Bạn có biết, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội có đến 60% sinh viên Việt Nam ra trường làm trái ngành, điều này được coi là đáng lo ngại. Tuy nhiên, làm trái ngành lại dễ thành công – đây là kinh nghiệm thực tế của lãnh đạo Google và đang được Topica áp dụng.
Làm trái ngành – cách Google vận hành
Để thành công trong kỷ nguyên công nghệ và Internet, một công ty phải hấp dẫn được các nhân viên “sáng tạo thông minh” (Smart Creative) và tạo ra một môi trường thuận lợi để họ phát triển.
Đó là quan điểm mà Eric Schmidt và Jonathan Rosenberg đưa ra trong cuốn sách “How Google Works” (tạm dịch: Google vận hành như thế nào). Trong cuốn sách này, Chủ tịch điều hành Google Schmidt và Phó chủ tịch Rosenberg đã chỉ ra những gì họ học được trong quá trình xây dựng Google trở thành người khổng lồ trị giá hàng trăm tỉ đô la.
Jonathan Rosenberg cho rằng: “Điều cần quan tâm là bạn đang sống trong một thế giới năng động, với điều kiện và môi trường thay đổi nhanh tới mức chóng mặt. Những thứ như kinh nghiệm hay cách thức chúng ta làm việc sẽ không quan trọng bằng khả năng tư duy. Trên thực tế, chính kinh nghiệm và kiến thức cũ khiến chúng ta không muốn thử các giải pháp mới”.
Câu chuyện của Laszlo Bock, Phó Chủ tịch Google trong cuốn sách cũng tương tự: “Khi hai người cùng gặp phải một vấn đề, người là chuyên gia sẽ cho rằng: Tôi đã gặp chuyện này hàng trăm lần rồi, và đây là cách giải quyết… Trong khi đó, người không phải là chuyên gia sẽ đưa ra giải pháp gần giống như vậy, vì thực ra phần lớn vấn đề trong kinh doanh thường không quá khó, đôi khi họ sẽ đưa ra những giải pháp hoàn toàn mới.”
Đỗ Tuấn Anh, người sáng lập Appota, công ty được định giá hàng chục triệu đô la là một ví dụ cho xu hướng này. Appota đã lọt TOP 10 công ty khởi nghiệp công nghệ đáng đầu tư nhất Đông Nam Á, nhưng người đứng đầu lại tốt nghiệp khoa Sử. Việc phát triển ngành phân phối dịch vụ trên smartphone, một mảng hoàn toàn mới mà hiếm có doanh nghiệp Việt Nam vào thời kỳ đó nghĩ tới, yêu cầu Đỗ Tuấn Anh phải tự mầy mò các giải pháp công nghệ, kỹ năng và cách tư duy mà không trường lớp hay kinh nghiệm nào có thể đáp ứng.
Thành công từ bài học của Google
Tại Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp đều yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm làm đúng ngành, trong lúc đó, một startup Việt lại áp dụng cách làm tương tự như Google vào việc tuyển dụng.
Anh Dương Hữu Quang, CEO của Topica Native, chương trình luyện nói tiếng Anh trực tuyến cho người đi làm, là một trường hợp thành công từ việc làm trái ngành. Anh tốt nghiệp thạc sĩ ngành điện tử viễn thông tại ĐH Bách khoa năm 2006 và có hai năm làm việc đúng ngành trước khi bắt đầu ở Topica – một tổ hợp giáo dục với vị trí chuyên viên tuyển sinh. Sau 5 năm, anh Quang đã kinh qua nhiều vị trí khác nhau, không vị trí nào liên quan đến điện tử viễn thông và trở thành CEO.
Theo chia sẻ của anh Quang, trong 5 năm tới, Tổ hợp công nghệ giáo dục nơi anh làm việc cần khoảng 30 CEO và Phó tổng giám đốc cho 10 đơn vị trực thuộc tại 4 nước Việt Nam, Philippines, Thailand và Indonesia. Với vai trò là công ty tiên phong tại Việt Nam về xuất khẩu công nghệ E-learning, các vị trí quản lý tại đây đòi hỏi người được tuyển dụng phải xoá bỏ kinh nghiệm cũ, sẵn sàng học cách làm mới về quản trị, marketing, nhân sự, tài chính, sư phạm… để thích ứng với môi trường mới.
Hiện tại, số lượng nhân sự nơi anh Quang làm việc tăng khoảng 30% mỗi năm. Các nhân viên và quản lý ở đây trải qua đánh giá năng lực, xét bổ nhiệm và tăng lương 6 tháng một lần với phương pháp đánh giá chuẩn quốc tế và hưởng các cơ chế khuyến khích đa dạng: thưởng năng suất, thưởng sáng kiến,… Nhân viên ở đây có độ tuổi trung bình là 28, có lãnh đạo trẻ nhất được bổ nhiệm năm 23 tuổi.
Đây cũng chính là nơi đầu tiên đào tạo ra các Startup định giá hàng triệu USD tại Việt Nam.
Với những thông tin được nêu lên trong bài viết trên đây, bạn đã hiểu tại sao làm trái nghề càng dễ thành công rồi đúng không? Hãy tham khảo bài viết trên đây cũng như lý thuyết “trái ngành” của google và khởi nghiệp nhé. Chúc các bạn thành công.
Nguồn: dantri