Một công trình xây dựng được đánh giá là công trình xanh khi tuân thủ một loạt các tiêu chí và tiêu chuẩn được thiết lập bởi các tổ chức uy tín. Các chứng chỉ này không chỉ đảm bảo công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường. Ở Việt Nam, có nhiều tiêu chuẩn kiến trúc xanh như LEED, LOTUS, EDGE, Green Mark,… Tiêu chuẩn LEED là một trong những tiêu chuẩn phổ biến nhất. Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về LEED là gì ngay trong bài viết bên dưới nhé!
1. LEED là gì?
LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) là chứng chỉ do Hội Đồng Xây Dựng Xanh Hoa Kỳ (U.S. Green Building Council) cấp, một tổ chức phi chính phủ chuyên đánh giá các công trình và tòa nhà đáp ứng các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường.
Tiêu chuẩn LEED là một trong những hệ thống chứng nhận kiến trúc xanh được công nhận rộng rãi nhất trên toàn cầu. Các dự án xây dựng tuân theo tiêu chuẩn LEED đảm bảo mức độ thân thiện với môi trường, tạo ra các không gian xanh mà vẫn đáp ứng ngân sách chủ đầu tư đề ra.
Do sự phổ biến của tiêu chuẩn này, nhiều doanh nghiệp đã chọn các tòa nhà được chứng nhận LEED làm trụ sở, văn phòng làm việc trên khắp thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật, với nhiều tòa nhà cao ốc lớn như khu văn phòng của nhà máy ATAD Đồng Nai, văn phòng Johnson & Johnson Việt Nam, tháp đôi Capital Place,… đã đạt được chứng chỉ LEED.
2. Thang điểm của tiêu chuẩn LEED là gì?
Thang điểm xếp hạng của tiêu chuẩn LEED cho các dự án mới và đại trùng tu dựa vào các tiêu chí sau:
TIÊU CHÍ | ĐIỂM SỐ |
Nguồn năng lượng và chất lượng không khí/ Energy & Atmosphere (EA) | 35 Điểm |
Tận dụng nguồn nước hiệu quả / Water Efficiency (WE) | 10 Điểm |
Vị trí đẹp và kết nối giao thông/ Location and Transportation | 26 Điểm |
Sử dụng nguyên vật liệu/ Material & Resources (MR) | 14 Điểm |
Đảm bảo chất lượng môi trường sống trong nhà/ Indoor Environment Quality (IE) | 14 Điểm |
Tính sáng tạo trong thiết kế/ Innovation & Design (ID) | 06 Điểm |
Phát triển bền vững/ Sustainable Sites (SS) | 04 Điểm |
- Đạt từ 40 đến 49 điểm: Chứng nhận Certified
- Đạt từ 50 đến 59 điểm: Chứng nhận Bạc (Silver)
- Đạt từ 60 đến 79 điểm: Chứng nhận Vàng (Gold)
- Đạt từ 80 điểm trở lên: Chứng nhận Bạch Kim (Platinum)
3. Mục tiêu của chứng nhận LEED là gì?
Các tòa nhà được chứng nhận LEED đóng vai trò quan trọng giải quyết các vấn đề của biến đổi khí hậu và thúc đẩy mục tiêu ESG (bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng). LEED không chỉ tập trung vào một khía cạnh của xây dựng như năng lượng, nước, hoặc sức khỏe, mà còn đánh giá tổng thể để tối ưu hóa mọi khía cạnh và tạo ra những công trình tốt nhất có thể. Mục tiêu chính của LEED bao gồm:
- Giảm biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Nâng cao sức khỏe con người.
- Bảo vệ và phục hồi tài nguyên nước.
- Bảo vệ, tăng cường đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.
- Thúc đẩy sử dụng vật liệu bền vững và tái tạo.
- Nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Cụ thể hơn, trong bảng xếp hạng LEED, 35% các hạng mục tập trung vào biến đổi khí hậu, 20% tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, 15% đến tài nguyên nước, 10% liên quan đến đa dạng sinh học, 10% tác động đến nền kinh tế xanh, 5% ảnh hưởng đến cộng đồng và tài nguyên thiên nhiên.
4. Vai trò của LEED đối với doanh nghiệp, con người và môi trường
Đối với doanh nghiệp
Các tòa nhà được chứng nhận LEED không chỉ có giá trị bán lại cao hơn mà còn giảm chi phí vận hành so với các tòa nhà không đạt LEED. LEED không chỉ là một chiến lược quan trọng để đạt được mục tiêu ESG, giảm lượng carbon, mà còn là yếu tố quyết định giúp tạo ra những tài sản bền vững cho các nhà đầu tư, người thuê và cộng đồng.
Đối với con người
Các tòa nhà được chứng nhận LEED tập trung vào sức khỏe của người sử dụng, tạo ra môi trường lành mạnh, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Hệ thống xếp hạng của LEED cũng chú trọng vào các quy định như cấm hút thuốc và giảm phơi nhiễm độc tố từ vật liệu xây dựng, nhằm cải thiện chất lượng không khí trong tòa nhà.
Đối với môi trường
Các tòa nhà đạt tiêu chuẩn LEED tiết kiệm năng lượng và nước, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Điều này giúp giảm lượng chất thải, bảo tồn đất đai và môi trường sống. LEED đóng góp vào việc giảm lượng khí thải carbon, năng lượng và chất thải, tiết kiệm nước, thúc đẩy thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành theo hướng bền vững. LEED ưu tiên sử dụng các vật liệu an toàn và giảm mức độ tiếp xúc với các chất độc hại, góp phần bảo vệ môi trường toàn diện.
5. Ưu và nhược điểm của tiêu chuẩn LEED là gì?
Ưu điểm của LEED
- Chứng chỉ LEED được công nhận ở nhiều quốc gia. Việc dự án bất động sản đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe có thể là yếu tố khiến các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia lựa chọn làm nơi đặt trụ sở, văn phòng làm việc.
- Những tòa nhà thân thiện với môi trường, đạt chuẩn quốc tế là cách làm vô cùng hữu hiệu để quảng bá dự án với công chúng, nâng cao hình ảnh và vị thế của chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng.
- Việc xây dựng dự án bất động sản đạt chuẩn LEED cũng là cách để doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của chính phủ và các tổ chức, cơ quan nhà nước.
Nhược điểm của LEED
- Việc đáp ứng các yêu cầu để đạt chứng chỉ LEED đòi hỏi các doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí trong quá trình thiết kế, thi công và bảo tr, khiến giá thuê văn phòng các dự án bất động sản chuẩn LEED thường cao hơn so với mặt bằng chung.
- Một số các quy định liên quan tới chuẩn LEED có thể không phù hợp với đặc thù tại Việt Nam. Đây là lý do mà nhiều chủ đầu tư cố gắng đạt cả hai tiêu chuẩn: LEED và LOTUS.
Mặc dù tồn tại một vài điểm bất cập, nhưng tiêu chuẩn LEED vẫn đang là một trong những hệ thống đánh giá công trình xanh phổ biến tại Việt Nam.
6. Các bước để công trình đạt chứng chỉ LEED là gì?
- Xác định mục tiêu cụ thể: Đặt ra một mục tiêu rõ ràng cho dự án, như đạt chứng chỉ LEED Silver hoặc Gold, để hướng dẫn quá trình thiết kế và xây dựng.
- Thiết lập ngân sách chính xác: Xác định ngân sách phù hợp để thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng tài nguyên bền vững.
- Áp dụng kỹ thuật định giá trị vòng đời: Đánh giá và tính toán trước các tác động của dự án đến môi trường trong suốt quá trình vận hành và xây dựng.
- Đảm bảo tuân thủ mục tiêu: Giám sát tiến độ dự án để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn LEED được tuân thủ.
- Thực hiện thiết kế tích hợp: Hợp tác chặt chẽ giữa các bộ phận liên quan trong quá trình thiết kế để đảm bảo tích hợp các biện pháp LEED từ giai đoạn ban đầu của dự án.
- Thực hiện năng lượng mô phỏng công trình: Sử dụng phần mềm mô phỏng để đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng của các biện pháp thiết kế và xác định cách cải thiện năng suất, hiệu suất tiêu thụ năng lượng.
- Thuê đơn vị thực hiện tư vấn chứng chỉ LEED hàng đầu: Thuê các chuyên gia có kinh nghiệm về LEED để tư vấn, giúp hiểu rõ về yêu cầu và đưa ra các giải pháp phù hợp cho dự án.
7. Một số công trình đạt tiêu chuẩn LEED
Manitoba Hydro Place – Canada
Tòa nhà Manitoba Hydro Place ở Canada là một trong những tòa cao ốc văn phòng thân thiện với môi trường nhất tại khu vực Bắc Mỹ và là công trình duy nhất đạt chứng chỉ Platinum của LEED tại Canada.
Nằm tại Winnipeg, Canada, với 22 tầng nổi và 2 tầng hầm, Manitoba Hydro Place có chiều cao 115m tính đến mái. Tòa nhà này sử dụng phần mái phía nam để đặt các loại pin mặt trời, thu hút nguồn năng lượng tái tạo mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, Manitoba còn tận dụng nguyên liệu kính để tăng ánh sáng tự nhiên.
Apple Park – Hoa Kỳ
Tổ hợp văn phòng của Apple, Apple Park, đã nhận chứng chỉ Platinum LEED từ tổ chức U.S. GBC vào năm 2016.
Điều này là kết quả của việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong quá trình vận hành. Ước tính, các tấm pin mặt trời trên mái của tòa nhà có thể sản xuất lên đến 17 megawatt, đáp ứng tới 75% nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm.
Tháp đôi Capital Place – Hà Nội
Capital Place là một trong những tòa nhà chọc trời đầu tiên tại Hà Nội nhận chứng chỉ LEED Gold.
Với 2 tòa tháp 37 tầng và 3 tầng hầm, Capital Place sử dụng kính là chất liệu chính, giúp tiết kiệm tới 13% năng lượng điện so với các tòa nhà khác. Ngoài ra, vị trí thuận lợi tại đường Liễu Giai cùng với các tiện ích xung quanh như trung tâm thương mại và nhà hàng khách sạn 5 sao, khiến cho Capital Place trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp tại Hà Nội.
Deutsches Haus – TP. Hồ Chí Minh
Deutsches Haus, một trong số ít các tòa nhà văn phòng tại Đông Nam Á đạt chứng chỉ LEED Platinum, nằm tại đường Lê Duẩn, TP.HCM.
Với 25 tầng nổi và 4 tầng hầm, Deutsches Haus sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường để tiết kiệm năng lượng tối đa. Đây là kết quả tính toán kỹ lưỡng của đội ngũ kiến trúc sư để tạo ra một công trình phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam.
Tạm kết
Bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn và quy định chặt chẽ, LEED đảm bảo các dự án xây dựng đáp ứng các tiêu chí về bền vững, giảm lượng khí thải, tiết kiệm năng lượng và đóng góp vào môi trường sống lành mạnh.
Hy vọng rằng với những chia sẻ về chứng chỉ LEED là gì trong bài viết trên có thể giúp bạn hiểu hơn về loại tiêu chuẩn này. Đừng quên đón đọc các bài viết hữu ích khác tại Vieclam24h.vn nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.
Xem thêm: BIM là gì? BIM trong ngành xây dựng có ý nghĩa như thế nào?