Những thuật ngữ về lương và phúc lợi mà bạn cần biết ngoài lương cơ bản

Lương và phúc lợi luôn là 2 yếu tố hàng đầu mà người lao động quan tâm khi đi làm. Đây đồng thời còn là động lực để giúp họ xác định gắn bó lâu dài với một công ty. Rất nhiều doanh nghiệp luôn tạo điều kiện để nhân viên đạt được mức lương và phúc lợi tốt nhất.

Bên cạnh lương cơ bản, vẫn còn rất nhiều thuật ngữ và khái niệm về lương và phúc lợi khác. Việc người lao động nắm rõ những thuật ngữ về lương và phúc lợi sẽ là một lợi thế. Suy cho cùng, tất cả đều là vì quyền và lợi ích của người lao động.

Những thuật ngữ về lương và phúc lợi đó là gì? Cùng Việc Làm 24h tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

1. Những thuật ngữ về lương mà người lao động cần biết

1.1 Bậc lương (Pay rate)

Đây là thuật ngữ về lương và phúc lợi cơ bản mà người lao động cần biết. Bậc lương là mức lương hoặc hệ số mức lương. Quy chuẩn đối chiếu là so sánh với tiền lương tối thiểu của một bậc cụ thể. Trong thang lương, bậc lương dùng để phân biệt về trình độ lành nghề của người lao động. Thứ tự thường thấy của bậc lương sẽ được xếp từ thấp đến cao. Ngoài ra, số bậc lương còn phụ thuộc vào độ phức tạp của công việc. Để lên được những bậc lương cao hơn, người lao động cần phải đạt các tiêu chuẩn nhất định về mặt chuyên môn và thâm niên.

Bậc càng cao, số tiền lương người lao động nhận được cũng càng cao. Lương cao hơn kéo theo trách nhiệm công việc cũng nặng nề hơn. Đây là động lực để người lao động trau dồi chuyên môn, để phát triển tốt hơn trong công việc.

1.2 Lương tối thiểu (Minimum wage/ salary)

Lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động. Khái niệm này được áp dụng khi họ làm những công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Ngoài mức này còn phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành. Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành. Những điều này thông thường được ghi trong thỏa ước lao động. Trên thế giới, đã có hơn 90% các quốc gia ban hành luật tiền lương tối thiểu.

1.3 Quỹ lương (Payroll)

Quỹ lương là danh sách nhân sự được nhận lương trong tháng. Đi kèm đó là số tiền lương mà mỗi người nhận được. Ngoài ra, danh sách này còn có thêm những khoản thưởng, phụ cấp đi kèm.

1.4 Phụ cấp (Fringe Benefits)

Phụ cấp là những khoản tiền được công ty hỗ trợ thêm cho người lao động. Một vài khoản phụ cấp phổ biến có thể kể đến như phụ cấp ăn trưa, tiền gửi xe. Ngoài ra, một số công ty còn áp dụng chính sách hỗ trợ tiền hưu trí, bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh đó, phụ cấp còn được thể hiện ở những hình thức khác như vay vốn ưu đãi. Đặc biệt, một số tổ chức còn cho phép nhân viên mua cổ phiếu của công ty.

1.5 Tiền thưởng (Bonus)

Đừng nhầm lẫn phụ cấp và tiền thưởng. Đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Khác với phụ cấp, tiền thưởng được xác định và chi trả dựa trên kết quả kinh doanh. Ngoài ra, mức chi trả còn tuỳ thuộc vào mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Kết quả công việc càng tốt, mức thưởng càng cao. Thông thường, tiền thưởng sẽ được trao theo tháng, quý, năm. Cơ sở để chi trả đều dựa trên những đánh giá khách quan và minh bạch.

1.6 Tổng thu nhập hằng tháng (Gross Salary)

Lương gross hiểu đơn giản là tổng thu nhập của người đi làm. Mức tổng thu nhập này sẽ bao gồm các khoản tiền như sau:

Lương cơ bản

Các khoản tiền trợ cấp

Phụ cấp, tiền thưởng

Các khoản đóng bảo hiểm

Khoản thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Để tìm hiểu về khái niệm này, mời bạn đọc thêm bài viết sau: Lương gross là gì, cách tính lương gross sang net mà mọi người lao động đều cần biết

1.7 Lương thực nhận (Net Salary)

Lương net hiểu đơn giản là lương thực nhận của người lao động. Khoản tiền này đã được khấu trừ các khoản chi phí bảo hiểm & thuế. Đơn vị thanh toán những khoản, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm sẽ là công ty bạn đang làm. Bạn sẽ không chi trả thêm bất cứ 1 chi phí nào khác.

