Albert Einstein từng có câu nói vô cùng nổi tiếng “Trực giác là thứ duy nhất có giá trị” hay Carl Jung cũng cho rằng “Linh cảm là ngôn ngữ chung của con người.” Điều gì đã khiến cả nhà khoa học lỗi lạc lẫn nhà tâm lý tài ba đề cao trực giác đến như vậy? Ngay cả Steve Jobs – người tạo ra đế chế Apple cũng ca ngợi sức mạnh của trực giác trong việc thay đổi cuộc đời và sự nghiệp. Vậy trực giác là gì, liệu bạn có sở hữu sức mạnh này và có nên tin vào trực giác không? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá những điều này qua bài viết dưới đây.
Trực giác là gì?
Theo Steve Jobs “Trực giác là giọng nói bên trong bạn”. Đây là giọng nói đến từ trái tim, không phải đến từ lý trí hay suy nghĩ có ý thức. Trực giác còn được gọi là “linh cảm” hay “giác quan thứ sáu” khi bạn chỉ đơn giản là “biết” và không thể giải thích tường tận cảm giác này.
Ví dụ về trực giác như khi cần phải đưa ra quyết định chọn việc làm mới giữa công ty A và B, dù cả 2 đều có những ưu nhược điểm riêng nhưng bạn có cảm giác thôi thúc mạnh mẽ từ bên trong rằng công ty A sẽ mang lại hạnh phúc và thành công cho bạn. Dựa vào trực giác này, bạn quyết định chọn công ty A.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Leeds đã kết luận định nghĩa trực giác là một quá trình tâm lý học rất thực tế, trong đó não bộ sử dụng kinh nghiệm quá khứ và các dấu hiệu từ bản thân, môi trường xung quanh để đưa ra quyết định.
Một cuộc khảo sát về các nhà quản lý hàng đầu cho thấy hầu hết các nhà lãnh đạo sử dụng cảm xúc và kinh nghiệm khi xử lý các cuộc khủng hoảng. Ngay cả Hải quân Hoa Kỳ cũng đã đầu tư hàng triệu đô la để giúp các thủy thủ và lính thủy mài giũa “giác quan thứ sáu” của họ, bởi vì trực giác có thể vượt trội hơn trí tuệ trong các tình huống quan trọng trên chiến trường. Hay với tỷ phú Israel, Igal David Ahouvi, nhấn mạnh rằng trong ba nguyên tắc đầu tư của ông, việc nghe theo trực giác là điều cực kỳ quan trọng.
Trực giác có phải cảm giác mơ hồ? Giải mã trực giác là gì dưới góc nhìn khoa học
Để giải thích rõ ràng về nguồn gốc trực giác là gì không phải dễ dàng vì bản chất của trực giác khó hiểu và khó nắm bắt. Tuy nhiên vẫn có một số lý giải khoa học về chủ đề này, tiêu biểu như:
1. Mạng lưới thần kinh trong cơ thể
Theo Harvard Business Review, trực giác có liên quan trực tiếp đến hệ thần kinh. Bộ não con người được liên kết với các bộ phận khác thông qua hệ thống thần kinh, các tín hiệu hóa học như hormone và chất dẫn truyền thần kinh. Điều này giúp giải thích tại sao những cảm xúc trực giác thường đi kèm với những phản ứng vật lý như nổi da gà, rợn tóc gáy…
Trong đó, dạ dày được xem là “bộ não thứ 2” khi có một mạng lưới gồm 100 triệu tế bào thần kinh, nhiều hơn so với tủy sống. Vì vậy, khi bạn tiếp cận một quyết định bằng cách sử dụng trực giác, não bộ sẽ hoạt động song song với dạ dày để nhanh chóng đánh giá tất cả ký ức, kiến thức trong quá khứ, nhu cầu cá nhân và sở thích của bạn, sau đó đưa ra quyết định khôn ngoan nhất dựa trên bối cảnh hiện tại.
2. Nghiên cứu về não bộ
Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học và thần kinh học đã tìm hiểu về vai trò của não bộ trong trực giác. Các phương pháp như nghiên cứu hình ảnh não (brain imaging) và điện não đồ (electroencephalography – EEG) đã giúp xác định những khu vực trong não liên quan đến trực giác. Ví dụ, các khu vực như thalamus và lớp vỏ nửa cầu trước (anterior cortex) đã được xem xét trong quá trình xử lý thông tin liên quan đến trực giác.
3. Tiềm thức của trực giác là gì?
Trực giác được xem là sản phẩm của tiềm thức xử lý thông tin với tốc độ cao. Ví dụ, các cảm giác không thể giải thích rõ ràng mà bạn có thể trải nghiệm trong một tình huống có thể được hình thành từ các yếu tố tiềm thức như ký ức vô thức hoặc những ảnh hưởng từ môi trường.
4. Tích lũy kinh nghiệm hình thành nên trực giác là gì?
Một góc nhìn khoa học khác cho rằng trực giác có thể dựa trên quá trình tích lũy kinh nghiệm và học tập của con người. Khi bạn tiếp thu thông tin và trải nghiệm, não bộ lưu trữ, phân tích dữ liệu này. Do đó nếu một tình huống tương tự xảy ra trong tương lai, trực giác có thể dựa trên những kinh nghiệm đã có để đưa ra quyết định.
Có nên tin vào trực giác không?
Trực giác thuộc về bản năng và biểu hiện qua những tín hiệu của cơ thể. Tuy nhiên khi nào nên tin tưởng vào trực giác?
Khi nào bạn nên tin vào trực giác?
1. Khi liên quan đến sự an toàn
Khi mọi thứ có vẻ “không ổn” trong một số tình huống, bạn không nên bỏ qua cảm xúc của mình, ngay cả khi cảm giác đó có vẻ khá mơ hồ. Trực giác là một công cụ mạnh mẽ để đảm bảo sự an toàn, tránh những tình huống nguy hiểm và có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như sự lo lắng, cảm giác không thoải mái hoặc hồi hộp. Do đó khi cảm nhận được những tín hiệu này, hãy lắng nghe và hành động theo trực giác của mình.
Nếu trực giác mách bảo bạn đi một con đường khác về nhà, dừng lại ở một trạm xăng hoặc cửa hàng khác, hãy để ý những gì đang diễn ra xung quanh. Đôi khi, những cảnh báo không rõ ràng có thể đồng nghĩa với nguy hiểm tiềm ẩn. Bằng cách tin tưởng vào trực giác của mình, bạn có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và ngăn chặn các tình huống không mong muốn.
2. Khi cơ thể gửi cho bạn những tín hiệu về sức khỏe
Mục đích chính của trực giác là giữ cho cơ thể bạn an toàn và đảm bảo trạng thái cân bằng, khỏe mạnh. Người cổ đại đã sử dụng trực giác để đánh giá nguồn thực phẩm và nước uống, phát triển trực giác thành cơ chế tự nhiên để sinh tồn.
Ngày nay, trực giác còn được ứng dụng để nhận biết những tín hiệu về sức khỏe và trạng thái cơ thể. Khi bạn bắt gặp những cơn đau đầu đột ngột, rối loạn tiêu hóa hay bất kỳ tình trạng bất thường nào khác, đó có thể là trực giác mách bảo bạn rằng cơ thể bạn đang gặp vấn đề và cần được chú ý.
Xem thêm: Dân văn phòng thường xuyên đau lưng, cổ vai gáy, có ngay bài tập thể dục hiệu quả
3. Khi bạn nghi ngờ khả năng của mình
Khi bạn đối mặt với một nhiệm vụ hoặc yêu cầu đòi hỏi bạn vượt ra khỏi vùng an toàn, cảm giác bất an thường xuất hiện. Điều này có thể dẫn đến sự nghi ngờ về khả năng của bản thân và tạo ra nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, đừng bao giờ bỏ qua trực giác mách bảo rằng bạn có đủ kỹ năng và khả năng để hoàn thành nhiệm vụ đó. Sự nghi ngờ về khả năng của bản thân thường liên quan đến Hội chứng Imposter – cảm giác không tự tin và cho rằng mình không xứng đáng.
Hãy tin tưởng vào trực giác của mình và nhìn nhận sự nghi ngờ là một phần tự nhiên của quá trình phát triển, học hỏi. Nếu bạn cảm thấy mình không đủ tốt, hãy nhớ lại những thành công mà bạn đã đạt được trong quá khứ. Tự tin vào khả năng của bản thân sẽ giúp bạn vượt qua sự nghi ngờ và thực hiện nhiệm vụ thành công.
4. Khi nghĩ rằng có điều gì đó không ổn trong một mối quan hệ
Khi đối phương có những hành động đáng ngờ hoặc khiến bạn cảm thấy khó chịu, hãy cân nhắc tìm hiểu về những gì đang diễn ra và tự đặt câu hỏi liệu có điều gì không ổn. Trong các mối quan hệ, việc khám phá nguồn gốc của cảm xúc có thể giúp giải quyết các vấn đề và tạo ra sự hiểu biết sâu sắc.
Xem thêm: 5 cách giúp bạn nhanh chóng phát triển mối quan hệ với sếp chốn công sở
Dựa vào trực giác hoàn toàn trong những trường hợp này, bạn sẽ gặp rắc rối
1. Khi thông tin chưa được xác thực
Nếu thông tin chưa được xác thực hoặc thiếu chứng cứ, việc dựa vào trực giác tuyệt đối có thể dẫn đến quyết định sai lầm và không đáng tin cậy. Trong trường hợp này, nên tìm cách xác minh thông tin và thu thập đủ dữ liệu trước khi đưa ra quyết định.
2. Khi cần đưa ra quyết định quan trọng
Khi rơi vào trường hợp đòi hỏi quyết định quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến nhiều người, việc tin tưởng hoàn toàn vào trực giác có thể là chưa đủ. Thay vào đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng, thu thập thông tin chi tiết và phân tích để đưa ra quyết định có căn cứ.
Xem thêm: Bí quyết rèn luyện kỹ năng ra quyết định nhanh chóng, đúng thời cơ
3. Khi phải suy nghĩ trong trạng thái căng thẳng
Trong các tình huống căng thẳng như cuộc đàm phán hay mâu thuẫn, việc chỉ dựa vào trực giác có thể dẫn đến quyết định bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và không đảm bảo tính khách quan. Do đó, cần phải duy trì sự tỉnh táo và suy nghĩ cân nhắc kỹ càng.
4. Khi cần đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu
Trong những trường hợp quyết định cần dựa trên dữ liệu và phân tích cụ thể, việc chỉ tin tưởng vào trực giác có thể không phù hợp. Thay vào đó, cần sử dụng phương pháp khoa học, thu thập dữ liệu và đưa ra quyết định dựa trên cơ sở chính xác, rõ ràng.
5. Khi trực giác không được hỗ trợ bởi kinh nghiệm hoặc kiến thức
Nếu trực giác không được hỗ trợ bởi kinh nghiệm hoặc kiến thức, quyết định có thể không đúng đắn và không đáng tin cậy. Trong những tình huống như vậy, cần cân nhắc việc tìm hiểu thêm, nắm vững kiến thức và kinh nghiệm để đưa ra quyết định phù hợp.
Có thể mài giũa trực giác sắc bén hơn không?
Mỗi người đều sở hữu trực giác, tuy nhiên mức độ mạnh yếu có thể khác nhau. Nhiều người có trực giác nhạy bén và có khả năng nhận biết những tín hiệu một cách rõ ràng, trong khi người khác cảm nhận trực giác mờ nhạt hơn. Tuy nhiên, giống như cơ bắp, trực giác cũng có thể được tăng cường và phát triển thông qua việc luyện tập có chủ đích. Điều quan trọng là bạn cần liên tục bổ sung dữ liệu mới và kiến thức vào ngân hàng trí thức của mình, bắt đầu bằng những cách dưới đây:
Học cách phân biệt nỗi sợ hãi với trực giác
Nỗi sợ hãi có xu hướng đi kèm với cảm giác các bộ phận trên cơ thể bị co thắt, tạo ra cảm giác căng thẳng, hoảng loạn hoặc tuyệt vọng. Nỗi sợ hãi thúc đẩy, ép buộc bạn chọn cách để tránh bị đe dọa, từ chối hoặc trừng phạt. Đó là một trạng thái tự vệ tự nhiên của con người để bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm tiềm tàng.
Mặt khác, trực giác có năng lượng hướng bạn đến lợi ích tốt nhất, ngay cả khi điều đó sẽ mang lại một chút rủi ro hoặc làm chậm lại hành trình. Trực giác giống với “người cố vấn” hơn là “người ngăn cản”.
Học cách phân biệt giữa trực giác và nỗi sợ hãi là một quá trình yêu cầu sự nhạy bén và tỉnh táo. Nỗi sợ hãi thường bắt nguồn từ những rào cản tâm lý, những trăn trở về sự an toàn và tự bảo vệ. Trong khi đó, trực giác xuất phát từ một nền tảng thông tin, kinh nghiệm, giúp bạn nhận ra các cơ hội để đưa ra những quyết định thông minh và đúng đắn
Bắt đầu bằng những quyết định nhỏ
Thực hiện các hành động nhanh chóng, quyết đoán và đối mặt với những hậu quả nhỏ sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái khi sử dụng trực giác của mình. Bằng cách bắt đầu từ những việc nhỏ, bạn bớt cảm giác choáng ngợp và có thể tiến tới những quyết định lớn hơn, đối mặt áp lực cao hơn mà vẫn tự tin, linh hoạt.
Thay vì suy nghĩ quá nhiều, hãy nhập vai
Nếu phân vân giữa quyết định A hoặc B, hãy thử hành động như thể bạn đã chọn phương án A (chẳng hạn như quyết định chọn công việc mới) trong hai đến ba ngày và quan sát cách bạn suy nghĩ, cảm nhận trong quá trình này. Sau đó, trong hai đến ba ngày tiếp theo, hãy thử lựa chọn B, chẳng hạn như tiếp tục công việc hiện tại. Khi kết thúc thử nghiệm, hãy ghi lại các phản ứng của bạn.
Ngoài ra, còn có nhiều phương pháp khác để tăng cường trực giác như thiền, viết nhật ký, đặt câu hỏi cho bản thân, tập yoga… Bằng cách khám phá và áp dụng những phương pháp này, bạn có thể phát triển khả năng trực giác toàn diện.
Xem thêm: Khám phá các loại thiền để tìm về sự bình an trong tâm hồn
Mặc dù trực giác không hoàn hảo, nhưng vẫn là một công cụ hữu ích mà bạn có thể sử dụng khi cần thiết. Để có trực giác tốt yêu cầu sự yêu thương, kiên nhẫn với cảm xúc của mình. Đây là một quá trình học cách tin tưởng vào bản thân. Đừng ngần ngại lắng nghe những lời thầm thì trong trái tim và hành động theo trực giác của bạn, trực giác mang lại những món quà tuyệt vời nhất trong cuộc sống, sự nghiệp, giúp bạn tiếp tục theo đuổi hạnh phúc và thành công.
Qua bài viết này, Việc Làm 24h hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về trực giác là gì cũng như cách để mài giũa trực giác để đủ sắc bén để tự tin hơn với những quyết định và thay đổi cuộc đời mình.
Series bài viết Mở khóa bản thân đánh dấu sự hợp tác giữa Việc Làm 24h và Vietnam Coaching Institute (VCI) nhằm cung cấp kiến thức về các kỹ năng mềm để người trẻ hiểu bản thân, tăng khả năng thấu cảm với những người xung quanh, tăng sức bật và sự linh hoạt trong thế giới đầy biến động. Vietnam Coaching Institute (VCI) là trường đào tạo Coach đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận của cả 2 tổ chức ICF (International Coach Federation) và CCA (Certified Coaches Alliance). VCI ra đời với mục tiêu khuyến khích, truyền cảm hứng và hỗ trợ cá nhân cũng như tổ chức, doanh nghiệp khai thác và phát triển tiềm năng để đạt được hạnh phúc và thành công toàn diện trong các lĩnh vực cuộc sống.
Xem thêm: Vì sao bạn mãi kìm hãm bản thân trong những niềm tin giới hạn?