Đánh giá nhân sự chưa bao giờ là công việc dễ dàng của các nhà quản lý bởi bất cứ ai cũng dễ dàng gặp phải những sai lầm, dẫn đến những nhận xét sai lệch, chủ quan. Do đó để đưa ra những lời nhận xét công tâm và giúp nhân viên của mình tiến bộ từng ngày, bạn cần tránh 4 lỗi quan trọng sau đây.
1. Không có tiêu chí đánh giá rõ ràng
Đánh giá nhân viên không phải là điều dễ dàng, do đó, mỗi công ty cần đưa ra những tiêu chí chung, áp dụng cho các cấp bậc nhân viên khác nhau, để có cách đánh giá khách quan nhất. Nền tảng của việc đánh giá nhân viên chính là xây dựng một bản tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể bởi nếu các tiêu chí đánh giá không rõ ràng, các quyết định sẽ tính tùy tiện, ngẫu hứng của người đánh giá và điều này sẽ là một trong những lý do chính đẩy nhân tài ra khỏi công ty.
2. Chỉ tập trung vào những điều tiêu cực
Mục đích của đánh giá hiệu suất là để cho nhân viên biết được họ đã hoàn thành tốt những việc gì và cần cải thiện điều gì để nâng cao hiệu quả làm việc. Nhưng nếu bạn chỉ chú ý đến những sai sót hay khuyết điểm thì dần dần sẽ khiến nhân viên có cảm xúc tiêu cực và cho rằng dù họ có làm gì đi nữa vẫn không thể đúng ý bạn, tồi tệ hơn là có người sẽ bắt đầu nghĩ đến chuyện nghỉ việc.
Do đó, khi bạn đưa ra đánh giá hãy cố gắng dung hòa giữa điểm tích cực và tiêu cực. Ví dụ một nhân viên có thể rất tệ trong việc thuyết trình vì thiếu kỹ năng nói trước đám đông, thay vì chỉ đề cập đến khuyết điểm ấy thì bạn nên khen nội dung bài thuyết trình khá chi tiết, tỉ mỉ và động viên nhân viên này cố gắng vào những lần sau.
3. Chỉ trích mà không đưa ra giải pháp cụ thể
Là một người quản lý, nhiệm vụ bạn không chỉ dừng lại ở việc khiến nhân viên nhận ra những thiếu sót của mình mà còn có thể giúp họ phát triển hơn trong sự nghiệp. Do đó, ngoài việc đưa ra những đánh giá chân thành thì bạn cũng nên gợi ý cho họ những cách giải quyết với những vấn đề mà họ đang đối mặt.
4. Không lắng nghe phản hồi của nhân viên
Là một người lãnh đạo bạn có thể đưa ra những nhận xét đối với nhân viên nhưng điều này không có nghĩa là nhân viên phải im lặng, chấp nhận những đánh giá một chiều từ bạn. Do đó, bạn nên tạo cơ hội để nhân viên phản hồi những nhận xét và hãy sẵn lòng giải đáp mọi thắc mắc của họ.
Một ví dụ: Nhân viên của bạn không thể hoàn thành dự án đúng thời hạn, họ có thể muốn giải thích với bạn rằng những thay đổi của khách hàng vào phút chót đã làm chậm trễ tiến độ công việc. Điều này tuy không thể thay đổi hoàn toàn kết quả đánh giá nhưng nó giúp bạn cân nhắc về mức phạt và có kế hoạch cho những tình huống tương tự trong tương lai.
Quá trình đánh giá nhân viên không phải là việc có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Tuy nhiên, hãy cho nhân viên thấy được bạn đang quan tâm và đánh giá cao những cống hiến của họ cũng như chỉ ra những điểm cần được cải thiện và sẵn sàng hỗ trợ để nhân viên đạt được điều đó.