Để giúp bạn dễ xác định mức lương thực nhận và tổng thu nhập, hãy trải nghiệm ngay tính năng “Quy đổi lương Net sang Gross”.

7 khái niệm trên về lương gần như là cơ bản nhất mà người lao động cần biết. Tiếp theo đây, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về những phúc lợi. Đây gần như là những phúc lợi cơ bản mà các doanh nghiệp đều phải có.

2. Những phúc lợi mà người lao động cần biết

1. Bảo hiểm xã hội và y tế

Đầu tiên phải nhắc đến các chế độ bảo hiểm xã hội và y tế. Dù biết rằng đây là một yêu cầu nhà nước bắt buộc tất cả doanh nghiệp phải thực hiện cho nhân viên nhưng bạn hãy nên đặt câu hỏi để biết rõ rằng bên cạnh mức lương thì mình sẽ được đóng bảo hiểm đầy đủ hay không, bảo hiểm y tế áp dụng ở mức quy định tối thiểu hay có bổ sung các quyền lợi như khám sức khoẻ định kỳ, bảo hiểm răng miệng và thị giác, bảo hiểm cho người thân.

Tham khảo thêm bài viết sau đây để hiểu thêm về bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội là gì? 7 câu hỏi thường gặp nhất về Bảo hiểm xã hội của người lao động

Những thuật ngữ về lương và phúc lợi mà bạn cần biết ngoài lương cơ bản
Bạn hãy quan tâm đến khoản bảo hiểm y tế của mình

2. Lợi ích phụ trợ

Tiếp đến là các loại phụ cấp hoặc lợi ích phụ trợ mà công ty chủ động lên ngân sách và kế hoạch để chăm sóc đời sống nhân viên. Các đãi ngộ này có thể khá phổ thông như: phụ cấp ăn trưa, xăng xe, điện thoại, chính sách công tác phí “rộng rãi”, quà tặng sinh nhật – ma chay – hiếu hỉ, chương trình nghỉ mát hàng năm, các chương trình thúc đẩy tinh thần đội nhóm (team-building) theo bộ phận.

Nếu điều kiện tốt hơn, công ty còn có thể cung cấp các phúc lợi truyền cảm hứng như: “Thứ Sáu Vui Vẻ” (Happy Friday) hoặc hướng đến đời sống tinh thần như xây dựng phòng thư giãn, phòng giải trí, phòng thể dục thể thao, căn tin miễn phí để nhân viên tuỳ nghi sử dụng.

Những thuật ngữ về lương và phúc lợi mà bạn cần biết ngoài lương cơ bản
Các phụ cấp mà công ty chủ động lên ngân sách và kế hoạch để chăm sóc đời sống nhân viên

3. Chương trình sức khoẻ toàn diện

Bảo hiểm y tế là phúc lợi cơ bản mà bạn sẽ không quá khó khăn để sở hữu. Nhưng các “đặc quyền” liên quan đến sức khoẻ không chỉ có vậy mà bạn còn có thể sẽ gặp được những nhà tuyển dụng có các chương trình bổ sung nhằm chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho nhân viên.

Thẻ thành viên câu lạc bộ thể hình, phí tham gia lớp học thiền hoặc tập yoga, vé tham dự hội thảo chuyên đề sống lành mạnh, khoá tư vấn cai thuốc lá, các chính sách giúp cân bằng cuộc sống… là những phúc lợi mà nhiều công ty đang áp dụng cho nhân viên của mình.

