Giấy giới thiệu là gì? Các mẫu giấy giới thiệu phổ biến hiện nay bạn cần biết

Giấy giới thiệu là một trong những văn bản giấy tờ được sử dụng phổ biến hiện nay. Vậy giấy giới thiệu là gì? Giấy giới thiệu được sử dụng với mục đích gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về quy định của giấy giới thiệu cũng như các mẫu giấy giới thiệu phổ biến hiện nay như mẫu giấy giới thiệu công ty, mẫu giấy giới thiệu công tác,… để nắm rõ nội dung và cách thức sử dụng mẫu văn bản này bạn nhé!

mẫu giấy giới thiệu
Bạn đã biết các mẫu giấy giới thiệu đúng chuẩn hiện nay?

Giấy giới thiệu là gì?

mẫu giấy giới thiệu
Giấy giới thiệu là gì?

Theo nghị định số 527-TTg ban hành thì “Giấy giới thiệu là công văn cấp cho một cán bộ hoặc nhân viên phải đi công tác ở ngoài cơ quan”.

Cụ thể thì giấy giới thiệu là văn bản hành chính được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phát hành để giới thiệu thông tin của một cá nhân là người đại diện hợp pháp cho đơn vị, tổ chức như cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên,… đến làm việc tại một đơn vị, tổ chức khác được giới thiệu và có quyền thay mặt giải quyết các công việc cụ thể theo nội dung được ghi nhận trong giấy giới thiệu. 

Bên cạnh đó, người được giới thiệu có thể ký kết các văn bản liên quan nhân danh đơn vị, tổ chức giới thiệu.

Một số mẫu giấy giới thiệu phổ biến hiện nay như:

  • Giấy giới thiệu công tác
  • Giấy giới thiệu công ty
  • Giấy giới thiệu chuyển trường
  • Giấy giới thiệu rút tiền tại ngân hàng
  • Giấy giới thiệu đăng ký xe máy
  • Giấy giới thiệu người vào Đảng

Ví dụ: Công ty ABC tham gia dự án hợp tác bất động sản thành phố B, cần khảo sát và đánh giá vị trí địa lý, mật độ dân cư, chất lượng cuộc sống,… của người dân trước khi tiến hành dự án. 

Do đối tượng nghiên cứu rộng, nên công ty ABC cần phải làm việc với các cơ quan quản lý của thành phố B và khảo sát trực tiếp người dân nơi đây bằng việc phỏng vấn trực tiếp hoặc hoàn thành các bảng câu hỏi về vấn đề này. Công ty ABC sẽ phát hành mẫu giấy giới thiệu công ty để nhân viên làm việc các cơ quan chức năng để nhận được sự hỗ trợ của chính quyền hoặc làm việc trực tiếp với người dân để nhận được sự hỗ trợ và thu thập thông tin chính xác nhất về dự án khảo sát này.

Ý nghĩa của giấy giới thiệu là gì?

mẫu giấy giới thiệu
Ý nghĩa của giấy giới thiệu? Có thực sự cần các mẫu giấy giới thiệu?

Giấy giới thiệu giúp tránh các trường hợp giả mạo hoặc mạo danh gây nhầm lẫn đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân được giới thiệu. Đồng thời, văn bản này giúp các bên có thể làm việc với đúng người có chuyên môn hoặc có thẩm quyền để xử lý chính xác vấn đề đang gặp phải. 

Bản chất giấy giới thiệu là văn bản cung cấp các thông tin cơ bản cần thiết cho bên được giới thiệu và thông qua văn bản này, các bên có thể rút ngắn thời gian tìm hiểu thông tin về đối phương hoặc đối tác. Chính vì thế, trước khi phát hành giấy giới thiệu, các đơn vị và tổ chức phải trao đổi vấn đề cần giải quyết qua điện thoại, thư điện tử hoặc các phương thức liên lạc khác. 

Giấy giới thiệu giúp đơn vị, tổ chức tiếp nhận tin tưởng; hiểu rõ vấn đề, yêu cầu, mong muốn của bên được giới thiệu và tạo điều kiện để giúp cá nhân được giới thiệu có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình tốt nhất. Trong một số trường hợp, các đơn vị, tổ chức có quyền từ chối tiếp nhận và làm việc với các cá nhân được giới thiệu nếu không cung cấp đầy đủ giấy giới thiệu. Bên cạnh đó, giấy giới thiệu còn là văn bản mang tính pháp lý quan trọng để thông qua đó, các đơn vị, tổ chức có căn cứ giải trình các vấn đề liên quan khi có sự cố bất ngờ xảy ra giữa các bên.

Ví dụ: Nhân viên A làm việc tại Chi nhánh A thuộc Tập đoàn B muốn đến làm việc với Tập đoàn B về vấn đề C cần phải có giấy giới thiệu của giám đốc chi nhánh A gửi đến ban lãnh đạo Tập đoàn B để làm rõ vấn đề C. Nếu không có giấy giới thiệu, tập đoàn B có quyền từ chối làm việc nhân viên A.

Mẫu giấy giới thiệu cần có những nội dung nào?

mẫu giấy giới thiệu
Các mẫu giấy giới thiệu cần có những nội dung nào?

Hiện nay chưa có quy định bắt buộc về nội dung trên giấy giới thiệu, tuy nhiên các mẫu giấy giới thiệu thường có các thông tin sau:

  1. Quốc hiệu và tiêu ngữ.
  2. Tên cơ quan, đơn vị, tổ chức ban hành văn bản.
  3. Số và ký hiệu văn bản.
  4. Địa điểm và thời gian ban hành văn bản.
  5. Tên loại, trích yếu nội dung văn bản.
  6. Nội dung văn bản.

– Họ và tên, chức vụ của người được giới thiệu.

– Chi tiết nội dung công việc được giới thiệu.

– Thời gian giấy giới thiệu có giá trị hiệu lực.

– Đề nghị các tổ chức, đơn vị giúp đỡ hoàn thành công việc.

  1. Chức vụ, ký tên, đóng dấu và xác nhận của công ty, người giới thiệu

Xem thêm: Hướng dẫn cách viết email chuyên nghiệp, chỉn chu cho mọi tình huống

Giấy giới thiệu và giấy ủy quyền có gì khác nhau?

mẫu giấy giới thiệu
Giấy giới thiệu và giấy uỷ quyền là hai loại văn bản khác nhau

Nhiều người thường nhầm lẫn mục đích sử dụng giấy giới thiệu và giấy uỷ quyền, tuy nhiên xét về bản chất 2 văn bản này lại hoàn toàn khác nhau. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Phạm vi thực hiện công việc của giấy giới thiệu thấp hơn giấy uỷ quyền.

  • Giấy giới thiệu được sử dụng với mục đích liên hệ, đại diện cho đơn vị, tổ chức nhằm làm rõ và thực thi công việc cụ thể. 
  • Giấy ủy quyền được sử dụng khi bên ủy quyền trao quyền cho người được ủy quyền được thay mặt mình thực hiện công việc cụ thể. Trong trường hợp này, người được ủy quyền có thể thực hiện công việc trong phạm vi được ủy quyền nhân danh người ủy quyền.

Thứ hai: Giấy giới thiệu có tính pháp lý thấp hơn giấy ủy quyền

  • Đối với giấy ủy quyền, người được ủy quyền sẽ có quyền sử dụng mọi biện pháp hợp pháp nhằm thực hiện công việc được ủy quyền. Đồng thời, người được ủy quyền có quyền thay mặt người uỷ quyền giải trình, khởi kiện, tố cáo và thực hiện một số công việc khác hợp pháp, không trái luật.
  • Đối với giấy giới thiệu, người được giới thiệu chỉ được phép thực hiện các công việc trong phạm vi nhỏ, chung chung như tiếp nhận và làm rõ thông tin. Bên cạnh đó, người được giới thiệu cũng không thể thay mặt đơn vị, tổ chức giới thiệu để quyết định các vấn đề trong nội dung giới thiệu.

Thứ ba: Trách nhiệm pháp lý của người được giới thiệu thấp hơn người được uỷ quyền.

  • Giấy giới thiệu mang tính đối ngoại như chào hỏi, trao đổi và tương tác giữa các đơn vị, tổ chức. 
  • Giấy ủy quyền mang tính pháp lý như thay mặt, đại diện, thực hiện và đưa ra phương án bảo vệ người được ủy quyền trong phạm vi ủy quyền rộng hơn. 

Hướng dẫn cách viết mẫu giấy giới thiệu đúng chuẩn

mẫu giấy giới thiệu
Hướng dẫn cách chuẩn bị mẫu giấy giới thiệu đúng chuẩn hiện nay
  1. Tên tổ chức, đơn vị sự nghiệp,… và số hiệu nằm phía bên trái và ngang hàng hoặc thấp hàng so với thông tin quốc hiệu. Chú ý không được cao hơn hàng chữ quốc hiệu.

Ví dụ:

CÔNG TY TNHH ABC
Số:…/GT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—o0o—
TPHCM, ngày…tháng…năm…
  1. Tên văn bản: GIẤY GIỚI THIỆU nên được viết in hoa, in đậm và căn giữa văn bản. Dưới tên văn bản đề cập đến vấn đề cần giới thiệu, nếu có. 

Ví dụ: 

GIẤY GIỚI THIỆU

V/v: Hỗ trợ sinh viên đăng ký thực tập

  1. Kính gửi: Ghi rõ và đúng tên đơn vị, tổ chức được giới thiệu đến.
  2. Thông tin người được giới thiệu: Ghi đầy đủ họ và tên, chức vụ hoặc các thông tin định danh cần thiết như thông tin chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước công dân,…
  3. Nội dung giấy giới thiệu: Ghi rõ lý do được giới thiệu và phạm vi làm việc. Đồng thời đề cập thời điểm giấy giới thiệu có hiệu lực. 
  4. Ký tên, đóng dấu và xác nhận của người có thẩm quyền.

Xem thêm: Kiến tập là gì? Sự khác biệt giữa kiến tập và thực tập bạn cần biết

Một số mẫu giấy giới thiệu phổ biến hiện nay

1. Mẫu giấy giới thiệu công ty

CÔNG TY TNHH XYZ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Số:…/GT Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—o0o—

TPHCM, ngày … tháng … năm

GIẤY GIỚI THIỆU

Kính gửi: Quý Công ty TNHH ABC

Công Ty chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu: Nhân viên hỗ trợ phía Công ty TNHH XYZ

Ông (bà): Lê Văn C

Chức vụ: Nhân viên kinh doanh

Được cử đến: Phòng kinh doanh quý Công ty TNHH ABC

Về vấn đề: Hướng dẫn kỹ thuật thao tác trên các thiết bị và phần mềm bán hàng được lắp đặt tại Quý công ty vào ngày … tháng … năm. 

Rất mong Quý công ty tạo điều kiện để Ông (bà) Lê Văn C hoàn thành nhiệm vụ.

Giấy giới thiệu này có giá trị đến hết ngày …tháng …năm

GIÁM ĐỐC/ THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

(Ký, đóng dấu)

2. Mẫu giấy giới thiệu công tác

CÔNG TY TNHH XYZ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Số:…/GT Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—o0o—

TPHCM, ngày … tháng … năm

GIẤY GIỚI THIỆU

Kính gửi: Công ty Cổ phần Tập Đoàn ABC

Giới thiệu Ông/Bà: Lê Văn C

Chức vụ: Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH XYZ

Được cử đến: Phòng kinh doanh Công ty Cổ phần Tập Đoàn ABC

Về vấn đề: Nâng cao nghiệp vụ kinh doanh theo Khóa huấn luyện nhân sự khu vực miền Nam do Công ty Cổ phần Tập Đoàn ABC tổ chức từ ngày … tháng … năm… đến ngày … tháng … năm… 

Chúng tôi trân trọng đề nghị Quý công ty tạo điều kiện để Ông/Bà Lê Văn C hoàn thành khóa huấn luyện theo thời gian Khóa huấn luyện trên.

GIÁM ĐỐC/ THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

(Ký, đóng dấu)

Kết luận

mẫu giấy giới thiệu
Tham khảo và điều chỉnh mẫu giấy giới thiệu tùy vào mục đích sử dụng

Hy vọng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h chia sẻ qua bài viết trên sẽ giúp mọi người hiểu hơn về giấy giới thiệu. Với ý nghĩa quan trọng mà giấy giới thiệu mang lại, mọi người cần tham khảo các mẫu giấy giới thiệu như mẫu giấy giới thiệu công ty và mẫu giấy giới thiệu công tác mà chúng tôi sẻ trên để hoàn thành giấy giới thiệu phù hợp với mục đích của mình mà vẫn đúng chuẩn. Đừng quên theo dõi các bài viết mới nhất của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để tìm hiểu và cập nhật các mẫu giấy tờ quan trọng khác bạn nhé!

Xem thêm: Làm thế nào để trở lại công việc cũ sau khi bỏ việc?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục