Trong bộ báo cáo tài chính của doanh nghiệp, bảng cân đối kế toán (BCĐKT) là báo cáo quan trọng góp phần thể hiện bức tranh tài chính toàn cảnh của doanh nghiệp. Bài viết sau của Việc Làm 24h giúp bạn hiểu hơn bảng cân đối kế toán là gì cũng như cách lập BCĐKT cho doanh nghiệp đơn giản và hiệu quả.
Bảng cân đối kế toán là gì?
Theo Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 112 trong Thông tư 200/2014/TT-BTC, Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính tổng hợp phản ánh giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm cụ thể (thời điểm lập báo cáo).
Cơ sở lập BCĐKT gồm:
- Sổ kế toán tổng hợp
- Sổ, thẻ kế toán chi tiết
- Bảng tổng hợp chi tiết
- BCĐKT năm trước
Cũng theo Thông tư 200, mục đích của BCĐKT như sau: bảng cân đối kế toán là cho biết toàn bộ giá trị tài sản của doanh nghiệp hiện có theo cơ cấu tài sản, cơ cấu nguồn vốn hình thành, từ đó doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể đánh giá, nhận xét khái quát về tình hình tài chính tổng quan của doanh nghiệp.
Bảng cân đối kế toán gồm những gì?
Như định nghĩa, kết cấu BCĐKT sẽ gồm: tài sản và nợ. Các nội dung cụ thể gồm:
- Tài sản ngắn hạn: tài sản thuộc sở hữu và quản lý của doanh nghiệp có thời hạn luân chuyển, sử dụng, thu hồi trong một năm/kỳ kinh doanh.
- Tài sản dài hạn: tài sản thuộc sở hữu, quản lý của doanh nghiệp trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên, có hạn sử dụng, thu hồi, luân chuyển trên 1 năm hoặc qua nhiều kỳ kinh doanh.
- Nợ ngắn hạn: nghĩa vụ tài chính doanh công ty phải trả trong 1 năm /1 kỳ kinh doanh.
- Nợ dài hạn: khoản nợ phải trả sau 1 năm hoặc trong khoảng thời gian hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Theo quan điểm kế toán, tài sản là nguồn lực doanh nghiệp kiểm soát và mang về lợi ích kinh tế trong tương lai. Nguồn vốn thể hiện nguồn gốc hình thành tài sản. Vốn có thể bao gồm vốn góp, vốn đi vay (nợ phải trả). Từ đó, mối quan hệ cân đối kế toán cơ bản là :
Tổng tài sản (gồm tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn) = Tổng nguồn vốn (gồm vốn chủ sở hữu, nợ phải trả).
Kết cấu cơ bản của bảng cân đối kế toán được thể hiện theo phương trình này.
Theo quy định trong chế độ kế toán hiện hành, trong bảng cân đối, tài sản được sắp phía trên, trình bày theo độ giảm dần tính thanh khoản. Nguồn vốn được sắp xếp ở dưới, gồm nợ phải trả (theo mức tăng dần thời gian đáo hạn) và vốn chủ sở hữu (theo trình tự góp vốn).
Mục tài sản
Các nội dung cụ thể của mục tài sản gồm:
Tài sản ngắn hạn
+ Tiền và các khoản tương đương: gồm Tiền mặt; tiền đang chuyển, tiền gửi ngân hàng (không kỳ hạn) và các khoản tương đương.
Xem thêm: Dân văn phòng đã biết gửi tiết kiệm ngân hàng nào lãi suất tốt nhất hiện nay chưa?
+ Đầu tư tài chính trong ngắn hạn: tổng giá trị các khoản đầu tư ngắn hạn (sau khi trừ dự phòng giảm giá chứng khoán trong kinh doanh), gồm: Chứng khoán nắm giữ cho mục đích kinh doanh; khoản đầu tư đáo hạn và khoản đầu tư có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng tính từ thời điểm lập báo cáo.
+ Khoản phải thu ngắn hạn: các khoản thu ngắn hạn có kỳ hạn thu hồi còn lại dưới 12 tháng hoặc trong một kỳ kinh doanh tại thời điểm làm báo cáo (sau khi trừ dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi). Ví dụ: khoản phải thu từ khách hàng; khoản trả trước cho bên bán; khoản thu nội bộ; khoản thu theo tiến độ hợp đồng; …
+ Hàng tồn kho
+ Tài sản ngắn hạn khác: tài sản khác có thời hạn thu hồi/ sử dụng dưới 12 tháng tính từ thời điểm báo cáo.
Tài sản dài hạn
Tài sản dài hạn trong bảng cân đối kế toán thường ít thay đổi giá trị trong suốt quá trình kinh doanh. Loại tài sản này thường khó chuyển thành tiền mặt hơn tài sản ngắn hạn. Đây được coi là tài sản có tính thanh khoản kém. Các loại tài sản dài hạn gồm:
- Khoản phải thu dài hạn: khoản phải thu có kỳ hạn thu hồi lớn hơn 12 tháng hoặc hơn một kỳ sản xuất, tính từ thời điểm báo cáo.
- Tài sản cố định
- Bất động sản đầu tư
- Tài sản dở dang dài hạn
- Đầu tư tài chính dài hạn
- Tài sản dài hạn khác
Nguồn vốn
Nguồn vốn bao gồm phần nợ và vốn chủ sở hữu.
Mục nợ
Các khoản nợ bao gồm:
– Nợ ngắn hạn: các khoản nợ có thời hạn thanh toán dưới 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ kinh doanh, sản xuất thông thường tính từ thời điểm báo cáo.
– Nợ dài hạn: những khoản nợ có thời hạn thanh toán còn lại từ 12 tháng trở lên hoặc trên một chu kỳ kinh doanh, sản xuất thông thường tính từ thời điểm báo cáo.
Mục vốn chủ sở hữu
Vốn chủ sở hữu còn được hiểu là tài sản ròng của doanh nghiệp. Mức vốn được tính bằng chênh lệch giá trị tài sản của doanh nghiệp và nợ phải trả.
Vốn chủ sở hữu bao gồm: Vốn chủ sở hữu; kinh phí và quỹ khác.
Hướng dẫn các khâu lập bảng cân đối kế toán
Đầu tiên, trước khi lập BCĐKT bạn cần chuẩn bị tài liệu cơ sở nắm vững các nguyên tắc lập cũng như có khâu chuẩn bị kỹ càng.
Tài liệu chuẩn bị
Các tài liệu gồm:
- BCĐKT kỳ trước.
- Sổ và thẻ chi tiết các tài khoản theo từng đối tượng.
- Sổ tổng hợp theo từng tài khoản.
- Bảng cân đối phát sinh tài khoản.
Nguyên tắc lập bảng cân đối kế toán
Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định nguyên tắc lập và trình bày BCĐKT như sau:
Với doanh nghiệp được giả định là hoạt động liên tục
- Các mục Tài sản, Nợ phải trả cần trình bày riêng thành ngắn hạn, dài hạn dựa trên chu kỳ kinh doanh/sản xuất của doanh nghiệp.
- Với doanh nghiệp không thể dựa vào chu kỳ kinh doanh để phân ngắn hoặc dài hạn do đặc điểm kinh doanh, Tài sản và Nợ trình bày theo mức độ giảm dần tính thanh khoản.
Với doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục, BCĐKT được lập tương tự như doanh nghiệp giả định hoạt động liên tục, ngoại trừ:
- Không phân biệt ngắn hạn, dài hạn: chỉ tiêu lập không căn cứ vào thời hạn 12 tháng hoặc chu kỳ kinh doanh kể từ ngày lập báo cáo
- Không trình bày chỉ tiêu dự phòng do toàn bộ Tài sản và nợ phải trả đã đánh giá lại theo giá trị thuần có thể thực hiện, giá trị có thể thu hồi.
Để lập bảng cân đối kế toán đúng quy định, bạn cần tuân thủ theo nguyên tắc có quy định trong các văn bản sau:
- Mục 3 – báo cáo tài chính trong Luật kế toán số 88/2015/QH13
- Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14. Thông tư 96/2020/TT-BTC – hướng dẫn công bố thông tin trong thị trường chứng khoán,…
- Mục trình bày báo cáo tài chính – Chuẩn mực kế toán số 21
- Phần Báo Cáo Tài Chính – Thông tư số 200/2014/TT BTC
Xem thêm: Học chứng chỉ kế toán trưởng ở đâu? Bạn cần chuẩn bị những điều kiện gì?
Lưu ý:
Nếu doanh nghiệp hoạt động liên tục với Niên độ kế toán từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 sẽ có thời điểm lập báo cáo là các ngày sau trong năm: 31/03, 30/06, 30/09 hoặc 31/12.
Nếu doanh nghiệp có “Niên độ kế toán” khác, hoặc doanh nghiệp “không hoạt động liên tục”, hoặc doanh nghiệp thuộc giải thể, sát nhập, chia tách, dừng hoạt động, hoặc được mua và trở thành công ty con trực thuộc một công ty khác,… và trường hợp đặc biệt khác. Kế toán sẽ căn cứ theo tình hình thực tế cùng quy định của Luật liên quan và xác định thời điểm lập Bảng cân đối kế toán.
