Một chú vịt bơi trên mặt hồ yên ả và điềm tĩnh, nhưng thực tế dưới mặt nước là đôi chân đạp điên cuồng để giữ cho cơ thể nổi. Đây chính là “hội chứng con vịt” – một hiện tượng tương đối phổ biến hiện nay. Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn về hội chứng này qua bài viết sau nhé.
Hội chứng con vịt là gì?
Hội chứng con vịt (duck syndrome) là cụm từ dùng để chỉ những người thường xuyên che giấu khó khăn và căng thẳng bên dưới vỏ bọc thành công mà không cần cố gắng.
Sự tương phản giữa bền ngoài điềm tĩnh, dường như thành công đến nhẹ nhàng, thoải mái và những nỗ lực điên cuồng phía sau để tạo nên thành công ấy đã được các nhà nghiên cứu từ Đại học Stanford gọi là “Hội chứng con vịt nổi”.
Hội chứng này cũng dùng để chỉ ai đó có vẻ ngoài hoàn hảo, trông như chẳng cần cố gắng gì. Thực chất, họ đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực và đang nỗ lực điên cuồng để theo kịp yêu cầu xã hội.
Tên gọi của hội chứng này xuất phát từ việc quan sát hoạt động của loài vịt. Những chú vịt nhìn bề ngoài có vẻ đang lướt nhẹ nhàng trên mặt hồ mà không tốn chút công sức nào nhưng những đôi chân nhỏ bé dưới nước đang đạp cật lực để giữ cho cơ thể vịt cân bằng và không bị chìm.
Nghiên cứu này xuất phát từ nghiên cứu tại Đại học Stanford và Pennsylvania. Họ tìm ra hội chứng này khá phổ biến với sinh viên đại học. Hội chứng này dù không thuộc nhóm rối loạn tâm lý, nhưng nếu kéo dài cũng có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần như lo âu, rối loạn căng thẳng, thậm chí trầm cảm.
Hội chứng con vịt có biểu hiện như thế nào?
Đứa bạn bảo rằng nó chưa học chữ nào và còn đăng ảnh đi ăn chơi tới khuya nhưng điểm kiểm tra đạt 10 tròn trĩnh. Những idol xứ Hàn luôn có vẻ ngoài tận hưởng cuộc sống, ăn chơi, lúc nào cũng xuất hiện với vẻ ngoài 10 điểm. Một đứa bạn khác lúc nào cũng ung dung đăng story đi chơi hết nơi này đến nơi khác, công việc thì toàn khoe thành công.
Bạn có khi nào thấy ghen tị và tự hỏi sao họ luôn hoàn hảo đến thế mà có vẻ chẳng cố gắng chút nào.
Thế nhưng rất có thể, đứa bạn 10 điểm đã phải thức đến sáng học bài nhiều đêm trước đó. Những idol Hàn, sau những lần đăng ảnh ăn uống là những ngày ăn kiêng khốc liệt. Với đứa bạn lúc nào cũng đăng ảnh đi chơi là những lần cày OT thâu đêm để hoàn tất công việc.
Thực tế, nhiều người luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần nhưng họ không bao giờ cho ai biết. Thậm chí họ còn khoác lên vẻ ngoài bình thản, khiến ai nhìn vào cũng cảm tưởng họ đạt thành công mà chẳng cần nỗ lực gì.
Những dấu hiệu thường gồm:
- Thường so sánh chính mình với người khác, cảm thấy người khác giỏi hơn hoặc tốt hơn.
- Cảm thấy mất kiểm soát với cuộc sống, không thể bắt kịp đòi hỏi của cuộc sống và công việc.
- Khó thư giãn.
- Sợ sai sót, sợ chỉ trích.
- Lòng tự trọng thấp.
- Cảm thấy người xung quanh cố tình gây khó khăn cho mình, ảnh hưởng tới thành tích cá nhân, ảnh hưởng hiệu suất
- Xuất hiện những triệu chứng về cơ thể như: khó ngủ, năng lượng thấp, căng cơ, buồn nôn, khô miệng…
- Dễ lo lắng, hay quên, suy nghĩ dồn dập, khả năng phán đoán giảm, khó tập trung.
- Hay trì hoãn, bồn chồn.
Ngoài ra, duck syndrome cũng tăng nếu bạn lớn lên trong môi trường gia đình coi trọng thành tích hoặc được bảo bọc quá mức.
Hội chứng con vịt có tác động như thế nào?
Người mắc duck syndrome có xu hướng che giấu những tranh đấu nội tâm. Trong nỗ lực kiểm soát, bạn vô tình tự tăng thêm những gánh nặng cho bản thân, đồng thời cô lập chính mình khỏi những nguồn hỗ trợ.
Đôi khi chúng ta còn thậm chí lừa dối bản thân rằng phải tự vượt qua các thử thách mà không cần đến giúp đỡ từ người khác. Điều này vô tình khiến bạn tự rào mình, giảm cơ hội kết nối đích thực với người khác.
Các nhà tâm lý từ Đại học Stanford cảnh báo, hội chứng này không chỉ gây ảnh hưởng đến bản thân người mắc mà còn tạo áp lực cho những người xung quanh. Đó là cảm giác nghi ngờ bản thân, dễ thấy mình thua kém khi so sánh nỗ lực của bản thân với vẻ ngoài thành công dễ dàng của người khác.
Nguyên nhân của hội chứng con vịt là gì?
Một trong những lý do phổ biến khiến hội chứng này là bởi chúng ta muốn hướng đến hình mẫu hoàn hảo mà không cần nỗ lực. Cụm từ “effortless perfection” (hoàn hảo mà không cần cố) lần đầu xuất hiện tại báo cáo của Đại học Duke năm 2003.
Các giáo sư từ Đại học Loyola tại Chicago đã đưa một số giải thích về nguyên nhân của hiện tượng này như sau:
Ego orientation- tập trung vào cái tôi
Goal orientation theory – thuyết định hướng theo mục tiêu: cho rằng động lực thúc đẩy ai đó đạt đến thành công theo 1 trong 2 nhóm: nhóm tập trung vào công việc (Task orientation) và nhóm tập trung vào cái tôi (ego orientation).
- Nhóm tập trung vào công việc: đánh giá thành công của bản thân dựa trên việc mình học hỏi được nhiều hay không, có phát triển bản thân hay không.
- Nhóm tập trung vào cái tôi: đánh giá độ thành công dựa trên việc bản thân có xuất chúng hay không.
Social comparison – so sánh xã hội
Khi ở trong môi trường tập thể, chúng ta có xu hướng so sánh bản thân với người khác. Trong môi trường có nhiều người xuất chúng, chúng ta có xu hướng so sánh lên, so bản thân với người giỏi hơn) để tạo động lực. Quá trình này kéo dài sẽ làm giảm đi độ hài lòng về cuộc sống. Từ đó, bạn có xu hướng luôn nỗ lực để bắt kịp guồng quay.
Trái ngược với so sánh lên là so sánh xuống. Sự so sánh này cho bạn cảm giác “hơn người”. Nỗ lực và thành công thì ai cũng biết, đó là tất yếu. Vậy nên, xu hướng tỏ ra không cần nỗ lực mà vẫn thành công sẽ khiến bản thân trở nên đặc biệt hơn.
Tư duy đóng (fixed mindset)
Người có tư duy đóng cho rằng sự thông minh, tính cách hay tài năng là những điều vĩnh viễn không thay đổi được.
- Cần thông minh vào mọi lúc.
- Trí thông minh đến mà không cần nỗ lực.
- Che giấu sai lầm, khuyết điểm.
- Hạn chế, che giấu sự nỗ lực của bản thân.
Những nguyên nhân khác
Bên cạnh 3 nguyên nhân trên, có những yếu tố khác cũng được xem là góp phần khiến người trẻ ngày càng mắc phải duck syndrome:
- Sự biến động và thay đổi về nhịp sống, trải qua những yêu cầu cao độ về học tập, sinh hoạt và thiếu sự động viên hỗ trợ từ những người tin cậy.
- Tiếp xúc quá nhiều với những nội dung về sự thành công của người khác, đặc biệt là những người đồng lứa.
- Thiếu năng lực ứng phó với căng thẳng, thiếu linh hoạt trong cuộc sống hoặc đã quen với sự dựa dẫm.
- Môi trường làm việc hoặc học tập có tính cạnh tranh cao, ít chấp nhận mắc lỗi hoặc không hoàn hảo.
- Gia đình bao bọc quá mức.
Làm sao giảm tác động của hội chứng con vịt?
Duck syndrome không phải bệnh lý, tuy nhiên nó có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần nếu bạn không giải quyết nó đúng cách. Để giảm những tác động tiêu cực của hội chứng này, bạn có thể:
- Trò chuyện với người bạn tin tưởng về khó khăn của bản thân.
- Ngưng so sánh với người khác.
- Hiểu năng lực thực sự của mình, chấp nhận việc đôi khi không hoàn hảo cũng là một chuyện bình thường.
- Giảm kỳ vọng về chính mình, đồng thời tìm hiểu các phương pháp làm việc, học tập phù hợp với năng lực.
- Chăm sóc bản thân.
- Học cách quản lý thời gian: cân bằng nghỉ ngơi và công việc.
- Đừng ngại tìm kiếm sự trợ giúp khi thực sự cần giúp đỡ.
Lời kết
Qua bài viết từ Vieclam24h.vn, hẳn bạn đọc đã hiểu hơn về hội chứng con vịt là gì cũng như hiểu được rằng: thực sự chẳng có thành công hay sự hoàn hảo nào tự nhiên xuất hiện mà không cần nỗ lực. Theo dõi Blog Vieclam24h.vn thường xuyên hơn để biết thêm nhiều kiến thức hữu ích cân bằng công việc và cuộc sống bạn nhé!
Việc làm gợi ý
ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: 6 tuyệt chiêu trả lời câu hỏi bạn mong muốn mức lương bao nhiêu khi phỏng vấn