Giao tiếp với cấp trên là một vấn đề vô cùng quan trọng cho con đường sự nghiệp của bạn. Trong môi trường công sở, giao tiếp tốt với sếp không chỉ vì mối quan hệ mà còn vì hiệu quả công việc của cá nhân, của tập thể. Giao tiếp với cấp trên là cả một nghệ thuật. Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá xem các kỹ năng giao tiếp đó là gì?
Bật mí nghệ thuật giao tiếp với cấp trên khéo léo, chiếm được thiện cảm của sếp
1. Thẳng thắn đối diện với vấn đề
Mỗi một công việc, một dự án, mỗi một vấn đề từ nhỏ đến lớn trong công ty bạn đều phải thực hiện trên tinh thần được sếp “duyệt”. Và đôi khi, bạn sẽ cần thêm thông tin, bạn cần thay đổi, bạn cần một số yêu cầu nào đó thì sếp chính là người đứng ra gật đầu hoặc lắc đầu để bạn tiếp tục công việc.
Nhưng, điều quan trọng không phải là những thông tin bạn trao đổi cùng sếp, không phải là tính chất nội dung công việc mà cung cách giao tiếp của bạn chính là điều đầu tiên tác động đến sếp và làm cho việc trao đổi giữa bạn và sếp trở nên khó khăn hay thuận lợi.
Dù là bất kỳ chuyện gì hay mâu thuẫn gì thì bạn cũng nên thẳng thắn và mạnh dạn bày tỏ với cấp trên. Thông thường, bạn chỉ trao đổi với sếp thông qua các phương tiện giao tiếp như email, skype, zalo,… Nhưng đôi khi có những mâu thuẫn mà những phương tiện đó chẳng giải quyết được gì cho bạn.
Cách hữu hiệu nhất đó chính là thẳng thắn trao đổi suy nghĩ, quan điểm với sếp khi bạn cảm thấy một vấn đề gì đó đang vướng mắc trong mối quan hệ của mình, trong công việc của mình, những nhiệm vụ được giao. Đừng vì bất kì một lý do nào đó mà ngồi suy diễn, tưởng tượng những điều bạn không chắc chắn.
Xem thêm: Làm thế nào để thấu hiểu tâm ý sếp trong công việc?
2. Hiểu rõ giới hạn
Một điều đặc biệt lưu ý khi giao tiếp với cấp trên là bạn và sếp của bạn rõ ràng không cùng vai vế với nhau, do đó những lời góp ý, những chia sẻ trong công việc chỉ nên tập trung vào phạm vi làm việc của bạn.
Hãy nhớ bạn không có quyền chỉ trích định hướng chiến lược hay kế hoạch dài hạn của tập thể. Đây là những vấn đề do cấp trên của bạn đánh giá. Bạn chỉ nêu vấn đề nếu có liên quan mật thiết hoặc có thể đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề đó mà thôi.
Xem thêm: 7 cách hiệu quả giúp bạn trở thành sếp tốt trong mắt nhân viên
3. Nêu ví dụ cụ thể
Trong các cuộc gặp mặt, trao đổi, cuộc họp,… các sếp thường không bị thuyết phục bởi những điều chung chung. Tất cả những lý do, kết quả đều phải dựa trên dẫn chứng cụ thể, những con số, những thành tựu,… Vì thế, để giao tiếp với cấp trên, đặc biệt là trong các cuộc thảo luận, những luận điểm mà bạn đưa ra cần có cơ sở nhất định.
Hãy nêu các ví dụ cụ thể chứng minh cho lời góp ý. Chẳng hạn, bạn liệt kê một vài dẫn chứng đặc biệt như ý tưởng giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho văn phòng… Thông tin cụ thể sẽ làm tăng sức thuyết phục cho phản hồi của bạn.
4. Nghệ thuật giao tiếp với cấp trên tinh tế chính là không tập trung về quá khứ
Không ai là hoàn hảo kể cả sếp của bạn, sẽ có lúc mắc phải những sai lầm, sẽ có lúc dẫn dắt công việc chưa thực sự tốt. Nhưng nhắc mãi về những vấn đề đó không phải là tốt. Điều bạn nên làm là cùng các đồng nghiệp khác đưa ra những gợi ý, những ý tưởng, giải pháp giải quyết vấn đề và thúc đẩy sự phát triển cho tập thể bạn. Đưa ra những dấu hiệu tích cực cho tương lai thay vì mổ xẻ chuyện cũ sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt với sếp sau này.
Xem thêm: 4 quy tắc giúp tạo hình ảnh tốt, chuyên nghiệp trong mắt sếp và đồng nghiệp
Trên đây là một số chia sẻ về nghệ thuật giao tiếp với cấp trên. Việc Làm 24h tin rằng dù cho sếp của bạn có kém tuổi, có khó khăn với bạn, dù bạn có mệt mỏi, ở đâu, làm gì với cấp trên thì cũng hãy luôn có thái độ tôn trọng sếp. Bởi thành công được quyết định bởi thái độ của bạn.
Xem thêm: 4 tố chất của người lãnh đạo cần có để thu phục lòng tin của nhân viên