp chặt chẽ với nhân viên mới tại vị trí này? Mọi người thường trao đổi công việc bằng công cụ nào – lập nhóm trên Skype hay qua Email? Cách thức sử dụng điện thoại, đặt phòng họp, hoặc những phần mềm giao tiếp riêng của công ty?
Xóa sổ kỳ đánh giá cuối năm – Bạn có dám?
Kỳ thực đối với nhiều nhân viên thì kỳ đánh giá cuối năm gây cho họ nhiều phiền toái hơn là mong đợi, vì đây thường là mùa bận rộn nhất trong năm trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Và thật sự thì không ít phương pháp đánh giá nhân viên của các doanh nghiệp là không đủ công bằng. Nhất là đối với những vị trí quản lý – mục tiêu và nhiệm vụ thay đổi gần như liên tục, khối lượng công việc đảm nhiệm tăng theo thời gian, thì một thang đánh giá hiệu quả từ 1 đến 5 chắc chắn là quá lỗi thời.
Thay vào đó, tại sao không thay bằng việc thiết lập mục tiêu và đánh giá công việc định kỳ hơn, hàng quý chẳng hạn, bạn sẽ tiết kiệm được khối công sức khỏi núi giấy tờ vào mỗi cuối năm đấy.