Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, mọi thủ tục giấy tờ đều có thể thực hiện và xác nhận từ xa thông qua Internet. Đặc biệt hơn là khi trải qua các đợt dịch bệnh, bạn có thể thấy việc chuyển đổi này là vô cùng cần thiết và hiệu quả. Đó cũng là lúc nhiều người để ý và quan tâm nhiều hơn đến chữ ký số. Vậy chữ ký số là gì? Tại sao nên sử dụng chữ ký số? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về chữ ký số cũng như các quy định cần biết về hình thức này ngay bài viết bên dưới.
1. Chữ ký số là gì?
Tại khoản 6- Điều 3 theo Nghị định 130/2018/NĐ-CP về chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005 về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số thì khái niệm chữ ký số là gì được quy định như sau :
“Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:
- Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
- Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.
Chữ ký số đóng vai trò như một chữ ký tay cá nhân hoặc con dấu của doanh nghiệp, được thừa nhận về mặt pháp lý khi giao dịch trên môi trường điện tử như: bao gồm hợp đồng điện tử, kê khai thuế, phát hành hóa đơn điện tử, giao dịch tài chính,…
2. Cấu tạo của chữ ký số như thế nào?
Về cấu tạo của chữ ký số được chia thành hai phần như sau:
- Phần cứng (được gọi là USB token) và được bảo mật bằng mật khẩu (mã PIN).
- Chứng thư số đóng vai trò là một phần không thể tách rời trong cấu tạo của chữ ký số, phần này chứa tất cả dữ liệu đã được mã hóa của doanh nghiệp.
Về phần USB Token, cụ thể hơn thì phần cứng này được xây dựng dựa trên công nghệ RSA mã hóa công khai. Mỗi đơn vị sẽ có cặp khóa gồm khóa bí mật và khóa công khai:
- Khóa bí mật: tạo chữ ký số và nó thuộc hệ thống mã không đối xứng.
- Khóa công khai: kiểm tra chữ ký số, được tạo bởi khóa bí mật tương ứng và cũng thuộc hệ thống mã không đối xứng.
- Người ký: là người dùng khóa bí mật để ký vào một thông điệp dữ liệu thể hiện dưới tên mình.
- Người nhận: là người được nhận thông điệp dữ liệu đã được người ký ký số vào.
3. Chữ ký số dùng để làm gì?
Sau khi biết được chữ ký số là gì thì bạn cũng cần biết được những chức năng của loại hình chữ ký này theo pháp luật quy định:
- Thay thế chữ ký tay khi giao dịch thương mại điện tử.
- Trong trường hợp giao dịch thư điện tử: chứng nhận cho các đối tác, khách hàng biết ai là người gửi thư.
- Đầu tư chứng khoán, mua bán hàng trực tuyến, thanh toán online, chuyển tiền trực tuyến.
- Trong trường hợp dùng ứng dụng chính phủ điện tử, phù hợp với chính sách đơn giản hóa của các cơ quan nhà nước.
- Kê khai nộp thuế trực tuyến hoặc khai báo với cơ quan hải quan.
- Đóng bảo hiểm xã hội.
- Các ứng dụng quản lý của doanh nghiệp bảo mật và xác thực hơn.
- Ký hợp đồng với các đối tác kinh doanh hoàn toàn trực tuyến.
4. Đối tượng được sử dụng chữ ký số
Các cá nhân hay tổ chức đều có thể là được phép sử dụng chữ ký số. Tuy nhiên xét về giá trị pháp lý của chữ ký số, theo Quy định tại Điều 8 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số:
- Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
- Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.
- Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Chương V Nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.
5. Các loại chữ ký sổ phổ biến hiện nay
Nếu xét theo tính sở hữu thì chữ ký số có thể được chia thành hai loại là chữ ký số cá nhân và chữ ký số doanh nghiệp:
- Chữ ký số cá nhân có giá trị tương đương với chữ ký tay của cá nhân và được dùng chủ yếu với mục đích xác thực danh tính của người ký trong nhiều trường hợp như: ký các văn bản, tài liệu điện tử; tham gia các giao dịch trực tuyến; kê khai thu nhập cá nhân;… Để có thể cài đặt chữ ký số cho cá nhân, bạn phải đăng ký chứng thư số cá nhân với đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số này.
- Chữ ký số doanh nghiệp: một thiết bị chứa dữ liệu mã hóa và các thông tin của doanh nghiệp, dùng với mục đích xác nhận thay cho con dấu của doanh nghiệp đó trên các văn bản điện tử và tài liệu số khi thực hiện các giao dịch điện tử.
Ngoài ra, trên thị trường sẽ có các loại chữ ký số dựa trên các hình thức khác nhau. Trong đó, có thể kể đến hai loại chữ ký số phổ biến nhất hiện nay:
- Chữ ký số USB Token: truyền thống và được sử dụng rộng rãi. Đây là loại chữ ký số cần dùng đến thiết bị phần cứng tích hợp – USB Token (dùng để lưu trữ dữ liệu mã hóa và thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân). Yêu cầu người dùng chữ ký số loại này cần cắm USB Token vào máy tính để thực hiện việc ký.
- Chữ ký số HSM: sử dụng công nghệ HSM để lưu trữ cặp khóa điện tử và sử dụng Internet để truyền nhận, xử lý lệnh ký. Trong đó HSM (Hardware Security Module) là một thiết bị vật lý được dùng để quản lý và bảo vệ các cặp khóa chứng thư số cho các ứng dụng xử lý mật mã và có tính xác thực mạnh. Chữ ký số này có hình thức là một card PCI cắm vào máy tính hoặc là một thiết bị phần cứng độc lập có kết nối mạng.
6. Lợi ích của việc dùng chữ ký số
Khi đã tìm hiểu rõ hơn về chữ ký số là gì, bạn cũng có thể thấy được những tiện ích mà loại hình ký này mang đến trong cuộc sống hiện nay:
- Đảm bảo tính pháp lý: Do sử dụng công nghệ cao nên nó rất có ích khi xác định tính pháp lý của văn bản điện tử.
- An toàn, bảo mật thông tin: Công nghệ mã hóa tạo ra sự biến đổi thông điệp dữ liệu không đối xứng, theo đó người nhận có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký thì có thể xác định được chính xác danh tính và xác thực được người ký là ai.
- Ngăn chặn khả năng giả mạo: Việc tạo ra một chữ ký số giống hoàn toàn với chữ ký gốc và có khả năng kiểm tra bằng mã công khai là bất khả thi cho đến thời điểm này.
- Tiết kiệm thời gian, chi phí: Chữ ký số giúp giảm thời gian và công sức xử lý các nghiệp vụ kế toán, cũng như tiết kiệm chi phí in ấn và lưu trữ tài liệu.
7. Nên mua chữ ký số ở đâu?
Các cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp có thể mua chữ ký số từ đại lý chữ ký số tại các nơi có dịch vụ chữ ký số như: Viettel, FPT, BKAV, VNPT, Vina, Newtel,… Đây là các nhà cung cấp và gia hạn chữ ký số được phép theo quy định của pháp luật.
Mỗi nhà mạng đều có bảng giá chữ ký số khác nhau, tùy vào khả năng tài chính, bạn có thể sử dụng và nâng cấp chữ ký số theo các gói phù hợp với bản thân hoặc doanh nghiệp. Đừng nên mua những chữ ký số giá rẻ vì sẽ không thể đảm bảo được tính bảo mật, an toàn và pháp lý trong quá trình sử dụng.
Tạm kết
Chữ ký số được xem như một hình thức cần thiết trong thời đại công nghệ, khi mà tất cả thông tin hay dữ liệu đều có thể lưu trữ và trao đổi trực tuyến thông qua các kết nối Internet. Do đó, việc sử hữu chữ ký số sẽ vô cùng tiện lợi cho mọi giao dịch trong cuộc sống của bạn.
Mong rằng với những chia sẻ của Việc Làm 24h về chữ ký số là gì bên trên, có thể giúp bạn hiểu hơn về loại hình chữ ký này. Đừng quên đón đọc những bài viết hữu ích khác tại Nghề Nghiệp Việc Làm 24h nhé!
Xem thêm: Mất phương hướng nghề nghiệp, tuổi 27 của tôi là những chuỗi ngày đầy bế tắc