Hành vi mua hàng là một trong những yếu tố quan trọng trong xây dựng chiến lược marketing cho doanh nghiệp. Vậy, hành vi mua hàng thực sự là gì và nó ảnh hưởng như thế nào đến quyết định tiêu dùng của khách hàng? Trong bài viết này, hãy cùng Việc Làm 24 tìm hiểu những yếu tố quyết định hành vi mua sắm của khách hàng, cũng như cách doanh nghiệp có thể tận dụng để tạo ra sự khác biệt, nâng cao lợi thế cạnh tranh và tối ưu hóa chiến lược marketing.
1. Hành vi mua hàng của người tiêu dùng là gì?
Hành vi mua hàng của người tiêu dùng là tổng hợp các phản ứng, hành động và suy nghĩ mà người tiêu dùng thực hiện (cả trực tuyến và ngoại tuyến) khi quyết định mua sắm một sản phẩm hoặc dịch vụ. Quá trình này bao gồm tìm kiếm thông tin, tương tác trên mạng xã hội, đánh giá và so sánh các lựa chọn để từ đó quyết định sản phẩm/dịch vụ nào phù hợp nhất với nhu cầu, mong muốn cá nhân.
2. Có cần phân tích hành vi mua hàng của người tiêu dùng hay không?
Phân tích hành vi mua hàng của người tiêu dùng sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ thói quen, sở thích cùng những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của khách hàng. Từ đó, họ sẽ lên được phương án tối ưu chiến dịch marketing hiệu quả.
2.1. Tăng lợi thế cạnh tranh
hiểu rõ hành vi mua hàng của khách hàng giúp doanh nghiệp thiết kế và điều chỉnh chiến lược marketing một cách hiệu quả, từ đó cải tiến sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu và mong đợi của người tiêu dùng. Đồng thời, hoạt động này còn hỗ trợ phát hiện ra các cơ hội mới, sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ khác biệt, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Hành vi mua hàng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược sản phẩm mà còn tác động mạnh mẽ đến các chiến dịch quảng cáo và truyền thông, góp phần quan trọng vào nâng cao hiệu quả marketing cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của thương hiệu.
2.2. Xây dựng chiến dịch Marketing hiệu quả
Các chiến lược marketing hiệu quả cần được xây dựng dựa trên những mong muốn, sở thích và thói quen tiêu dùng của khách hàng. Việc nắm bắt hành vi tiêu dùng giúp doanh nghiệp xác định chính xác những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua sắm, từ đó, phát triển các chiến dịch truyền thông và tiếp thị phù hợp.
Hơn nữa, qua việc phân tích hành vi tiêu dùng, doanh nghiệp còn có thể triển khai những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tăng cường khả năng thu hút khách hàng và và tối đa hóa doanh thu.
2.3. Thúc đẩy doanh số
Sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp chỉ thực sự nhận được đón nhận từ khách hàng khi nó đáp ứng đúng kỳ vọng của họ. Vì vậy, hiểu rõ hành vi mua sắm của khách hàng chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp xây dựng các chiến lược marketing hiệu quả , kết nối sản phẩm/dịch vụ với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng. Lúc này, khoảng cách giữa những gì khách hàng mong muốn và doanh nghiệp cung cấp sẽ được thu hẹp, từ đó cải thiện tỷ lệ chuyển đổi và thúc đẩy doanh số bán hàng.
3.4. Cải tiến sản phẩm
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ thất bại của những sản phẩm mới luôn ở mức khá cao. Do đó, các doanh nghiệp luôn cố gắng nâng cao khả năng thành công của ý tưởng và sản phẩm mới. Một trong những phương pháp phổ biến nhiều doanh nghiệp áp dụng là nghiên cứu kỹ lưỡng hành vi và phản hồi của người tiêu dùng. Bằng cách này, doanh nghiệp nhận diện được những điểm mạnh và điểm yếu của sản phẩm/dịch vụ hiện tại. Từ đó, họ có thể cải tiến chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua, không chỉ tạo ra các giá trị vượt trội mà còn góp phần nâng cao vòng đời của khách hàng.
2.5. Dự đoán các xu hướng thay đổi của thị trường
Thông qua phân tích hành vi mua sắm trong quá khứ, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về nhận thức, tâm lý và động cơ của khách hàng đối với sản phẩm và thương hiệu. Nghiên cứu hành vi này giúp trả lời những câu hỏi quan trọng như yếu tố nào tác động đến quyết định mua sắm, khách hàng mong đợi gì từ sản phẩm và đối thủ cạnh tranh đang làm gì. Từ đó, doanh nghiệp có thể nhanh chóng nhận diện các xu hướng tiêu dùng mới, điều chỉnh chiến lược sản phẩm và marketing sao cho phù hợp.
