Talent Acquisition – thu hút nhân tài – là một thuật ngữ trong ngành Nhân sự. Xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp cho công ty, thu hút sự chú ý, xây dựng các mối quan hệ dài lâu với ứng viên tiềm năng,.. từ đó khai thác được nguồn nhân sự có chất lượng là những hoạt động nổi bật của Talent Acquisition. Vậy cụ thể Talent Acquisition là gì? HR cần chú ý những điểm nào khi phác thảo và triển khai chiến lược Talent Acquisition? Mời bạn cùng Việc Làm 24h tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
Talent Acquisition là gì
Talent acquisition là gì? Talent Acquisition, hay còn gọi là thu hút nhân tài bao gồm nhiều hoạt động dài hạn, bắt đầu từ việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp chuyên nghiệp, tạo ấn tượng và kết nối với những ứng viên tiềm năng.
Tiếp đến, xây dựng một hệ thống tìm kiếm, đào tạo người có năng lực trở thành ứng viên của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai.
Talent Acquisition là hoạt động mang tính chất liên tục, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ cho doanh nghiệp trong dài hạn. Đây là điều mà phương pháp Talent Acquisition khác với tuyển dụng truyền thống.
Tại sao phải áp dụng quy trình Talent Acquisition?
Người lao động hiện nay đã có sự thay đổi về cách thức, hành vi và thói quen tìm việc. Nhờ sự lên ngôi của các mô hình làm việc từ xa, không bị giới hạn về không gian và thời gian làm việc, các tài năng hàng đầu có khả năng tìm được công việc ưng ý ở tận bên đại dương dù họ đang ngồi ở nhà.
Thống kê của Linkedin cho thấy có hơn 75% ứng viên hiện nay không có nhu cầu chủ động tìm việc. Ngược lại, các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau để thu hút nhân sự tốt về phía mình.
Do đó, người làm Talent Acquisition không thể chỉ ngồi một chỗ và lọc hồ sơ. Họ cần phải có kỹ năng về sales và marketing – PR, để thu hút, thuyết phục ứng viên.
So với quy trình tuyển dụng thông thường, ưu điểm của Talent Acquisition là gì
Tuyển dụng truyền thống thường là các chiến dịch ngắn hạn, bao gồm các hoạt động cơ bản như đăng tải thông tin tuyển dụng, sau đó sàng lọc hồ sơ ứng viên, đặt lịch hẹn phỏng vấn và cuối cùng là chọn được người phù hợp.
Dù cũng là một phương pháp tuyển dụng nhưng Talent Acquisition hướng đến việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng trong thị trường lao động. Từ đó giúp doanh nghiệp thu hút ứng viên theo dõi.
Đó là giúp công ty truyền thông các giá trị cốt lõi của mình, kết hợp với xây dựng mối quan hệ với các nguồn lực nhân sự bên ngoài.
Nếu quy trình Talent Acquisition được vận hành tốt, sẽ luôn có một tệp ứng viên tiềm năng theo dõi – ngay từ khi họ chưa có nhu cầu thay đổi việc làm.
Bí quyết thu hút nhân tài hiệu quả dựa trên phương pháp Talent Acquisition.
1. Dự báo
Đầu tiên, hãy xác định những vị trí nào tại công ty của bạn khó tuyển dụng nhất và dành sự ưu tiên. Các vị trí cần những kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm đặc biệt cao, công việc kỹ thuật hoặc công nghệ và lãnh đạo cấp cao,… thường là những vị trí khó tuyển dụng, có thể mất từ 3 tới 6 tháng hoặc lâu hơn để tìm thấy một ứng viên phù hợp.
Vậy nên, việc chuẩn bị sẵn nguồn ứng viên cho những vị trí này là vô cùng cần thiết. Hãy chia những ứng viên tiềm năng thành từng nhóm nhỏ để có sẵn nguồn hồ sơ khai thác khi cần.
2. Xây dựng mạng lưới
Trong nghề nhân sự, có câu “nhân viên phù hợp nhất cho công việc này đang thuộc về công ty khác”, dù vậy bạn vẫn nên theo dõi bất kỳ ai phù hợp với công ty và xây dựng một mạng lưới liên hệ.
Hãy khiến họ chú ý bằng các hoạt động kết nối, tiếp cận, cập nhật thông tin công ty bạn hàng tuần,… Những hành động nhỏ này giúp bạn xây dựng được mối quan hệ với ứng viên tiềm năng và có thể hữu ích cho việc tuyển dụng trong tương lai.
3. Thu hút mọi người tham gia tuyển dụng
Đừng bao giờ nghĩ rằng việc tuyển dụng là công việc của bộ phận nhân sự. Muốn thu hút được nhân tài, toàn bộ nhân viên của bạn đều phải tham gia vào hoạt động Talent Acquisition. Hãy khuyến khích mọi người chia sẻ các hoạt động tại công ty, thể hiện được giá trị cốt lõi và quảng bá văn hóa doanh nghiệp..
Bên cạnh đó, khi biết được công ty đang tuyển dụng vị trí gì và cần những kỹ năng quan trọng nào, đội ngũ nhân viên/đồng nghiệp của bạn có thể giới thiệu ứng viên tiềm năng cho bạn.
4. Dành thời gian để thu hút nhân tài
Phỏng vấn là một phần cực kỳ quan trọng của quá trình thu nhận nhân tài. Bạn muốn xem ứng viên sẽ hành động như thế nào trong môi trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên trực giác tốt nhất của bạn về con người, hiệu suất và sự phù hợp với văn hóa có thể đến từ không gian bên ngoài phòng họp.
Ngoài các cuộc trò chuyện qua điện thoại thông thường, bạn cũng có thể tổ chức các buổi gặp mặt ăn trưa,… như một cách phỏng vấn – không chính thức – ứng viên tiềm năng. Đừng ngần ngại mời họ đến lần nữa nếu bạn cần thêm thời gian để đánh giá.
4 bước lên chiến lược Talent Acquisition thu hút nhân tài
Có nhiều chiến lược thu hút nhân tài khác nhau, nhưng dưới đây là những chiến thuật phổ biến để tìm và có được đội ngũ nhân sự chất lượng.
1. Xây dựng thương hiệu cho công ty
Một thương hiệu mạnh sẽ có sức hút lớn đối với nguồn nhân sự bên ngoài. Nếu muốn thu hút được đội ngũ nhân viên chất lượng, doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược Employer Branding với hồ sơ chỉnh chu, có trang web riêng hoặc đơn giản là tạo lập hồ sơ doanh nghiệp uy tín trên Facebook, LinkedIn,… và các trang web tuyển dụng.
Hãy đảm bảo rằng trang web và các trang mạng xã hội của bạn không chỉ nhắm mục tiêu tới khách hàng, mà còn hướng tới những ứng viên tiềm năng đang tìm kiếm công việc. Những nỗ lực xây dựng thương hiệu nên được dẫn dắt bởi các bộ phận tiếp thị, truyền thông hoặc nhân sự, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thu hút sự chú ý của những nhân tài hàng đầu.
2. Kết nối với những nhóm nhỏ
Thông thường chúng ta hay tìm kiếm ứng viên ở các trang nghề nghiệp lớn, nhưng có một số công việc đặc thù mà chỉ ở nhóm nhỏ, bạn mới có thể “tình cờ chạm mặt” ứng viên chất lượng. Ví dụ như những công việc trong lĩnh vực công nghệ, an ninh mạng, y học, luật và quản lý tài chính,… Hãy để tâm đến các nhóm nghề nghiệp nhỏ đang hoạt động trên các mạng xã hội. Bạn sẽ có cơ hội đến gần hơn với những ứng viên tiềm năng.
3. Chăm sóc ứng viên
Khi đã thiết lập liên hệ với các ứng viên tiềm năng, người làm Talent Acquisition phải duy trì và xây dựng các mối quan hệ đó. Hoạt động này không những giúp doanh nghiệp tuyển dụng được ứng viên ngay tức thời mà còn có sẵn nguồn lực cho lâu dài.
Không chỉ duy trì mối quan hệ với những ứng viên tiềm năng, doanh nghiệp còn phải duy trì mối quan hệ với các nhân viên đã nghỉ việc, ứng viên chưa đủ tiêu chuẩn bởi họ có thể là nguồn lực đầy hứa hẹn cho tương lai.
4. Phát triển nguồn nhân sự nội bộ
Chiến lược này hướng tới và thúc đẩy nhân viên trong nội bộ phát triển sự nghiệp. Thay vì tìm kiếm những ứng viên ngoài, doanh nghiệp có thể lấp đầy các vị trí còn trống từ nguồn lực tại chỗ thông qua tuyển dụng nội bộ. Đầu tiên, bạn phải xác định những người đạt thành tích cao nhất trong công ty. Hãy dành thời gian để đào tạo và chuẩn bị cho họ để đảm nhận nhiều trách nhiệm và khả năng lãnh đạo cao hơn.
Một doanh nghiệp có thể đạt được rất nhiều lợi ích dài hạn chỉ bằng việc đầu tư phát triển đội ngũ nhân sự nội bộ. Hãy lắng nghe phản hồi, xây dựng các chương trình cố vấn, đào tạo nhân viên chất lượng,… và trao cho đội ngũ của bạn cơ hội được thử sức ở những vị trí mới thử thách hơn.
Tóm lại, Talent Acquisition là một quá trình dài hạn. Để thực hiện quy trình thu hút nhân tài hiệu quả, doanh nghiệp cần có thời gian và tầm nhìn chiến lược. Không chỉ đơn giản là tuyển dụng thành công nhân sự cho vị trí hiện tại, Talent Acquisition còn là quá trình từ săn tìm, sàng lọc, tuyển lựa nhân sự và tiếp tục theo dõi các ứng viên. Biết đâu họ chính là những nhân tài tiềm năng trong tương lai.
Nói cách khác, Talent Acquisition giúp doanh nghiệp tạo ra một mạng lưới ứng viên bền vững, chuẩn bị nguồn nhân lực cho hoạt động lâu dài thay vì chỉ gói gọn trong một đợt tuyển dụng ngắn hạn.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu được Talent Acquisition là gì cũng như biết được bí quyết thu hút nhân tài hiệu quả. Đừng quên theo dõi Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để cập nhật những kiến thức mới nhất về kỹ năng mềm nhé!
Xem thêm: