Môi trường làm việc không đơn thuần chỉ là một nơi làm việc, mà còn ảnh hưởng đến khả năng phát triển trên hành trình nghề nghiệp cũng như cuộc sống cá nhân. Giữa những yếu tố tích cực, văn minh thì những yếu tố tiêu cực, thiếu lành mạnh vẫn tồn tại gây ảnh hưởng đến môi trường làm việc. Bạn đã từng rơi vào tình huống gặp bất công, thiên vị chưa? Đồng nghiệp được tăng lương, thăng chức và thậm chí được tha thứ cho những lỗi lầm trong công việc, đùn đẩy trách nhiệm để người khác phải gánh chịu. Mặt khác, bạn lại phải đối mặt với ánh mắt soi mói, mọi công lao của bạn bị lãng quên,… Vậy thực chất thiên vị là gì? Nên làm gì khi bị thiên vị? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h!
Thiên vị là gì?
Thiên vị là tình trạng đối xử ưu ái, coi trọng một người hơn so với những người khác do những yếu tố cá nhân mà không dựa vào năng lực, thành tựu, thành tích,…. Hiện tượng này có thể xuất hiện không chỉ trong môi trường làm việc, mà còn trong cuộc sống gia đình hay lớp học,…
Trong công việc, thiên vị không chỉ ảnh hưởng đến môi trường làm việc mà còn gây tổn thương lòng tự trọng và tinh thần của đội ngũ nhân sự. Tại nơi làm việc, sự thiên vị có thể xảy ra với nhiều khía cạnh khác nhau như việc phân công công việc không đồng đều, sự công nhận không công bằng giữa những người có cùng giá trị đóng góp hay trao quyền, tăng lương, khen thưởng thiếu công tâm,… xuất phát từ mối quan hệ gia đình, những lời nịnh nọt của nhân viên. Điều này càng kéo dài dẫn đến những xung đột, bất đồng quan điểm, cạnh tranh không lành mạnh trong môi trường làm việc, khiến nhân tài chán nản, bất bình và muốn rời bỏ công ty, tổ chức.
Dấu hiệu cho thấy cấp trên đang thiên vị là gì?
Phân công công việc không đồng đều
Người quản lý có trách nhiệm phân công công việc cho các nhân viên dựa vào năng lực làm việc. Trong công việc, nhân viên càng đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ càng chứng tỏ năng lực chuyên môn, từ đó được cấp trên cất nhắc đến các vị trí cao hơn. Tuy nhiên, nếu các nhiệm vụ này luôn được giao cho những nhân viên thân tín mà không dựa vào năng lực làm việc thì đây chắc chắn là hành vi thiên vị.
Trái lại, những nhân viên khác, dù có năng lực xuất sắc, thường chỉ nhận những công việc không quan trọng, thậm chí không liên quan đến chuyên môn. Sự không công bằng khi phân chia công việc làm giảm hứng thú và động lực, gây cản trở quá trình phát triển cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất làm việc.
Đánh giá năng lực không công bằng
Vì đâu mà quá trình đánh giá không được thực hiện dựa trên hiệu suất và kết quả công việc khách quan, minh bạch? Sự thiên vị của người làm sếp thường xảy ra đối với những “cận thần” hay những người có quan hệ “con ông cháu cha”. Điều này khiến quá trình đánh giá trở nên mập mờ, không minh bạch.
Chọn “nhắm mắt làm ngơ” trước sai lầm của thân tín
Khi một cấp trên luôn bỏ qua vô số lỗi lầm và hành vi không đúng mực của nhân viên mà không khiển trách hay áp dụng hình phạt thì chắc chắn đây là sự thiên vị.
Trao vị trí quan trọng cho người có quan hệ
Khi một người được chọn dựa trên mối quan hệ cá nhân thay vì dựa trên năng lực và hiệu suất, điều này có thể gây ra sự bất mãn và mất lòng tin trong tổ chức. Hành vi này thường xuất hiện trong các công ty gia đình, khi mà các thành viên trong gia đình luôn nắm giữ các vị trí quan trọng. Trong khi đó, những người tài và luôn nỗ lực nhiều trong công việc thì vị trí lại không tương xứng với năng lực.
Nỗ lực không được trân trọng
Những định kiến cá nhân hoặc mối quan hệ quen biết khiến những nỗ lực đóng góp của một nhân viên không được công nhận hoặc không được đánh giá đúng mức. Trái lại, những “gà cưng” không nỗ lực bao nhiêu nhưng chỉ cần hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ nhặt cũng được tán dương, khen thưởng.