4. Ngày nghỉ và ngày phép

Quan điểm quản lý nhân sự sẽ tác động tới những lợi ích liên quan đến giờ giấc và phong cách làm việc. Hãy cố gắng đặt ra những câu hỏi nhằm xác định xem công ty mà bạn dự định gia nhập có phải là mô hình mang dáng dấp quân đội không. Nếu đúng như vậy, hãy chuẩn bị tinh thần để rèn luyện tác phong chuẩn mực, tận hưởng khuôn khổ và áp dụng các chế độ nghỉ bệnh – nghỉ phép – nghỉ việc đúng như luật định.

Trong khi đó, nếu là người ưa thích tự do và may mắn tìm được một công ty quản lý nhân viên theo tư duy mở, chúc mừng bạn đã có thêm đãi ngộ mà giá trị khi quy đổi ra thực tế không hề nhỏ.

Bên cạnh đó, việc tăng số lượng ngày phép năm hưởng nguyên lương cũng như cho nghỉ lễ dài hơn quy định chính là lợi ích được đông đảo nhân viên đánh giá cao.

Những thuật ngữ về lương và phúc lợi mà bạn cần biết ngoài lương cơ bản
Số lượng ngày nghỉ phép cũng là điều bạn cần nên lưu ý

5. Sự phát triển chuyên môn

Phúc lợi còn được xem xét ở khía cạnh phát triển năng lực và sự nghiệp cho người lao động. Nếu công ty có thể tổ chức các đợt huấn luyện kỹ năng, đào tạo chuyên môn hàng năm và vạch ra lộ trình thăng tiến thì đây là tin rất tốt. Bên cạnh đó, các chương trình luân chuyển vị trí (job rotation), tái thiết kế công việc (job enlargement hoặc job enrichment) nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực kế thừa hoặc đề bạt quản lý cũng là cơ hội tuyệt vời để bạn phát triển.

Thậm chí, ngay cả trong trường hợp công ty không tổ chức đào tạo nội bộ, không dành chi phí cử bạn đi tu nghiệp hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ, nhưng có thiện chí ủng hộ và ưu tiên sắp xếp thời gian biểu để bạn tự tham gia các lớp học cũng có thể được xem là đãi ngộ.

6. Trang thiết bị làm việc

Điều quan trọng cuối cùng chính là máy tính, chỗ ngồi và trang thiết bị hỗ trợ công việc. Để công việc vận hành suôn sẻ, không thể thiếu các công cụ và dụng cụ phù hợp. Một không gian làm việc bố trí hợp lý, đáp ứng được tính chất đặc thù từng bộ phận sẽ giúp hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn. Điều này cũng góp phần tạo nên hiệu suất cao hơn.

Thế nhưng khá ít người trong chúng ta thực sự lưu tâm và nghĩ vấn đề này quan trọng. Thực tế vào ngày đầu tiên đi làm, nhiều nhân viên đã bối rối khi “vỡ lẽ” ra rằng mình sẽ không được trang bị vật dụng gì, kể cả máy tính. Hãy tự đoán giá của một chiếc máy tính, cảm giác của một buổi đấu tranh “đòi quyền nhận máy” hoặc quyết định chấm dứt công việc ngay sau một ngày làm việc! Vậy nên trong những lần trao đổi công việc sắp tới, đừng ngần ngại hỏi xem “Công ty sẽ cấp máy tính/laptop hay là tôi phải tự trang bị?” nhé!

Trong quá trình thương lượng với nhà tuyển dụng, đừng lo sợ rằng mình hỏi quá nhiều về lợi ích khiến họ cảm thấy thấy phiền lòng hoặc mất cảm tình. Thực tế là, nếu đủ minh bạch và chuyên nghiệp, họ cũng muốn giao tiếp sâu hơn để cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về lương và các quyền lợi cụ thể khi đôi bên hợp tác cùng nhau.

Đừng coi lương cơ bản là tất cả khi ứng tuyển vào một công ty. Hãy đảm bảo rằng bạn đã tìm hiểu đủ thông tin về các đãi ngộ kèm theo của công ty, họ có thể dành cho bạn những phúc lợi tốt đến như thế nào. Đôi khi, “lùi một bước” với mức lương ít hơn nhưng bạn sẽ nhận lại môi trường làm việc vui vẻ đủ sự thoải mái với những phúc lợi tuyệt vời có thể tiếp thêm động lực giúp bạn tập trung hoàn thành nhiệm vụ không chút băn khoăn.

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục