Môi giới bất động sản (BĐS) là ngành mang lại thu nhập cao, thu hút ngày càng nhiều nhân lực. Tuy nhiên, để chính thức hoạt động trong ngành, bạn cần có chứng chỉ môi giới bất động sản theo quy định pháp luật. Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn về chứng chỉ này cũng như nghề môi giới BĐS qua bài viết sau.
Môi giới bất động sản là gì?
Trong Luật kinh doanh Bất động sản 2014, Khoản 2, Điều 3 có quy định: Môi giới bất động sản là ngành dịch vụ trong đó các cá nhân, tổ chức môi giới làm trung gian cho các bên mua bán, chuyển nhượng, cho thuê hoặc thuê lại, mua bán bất động sản.
Nhân viên môi giới làm nhiệm vụ kết nối bên mua và bên bán, giúp cho giao dịch mua bán BĐS diễn ra thuận lợi, thành công.
Để hành nghề môi giới BĐS, nhân viên môi giới cần có chứng chỉ môi giới bất động sản theo đúng quy định do Sở Xây dựng cấp.
Chứng chỉ môi giới bất động sản
Chứng chỉ môi giới bất động sản hay còn gọi là chứng chỉ BĐS là điều kiện cần thiết để môi giới BĐS được phép làm nghề. Chứng chỉ này sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày cấp.
Chứng chỉ này có nhiều ý nghĩa như:
- Đảm bảo nhân sự đủ điều kiện hành nghề môi giới bất động sản.
- Tăng uy tín của nhà môi giới với khách hàng.
- Tạo sự phát triển lành mạnh cho nghề môi giới về lâu dài.
- Góp phần tăng sự chuyên nghiệp, minh bạch, đáng tin cậy cho nhà đầu tư.
Cũng theo Luật kinh doanh BĐS, Điều 69 quy định: sàn giao dịch BĐS/ tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS cần ít nhất 2 người có chứng chỉ môi giới bất động sản. Cá nhân có quyền kinh doanh môi giới BĐS độc lập (không thành lập doanh nghiệp) phải có chứng chỉ môi giới bất động sản và nộp thuế theo quy định pháp luật.
Điều kiện để nhận chứng chỉ môi giới bất động sản
Tại Khoản 1, Điều 68, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 quy định: cá nhân được cấp chứng chỉ môi giới bất động sản cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Đủ năng lực hành vi dân sự
- Trình độ THPT trở lên
- Đạt tiêu chuẩn qua kỳ thi sát hạch về kiến thức môi giới BĐS
Nội dung thi sát hạch về môi giới bất động sản
Nội dung kỳ thi này gồm 2 phần:
- Kiến thức cơ sở: gồm bài thi viết và thi trắc nghiệm hoặc kết hợp cả hai hình thức trên trong thời gian 120 phút về:
+ Thị trường BĐS
+ Đầu tư BĐS
+ Pháp luật liên quan đến việc kinh doanh BĐS
+ Phòng chống việc rửa tiền trong hoạt động kinh doanh BĐS
- Kiến thức chuyên môn:
+ Tổng quan dịch vụ môi giới BĐS
+ Quy trình, kỹ năng môi giới BĐS
+ Giải quyết tình huống
Nếu mỗi bài thi đạt từ 70/100 điểm trở lên, bạn sẽ vượt qua kỳ thi và có thể nộp hồ sơ để nhận chứng chỉ môi giới BĐS.
Quá trình nộp hồ sơ cấp chứng chỉ môi giới bất động sản
Để nhận được chứng chỉ môi giới bất động sản, bạn trải qua các bước sau
Bước 1: Bạn chuẩn bị hồ sơ thi cấp chứng chỉ gồm:
- Đơn đăng ký có dán ảnh 4×6
- CMND hoặc CCCD bản sao chứng thực (người nước ngoài cần bản sao hộ chiếu)
- Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS (bản sao có chứng thực)
- Bản sao bằng tốt nghiệp THPT (hoặc cấp tương đương trở lên )
- 02 ảnh cỡ 4×6 trong vòng 6 tháng tính đến ngày đăng ký dự thi
- 02 phong bì dán tem ghi rõ họ tên, số điện thoại và địa chỉ nhận thư.
