6 nỗi sợ đi làm khiến dân công sở ám ảnh khôn nguôi, bạn mắc phải nỗi sợ nào?

Những nỗi sợ khi đi làm như thuyết trình, nói trước đám đông, sợ thất bại, không hoàn hảo, hay sợ thay đổi, mắc sai lầm có thể và sẽ kìm hãm mọi người trong công việc. Nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi, và nỗi sợ cũng có thể được giải phóng nếu bạn biết cách để vượt qua chúng. Dưới đây là 6 nỗi sợ phổ biến nhất khi đi làm mà mọi người phải đối mặt và những cách bạn có thể vượt qua chúng.

1. Sợ nói trước đám đông 

Theo nhà tâm lý Jonathan Berent, gần 20% người đi làm gặp phải nỗi sợ về nói trước đám đông. Thậm chí là trình bày với khách hàng, đối tác hay đồng nghiệp. Lý do đến từ tính cách ngại ngùng, nhút nhát, thiếu tự tin, và tâm lý sợ bị đánh giá. Vì lẽ đó, nhiều người đã cố gắng để tránh các dự án, công việc yêu cầu phải phát biểu. 

sợ đi làm
Sợ nói chuyện trước đám đông sẽ ngăn cản bạn đến với thành công.

Nhưng việc này chỉ khiến chúng ta mãi sống trong nỗi sợ này. Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ đi làm này là luyện tập. Nhờ vậy, bạn sẽ xây dựng được sự tự tin và kỹ năng để nói trước công chúng. Bạn có thể bắt đầu bằng việc tập nói một mình. Sau đó tham gia các khóa học hay các nhóm để có môi trường hỗ trợ học và thực hành. Ngoài ra, hãy phát biểu hay đặt câu hỏi trong mọi cuộc họp bạn tham gia. Hoặc tốt hơn là xung phong để diễn thuyết khi gặp khách hàng.

Xem thêm: Bí quyết rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông thu hút, thuyết phục

2. Sợ thất bại 

Nỗi sợ thất bại khiến bạn né tránh tham gia các dự án hay tình huống thách thức. Nỗi sợ thất bại khiến bạn nghi ngờ bản thân, giảm nhiệt huyết và sự cố gắng trong công việc. Thậm chí, nỗi sợ này có thể khiến bạn liên tục thất vọng, bực bội và tức giận. Thực chất, nỗi sợ thất bại đến từ nỗi sợ bị từ chối và nỗi sợ xấu hổ. Hai nỗi sợ này xuất phát từ việc bạn không thể chấp nhận những khuyết điểm của bản thân. 

Tuy nhiên, thất bại trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi bởi thế giới này không lý tưởng. Có nghĩa là sẽ có lúc bạn không thể đạt KPI, ý kiến bị bác bỏ hay kết quả dự án không như ý. Nhưng tất cả những sự thất bại này chính là cơ hội để bạn học hỏi và phát triển. Điều bạn cần làm là đối mặt và thay đổi cách bạn cảm nhận về nỗi sợ đi làm này. 

Sự vinh quang lớn nhất của chúng ta không nằm ở việc không bao giờ thất bại, mà nằm ở việc vươn dậy sau mỗi lần thất bại.

Ralph Waldo Emerson

Đôi khi, những kết quả tồi tệ nhất mà bạn nghĩ ra, cũng không tồi tệ như bạn tưởng tượng. Thay vào đó, hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp mà bạn nhận được khi chấp nhận thử thách. Bên cạnh đó, hãy học cách thiết lập mục tiêu chiến lược (sử dụng mô hình SMART). “Tự thưởng” cho từng cột mốc bạn đạt được có thể giúp bạn giảm bớt nỗi sợ hãi. Ngoài ra, hãy luôn sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng của mình. Và cởi mở lắng nghe kinh nghiệm từ người khác để bổ sung kiến thức cho chính bạn.

3. Sợ thành công 

Đây có vẻ là nỗi sợ hãi kỳ lạ nhất, nhưng nó không phải là hiếm. Nỗi sợ này xuất phát từ việc sợ hậu quả tiềm ẩn của sự thành công. Hơn thế nữa, bạn sợ không đủ khả năng để đảm đương công việc đó. Bởi vì con người phải chấp nhận đánh đổi, hy sinh và “trả một cái giá đắt” để đạt được thành công. Giống như nỗi sợ thất bại, bạn có thể tránh những tình huống thử thách, trì hoãn hoặc thỏa hiệp các mục tiêu của chính mình. Bạn cũng có thể hạ thấp khả năng hoặc thành tích của mình hoặc lo sợ rằng nếu bạn đạt được thành công, bạn sẽ không thể duy trì nó. 

sợ đi làm
Sợ thất bại và thành công đều khiến bạn không dám mạo hiểm và đón nhận những điều mới.

Một cách để vượt qua là hãy nhìn vào thực tế những gì sẽ xảy ra nếu bạn thành công. Không phải những gì bạn sợ hãi sẽ xảy ra, mà là những gì thực sự có khả năng xảy ra. Ví dụ, nếu bạn lo sợ rằng thành công sẽ đồng nghĩa với việc phải làm việc không ngừng nghỉ. Bạn có thể đặt ra quy tắc cho mình là ngừng làm việc trước 7 giờ tối. Bên cạnh đó, hãy cập nhật kỹ năng và kiến ​​thức để duy trì sự thành công đó. Dành thời gian để trò chuyện với những người thành công để bạn thực sự tin rằng mình xứng đáng.