Người lập BCĐKT là Kế toán tổng hợp hoặc Kế toán trưởng của doanh nghiệp hoặc cá nhân/ đơn vị có giấy phép hoạt động trong ngành kế toán, kiểm toán do công ty thuê ngoài.
Người đại diện của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo theo pháp luật là người ký duyệt báo cáo và là người chịu trách nhiệm về báo cáo trước pháp luật.
Chuẩn bị
Đây là khâu quan trọng nhất ảnh hưởng tới độ chính xác, giảm sai sót khi lập BCĐKT. Các bước chuẩn bị như sau:
- Kiểm tra số dư đầu kỳ của tài khoản hiện tại có khớp với số trên “Bảng cân đối kế toán kỳ trước hay không.
- Kiểm tra bút toán kế toán hạch toán, số dư tài khoản ngân hàng đến thời điểm lập Báo cáo, đối chiếu với Thuế, Khách hàng, Bảo hiểm, …
- Kiểm tra bút toán phân bổ và kết chuyển cuối kỳ. Đảm bảo rằng tài khoản các đầu 5,6,7,8,9 có số dư bằng 0 ở thời điểm lập báo cáo. Đồng thời, khóa số liệu kế toán tính đến thời điểm lập báo cáo.
- Kiểm tra sổ chi tiết theo tài khoản, phân loại tài sản, nợ phải trả theo “Ngắn hạn” hoặc “Dài hạn”.
- Lập “Bảng cân đối phát sinh tài khoản” tròn kỳ báo cáo. Kiểm tra dư nợ, dư có trên bảng cân đối phát sinh sao cho khớp với tài khoản.
Cách lập bảng cân đối kế toán theo Thông tư 200
- Lấy dữ liệu cột Số đầu kỳ: chuyển toàn bộ số liệu từ bảng cân đối kỳ trước sang báo cáo kỳ này sau khi đã kiểm tra
Lấy số liệu đầu kỳ là số dư cuối kỳ từ BCĐKT kỳ trước.
- Lấy số liệu lập Báo cáo phần Tài Sản (chi tiết tại đây)
- Lấy số liệu lập báo cáo phần Nguồn Vốn (chi tiết tại đây)
- Sau khi lập xong dữ liệu, bạn kiểm tra lại đảm bảo:
Tổng Cộng tài sản = Tổng Cộng nguồn vốn
Cụ thể, bạn có thể tham khảo một mẫu BCĐKT tại đây
Các lỗi thường gặp khi lập bảng cân đối kế toán kế toán
Sau khi lập xong bảng cân đối kế toán, trong trường hợp tổng tài sản và tổng nguồn vốn không cân, bạn kiểm tra lại như sau:
- Rà soát lại các bước chuẩn bị, lỗi có thể ở các bước sau:
+ Chưa kết chuyển hết số dư trên tài khoản đầu 5,6,7,8,9.
+ Sai sót trong hạch toán dẫn tới bảng cân đối số phát sinh chưa cân.
+ Quên chưa khóa sổ kế toán, các kế toán khác tiếp tục hạch toán khiến số liệu thay đổi trong kỳ lập báo cáo.
- Nếu các bước chuẩn bị đều đúng, bạn kiểm tra tiếp các lỗi sau:
+ Bỏ sót số liệu trong Bảng cân đối số phát sinh dẫn đến thiếu dữ liệu trong phần “Tài Sản” hoặc phần “Nguồn Vốn”.
+ Ghi nhận sai số dư cuối kỳ.
+ Nhầm lẫn giữa Số dư Nợ, Số dư Có của các tài khoản 131, 331, 138, 338, 136, 336, 141… dẫn đến ghi nhầm số liệu “Tài sản” và “Nguồn vốn”.
Lời kết
Trên đây, Việc Làm 24h đã giới thiệu tới bạn kiến thức cơ bản về bảng cân đối kế toán cũng như cách lập BCĐKT đơn giản cho doanh nghiệp. Hiện nay với sự hỗ trợ của phần mềm kế toán, việc lập bảng cân đối không quá phức tạp. Bạn chỉ cần tỉ mỉ và chú ý khi chuyển dữ liệu để tránh nhầm lẫn, dẫn tới bảng cân đối không cân và tốn thời gian chỉnh sửa.
Đừng quên thường xuyên theo dõi Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để bổ sung thêm nhiều kiến thức chuyên ngành hữu ích.
Xem thêm: Đây là những sai lầm của nhân viên khi đi làm: Cần biết ngay để cứu lấy sự nghiệp