Thiếu mặt bạn trong những cuộc vui của sếp và những “gà cưng”
Một môi trường làm việc lành mạnh và tích cực nên khuyến khích sự tương tác tích cực giữa tất cả các thành viên. Trước cương vị của người làm sếp, trách nhiệm của cấp trên là gắn kết mọi người, không chỉ vì định kiến cá nhân mà chọn ai bỏ ai. Nếu cuộc vui và sự kết nối chỉ diễn ra giữa cấp trên và những người “hợp tính”, điều này chỉ khiến khả năng hợp tác và hiệu suất của nhóm làm việc suy giảm.
Giao thêm việc ngoài giờ làm
Có những công việc cấp bách cần sự giúp sức của nhân viên sau giờ làm việc. Tuy nhiên, nếu tình trạng tin nhắn hay cuộc gọi giao việc xảy ra thường xuyên vào tối muộn hoặc các ngày nghỉ thì đây là dấu hiệu thiên vị. Thẳng thắn thì, cấp trên đang đẩy công việc cho “nhóm người ngoài” hay cụ thể là những người mà họ không ưa. Trong khi đó, “nhóm thân cận” thì được thảnh thơi, không lo lắng bị réo tên mọi lúc mọi nơi.
Xem thêm: Phải làm sao khi làm việc với sếp là tín đồ cuồng công việc?
Làm gì khi bị thiên vị? Bí quyết đối phó sự thiên vị trong cuộc sống và công việc
Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự thiên vị là gì?
Thay vì đưa ra đánh giá vội vàng, hãy tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa sếp và nhân viên đó. Liệu có bất kỳ lý do cụ thể nào mà sếp đang ưu ái người đó không, chẳng hạn như thành tích làm việc, năng lực đặc biệt hoặc chỉ là sự ưu ái cá nhân? Khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng, bạn sẽ có cái nhìn khách quan về hành động ưu ái của sếp và xác định sếp có đang thiên vị hay không.
Bạn có đang là “nạn nhân” của sự thiên vị?
Trước khi khẳng định sếp cố tình phớt lờ mình, bạn cần xác định lại tình hình. Nếu sếp yêu quý người mà bạn cho là “cận thần” chỉ vì họ thể hiện tốt hơn bạn thì sao? Hoặc nếu sếp muốn đưa ra những thử thách để bạn nâng cao năng lực thì sao? Trong tình huống này, thay vì so đo với đồng nghiệp, bạn nên cải thiện hiệu quả làm việc của bản thân.
Giữ thái độ lịch sự, tinh thần làm việc chuyên nghiệp
Thay vì “nóng giận mất khôn”, bạn nên giữ thái độ lịch sự và tinh thần làm việc chuyên nghiệp trước mọi tình huống. Nếu bạn tỏ thái độ bực tức, phản đối, điều này chỉ khiến bầu không khí trở nên căng thẳng và bạn sẽ bị mất điểm trong mắt những người khác, đặc biệt là sếp.
Bên cạnh đó, đừng đổ lỗi hoặc cư xử không phải phép với nhân viên nhận được sự ưu đãi đặc biệt từ sếp. Dù có vẻ khó khăn nhưng bạn nên cố gắng duy trì mối quan hệ bình thường và giữ hoà khí nhất định với nhân viên được đặc cách.
Nói xấu cấp trên, đồng nghiệp là điều cấm kỵ
Dù chia sẻ khiến bạn thấy khá hơn, nhưng bạn không nên than phiền với đồng nghiệp. Việc tụ tập nói xấu hay thậm chí là gièm pha, bêu rếu khi đến tai cấp trên chỉ thể hiện rằng bạn đang đối đầu, chống đối trực tiếp và thiếu tôn trọng sếp. Trong mắt người khác, hình tượng của bạn dần trở nên toxic, nhỏ nhen, ghen ăn tức ở hoặc thậm chí là đặt điều, bịa chuyện về người khác. Điều này chỉ khiến bạn gây ảnh hưởng đến tinh thần chung của đội nhóm và trở thành “backlist” đối với cấp trên.
Xem thêm: Bỏ túi ngay các cách đáp trả khéo léo, văn minh khi bị nói xấu nơi công sở
Tiếp tục khẳng định giá trị bản thân
Dù thế nào đi nữa, bạn hãy cứ làm tốt công việc của mình và chứng tỏ năng lực đối với nhóm, công ty, đối tác, khách hàng,… Hãy nhớ rằng, quá trình mà bạn làm việc chăm chỉ và tạo ra giá trị đích thực sẽ khẳng định năng lực của bạn trước mọi người xung quanh. Đến lúc ấy sếp có muốn “tảng lờ” năng lực của bạn cũng khó đấy!
Xem thêm: 3 bí quyết giúp bạn xây dựng giá trị bản thân thành công trong sự nghiệp
Kiên nhẫn và lạc quan
Dù bạn nghi ngờ sếp thiên vị, bao che “gà cưng”, hãy duy trì sự lạc quan và tinh thần tích cực. Suy nghĩ quá nhiều chỉ khiến tinh thần của bạn dần đi xuống. Việc bạn nên làm là đừng để nó ảnh hưởng đến chất lượng công việc và khiến bạn lùi bước.
Bên cạnh đó, nếu người được sếp đặc cách thật sự không xứng đáng, hãy kiên nhẫn. Theo thời gian, cấp trên sẽ nhận ra những gì mình đánh giá là sai lầm và cần một người có đầy đủ tố chất mới. Chắc rằng khi đó, bạn nằm trong danh sách đầu tiên mà sếp nhớ tới.
Khéo léo lên tiếng
Khi sự thiên vị của cấp trên đã quá rõ ràng, gây ảnh hưởng đến công việc của bạn thì đã đến lúc bạn cần phải lên tiếng. Tuy nhiên, đây là vấn đề tế nhị nên bạn cần suy nghĩ thấu đáo và mở lời thật khéo léo. Đừng quá dài dòng hay khiến sếp “bội thực” vì kể lể quá nhiều về mối quan hệ của bạn với sếp. Hãy trình bày bình tĩnh, ngắn gọn và rõ ràng những công việc gần đây, những trở ngại mà bạn gặp phải. Đừng nên thảo luận về sự bao che của cấp trên mà hãy trao đổi về công việc hiện tại và đề nghị sự giúp đỡ từ sếp.
Cố gắng tương tác với sếp
Nếu bạn bị cấp trên phớt lờ, bạn có thể đề xuất và tập hợp đồng nghiệp dành nhiều thời gian giao tiếp và tương tác với sếp như ăn trưa cùng nhau hoặc “đi nhậu” sau giờ làm. Đây chính là cơ hội để mọi người có thể mở lòng, giãi bày tâm sự và hiểu nhau hơn.
Trao đổi với phòng nhân sự
Nếu đã cố gắng làm tất cả mọi thứ nhưng chuyện vẫn đâu vào đấy, bạn có thể tìm tới phòng nhân sự và xin những biện pháp xử lý tình huống này. Tuy nhiên, bạn nên giữ thái độ hoà nhã, lịch sự, cẩn trọng và tuyệt đối không kêu ca, đổ lỗi sếp trước phòng nhân sự.
Tìm cho mình hướng đi riêng
Nếu sự thiên vị trở nên nghiêm trọng và bạn không thể thay đổi được điều gì. Thậm chí những chèn ép, gây khó dễ của cấp trên khiến bạn trở nên chán nản, thất vọng và kết quả công việc ngày càng đi xuống thì việc tìm cho mình hướng đi riêng là lựa chọn tốt nhất. Hãy tìm cho mình một môi trường làm việc mới, nơi mà năng lực được đánh giá công tâm thay vì những lời nịnh nọt hay mối quan hệ gia đình.
Bên cạnh đó, một công ty đối xử bất công và thiếu tôn trọng năng lực sẽ khiến nội bộ dễ lục đục, bất hòa và rất khó giữ chân nhân tài. Sớm muộn gì công ty cũng sẽ gặp vấn đề trong quá trình vận hành, quản lý. Do đó, nếu bạn cố gắng ở lại chỉ khiến tương lai bị hủy hoại mà thôi.
Kết luận
Sự thiên vị trong cuộc sống có thể xuất hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng chúng ta có thể quyết định cách đối diện và ứng phó với nó. Hy vọng bài viết trên của Việc Làm 24h đã giúp bạn hiểu rõ thiên vị là gì cũng như làm gì khi bị thiên vị. Bằng cách đối mặt với sự thiên vị tự tin và đầy tích cực, chúng ta có thể tạo ra môi trường làm việc công bằng hơn, nơi mà mọi người đều được đánh giá dựa trên năng lực và đóng góp thực sự trong công việc.
Xem thêm: Xử lý trì hoãn với Eat that frog có thật sự khiến bạn năng suất hơn?