Khi nhắc đến thao túng tâm lý đa số chúng ta sẽ nghĩ đến những màn drama đầy kịch tính trên phim. Nhưng thật không may, thực tế cuộc sống chính là chất liệu chân thật nhất để tạo ra phim ảnh. Vụ Anna Bắc Giang gần đây là một ví dụ điển hình cho việc thao túng tâm lý mà chúng ta chỉ có thể thốt lên “như phim”. Ở bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống từ mối quan hệ cho đến công việc đều có sự tồn tại của những kẻ thao túng tâm lý. Thao túng tâm lý trong công việc sẽ biểu hiện như thế nào? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá.
Thao túng tâm lý trong công việc là gì?
Thao túng tâm lý thường mang ý nghĩa tiêu cực, có nghĩa là sử dụng những hành vi, lời nói lệch lạc có chủ đích để lợi dụng và kiểm soát người khác nhằm trục lợi cho bản thân. Những người thao túng tâm lý sẽ cố gắng đạt được mục đích thông qua lời nói hoặc gây ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác.
Thao túng tâm lý trong môi trường công sở có thể gây ra những hậu quả tiêu cực ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa cũng như năng suất làm việc. Theo thời gian, những kẻ thao túng có thể ngăn cản đồng nghiệp hoàn thành công việc và tạo ra môi trường làm việc độc hại, ích kỷ. Từ đó làm giảm sút tinh thần của nhân viên, dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao hơn.
4 dấu hiệu của hành vi thao túng tâm lý trong công việc
Ở môi trường công sở, kẻ thao túng có thể tồn tại ở mọi vị trí như cấp dưới, đồng nghiệp hay sếp. Dưới đây là những chiến thuật mà những kẻ thao túng sử dụng để thay đổi nhận thức và điều khiển người khác:
Khiến bạn hoài nghi bản thân
Chiến thuật này bắt đầu từ những lời cằn nhằn, chỉ trích công khai cho đến lăng mạ khi bạn mắc lỗi hoặc chưa hoàn thành tốt công việc. Sự lặp lại của hành vi này sẽ dần bén rễ và phát triển khiến bạn hoài nghi vào năng lực của chính mình.
Đây được xem là một hình thức thiếu văn minh và biểu hiện dưới dạng Passive Aggressive (gây hấn thụ động) hay Silent Treatment (tra tấn bằng sự im lặng) nhằm mục đích khiến bạn cảm thấy tội lỗi và nghi ngờ về chuyên môn, kỹ năng.
Nói lời đường mật
“Mật ngọt chết ruồi” là một chiến thuật khác của những kẻ thao túng tâm lý trong công việc. Bằng cách sử dụng những lời khen ngợi có cánh, công nhận quá mức để khiến bạn nhận thêm nhiệm vụ hay “nai lưng” làm hộ người khác. Theo kịch bản thao túng, mở đầu sẽ là khen ngợi, tâng bốc, tiếp đến là sự công nhận của mọi người.
Cuối cùng, khi bạn đã quen với “hào quang” thì những yêu cầu làm thêm việc đang chờ đợi bạn. Khi đó bạn chẳng thể nào từ chối được nữa và bắt buộc đồng ý ngay khi cả câu trả lời này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của bạn.
So sánh với người khác
Đây là chiến thuật liên tục đề cập đến điểm mạnh của người khác hoặc đưa ra một số hình mẫu lý tưởng để bạn noi theo. Khi liên tục tiếp nhận những thông tin này sẽ khiến bạn quên mất bản thân mình là ai, có điểm mạnh điểm yếu gì mà như con thiêu thân lao theo hình mẫu mà kẻ thao túng vẽ ra. Cách tiếp cận này sẽ khiến bạn cảm thấy không hài lòng với vị trí hiện tại và thúc đẩy bạn làm mọi việc theo cách của họ.
Đưa ra thông tin sai lệch
Kẻ thao túng sẽ bắt đầu tung hỏa mù bằng cách đưa cho bạn những thông tin sai lệch về người khác ở nơi làm việc và khiến bạn có những nhận thức tiêu cực về họ. Kẻ thao túng thường chỉ trích người khác cũng như liên tục cung cấp thông tin sai sự thật mà bạn không thể xác minh. Đây là cách để kẻ thao túng xây dựng niềm tin và khiến bạn cảm thấy may mắn vì đang làm việc cùng họ chứ không phải những người khác.
Cách để nhận diện kẻ thao túng tâm lý ở nơi làm việc
Quản lý hay đồng nghiệp có thể thực sự khen ngợi bạn vì họ nghĩ bạn làm việc chăm chỉ và có tài năng. Do vậy, việc chăm chăm vào những dấu hiệu đã đề cập ở trên là chưa đủ để kết luận ai đó là kẻ thao túng. Vậy làm thế nào để bạn biết liệu mình có đang bị thao túng tâm lý trong công việc hay không?
Việc phát hiện hành vi thao túng nằm ở mức độ thường xuyên lặp lại các chiến thuật thao túng ở nơi làm việc. Nếu nhận thấy người quản lý luôn sử dụng cùng một phương pháp khi đối xử với bạn thì có thể bạn đang đối mặt với một kẻ thao túng tâm lý.
Một cách khác là hãy xem phản ứng của họ khi bạn chất vất về một hành vi họ đối xử khiến bạn khó chịu như thế nào. Những kẻ thao túng sẽ luôn phủ nhận rằng bản thân không hề làm vậy. Hoặc đôi khi còn ngắt lời bạn khi cảm thấy bạn đang cố gắng giải quyết hành vi thao túng và sử dụng chiêu thức nạn nhân, giả vờ bối rối, tỏ ra vô tội hay dùng sự hài hước để chứng tỏ bạn đang làm quá vấn đề.
Xem thêm: Đồng nghiệp quay lưng khi tôi vừa lên chức: Đây có phải cái giá của thành công?
Làm thế nào để giảm thiểu khả năng bị thao túng tâm lý trong công việc?
Điều đáng tiếc là sự thao túng thường có khả năng cao xảy ra ở những mối quan hệ mà đối phương hiểu rõ bạn. Nghiên cứu cho thấy các mối quan hệ thân thiết dễ bị thao túng hơn vì mỗi người đều biết điểm yếu, mong muốn, nhu cầu của nhau. Nhưng không vì thế mà bạn xa lánh mọi người và sống cô độc vì sợ bị thao túng. Tốt nhất là tìm hiểu và sử dụng những cách thức để “tăng cường khả năng miễn dịch” trước sự thao túng.
1. Đánh giá động cơ của đối phương
Hãy nhớ rằng không phải tất cả các hành động gây ảnh hưởng khi ai đó muốn thuyết phục hoặc tác động đến bạn đều là thao túng. Bạn cần tìm hiểu ý định đằng sau các hành động này. Dưới đây là ba vấn đề mà bạn có thể xem xét để đánh giá động cơ của đối phương:
– Có phải người đó đang cố gắng kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến bạn chỉ để tư lợi cá nhân? Họ có khiến bạn rời xa những nhu cầu, mong muốn của bản thân và khiến bạn chỉ tập trung vào mục tiêu của họ?
– Đối phương có nhu cầu kiểm soát mạnh mẽ không? Phải chăng họ muốn bạn và những người khác chấp nhận rằng mình thua kém họ để duy trì sự mất cân bằng quyền lực trong mối quan hệ?
– Họ có phải là người không chính trực, chẳng hạn như nói dối về những vấn đề nhỏ nhặt, coi thường các giá trị hay quy tắc nói chung, buông thả về mặt đạo đức và có hành động ác ý với người khác?
2. Đánh giá khả năng dễ bị thao túng của chính bạn
Nếu câu trả lời cho những vấn đề trên là có và bạn nhận thấy đối phương đang sử dụng các chiến thuật kể trên thì rất có thể bạn là mục tiêu bị thao túng tâm lý trong công việc. Để thoát khỏi tình huống này, bạn nên hiểu rõ những điểm yếu của bản thân khiến bạn dễ bị thao túng.
Dưới đây là những vấn đề giúp bạn tự đánh giá chính mình:
– Bạn có nhu cầu cao trong việc làm hài lòng người khác không? Bạn có luôn quan tâm đến cách đối phương nghĩ và cảm nhận về bạn không? Bạn có tìm sự chấp thuận, công nhận từ họ hơn những người khác không?
– Bạn có thường xuyên lo lắng về việc làm đối phương khó chịu không?
– Việc từ chối những yêu cầu từ họ đối với bạn là dễ dàng hay khó khăn?
– Bạn có thấy mình đang biện minh cho động cơ hay những hành động của họ không? Khi người khác chỉ ra những khuyết điểm hay cố thức tỉnh bạn khỏi họ thì bạn có ra sức phủ nhận và hợp lý hóa cho hành vi của họ không?
– Bạn có từng nghĩ mình không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục duy trì mối quan hệ với họ ngay cả khi điều này đang làm bạn mệt mỏi, kiệt sức?
Khi biết mình là nạn nhân của thao túng tâm lý trong công việc, bạn nên làm gì?
Các câu hỏi nêu trên chỉ là những bước đầu tiên để phát hiện, xác định, gọi tên và đánh giá động cơ của kẻ thao túng cũng như điểm yếu của chính bạn. Bước tiếp theo là hành động. Để bắt đầu thoát khỏi mối quan hệ tiêu cực này, bạn có thể thực hiện những điều sau:
Lắng nghe và tin tưởng vào trực giác
Thông thường, khi là nạn nhân của sự thao túng, trực giác sẽ mách bảo bạn rằng hình như có điều gì không ổn. Nhưng không may là đa số sẽ mau chóng bỏ qua. Do đó, khi cảm thấy bối rối, khó chịu hoặc bất kỳ dấu hiệu cảm xúc nào, bạn cần dừng lại ngay và cân nhắc. Sau đó cố gắng giữ bản thân ở trạng thái bình tĩnh để có những hành động sáng suốt tiếp theo.
Xem thêm: Trực giác là gì, có phải là sức mạnh tâm linh, khi nào nên tin vào trực giác?
Thu thập bằng chứng
Giờ đây mục tiêu của bạn là quan sát và thu thập, đánh giá các bằng chứng. Bạn cần theo dõi cách thức cũng như tần suất các chiến thuật thao túng được áp dụng. Câu trả lời cho việc liệu bạn có đang bị thao túng không bao giờ đến từ người khác. Tuy nhiên, mọi người sẽ giúp bạn nhận ra những điều mà bạn cố gắng phủ nhận hoặc bỏ qua trong vô thức. Vì vậy, hãy chia sẻ với những người thân thiết để hỗ trợ bạn trong việc thu thập và đánh giá bằng chứng mà bạn quan sát được.
Can đảm bước ra khỏi quan hệ độc hại
Sau khi đã có đầy đủ bằng chứng và chắc chắn về việc bản thân là nạn nhân của sự thao túng tâm lý, hãy dứt khoát và triệt để kết thúc mối quan hệ. Bạn hãy làm việc này với thái độ bình tĩnh, chấp nhận và chuyên nghiệp. Điều quan trọng là bảo vệ bản thân, không phải cố làm ầm ĩ hay trút hết mọi tiêu cực lên đối phương để rồi người bị tổn thương lại là bạn.
Những kẻ thao túng tâm lý thường là người rất giỏi trong việc nắm bắt tâm lý của người khác. Tuy nhiên, ranh giới giữa bậc thầy tâm lý và kẻ thao túng nằm ở động cơ.
Xem thêm: Mối quan hệ toxic là gì? 4 lời khuyên để tránh xa mối quan hệ toxic chốn công sở
Tất cả chúng ta đều có thể học cách trở nên tốt hơn trong việc không trở thành kẻ thao túng. Quan trọng hơn là phát triển khả năng tự nhận thức bản thân để bất kỳ sự toan tính nào cũng không thể tác động đến niềm tin của bạn. Vieclam24h.vn chúc bạn đọc luôn mạnh mẽ và vững tin vào bản thân.
Hiện nay, các bạn có thể tạo CV xin việc đúng chuẩn và tải các mẫu CV dễ dàng ngay trên Vieclam24h.vn hoàn toàn miễn phí chỉ trong vài cú nhấp chuột. Đặc biệt, mỗi mẫu CV đều có hướng dẫn cụ thể giúp bạn ghi điểm trước nhà tuyển dụng. Chỉ trong vài phút, các bạn đã có thể sở hữu một CV nhân viên chuyên nghiệp và đầy ấn tượng.
Xem thêm: Đừng để suy nghĩ bị đi làm trở thành tư duy độc hại khiến bạn sống mòn!