Bước 2: Nộp hồ sơ ở Sở xây dựng
Sau khi hoàn tất, bạn tiến hành nộp hồ sơ tại Sở xây dựng. Nếu hồ sơ đạt đủ tiêu chuẩn, hợp lệ và đầy đủ, bạn sẽ nhận được biên nhận hẹn ngày trả kết quả. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp, bạn sẽ được hướng dẫn chi tiết để hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Nhận kết quả
Thông thường, thời hạn để giải quyết hồ sơ là trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi hồ sơ hợp lệ của bạn được nhận.
Lệ phí đăng ký là 200.000 vnđ/ chứng chỉ.
Không có chứng chỉ môi giới bất động sản bị phạt bao nhiêu
Theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP, tại Khoản 1 Điều 59, nhà môi giới không có chứng chỉ môi giới bất động sản bị phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng. Cụ thể, các hành vi bị phạt gồm:
- Kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập nhưng không có chứng chỉ môi giới bất động sản hoặc chứng chỉ hết hạn.
- Tẩy xoá hoặc sửa chữa chứng chỉ làm sai lệch nội dung chứng chỉ.
- Cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn chứng chỉ môi giới bất động sản để thực hiện hoạt động /dịch vụ liên quan tới môi giới BĐS.
Trên thực tế, theo một thống kê từ VARS (Hội Môi giới bất động sản Việt Nam), hiện nay có khoảng 200.000 người hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc là môi giới độc lập. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ môi giới bất động sản chuyên nghiệp.
Học chứng chỉ môi giới bất động sản ở đâu?
Hiện nay, nhiều trường đại học/cao đẳng khối ngành kinh doanh có mở các chương trình, khóa học môi giới bất động sản như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP HCM, Đại học Mở…
Nhiều công ty môi giới lớn, các sàn BĐS cũng có các chương trình đào tạo về nghề môi giới phục vụ cho nhân sự có nhu cầu.
Dù học ở đâu, bạn cũng nên lựa chọn các địa chỉ uy tín, học phí phù hợp và tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin trước khi quyết định học.
Phẩm chất để làm môi giới bất động sản
Nhiều người bị hấp dẫn bởi mức thu nhập cao của ngành môi giới, tuy nhiên, nhiều người trong ngành cho biết tới 80% nhân sự môi giới BĐS chọn đổi công ty khác sau một năm. Không ít người “bỏ cuộc chơi” sớm bởi đây là một nghề không dễ dàng. Bên cạnh chứng chỉ môi giới bất động sản, để trở thành nhà môi giới chuyên nghiệp, hiệu quả, bạn cần thêm các kỹ năng mềm sau
Kỹ năng giao tiếp
Với người môi giới BĐS, kỹ năng giao tiếp là yếu tố quan trọng để tạo dựng niềm tin với khách hàng. Cởi mở, trung thực, chân thành trong giao tiếp sẽ giúp nhà môi giới gây dựng uy tín và tạo nên mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Ngoài ra, bạn còn cần trao đổi với ngân hàng, thanh tra, nhà thẩm định cũng như nhiều nhóm đối tượng khác ngoài khách hàng.
Kiến thức
Bên cạnh kiến thức thị trường, nhà đầu tư còn cần liên tục mở rộng kiến thức về nhiều linh vực như đầu tư, dòng tiền, kinh tế, thậm chí cả marketing, tiếp thị – quảng cáo… để có thể trụ lại với nghề.
Càng hiểu rõ thị trường, càng có kiến thức đa dạng, nhà môi giới càng có nhiều cơ hội gặp gỡ, tạo niềm tin và xây dựng được nhiều mối quan hệ với khách hàng tiềm năng.
Chủ động, kiên trì, kỷ luật
Với vai trò là cầu nối giữa người mua với bất động sản phù hợp, người môi giới càng chủ động sẽ càng tạo được niềm tin và uy tín với khách hàng. Cụ thể, môi giới cần chủ động tìm kiếm khách hàng, chủ động tạo mối quan hệ, chủ động cung cấp thông tin, chủ động chăm sóc nhu cầu của khách hàng…
Bên cạnh sự chủ động, kiên trì và kỷ luật là yếu tố quan trọng để môi giới thành công. Bởi mặt hàng BĐS có giá trị lớn, chu kỳ bán được một sản phẩm có khi kéo dài tới vài tháng, thậm chí hàng năm. Nếu không có đủ sự kiên nhẫn, kỷ luật bản thân, nhất là giai đoạn thị trường biến động, đóng băng hoặc đi ngang, môi giới sẽ dễ có tâm lý chán nản và dễ bỏ nghề.
Uy tín, chính trực
Ngoài tờ chứng chỉ môi giới bất động sản, yếu tố tạo niềm tin của khách hàng với một nhà môi giới chính là sự uy tín, chính trực. Đó là sự uy tín trong giao tiếp, sự chính trực trong việc luôn nỗ lực vì lợi ích của khách hàng, đưa đến những thông tin chuẩn xác, trung thực nhất.
Bất động sản là lĩnh vực ảnh hưởng rất nhiều bởi thông tin. Một thông tin sai lệch có thể gây hoang mang, ảnh hưởng tới giá thị trường và quyết định của khách hàng. Bởi vậy, những nhà môi giới luôn giữ uy tín và chính trực sẽ luôn có được sự tin tưởng của khách hàng. Họ còn có thể giữ mối quan hệ lâu dài khi khách hàng muốn mua thêm hoặc giới thiệu cho bạn bè, đặc biệt là các khách đầu tư và mua BĐS giá trị cao.
Nhiệt huyết, yêu nghề
Chìa khóa thành công cuối cùng của mọi ngành nghề, bao gồm cả môi giới BĐS là sự nhiệt huyết và yêu nghề. Suốt cả năm trời chăm khách đôi khi có thể bị mất trắng hoa hồng. Suốt vài tháng theo dự án thì đột ngột dự án đóng băng, phải chờ thêm. Và nhiều rủi ro khác có thể xảy đến với người làm môi giới.
Nếu ai đó muốn một công việc ổn định, lương đều hàng tháng thì có lẽ môi giới BĐS không phải dành cho họ. Nếu ai đó ngại khó, ngại sự rủi ro, môi giới BĐS cũng không phải nghề phù hợp.
Tuy nhiên với những người đi cùng nghề từ đợt đóng băng này qua đợt bùng nổ khác thì sẽ hiểu rằng, ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu với nghề môi giới BĐS không chỉ nằm ở tiền hoa hồng mà còn là được gặp gỡ nhiều người, lắng nghe nhiều câu chuyện, mở mang kiến thức về kinh tế, đầu tư, marketing, thị trường… Đó mới là những giá trị khiến họ thấy yêu nghề, luôn thấy nhiệt huyết với nghề và có thể theo nghề lâu dài.
Lời kết
Không có công thức thành công chung cho mọi ngành nghề, bao gồm cả môi giới BĐS. Nhiều người lâu năm trong nghề từng khuyên: bạn có thể gia nhập thị trường bất cứ thời điểm nào, chỉ cần đủ kiến thức, đủ tình yêu với nghề, bạn cũng sẽ nhìn thấy cơ hội ngay cả khi thị trường đang đi xuống và khủng hoảng.
Việc Làm 24h hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết cơ bản về chứng chỉ môi giới bất động sản và những phẩm chất để trở thành một môi giới chuyên nghiệp.
Đừng quên thường xuyên theo dõi Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để cập nhật những thông tin việc làm trong ngành bất động sản mới nhất.
Xem thêm: Telesale là gì? Bật mí 7 kỹ năng quan trọng giúp nhanh thăng tiến trong sự nghiệp!