Ví dụ, McDonald’s đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn gia tăng lòng tin của khách hàng và thúc đẩy doanh số.
2.6. Cá nhân hóa cho thương hiệu
Dựa trên dữ liệu hành vi mua hàng, doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược marketing phù hợp cho từng phân khúc khách hàng và khai thác những insights quan trọng. Đồng thời, cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa đồng nhất trên mọi kênh không chỉ giúp doanh nghiệp tạo ấn tượng mạnh mẽ với khách hàng mà còn khuyến khích họ quay lại và duy trì mối quan hệ lâu dài với thương hiệu. Điều này góp phần gia tăng sự trung thành của khách hàng một cách hiệu quả và bền vững.
3. Những yếu tố bên trong doanh nghiệp ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng
3.1. Chất lượng sản phẩm
Chất lượng sản phẩm luôn đóng vai trò then chốt, ảnh hưởng đến khoảng 50% trong quyết định mua sắm của người tiêu dùng quyết định cuối cùng . Trên thực tế, khách hàng luôn mong muốn tìm được những sản phẩm hoặc dịch vụ chất lượng, xứng đáng với số tiền mà họ bỏ ra.
Do đó, chất lượng sản phẩm là ưu tiên hàng đầu của mọi chiến lược kinh doanh. Một sản phẩm được coi là chất lượng khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:
- Tính năng: Sản phẩm có đúng nhu cầu và mong đợi của khách hàng không?
- Khả năng vận hành: Sản phẩm có hoạt động ổn định và hiệu quả không?
- Độ bền: Sản phẩm có tuổi thọ dài và dễ sử dụng trong thời gian dài không?
- Thiết kế: Sản phẩm có kiểu dáng đẹp, tiện dụng và phù hợp với thị hiếu của khách hàng không?
3.2. Giá cả sản phẩm
Giá cả là yếu tố quyết định, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Họ thường so sánh giá của các sản phẩm hoặc dịch vụ và lựa chọn phương án có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng chi trả của mình.
3.3. Bằng chứng xã hội
Theo thống kê, 95% người mua sắm trực tuyến thường đọc đánh giá sản phẩm trước khi quyết định mua, và 91% trong số họ tin tưởng vào các đánh giá trên. Điều này chứng tỏ rằng trải nghiệm mua sắm, đặc biệt là đánh giá từ người tiêu dùng trước đó hay phản hồi từ mạng xã hội và người quen có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định mua sắm. Những đánh giá tích cực giúp khách hàng cảm thấy tự tin hơn khi chọn sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược chăm sóc khách hàng hiệu quả để nâng cao sự hài lòng và trải nghiệm của họ.
3.4. Chính sách thanh toán
Quy trình và phương thức thanh toán là hai yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định cuối cùng của người tiêu dùng khi mua hàng. Ngày nay, thay vì tiền mặt, khách hàng có xu hướng yêu thích các phương thức thanh toán trực tuyến tiện lợi và an toàn như ví điện tử hay thẻ tín dụng.
3.5. Chính sách giao hàng, đổi trả
Khi mua sản phẩm hoặc dịch vụ, người tiêu dùng thường mong muốn được đảm bảo chính sách giao hàng nhanh chóng, miễn phí cùng cam kết đổi trả và hoàn tiền. Những chính sách này giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng và mang lại sự linh hoạt khi gặp vấn đề với sản phẩm.
Xây dựng chính sách minh bạch và rõ ràng không chỉ tạo niềm tin vào chất lượng sản phẩm mà còn giúp nâng cao uy tín thương hiệu, tạo dựng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
3.6. Chương trình ưu đãi, khuyến mãi
Đa số người tiêu dùng đều mong muốn sở hữu được những sản phẩm chất lượng nhưng vẫn phải tiết kiệm chi phí. Chính vì vậy, các chương trình khuyến mãi và ưu đãi thường là yếu tố thúc đẩy quyết định mua hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả.
3.7. Chính sách bảo hành
Chính sách bảo hành hợp lý mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng khi mua sản phẩm vì họ biết rằng nếu gặp phải vấn đề về chất lượng sẽ nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ doanh nghiệp. Điều này không chỉ tạo dựng niềm tin mà còn khuyến khích khách hàng đưa ra quyết định mua hàng một cách tự tin hơn.
4. Những yếu tố bên ngoài doanh nghiệp ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng
hành vi mua hàng còn bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bên ngoài doanh nghiệp như:
4.1. Yếu tố cá nhân
Dưới đây là một số yếu tố nổi bật ảnh hưởng đến hành vi mua hàng:
- Đặc điểm nhân khẩu học: Bao gồm độ tuổi, giới tính, thu nhập, nghề nghiệp, trình độ học vấn,…
- Phong cách sống: Thể hiện qua các hoạt động, mối quan tâm và quan điểm sống của người tiêu dùng.
- Yếu tố tâm lý: Liên quan đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của người tiêu dùng, bao gồm nhận thức, niềm tin, thái độ, nhu cầu, mong muốn,…
Nghiên cứu sâu về các yếu tố cá nhân giúp doanh nghiệp xây dựng chân dung khách hàng mục tiêu chi tiết, từ đó thiết lập chiến lược marketing phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng và tạo lợi thế cạnh tranh.
4.2. Yếu tố xã hội
Yếu tố xã hội liên quan đến các mối quan hệ của người tiêu dùng với những người xung quanh, bao gồm:
- Nhóm tham khảo: Bao gồm bạn bè, gia đình, đồng nghiệp,… Đây là những nhóm có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và hành vi của người tiêu dùng.
4.3. Yếu tố văn hóa
Những yếu tố văn hóa như chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, vùng miền và tầng lớp xã hội cũng có ảnh hưởng lớn đến quyết định và hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Cụ thể:
- Văn hóa: Văn hóa là yếu tố then chốt trong việc hình thành thói quen và quyết định mua hàng. Mỗi quốc gia và khu vực có hệ thống giá trị, niềm tin và quan điểm sống khác nhau dẫn đến sự khác biệt rõ rệt trong hành vi tiêu dùng. Ví dụ, một sản phẩm được ưa chuộng ở các nước phương Đông có thể không được thị trường phương Tây đón nhận hoặc ưa chuộng do khác biệt về văn hóa và thói quen tiêu dùng.
- Phong tục tập quán: Các phong tục, truyền thống và thói quen văn hóa cũng tác động mạnh đến hành vi mua hàng. Chẳng hạn trong nhiều quốc gia, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn vào các dịp lễ tết hoặc các sự kiện lễ hội lớn.
4.4. Yếu tố tâm lý
Các yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Những yếu tố này thường được hình thành thông qua 4 khía cạnh dưới đây:
- Động cơ: Là các yếu tố kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng, chẳng hạn như các nhu cầu cơ bản về sinh lý (đói, khát, mệt mỏi) hay các yếu tố xã hội và công việc.
- Niềm tin và thái độ: Đây là mức độ tin tưởng và cảm nhận của khách hàng đối với sản phẩm hoặc thương hiệu. Thái độ của họ đối với thương hiệu và sản phẩm sẽ quyết định việc họ có mua sắm hay không.
- Nhận thức và lĩnh hội: Mỗi khách hàng sẽ tiếp nhận thông tin và xử lý chúng theo cách riêng. Điều này tác động đến phản ứng của họ đối với các chiến lược marketing và thói quen tiêu dùng cá nhân.
Tri giác: Là quá trình mà khách hàng tiếp nhận và chọn lọc thông tin, từ đó hình thành quan điểm và cảm nhận của họ về sản phẩm, thương hiệu hay thậm chí là cách thức giao tiếp của nhân viên
5. Mô hình hành vi mua hàng của người tiêu dùng
5.1. Bước 1: Nhận thức nhu cầu
Bước đầu trong hành vi mua hàng là khi khách hàng nhận ra bản thân có nhu cầu hay mong muốn nào đó cần được đáp ứng. Thông thường, nhu cầu này sẽ được kích hoạt bởi các yếu tố như:
- Nhu cầu sinh lý: Các nhu cầu cơ bản để duy trì sự sống như ăn uống, ngủ nghỉ.
- Nhu cầu an toàn: Bao gồm các nhu cầu bảo vệ bản thân khỏi mối đe dọa, chẳng hạn như nhà ở, bảo hiểm.
- Nhu cầu xã hội: Nhu cầu kết nối và giao tiếp với người khác, ví dụ như tình yêu, tình bạn.
- Nhu cầu được tôn trọng: Nhu cầu được đánh giá cao và thừa nhận, chẳng hạn như thành tích và địa vị.
- Nhu cầu thể hiện: Nhu cầu thể hiện cá tính và bản thân, ví dụ như thời trang hoặc sở thích cá nhân.
5.2. Bước 2: Tìm kiếm thông tin
Khi nhận thức được nhu cầu cá nhân, tiếp theo, khách hàng sẽ có xu hướng tìm kiếm thông tin để đáp ứng nhu cầu đó. Lúc này, họ có thể thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau như:
- Trải nghiệm cá nhân trước đó.
