Hầu như mọi người đều có định kiến, bao gồm cả bạn! Định kiến đôi khi rất hữu ích vì giúp chúng ta suy nghĩ mọi thứ theo khuôn mẫu có sẵn, đơn giản hơn. Nhưng định kiến cũng có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta cư xử với một số người và sự việc nhất định. Điều này gây ra những hệ lụy tiêu cực. Vậy vì sao định kiến xã hội tồn tại và làm thế nào để vượt qua chúng? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Định kiến xã hội là gì?
Có nhiều định nghĩa về định kiến được các nhà tâm lý đưa ra, chẳng hạn như:
– Theo Fischer, định kiến xã hội là những thái độ có sự đánh giá một chiều và mang tính tiêu cực đối với cá nhân hoặc cộng đồng. Hay nói cách khác, định kiến là một loại phân biệt đối xử bao gồm 2 yếu tố chính là nhận thức và ứng xử.
– Theo J.P.Chaplin, định kiến là thái độ bao gồm tích cực và tiêu cực được hình thành trên cơ sở những dấu hiệu rõ ràng, đặc biệt là yếu tố cảm xúc. Là niềm tin hoặc cách nhìn thường không thiện cảm làm cho chủ thể suy nghĩ và đối xử với người khác theo cách tương tự.
Hiểu nôm na, định kiến xã hội là những quan điểm, suy nghĩ cố hữu của phần đông mọi người được hình thành trước khi có nhận thức về vấn đề hay đối tượng. Đặc điểm chung của định kiến là có tính tiêu cực và niềm tin rập khuôn về con người, sự việc cũng như xu hướng phân biệt đối xử. Trong xã hội, chúng ta thường thấy những định kiến dựa trên các yếu tố như chủng tộc, giới tính, tôn giáo, văn hóa…
Ví dụ về định kiến xã hội như:
– Học đại học là tốt nhất.
– Phụ nữ phải kết hôn trước 30 tuổi. Nếu không kết hôn sẽ bị coi là gái ế.
– Đi làm công ty lớn, kiếm nhiều tiền mới gọi là thành công.
– Tính cách hướng nội sẽ chịu nhiều thiệt thòi, nên phải hướng ngoại.
– Phụ nữ phải phụ thuộc vào đàn ông.
– Xăm trổ là biểu hiện của những người hư hỏng.
Xem thêm: Sống là chính mình để bảo vệ bản thân khỏi năng lượng tiêu cực ở nơi làm việc
Các loại định kiến phổ biến trong xã hội
Có rất nhiều loại định kiến khác nhau, một trong số đó bao gồm:
– Chủ nghĩa tuổi tác, chẳng hạn như tin rằng ai đó quá già hoặc quá trẻ để đảm nhiệm một vai trò cụ thể hoặc tham gia vào hoạt động nào đó.
– Chủ nghĩa giai cấp, có thể bao gồm việc phán xét dựa trên thu nhập hoặc coi thường ai đó vì họ “nghèo” hoặc là thuộc tầng lớp lao động chân tay.
– Homophobia, thường được định nghĩa là cảm giác khó chịu, sợ hãi, không tin tưởng những người thuộc cộng đồng LGBT.
– Chủ nghĩa dân tộc, liên quan đến việc tin rằng lợi ích của nhóm mình quan trọng hơn lợi ích của các nhóm khác.
– Phân biệt chủng tộc, là việc có thái độ tiêu cực đối với những người thuộc chủng tộc hoặc dân tộc khác bắt nguồn từ các hệ thống quyền lực và áp bức.
– Định kiến tôn giáo, biểu hiện của việc chia rẽ, đấu tranh vì niềm tin hoặc ý thức hệ giữa các tôn giáo khác nhau.
– Phân biệt giới tính, liên quan đến việc giữ một số định kiến hoặc niềm tin dựa trên giới tính, chẳng hạn như đánh giá họ không nên hoặc nên làm công việc nào đó vì yếu tố giới tính.
Xem thêm: Body Shaming là gì? Đừng để lời nói trở thành vũ khí sát thương nơi công sở
Tại sao định kiến xã hội lại tồn tại?
Không có nguyên nhân rõ ràng và chính xác về lý do tại sao định kiến lại tồn tại và xuất hiện từ lúc nào. Chỉ biết rằng từ lúc chúng ta sinh ra định kiến xã hội đã có mặt. Thực tế là một số yếu tố tác động hình thành nên định kiến xã hội như những sự kiện lịch sử, môi trường sống, sự phán xét, những khuôn mẫu trong hệ tư tưởng. Ngoài ra, theo nhà tâm lý học Gordon Allport, định kiến và khuôn mẫu xuất hiện một phần là kết quả từ suy nghĩ bình thường của con người. Để hiểu được thế giới xung quanh, con người sẽ sắp xếp thông tin thành các danh mục khác nhau. Trong cuốn The Nature of Prejudice (Bản chất của định kiến), ông giải thích rằng “Tâm trí con người phải suy nghĩ với sự trợ giúp của các phạm trù. Một khi được hình thành, các phạm trù là cơ sở cho sự phán đoán bình thường. Chúng ta không thể tránh khỏi quá trình này. Trật tự của cuộc sống phụ thuộc vào sự phân chia của các phạm trù.”
Nói cách khác, chúng ta phụ thuộc vào khả năng sắp xếp đối tượng, sự việc, ý tưởng thành các loại khác nhau để hiểu và vận hành cuộc sống. Khả năng phân loại thông tin giúp chúng ta tương tác và phản ứng nhanh chóng, nhưng chính điều này lại gây ra hệ lụy hình thành định kiến xã hội.
Định kiến kìm hãm con người như thế nào?
Một trong những tác động dễ thấy nhất của định kiến xã hội là khiến chúng ta khó hoặc thậm chí không thể sống thật với chính mình. Hãy nhìn vào cộng đồng LGBT cùng những gì họ phải đối mặt khi lựa chọn “come out”, những người phụ nữ làm mẹ đơn thân hay các bạn chưa kết hôn khi “quá lứa lỡ thì” sẽ hiểu ngay. Khi đó, định kiến xã hội như bức tường thành vững chắc khiến chúng ta khó thể nào vượt qua để chọn đi theo con đường mình muốn. Chẳng hạn như bạn muốn cuộc sống tự do nên nghỉ việc công sở để làm freelancer nhưng định kiến xã hội cho rằng bạn không có công định ổn định sẽ không làm ra trò trống gì, học đại học rồi cũng lông bông thôi… ít nhiều làm bạn chùn bước và sợ hãi.
Khi không đủ dũng khí, bạn sẽ chấp nhận làm trái với mong muốn của bản thân và tiếp tục sống không phải là chính mình. Dần dần sẽ gây ra những ảnh hưởng về mặt tinh thần như mệt mỏi, thất vọng, căng thẳng, trầm cảm…
Nghiêm trọng hơn, định kiến và khuôn mẫu không chỉ dẫn đến những niềm tin sai lầm mà còn có thể gây phân biệt đối xử. Chúng có thể tác động đến khả năng của người bị phân biệt đối xử như khi tìm việc làm, cơ hội thăng chức hay đề bạt làm lãnh đạo…
Xem thêm: Đừng biến drama công sở trở thành một nét văn hóa độc hại
Làm thế nào để thôi không bị định kiến gông cùm?
Bước đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại những định kiến xã hội là nhận ra và chấp nhận rằng tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi chúng. Mọi người đều có những thành kiến nhất định về một số đối tượng và sự việc mà không bao giờ áp dụng cho tất cả. Nếu đang và vẫn nhận thức được sự thật này, bạn đã có một bước tiến rất lớn.
Thứ hai là cố gắng đảm bảo không để định kiến xã hội quyết định hành vi của bạn. Nếu để chúng tác động đến hành vi của bạn, rất có thể sẽ dẫn đến phân biệt đối xử với người khác. Ngoài ra cũng đừng truyền bá định kiến của bản thân vì bạn sẽ không biết rằng những chia sẻ này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mọi người.
Cuối cùng, bạn không đủ sức thay đổi các định kiến xã hội nhưng nhất định không để bản thân bị hòa tan vào chúng. Hãy can đảm để không bị lôi kéo vào vòng xoáy của định kiến. Đồng thời tìm kiếm sự đồng cảm, thấu hiểu từ những người có cùng tư tưởng để tiếp thêm sức mạnh.
Tạm kết
Có niềm tin vào bản thân là động lực giúp bạn dũng cảm, tự tin trong việc vượt qua định kiến xã hội để trở thành phiên bản mong muốn của chính mình. Khi có nhận thức rõ ràng về bản thân cùng tinh thần chịu trách nhiệm về con đường mình lựa chọn, bạn sẽ tỉnh táo, vững vàng trong mỗi bước đi và trở nên mạnh mẽ hơn khi đối mặt với định kiến xã hội.
Hy vọng với bài viết này của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h, bạn đọc đã có góc nhìn mới về chủ đề này và được tiếp thêm sức mạnh để sống là chính mình. Nếu bạn đang tìm việc mơ ước của bản thân, đừng chần chừ mà hãy truy cập Việc Làm 24h và bắt lấy cơ hội ngay nhé!
Xem thêm: Định luật Parkinson: Vì sao làm việc gì cũng mất thời gian hơn dự kiến?