Dịch chuyển nhân sự đang dần trở thành xu hướng chung trên toàn thế giới, khiến nhiều người lao động suy nghĩ về việc hiện nay không còn muốn gắn bó với một công ty trong thời gian quá dài. Chuyển việc không hẳn là việc làm ‘’nhạy cảm’’ nhưng không phải ai cũng đủ tinh tế để biết cách xin nghỉ việc khéo léo. Mời bạn cùng Việc Làm 24h tìm hiểu cách xin nghỉ việc với 7 bước thuyết phục khiến cấp trên không thể từ chối nhé!
1. Tìm hiểu kỹ về quy định xin nghỉ của công ty
Mỗi doanh nghiệp, công ty đều có quy định rõ ràng về thời gian xin nghỉ. Những quy định này sẽ được ghi trong hợp đồng lao động nhưng phần lớn mọi người đều bỏ qua, dẫn đến không biết cách xin nghỉ việc hợp lý. Bạn cần nghỉ đúng thời hạn quy định, bởi vì đây là thời gian cần thiết để công ty tổ chức sắp xếp công việc và nhân sự thay thế vị trí của bạn.
Trường hợp cần nghỉ sớm hơn, bạn có thể thương lượng với bộ phận nhân sự và cấp trên của mình. Một số công ty sẽ thông cảm cho bạn nhưng cũng có nơi thực hiện theo luật nên trong trường hợp này, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài tuân thủ theo. Vì thế, bạn nên tìm hiểu thật kỹ để đảm bảo các quyền lợi của bản thân cũng như không ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
2. Trò chuyện chân thành và thẳng thắn với sếp
Chúng ta đều có lý do cụ thể trước khi quyết định dừng lại một công việc nào đó. Tuy nhiên, phần lớn các nhân sự đều không thẳng thắn chia sẻ những lý do thật với sếp, đây là cách xin nghỉ việc không trọn vẹn. Thông thường, mọi người có xu hướng đưa ra các lý do khá chung chung và “văn mẫu” như: không phù hợp, thay đổi định hướng hoặc lý do cá nhân.
Dù quy mô của doanh nghiệp lớn hay nhỏ, nhân sự vẫn luôn là một vấn đề đau đầu của người quản lý. Vì thế, bạn càng thẳng thắn chia sẻ lý do rời đi, sếp cũ sẽ càng trân trọng sự thành thật của bạn. Thay vì lấy những lý cho chung chung, bạn hãy đề cập thật chi tiết.
Chẳng hạn như bạn cảm thấy môi trường làm việc không còn phù hợp với định hướng phát triển của bản thân. Khi đó, bạn nên đề cập cụ thể ở quy định, văn hóa nào của công ty khiến bạn không phù hợp.
Hoặc nếu bạn nghĩ vì có định hướng khác, vậy định hướng cụ thể là gì? Định hướng đó có thực sự tốt nếu bạn tìm đến một môi trường mới hay không?
Không thẳng thắn, cụ thể khi xin nghỉ việc khiến bạn rất dễ bị đánh giá là nghỉ việc cảm tính. Điều này thể hiện bạn là người làm việc không chuyên nghiệp. Đồng thời, bạn hãy là người chủ động trao đổi vấn đề nghỉ việc với sếp, chứ không phải là một người đồng nghiệp của bạn. Đừng để sếp biết ý định chuyển việc của bạn từ lời bàn tán của đồng nghiệp.
3. Lựa chọn thời gian nghỉ việc hợp lý
Nếu bạn xin nghỉ việc đúng vào giai đoạn công ty đang trục trặc trong kinh doanh hoặc triển khai dự án dở dang, bạn có thể bị hiểu nhầm là người ‘’đứng núi này trông núi nọ’’, không có trách nhiệm. Vì thế, bạn hãy cân nhắc thật kỹ thời điểm mình rời đi để thuận tiện cho cả bản thân lẫn công ty.
Xem thêm: Có nên nhảy việc cuối năm? Thưởng Tết hay nghỉ việc đâu là sự lựa chọn tốt nhất?
4. Hoàn thành đầy đủ công việc, bàn giao trọn vẹn mọi thứ
Mọi người sẽ cảm thấy rất phiền khi phải đi giải quyết những hậu quả mà người khác để lại. Cảm giác rũ bỏ mọi trách nhiệm thật sự rất thoải mái nhưng bạn hãy nghĩ đến cảm giác của người ở lại, tiếp nhận và thực hiện các công việc của mình. Bạn càng xử lý khoa học và chỉn chu bao nhiêu, đồng nghiệp sẽ càng trân trọng và học hỏi điều này từ bạn bấy nhiêu.
Tùy vào quy định, chính sách của công ty mà cách bàn giao công việc, sao lưu dữ liệu sẽ khác nhau. Trường hợp công ty của bạn không có những quy trình rõ ràng cho việc này, bạn có thể chủ động giải quyết chúng. Hãy tính toán thời gian mình nghỉ để phân bổ thời gian hợp lý và hoàn thành công việc thật chỉn chu.