- Khuyến nghị từ những người xung quanh bao gồm bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp.
- Các phương tiện truyền thông: Báo chí, truyền hình, internet và mạng xã hội.
5.3. Bước 3: Xem xét đánh giá
Sau khi thu thập từ nhiều nguồn thông tin với nhau, người tiêu dùng sẽ tiến hành đánh giá và so sánh các lựa chọn có sẵn, dựa trên những yếu tố như giá cả, chất lượng, tính năng và thương hiệu. Ngoài ra, họ cũng cân nhắc đến ưu điểm và hạn chế của từng sản phẩm để đưa ra quyết định mua hàng phù hợp nhất.
5.4. Bước 4: Quyết định mua hàng
Kết thúc quá trình xem xét các lựa chọn, người tiêu dùng sẽ đưa ra quyết định mua hàng. Hoạt động này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cá nhân như giá cả, chất lượng, thương hiệu hoặc các yếu tố bên ngoài như khuyến mãi, dịch vụ hậu mãi và thời gian giao hàng . Họ mua sắm qua các kênh khác nhau, từ trực tiếp tại cửa hàng cho đến trực tuyến.
5.5. Bước 5: Đánh giá sau mua hàng
Sau khi trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ, người tiêu dùng sẽ đánh giá mức độ hài lòng của mình. Nếu cảm thấy thỏa mãn, họ có xu hướng mua lại và chia sẻ phản hồi tích cực. Ngược lại, họ sẽ ngừng sử dụng sản phẩm đồng thời đưa ra đề xuất không hài lòng với người khác.
6. Những hành vi mua hàng phổ biến của người tiêu dùng
6.1. Hành vi mua hàng phức tạp (Complex Buying Behavior)
Hành vi mua hàng phức tạp xảy ra khi người tiêu dùng cần phải tìm hiểu và phân tích kỹ lưỡng trước khi quyết định mua sản phẩm, đặc biệt là với những mặt hàng có giá trị cao hoặc mức độ rủi ro lớn như nhà cửa, ô tô, điện thoại, laptop hay các khóa học chuyên sâu….
Để thúc đẩy quyết định mua hàng, các nhà tiếp thị cần cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, giúp người tiêu dùng cảm thấy tự tin và an tâm. cung cấp giấy tờ pháp lý, nếu có, cũng rất quan trọng để tạo dựng niềm tin đồng thời đảm bảo sự minh bạch cho khách hàng.
6.2. Hành vi mua hàng nhằm tìm kiếm sự đa dạng (Variety-seeking buying behavior)
Trong hành vi mua sắm này, khách hàng có xu hướng thử nghiệm nhiều loại sản phẩm và thương hiệu khác nhau để tìm kiếm sự đa dạng. Tuy nhiên, hành động này không đồng nghĩa với việc họ bất mãn hay không yêu thích đối với sản phẩm cũ, mà đôi khi chỉ xuất phát từ tâm lý thích sự mới mẻ và thay đổi.
Hành vi mua hàng nhằm tìm kiếm sự đa dạng (Variety-seeking buying behavior) thường xuất hiện với các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày hoặc những sản phẩm thay đổi theo xu hướng như quần áo, giày dép, điện thoại,… Để hạn chế tình trạng khách hàng chuyển sang các nhà cung cấp khác, doanh nghiệp nên mở rộng hệ thống phân phối để sản phẩm có mặt ở nhiều nơi. Điều này giúp giảm sự so sánh giữa các thương hiệu và khuyến khích khách hàng quay lại với những thói quen mua sắm cũ.
6.3. Hành vi mua hàng theo thói quen (Habitual buying behavior)
Với hành vi mua sắm này, khách hàng không mất quá nhiều thời gian để xem xét hay đánh giá sản phẩm vì họ đã quen thuộc và tin tưởng vào thương hiệu. Thông thường, hành vi mua theo thói quen xuất hiện với các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày , nơi sự khác biệt giữa các thương hiệu không lớn, như khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm tươi sống,..
Lúc này, để giữ chân khách hàng và duy trì sự trung thành, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng mối quan hệ lâu dài với họ. Một cách hiệu quả là triển khai các chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng thành viên hoặc cung cấp những sản phẩm/dịch vụ độc đáo mà họ chỉ có thể tìm thấy ở thương hiệu của bạn.
7.4. Hành vi mua hàng thỏa hiệp (Dissonance-reducing buying behavior)
Hành vi mua hàng thỏa hiệp (Dissonance-reducing buying behavior) thường xảy ra khi khách hàng đã dành thời gian tìm kiếm thông tin về các sản phẩm hoặc dịch vụ từ nhiều doanh nghiệp, nhưng lại khó nhận ra sự khác biệt rõ rệt giữa các thương hiệu. Trong trường hợp này, giá cả và sự thuận tiện trở thành những yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng cuối cùng của khách hàng.
Loại hành vi này đặc biệt phổ biến trong các dịch vụ , nơi mà chất lượng sản phẩm khó có thể được cảm nhận rõ ràng, cho đến khi người tiêu dùng trải nghiệm trực tiếp. Để giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc quyết định, doanh nghiệp nên cung cấp đầy đủ thông tin, kèm theo những mẫu thử miễn phí hoặc trải nghiệm dùng thử , nhằm xâydựng niềm tin và an tâm trước khi quyết định mua.
7. Ví dụ về hành vi mua hàng của người tiêu dùng
Dưới đây là một số ví dụ về hành vi mua sắm phổ biến của người tiêu dùng:
- Một người tiêu dùng đang tìm kiếm căn nhà mới. Họ sẽ bắt đầu tìm hiểu thông tin về khu vực, mức giá, diện tích, và tiện ích xung quanh . Sau đó, mới đưa ra quyết định mua phù hợp với nhu cầu bản thân.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua nhà:
- Yếu tố cá nhân: người tiêu dùng trẻ tuổi, mới kết hôn, có thể tìm kiếm một căn hộ nhỏ ở khu vực trung tâm thành phố, trong khi gia đình lớn với trẻ em sẽ quan tâm đến ngôi nhà rộng rãi ở ngoại ô, gần trường học và các khu vui chơi.
- Yếu tố xã hội: Họ có thể quyết định mua nhà ở khu vực mà bạn bè hoặc đồng nghiệp của họ đang sống vì họ tin rằng khu vực đó mang lại sự thuận tiện và an toàn.
- Yếu tố văn hóa: Người dân ở các quốc gia châu Á thườngi coi trọng sự an toàn và ổn định lâu dài, nên sẽ tìm nhà ở khu vực ngoại ô, nơi có không gian sống rộng rãi và yên tĩnh. Trong khi đó, đa số gia đình ở phương Tây thường ưa chuộng những căn nhà gần trung tâm để thuận tiện cho công việc và các hoạt động xã hội.
- Yếu tố tâm lý: người tiêu dùng có thể mua nhà vì họ cảm thấy rằng sở hữu một căn nhà sẽ mang lại sự tự do tài chính và cảm giác thành đạt trong cuộc sống.
8. Xu hướng mua hàng của người tiêu dùng trong thời đại 4.0
Trong kỷ nguyên 4.0 , cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, Internet và các thiết bị di động đã tạo ra những thay đổi lớn trong hành vi mua của người tiêu dùng.
- Tìm kiếm thông tin trực tuyến: Trước khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng thường có thói quen tìm kiếm thông tin trên các công cụ tìm kiếm, trang đánh giá sản phẩm, mạng xã hội và diễn đàn trực tuyến, để có cái nhìn toàn diện về sản phẩm, bao gồm thông tin mô tả hoặc các ý kiến của người tiêu dùng trước đó.
- Mua sắm trực tuyến: Ngày nay, người tiêu dùng có thể thực hiện hành vi mua sắm ở bất cứ khi nào, bất cứ đâu. Do đó, các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng toàn cầu mà không bị giới hạn bởi vị trí địa lý.
- Tương tác đa kênh: Người tiêu dùng hiện nay có xu hướng tiếp cận thông tin qua đa kênh bao gồm trực tuyến, trực tiếp và các trang mạng xã hội. Để đáp ứng nhu cầu này, doanh nghiệp cần phát triển chiến lược tiếp cận đa kênh nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng.
- Trải nghiệm và phản hồi sau mua hàng: Các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, cũng như lắng nghe phản hồi từ người tiêu dùng để duy trì sự hài lòng và lòng trung thành.
- Tiếp thị trực tuyến và quảng cáo kỹ thuật số: Các công cụ trên sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận chính xác đối tượng khách hàng mục tiêu. Từ đó, tăng cường sự hiện diện và thúc đẩy doanh thu hiệu quả hơn trong thời đại công nghệ.
Hành vi mua hàng là một quá trình phức tạp, chịu tác động từ nhiều yếu tố như cá nhân, xã hội, văn hóa và tâm lý. Hy vọng bài viết của Việc Làm 24h, đã giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về hành vi mua hàng, từ đó có thể áp dụng những kiến thức này để xây dựng chiến lược marketing phù hợp, tạo dựng gắn kết bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển lâu dài cho doanh nghiệp.