4. Sợ đưa ra quyết định

Nỗi sợ đưa ra quyết định xuất phát từ việc sợ đưa ra một quyết định sai lầm, và gây ra những hậu quả tồi tệ. Bạn sợ phải chịu trách nhiệm với điều bản thân làm. Người mắc hội chứng Decidophobia (hội chứng sợ đưa ra quyết định) thường lo ngại và bắt đầu phân tích nhiều hơn về vấn đề đang cần giải quyết. Chúng ta đều đã từng trải qua cảm giác vật lộn để đưa ra quyết định. Điển hình như việc bạn phải lựa chọn ngành nghề và trường đại học. Hay khi đi làm bạn cảm thấy phân vân, lưỡng lự về quyết định có đổi việc hay không. 

Xem thêm: Quyết định là gì? Bật mí 5 tuyệt chiêu giúp rèn kỹ năng ra quyết định nhanh chóng

Để vượt qua nỗi sợ đi làm này, bạn cần trao quyền và tin tưởng vào bản thân mình. Tiếp theo, bạn cần xác định vấn đề bạn đang gặp phải hay phải đưa ra quyết định. Đồng thời, xem xét các lựa chọn có thể có cùng với kết quả có thể xảy ra của mỗi lựa chọn. Để từ đó xem xét các ưu và nhược điểm của từng kết quả, và chọn ra được giải phái phù hợp nhất với mục tiêu của bạn. Ngoài ra, hãy mạnh dạn xin ý kiến từ những người bạn tin tưởng, việc này sẽ rất hữu ích cho quyết định của bạn.

Một khi bạn đã quyết định, cả vũ trụ hợp lực để biến nó thành sự thực.”

Ralph Waldo Emerson

5. Sợ bị ghét

Bất kỳ ai cũng muốn được người khác chú ý, yêu mến và khen ngợi. Đó là một mong muốn bình thường của con người. Nỗi sợ này xuất hiện khi bạn đánh giá bản thân chưa xứng đáng, đủ khả năng và tốt. Theo thời gian, bạn trở nên ngại ngùng khi phải thể hiện quan điểm và cá tính của bản thân. Việc nhận xét hay góp ý ai đó cũng khiến bạn lo sợ vì bạn ngại va chạm, sợ bị ghét và làm phật lòng người khác. 

sợ đi làm
Sợ bị ghét bởi cấp trên hay đồng nghiệp khiến bạn không dám đưa ra ý kiến cá nhân.

Tuy nhiên, cảm giác tổn thương của người khác sẽ không bằng việc sự thật bị che giấu hay phớt lờ. Bạn cần phải nhận thức được tầm quan trọng của việc cùng nhau tiến bộ. Bạn cần can đảm và tự tin đưa ra những lời góp ý thiện chí, khách quan cho những đồng nghiệp của mình. Biết cách phản hồi đúng thời điểm với thái độ lịch sự thì không có gì là sai trái hay tổn thương cả. 

Nếu bạn muốn hòa hợp hơn với tập thể, hãy lắng nghe và cởi mở hơn. Mỗi người có những ý tưởng và trải nghiệm khác nhau, vậy nên mở lòng để lắng nghe sẽ giúp bạn dễ hòa hợp hơn với tập thể.

6. Sợ thay đổi

Mọi người khi đi làm thường sợ sẽ mãi “dậm chân tại chỗ”. Nhưng đồng thời, họ cũng sợ phải đối diện với sự thay đổi và những điều không chắc chắn. Bởi chúng ta sợ không biết cách đối phó với tình huống mới, sợ làm sai và bị phê bình. Cơ bản như việc sợ họp đột xuất, hay phải nhận một dự án mới hoàn toàn. 

Thừa nhận rằng bạn cảm thấy sợ thay đổi là bước đầu tiên để vượt qua nó. Cuộc sống luôn thay đổi không ngừng, buộc bạn phải thay đổi để thích nghi. Một tinh thần sẵn sàng cho những tình huống mới, chấp nhận tin vào khả năng của mình, và từng bước mở lòng để đón nhận sự thay đổi. 

Xem thêm: Điều gì khiến chúng ta lúng túng khi đối mặt với sự thay đổi nơi công sở?

“Cho dù bạn mắc phải bao nhiêu lỗi hay sự tiến bộ của bạn chậm đến mức nào, bạn vẫn dẫn trước những người không cố gắng.”

Tony Robbins

Bài viết chia sẻ về những nỗi sợ đi làm khiến bạn cảm thấy bị hạn chế khả năng thăng tiến trong công việc. Nguồn gốc của tất những nỗi sợ này là sự thiếu tự tin, và dễ bị tác động bởi những gì người khác nghĩ về mình mà đâm sợ hãi, lo lắng. Bởi không ai trong chúng ta là hoàn hảo, chúng ta ai cũng sẽ có những nỗi sợ và đều mắc sai lầm. Điều quan trọng là bạn có sẵn sàng thừa nhận nỗi sợ, rèn luyện để mạnh mẽ vượt qua giới hạn của bản thân. Hãy từng bước đối mặt với nỗi sợ, chuẩn bị tinh thần mạnh mẽ, tự tin và áp dụng những mẹo trên đây, sẽ giúp bạn vượt qua tất cả.

Đừng quên khi có mong muốn tìm kiếm công việc mới, hãy truy cập ngay Việc Làm 24h.

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục