Mô hình tháp học tập (Learning Pyramid) được ra đời vào năm 1940, bởi Edgar Dale – Một nhà giáo dục người Mỹ. Đây là một phương pháp học tập khoa học, mang lại vô số lợi ích. Cấu tạo của mô hình này như thế nào? Làm sao để ứng dụng mô hình tháp học tập hiệu quả? Nếu bạn đang quan tâm tới tháp học tập, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.
Tháp học tập là gì?
Tháp học tập là một biểu đồ hình học được sắp xếp theo từng tầng tháp, mô phỏng về các phương pháp học và mức độ ghi nhớ chi tiết cho 7 cách học cụ thể. Ví dụ như: nghe nhìn, đọc, quan sát, thảo luận… Mô hình này giúp người học lựa chọn cách học phù hợp để hiểu và ghi nhớ kiến thức nhanh, tốt hơn.
Thông qua nhiều nghiên cứu thực tế, Edgar Dale nhận định rằng, não bộ của con người không thể ghi nhớ được toàn bộ thông tin mà chỉ có thể tiếp nhận thời gian ngắn. Các phương pháp học tập đơn giản như nghe, đọc, nhìn thụ động không mang lại kết quả cao. Chúng sẽ nhanh chóng bị quên đi theo thời gian. Ngược lại, với phương pháp học có sự tương tác và thực hành nhiều sẽ giúp người học hiểu sâu, ghi nhớ lâu.
Đây cũng là điều mà nhà ngoại giao Benjamin Franklin từng chia sẻ: Nói với tôi và tôi sẽ quên. Dạy tôi và tôi sẽ nhớ. Cho tôi làm và tôi sẽ học. Có 7 phương pháp được nêu chi tiết trong mô hình tháp học tập của Edgar Dale, ông chỉ ra việc thực hành và ứng dụng ngay sau khi học giúp bạn ghi nhớ đến 75%. Nếu bạn có thể dạy lại kiến thức cho người khác, tỉ lệ ghi nhớ lên đến 90%. Phương pháp học chỉ nghe có tỉ lệ phần trăm thấp nhất chiếm 5%.
Cấu trúc mô hình kim tự tháp học tập
Cấu trúc này được lấy cảm hứng từ kim tự tháp với các tầng xếp chồng lên nhau, mô tả về 7 phương pháp học với từng tỷ lệ ghi nhớ tương ứng.
Tháp học tập của Edgar Dale gồm các tầng chi tiết dưới đây:
- Lecture (Bài giảng – Tỷ lệ ghi nhớ 5%)
Cấp độ này người học chỉ nghe thông tin từ người dạy mà không có sự tương tác hoặc tham gia thảo luận. Mặc dù tỷ lệ phần trăm ghi nhớ thấp nhưng bài giảng cũng rất quan trọng, giúp người học nắm được phần kiến thức căn bản, là nền tảng để học hỏi, nghiên cứu thêm những thông tin phức tạp hơn. Các giảng viên, giáo viên cần thay đổi cách truyền đạt, nên khích lệ người học tham gia thảo luận, tương tác để đạt hiệu quả tốt.
- Reading (Đọc – Tỷ lệ ghi nhớ 10%)
Ở tầng thứ 2 này, người học tiếp nhận kiến thức thông qua phương pháp đọc, cụ thể như đọc sách, báo, nghiên cứu tài liệu… Nếu chỉ đọc thụ động, người học rất khó ghi nhớ được các kiến thức cần thiết. Để cải thiện phần trăm ghi nhớ của phương pháp này, bạn cần sử dụng nhiều nguồn tài liệu đa dạng, đặc biệt, nên ghi chú tóm tắt những nội dung quan trọng trong quá trình đọc.
- Audio Visual (Phương pháp trực quan sinh động, âm thanh, hình ảnh – Tỷ lệ ghi nhớ 20%)
Đây là phương pháp sử dụng cả âm thanh và hình ảnh để truyền tải thông tin và giao tiếp với người khác. Khi kết hợp âm thanh và hình ảnh, chúng ta có thể tạo ra trải nghiệm trực quan tốt hơn và tăng cường khả năng hiểu, ghi nhớ. Trong lĩnh vực giáo dục, phương pháp trực quan sinh động thường được sử dụng để trình bày và kiến thức hấp dẫn và dễ hiểu. Thông qua việc sử dụng các công cụ như bảng, đồ họa, video, hình ảnh và âm thanh, giảng viên hoặc người trình bày có thể minh họa và giải thích các khái niệm rõ ràng.
- Demonstration (Thuyết trình – Tỷ lệ ghi nhớ 30%)
Tầng 4 – Thuyết trình, phương pháp này thường được sử dụng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và truyền thông. Người thuyết trình sẽ sử dụng các phương tiện trình bày như bảng, máy chiếu, hình ảnh, video hoặc mô hình để minh họa và giải thích quá trình hoặc khái niệm cụ thể.
- Group Discussion (thảo luận nhóm – tỉ lệ ghi nhớ 50%)
Trong quá trình trao đổi, tranh luận sẽ đưa ra nhiều ý tưởng, đồng thời giúp giải quyết các vấn đề nhanh chóng hơn. Người tham gia có nhiều cơ hội để chia sẻ ý kiến, trình bày quan điểm với mọi người xung quanh. Mục tiêu chính của phương pháp là khuyến khích sự phân tích, tương tác, suy nghĩ sáng tạo.
- Practiced By Doing (thực hành – tỉ lệ ghi nhớ 75%)
Thay vì chỉ tập trung vào việc thu thập kiến thức thông qua nghe giảng, đọc sách, hoặc xem video… phương pháp này đề cao việc học bằng cách thực hành và áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế. Điều này giúp người học nhớ lâu – hiểu sâu và vận dụng bài học rất tốt.
- Teaching Others (Dạy/hướng dẫn cho người khác – Tỷ lệ ghi nhớ 90%)
Đây là tầng tháp cuối và cũng là tầng có tỷ lệ ghi nhớ kiến thức cao nhất chiếm 90%. Thông qua việc dạy/chỉ dẫn cho người khác và lặp đi lặp lại kiến thức nhiều lần, người học sẽ nâng cao khả năng ghi nhớ, khắc sâu kiến thức hơn.
Lợi ích của mô hình tháp học tập (Learning Pyramid)
Kim tự tháp học tập nếu được ứng dụng đúng cách sẽ mang lại rất nhiều lợi ích với các cá nhân, tổ chức. Dưới đây là một số tác dụng nổi bật:
Tăng cường khả năng hiểu sâu nhớ lâu
Tháp học tập khuyến khích người học linh hoạt trong việc kết hợp nhiều phương pháp học hiệu quả. Nổi bật nhất là chủ động thực hành, vận dụng tích cực vào đời sống. Việc đề cao học bằng cách thực hành và áp dụng kiến thức vào trong các tình huống thực tế thúc đẩy khả năng ghi nhớ lâu dài.
Phát triển nhiều kỹ năng quan trọng
Mỗi phương pháp học đều đòi hỏi những kỹ năng cần thiết riêng: kỹ năng lắng nghe, kỹ năng giao tiếp, lập luận, thuyết phục… Thông qua quá trình đứng lớp giảng dạy hoặc tham gia vào các hoạt động thực hành, người học có vô số cơ hội để rèn luyện nhiều kỹ năng phát triển bản thân.
Học tập hiệu quả, nâng cao hiệu suất công việc
Tháp học tập của Edgar Dale đề cao việc “học đi đôi với hành”. Điều này giúp người học tự tìm hiểu, nắm bắt kiến thức và tham gia tích cực vào quá trình học. Môi trường học tập chủ động còn khuyến khích người học phát triển tư duy phản biện. Đặc biệt, có thể lựa chọn phương pháp học tập phù hợp với sở thích, thói quen, bao gồm: nghe, đọc, thảo luận nhóm, học tập trực tuyến, thực hành thực tế. Nhờ vậy mà người học nâng cao được chất lượng học tập, nghiên cứu chính xác hơn, mang lại kết quả tốt trong công việc.
Cách ứng dụng tháp học tập trong các lĩnh vực
Tháp học tập có vai trò quan trọng trong các hoạt động nghiên cứu, tổ chức, phát triển cá nhân…
Trong giáo dục
Tháp học tập được áp dụng trong nhiều khía cạnh của giáo dục, từ môi trường học tập truyền thống đến học tập trực tuyến. Một số ví dụ cụ thể sau:
- Chương trình giảng dạy đa tầng: Tháp học tập có thể được áp dụng trong việc xây dựng chương trình giảng dạy đa tầng, trong đó kiến thức và kỹ năng được chia thành các tầng khác nhau. Điều này giúp xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc cho học sinh. Đồng thời, đảm bảo rằng họ hiểu và áp dụng được các kiến thức cơ bản trước khi chuyển đến những khái niệm phức tạp hơn.
- Học tập cá nhân hóa: Tháp học tập cung cấp một cấu trúc linh hoạt cho việc học tập cá nhân hóa. Học sinh có thể theo dõi tiến trình và tùy chỉnh học tập theo nhu cầu và khả năng.
- Học tập liên kết: Tháp học tập khuyến khích việc xây dựng liên kết giữa các khái niệm và thực hành. Thay vì chỉ học các khái niệm đơn thuần, học sinh được khuyến khích áp dụng chúng trong ngữ cảnh thực tế.
- Đánh giá tiến độ: Tháp học tập cung cấp một phương pháp đánh giá tiến độ linh hoạt. Thay vì dựa vào kiểm tra cuối kỳ, học sinh có thể được đánh giá qua nhiều phương thức khác nhau như bài tập, dự án, thảo luận nhóm, hoặc quá trình làm việc.
Trong hoạt động đội nhóm
Bằng cách áp dụng tháp học tập vào xây dựng đội nhóm, bạn có thể khuyến khích sự phát triển cá nhân và tinh thần hợp tác của tất cả thành viên, tạo ra một môi trường làm việc tích cực và nâng cao hiệu suất làm việc. Mỗi cá nhân sẽ có một thế mạnh riêng, dựa vào tháp học tập mà bạn phân công nhiệm vụ phù hợp.
Tháp học tập khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành viên trong đội nhóm để hoàn thành các mục tiêu học tập nhanh hơn hoặc đạt được cấp độ cao hơn. Tuy nhiên, sự cạnh tranh này cần được thúc đẩy tích cực. Ngoài ra, mô hình này còn xây dựng sự đoàn kết, gắn bó.Tất cả cùng nhau hỗ trợ và khích lệ, cùng tạo động lực để mang lại kết quả học tập tốt hoặc nâng cao năng suất công việc.
Trong hoạt động Marketing
Áp dụng tháp học tập vào Marketing giúp bạn có được nhiều phương pháp để tạo ra các chiến lược và chiến dịch Marketing hiệu quả. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về khách hàng, tối ưu hóa hoạt động Marketing và đạt được kết quả kinh doanh như mong đợi.
- Tạo chú ý với khách hàng bằng trải nghiệm trực quan: sử dụng các phương tiện: video, hình ảnh, TVC… để giới thiệu dịch vụ, sản phẩm một cách cuốn hút.
- Thuyết phục khách hàng bằng các trải nghiệm thực hành: tạo cơ hội để khách hàng sử dụng, trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm miễn phí.
- Giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm: cung cấp nhiều tài liệu, video, bài giảng, bài thuyết trình, tờ rơi… để khách hàng hiểu rõ về những lợi ích, công dụng, tính năng mà sản phẩm mang lại.
Những lưu ý khi áp dụng tháp học tập
Tháp học tập là mô hình đã được áp dụng thành công tại rất nhiều nước trên thế giới. Về lý thuyết, phương pháp này không quá phức tạp. Nhưng để thực hành hiệu quả, bạn cần phải thay đổi tư duy học tập theo hướng chủ động hơn. Trong quá trình áp dụng mô hình tháp học tập, bạn cần phải lưu ý một số điều sau:
Kết hợp nhiều phương pháp học
Bạn có dễ bị chán khi chỉ lặp đi lặp lại một phương thức học tập duy nhất? Đừng tự giới hạn khả năng với các phương thức truyền thống đã quá quen thuộc. Hãy linh hoạt kết hợp và chuyển đổi các cách thức tiếp nhận thông tin khác nhau. Bài giảng trong sách, tự thực hành, đọc sách nâng cao, thảo luận nhóm, sử dụng audio, clip, hình ảnh… sẽ khiến não bộ của bạn hứng thú hơn rất nhiều.
Việc đa dạng hóa cách học sẽ tạo nên tâm thế thoải mái và giúp xây dựng những kết nối khác nhau trong não bộ. Bạn sẽ cảm thấy các kiến thức mới trở nên sinh động, tăng khả năng ghi nhớ và hiểu biết sâu hơn.
Tích cực tương tác, kết nối
Sự tương tác lành mạnh hỗ trợ bạn nắm bắt kiến thức mới nhanh chóng. Do đó hãy tham gia vào càng nhiều các cuộc thảo luận, trao đổi ý kiến, và thậm chí là chia sẻ kiến thức với người khác nhé. Trong không khí học thuật sôi nổi, bạn sẽ cảm thấy nhiều điều thú vị và phát triển tư duy sâu rộng hơn. Bạn cũng có thể học hỏi thêm được nhiều điều hay từ ý kiến của mọi người.
Sử dụng phương pháp trực quan
Trực quan dễ hiểu là cách để não bộ dễ dàng tiếp nhận các thông tin mới. Ví dụ, nếu bạn muốn học cách chơi một nhạc cụ mới, hãy thường xuyên trao đổi trực tiếp với giáo viên thay vì chỉ nghe các video trên Youtube. Nếu bạn muốn giao tiếp tốt với người bản địa thì hãy chăm chỉ luyện tập với “người thật việc thật” thay vì sử dụng app luyện nói. Hãy tận dụng tất cả các phương tiện học trực quan sinh động: âm thanh, hình ảnh, các thí nghiệm, bản đồ… chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng!
Đúng – Đủ – Đều
Việc tập luyện thường xuyên sẽ giúp não bộ của bạn hình thành thói quen. Do đó, bên cạnh tích cực thay đổi hướng tư duy, bạn cần có đủ quyết tâm duy trì phương thức học tập.
Nói tóm lại, chúng ta không nên coi tháp học tập (Learning Pyramid) của Edgar Dale là một quy tắc cứng nhắc, mà thay vào đó nó là một khung khái niệm để xây dựng quá trình học tập linh hoạt và sáng tạo. Bằng cách sử dụng sự đa dạng của các phương pháp học tập và tận dụng sự tương tác, chúng ta có thể tạo ra một môi trường học tập phong phú và thú vị. Hy vọng thông qua bài viết của Vieclam24h.vn bạn đã hiểu tháp học tập là gì và cách áp dụng hiệu quả.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.
Xem thêm: Phương pháp Pomodoro là gì? Bí quyết hiệu quả tăng sự tập trung cho công việc