Bạn cần sắp xếp đầy đủ các file vào từng Folder gọn gàng, chuyển giao kỹ càng đến người quản lý cũng như người thay thế vị trí của bạn. Sự chuẩn bị này là cách xin nghỉ việc đúng đắn không chỉ cho thấy bạn làm việc chuyên nghiệp mà còn giúp người kế nhiệm bạn thực hiện công việc tốt hơn, tránh những rủi ro không cần thiết về sau.
5. Cư xử đúng mực đến ngày cuối cùng
Sẽ có 2 giai đoạn là khi mới nhận việc và chuẩn bị nghỉ việc, mọi người sẽ rất chú ý đến hành động và sự thể hiện của bạn. Một số người nghỉ việc vì họ đã quá chán chường công ty cũ nên sau khi được duyệt, họ thường có xu hướng “xõa” mọi thứ, không quan tâm quá nhiều đến công việc và tâm lý chung.
Tuy nhiên, việc thả lỏng bản thân quá mức này là cách xin nghỉ việc không đúng, có thể ảnh hưởng đến quá trình mà bạn đã cống hiến cho công ty trước đó. Vì thế, là một người có thái độ làm việc chuyên nghiệp, bạn hãy thể hiện trách nhiệm của mình cho đến những ngày cuối cùng. Dù đã nghỉ việc, chúng ta nên giữ mối quan hệ tốt và vui vẻ khi gặp lại nhau.
6. Thông báo cho sếp, bộ phận nhân sự và đồng nghiệp thân thiết
Người đầu tiên biết ý định nghỉ việc của bạn phải là người quản lý, người sếp của bạn. Cách xin nghỉ việc này thể hiện bạn là người cư xử đúng mực, tôn trọng cấp trên của mình.
Bạn nên thông báo trực tiếp và gửi đơn xin nghỉ việc đến sếp trước khi gửi đến bộ phận hành chính nhân sự. Như vậy, người quản lý sẽ nắm rõ được thông tin, cảm thấy được tôn trọng nên họ sẽ sẵn lòng giúp bạn hoàn thiện thủ tục nghỉ việc tốt nhất.
Đồng thời, những đồng nghiệp thân thiết với bạn cũng là một phần rất quan trọng mà bạn không thể bỏ qua. Thử tưởng tượng bạn có một đồng nghiệp hợp rơ, không chỉ hiểu ý nhau trong công việc mà còn thân thiết trong cả cuộc sống. Bất chợt một ngày, bạn nhận được thông tin đồng nghiệp ấy nghỉ từ sếp, bạn sẽ cảm thấy như mình không được coi trọng, bị bỏ rơi lại phía sau. Vì thế, tất cả những cảm giác tồi tệ này có thể tới với đồng nghiệp thân thiết nếu bạn không chủ động chia sẻ dự định nghỉ việc của mình cho họ.
Khi công ty cần thời hạn từ 30 – 45 ngày để tìm nhân sự thay thế vị trí của bạn, đồng nghiệp thân thiết cũng có chừng ấy thời gian để chuẩn bị cho sự vắng mặt của bạn. Điều này sẽ giúp họ chấp nhận sự thật dễ dàng hơn.
7. Không nghỉ đột ngột khi chưa có sự đồng ý của cấp trên
Hành động tự ý nghỉ việc khi chưa được sếp chấp thuận là cách cư xử rất tệ, thiếu chuyên nghiệp. Bạn hãy nhớ rằng, công ty cũng cần bạn hoàn thành công việc và chờ người thay vào vị trí của bạn. Nếu vì lý do chưa tuyển được người thay thế trong thời gian quy định và sếp chưa đồng ý, bạn đừng nên nghỉ việc đột ngột.
Kết luận
Cách xin nghỉ việc khéo léo không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn mà còn giữ được cảm tình, duy trì mối quan hệ với cấp trên và đồng nghiệp. Trên mỗi chặng đường đời, bạn sẽ dừng chân ở nhiều trạm khác nhau. Có nơi cho bạn kiến thức, kinh nghiệm nhưng cũng có nơi mang lại những bài học không mấy vui vẻ.
Dù thế nào, bạn cũng nên thể hiện “cái tâm và cái tầm” của mình, hành xử đúng mực, chuyên nghiệp sẽ tạo nên lợi thế riêng biệt cho chính bạn. Hy vọng bài viết trên đây của Việc Làm 24h cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn, giúp bạn biết được cách xin nghỉ việc và quy trình hợp lý khi rời khỏi một doanh nghiệp, bắt đầu hành trình mới. Chúc các bạn thành công! Đừng quên chuẩn bị tinh thần và tìm kiếm cho mình một công việc hợp mới phù hợp nhé.