Internal Link là gì? Tất tần tật những gì người làm SEO cần biết về Internal Link

Internal Link là yếu tố quan trọng không SEOer nào có thể bỏ qua. Vậy Internal Link là gì? Đặt Internal Link như thế nào cho khôn ngoan để đạt hiệu quả SEO tốt nhất? Tất cả sẽ có trong bài viết sau của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h. Cùng theo dõi nhé!

Internal Link là gì?

Internal Link còn gọi là link nội bộ. Đây là liên kết dẫn sang một trang mới trong cùng một website. Một Internal Link có thể được chèn trực tiếp vào từ khóa trong bài viết hoặc dưới dạng điều hướng website (Website navigation), menu website.

Trong phần code của website, phần Internal Link sẽ trông như thế này:

<a href=”url”>link text</a> 

 Ví dụ: <a href=”https://www.example-site.com/”>fixing crawlability issues</a>.

Khi hiển thị trên trang, các từ khóa có gắn Internal Link sẽ được đánh dấu bằng màu khác để trông nổi bật và hấp dẫn..

internal link là gì
Internal Link là cầu nối từ trang này sang trang khác trên website của bạn.

Cách tạo Internal Link tương đối đơn giản. Bạn chỉ cần truy cập vào trang quản trị nội dung  website (CMS), tìm tới các vị trí cần gắn Internal Link trên trang, bôi đen vào anchor text rồi gán link cần gắn.

Xem thêm: Backlink là gì? Hướng dẫn cách kiểm tra số lượng Backlink đơn giản mà hiệu quả

Các loại Internal Link là gì?

Hiện nay, SEOer chia Internal Link thành 2 loại chính là link điều hướng và link theo ngữ cảnh.

  • Link điều hướng (navigation links): là các liên kết nội bộ nhằm dẫn người dùng tới các trang liên quan khác trong website. Link điều hướng là gợi ý hữu ích giúp người dùng tìm thấy các thông tin mở rộng một cách nhanh chóng. Ví dụ: các đường link về danh mục sản phẩm, hỏi đáp, về chúng tôi… trên trang web chính là các link điều hướng. Các link này thường được gắn trong menu điều hướng ở trên cùng, trên banner, phía bên phải, bên trái hoặc ở dưới cùng của trang. 
internal link là gì
Các link điều hướng thường sẽ gắn ở đây.
  • Link theo ngữ cảnh (contextual Internal Links): là các liên kết nội bộ trỏ tới các trang liên quan dựa theo ngữ cảnh nội dung xuất hiện. Ví dụ: người dùng đang đọc bài viết về Internal Link trên trang, bạn có thể gắn link theo ngữ cảnh vào từ khóa như backlink, link building… là những nội dung liên quan người dùng có thể cùng quan tâm.
internal link là gì
Các link theo ngữ cảnh khi gắn vào bài viết sẽ trông như này.

Lợi ích của Internal Link là gì?

Hoàn toàn miễn phí, nhưng nhiều SEOer thường không chú trọng tới việc tối ưu Internal Link. Thực tế, hạng mục này không tốn quá nhiều thời gian nhưng có thể mang lại hiệu quả lớn cho SEO nếu được đầu tư chỉnh chu.

Những lợi ích lớn mà Internal Link mang lại bao gồm:

  • Giúp công cụ tìm kiếm hiểu cấu trúc trang tốt hơn.
  • Tăng sức mạnh cho các trang trên website.
  • Tăng uy tín cho trang (authority) giúp công cụ tìm kiếm đánh giá trang tốt hơn. Cụ thể là qua Internal Link, bạn báo với công cụ tìm kiếm rằng một trang nào đó là quan trọng, từ đó search engine phân tích, đo lường tầm quan trọng của trang và xếp hạng trang này tốt hơn.
  • Thúc đẩy từ khóa lên top tốt hơn.
  • Giúp trang web trở nên chuyên nghiệp, dễ sử dụng, giữ chân người dùng ở lại trang lâu hơn, giảm bounce rate, giúp thương hiệu dễ đi vào tâm trí người dùng hơn.
  • Thúc đẩy chuyển đổi trên trang (như mua hàng, đăng ký, follow, chia sẻ…)
  • Giúp điều hướng người dùng sang những trang có giá trị chuyển đổi cao như trang mua hàng, trang để lại thông tin…
internal link là gì
Đây là cách Internal Link giúp công cụ tìm kiếm hiểu trang của bạn hơn.

External link và Internal Link là gì?

Nếu Internal Link là các liên kết trong nội bộ trang thì External link là liên kết trỏ về website đến từ các trang bên ngoài không thuộc quyền sở hữu của bạn hoặc ngược lại. 

External link gồm Inbound Link và Outbound Link:

  • Inbound Link: liên kết trỏ về trang của bạn từ website khác (còn gọi là backlink)
  • Outbound Link: liên kết đến các website khác trỏ đi từ trang của bạn.

Internal Link và External link đều là hai loại link hữu ích cho SEO. Để hiểu rõ hơn sự khác nhau của external link và Internal Link là gì, bạn có thể xem bảng sau:

Internal LinkExternal link
Hoàn toàn do bạn kiểm soát, hoàn toàn miễn phí.Khó kiểm soát hơn, nhất là với inbound links. 
Tăng sự uy tín cho các trang trong cùng 1 website.Ảnh hưởng bởi uy tín của trang web trỏ link về trang của bạn.
Xuất hiện ở menu điều hướng và trong nội dung bài viết.Chỉ xuất hiện trong nội dung bài.

Xem thêm: Redirect là gì? Tận dụng loại redirect nào để tăng Organic traffic hiệu quả?

Mô hình Internal Link là gì?

Một số mô hình Internal Link đang được các SEOer hiện nay sử dụng hiệu quả gồm:

Mô hình kim tự tháp (Pyramid)

Đây là cách đi link từ trang chủ dẫn xuống các mục nhỏ hơn. Các chuyên mục nhỏ sẽ trỏ liên kết ngược lại đến các trang chính qua từ khóa liên quan. Mô hình này phù hợp để bạn SEO các trang về chuyên mục và về trang chủ.

internal link là gì
Mô hình Internal Link kim tự tháp.

Mô hình bánh xe của Internal Link là gì?

Với mô hình này sử dụng từ khoá để điều hướng link chia đều về các trang con trên toàn bộ website. Nếu mô hình kim tự tháp tập trung điều hướng về đích cụ thể thì mô hình bánh xe phù hợp khi bạn cần SEO nhiều từ khoá trên cùng một trang. 

Hạn chế của mô hình này là tốn nhiều thời gian, đồng thời công cụ tìm kiếm cũng thường không đánh giá cao bởi chúng khó tìm trang đích.

internal link là gì
Mô hình bánh xe.

Mô hình Silo

Đây là mô hình hình giúp kết nối, biểu thị mối liên quan giữa các trang. Mô hình này giúp công cụ tìm kiếm dễ dàng thu thập thông tin cũng như giúp người dùng dễ tiếp cận sản phẩm hơn khi vào web.

Cách đặt Internal Link khôn ngoan, hiệu quả

Như vậy hẳn bạn đã hiểu Internal Link là gì. Vậy làm sao để đặt Internal Link cho hiệu quả. Muốn vậy, trước tiên, bạn cần hiểu như thế nào là một Internal Link chất lượng và có một chiến lược tạo Internal Link đúng cách.

Internal Link như thế nào là chất lượng

  • Phù hợp với ngữ cảnh
  • Vị trí gắn phù hợp
  • Điều hướng phù hợp, thông minh
  • Chứa nội dung liên quan, hữu ích cho người dùng
  • Số lượng vừa phải (khoảng 3-5 link, không nên nhồi nhét quá nhiều)
  • Anchor text đa dạng.

Cách xây chiến lược Internal Link là gì?

  • Bước 1: Chọn trang muốn tối ưu để lên TOP (pillar pages)

Thông thường các trang này cần nhắm tới từ khoá rộng, lượng tìm kiếm cao. Bạn cần xác định chủ đề, từ khoá trước khi bắt tay sản xuất nội dung cho các trang này.

  • Bước 2: Lập danh sách trang cùng từ khóa cần xây Internal Link

Các trang này sẽ được chọn ra dựa trên chủ đề lớn website đang hướng tới. Mỗi trang nhỏ hơn sẽ là các chi tiết đi sâu hơn (cluster topic). Các trang nhỏ này cần liên kết nội bộ trỏ về trang chính và chỉ ra trang chính là URL trọng tâm và thẩm quyền cao nhất. Để tìm ra từ khoá phù hợp với nội dung trang, bạn có thể dùng các công cụ nghiên cứu từ khoá để hỗ trợ. 

  • Bước 3: Chọn anchor text phù hợp

Anchor text là từ hoặc đoạn văn bản gắn link. Bạn nên chọn anchor text đa dạng, tự nhiên, độ dài phù hợp và liên quan tới nội dung của trang.

  • Bước 4:Xxác định quyền hạn từng trang (authority)

Trang có thẩm quyền cao nhất là trang có nhiều liên kết từ bên ngoài trỏ về nhất. Bạn sẽ phân phối các liên kết này tới các trang khác nhờ dùng Internal Link. 

  • Bước 5: Tăng thứ hạng cho trang mục tiêu

Sau khi xác định được trang có thẩm quyền cao nhất, bạn dẫn link từ các trang này về trang cần cải thiện thứ hạng. Lưu ý rằng nội dung của trang chứa Internal Link cần liên quan. 

  • Bước 6: Tối ưu hoá nội dung trang

Nếu trang của bạn chưa có nhiều liên kết, hãy tham khảo thêm nhiều trang có thẩm quyền cao để tạo liên kết có lợi. Tốt nhất mỗi trang mới nên có 2 -3 liên kết nội bộ tới những trang có thẩm quyền cao. 

internal link là gì
Xây dựng chiến lược Internal Link phù hợp

Đặt Internal Link ở đâu cho hiệu quả

Bạn nên đặt link nội bộ ở các “vị trí đẹp” sau:

  • Đặt Internal Link ở những trang nhiều backlink tốt: các backlink tốt giúp mang nhiều traffics về trang, khi đặt Internal Link ở các trang này sẽ có tỷ lệ click vào cao hơn, nâng cao hiệu quả của trang.
  • Đặt link ở trang có traffics cao: để kiểm tra đâu là những trang có lượng người dùng vào nhiều, bạn xem ở Google Analytics theo các bước sau: Analytics >> Hành vi >> Nội dung trang >> Tất cả trang. 

Lưu ý, nên tận dụng những chiến dịch PR, chiến dịch Email mang lại lượng traffics đột phá cho trang để đặt Internal Link phù hợp. 

  • Đặt link ở những trang liên quan: với người dùng, đặt link phù hợp giúp cung cấp dòng chảy thông tin giá trị, tăng uy tín của website. Với công cụ tìm kiếm, đặt link tốt giúp bot dễ dàng đi theo liên kết và giúp trang index (lập chỉ mục) nhanh hơn. 
  • Đặt link ở các trang bài viết trước và sau: điều này giúp tăng sự liên kết chặt chẽ cho website, dẫn dắt người đọc tiếp tục khám phá trang.
  • Đặt Internal Link theo hành trình người dùng: trong hành trình của người từ tìm kiếm, thích thú, phát sinh nhu cầu… việc chèn link nội bộ đúng thời điểm, đúng vị trí giúp tăng tỷ lệ click và tăng chuyển đổi hiệu quả. 
internal link là gì
Internal Link liên quan và phù hợp với hành trình người dùng giúp thu hút traffic hiệu quả.

Các lưu ý khi sử dụng Internal Link là gì?

Để đảm bảo quá trình SEO hiệu quả, bạn nên kiểm tra và hạn chế các lỗi thường gặp ở Internal Link.

Kiểm tra (audit) Internal Link 

Các công cụ kiểm tra Internal Link giúp bạn nắm hiện trạng liên kết website, biết được các vị trí gắn Internal Link là gì, từ đó có chiến lược xây dựng link nội bộ hiệu quả. Ba công cụ audit Internal Link phổ biến hiện nay là:

Screaming Frog

Đây là phần mềm hỗ trợ kiểm tra Internal Link có trong trang bất kỳ. Bạn chỉ cần truy cập vào link https://www.screamingfrog.co.uk/seo-spider để tải phần mềm về. Tiếp đó cài đặt và mở phần mềm, chọn link muốn kiểm tra rồi nhấn start. Phần mềm cho phép kiểm tra cả anchor text và đường link, đồng thời cho phép xuất nội dung ra file excel để dễ dàng theo dõi. 

Ahref 

Sau khi đăng nhập tài khoản Ahref, bạn vào ô tìm kiếm >> chọn Backlink Profiles > Internal backlinks.

Công cụ này cho phép kiểm tra Internal Link và anchor text cho bài viết bạn đang tìm, đồng thời xuất bản nội dung ra file excel dễ dàng. 

Semrush

Bạn có thể thực hiện audit Internal Link qua công cụ Semrush theo đường link: https://www.semrush.com/siteaudit/. Semrush cung cấp các thông tin chính như:

  • Độ sâu dữ liệu trang
  • Các Internal Links
  • Phân phối Internal Link
  • Các lỗi Internal Link
  • Link rank (thứ hạng link nội bộ – cho biết trang nào mạnh nhất và nên sử dụng)

Các lỗi link nội bộ 

Sau đây là một số lỗi thường gặp của Internal Link là gì và cách khắc phục đơn giản.

Lỗi thường gặpCách khắc phục
Liên kết hỏng (hiển thị 404)Xóa hoặc thay thế bằng link mới
Không thể thu thập được thông tinĐịnh dạng lại liên kết
Quá nhiều Internal Link trên một trangAudit trang để tìm ra các trang này và xoá bớt
Thuộc tính nofollowXóa thuộc tính ra khỏi liên kết
Một trang phải mất trên 3 lượt click mới xem đượcĐặt lại ở các vị trí chỉ cần 1 nhấp chuột để truy cập nội dung nhanh hơn.
Chuyển hướng 301 làm chậm quá trình vào trangLoại bỏ chuyển hướng, cập nhật liên kết trực tiếp đến trang đích.
Chuyển hướng vòng lặpLàm giống khắc phục chuyển hướng 301
Chuyển hướng https sang http do đặt nhầm link, gây chuyển hướng không cần thiếtCập nhật thủ công để thay liên kết trỏ về http bằng trỏ về https

Lời kết

Hy vọng bài viết trên của Việc Làm 24h đã giúp bạn có câu trả lời cho Internal Link là gì, cách sử dụng Internal Link sao cho hiệu quả. Đừng quên theo dõi loạt bài về SEO trên Việc Làm 24h để bổ sung cho mình thêm nhiều kiến thức SEO hữu ích. 

Xem thêm: Retail Therapy: Khi người trẻ vung tiền mua sắm để chạy trốn áp lực

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục