Văn hóa doanh nghiệp là một trong những công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp tạo môi trường làm việc mơ ước cho nhân viên và gia tăng sức mạnh cạnh tranh, phát triển bền vững mà vẫn duy trì bản sắc của riêng mình. Văn hoá doanh nghiệp trở thành yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thành công tại thị trường trong nước và cơ hội vươn xa trên thị trường thế giới.
Hiện nay, có khá nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa doanh nghiệp. Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì? Những yếu tố nào tạo nên văn hóa doanh nghiệp? Các bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả? Mời bạn đọc tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Việc Làm 24h để có cách hiểu đúng đắn về văn hoá doanh nghiệp!
Văn hóa doanh nghiệp là gì?
Văn hóa doanh nghiệp chính là toàn bộ giá trị văn hóa được doanh nghiệp gây dựng và tồn tại trong suốt quá trình phát triển. Nó trở thành các giá trị, niềm tin, hình thức hay nói cách khác đây là truyền thống, tập quán ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp sẽ chi phối tình cảm, suy nghĩ cũng như hành vi của tất cả thành viên công nhận và thực hiện mục đích của doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp
Có thể nói hình ảnh của doanh nghiệp được xây dựng dựa trên một phần của văn hóa trong công ty, hình thành và phát triển song song với quá trình phát triển thương hiệu. Điều này không chỉ là việc giao tiếp đơn thuần mà còn là giá trị cốt lõi, là quy tắc, là phương thức kinh doanh, là hành vi, thái độ của tất cả các nhân viên thuộc doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp là phần hồn của doanh nghiệp. Điều này sẽ góp phần tạo nên sức mạnh lớn từ bên trong tập thể, cá nhân giúp phát triển doanh nghiệp.
Những yếu tố tạo nên văn hoá doanh nghiệp là gì?
Văn hóa doanh nghiệp được tạo nên từ 5 yếu tố quan trọng sau đây:
Yếu tố tầm nhìn
Tầm nhìn là yếu tố đầu tiên tạo nên văn hóa doanh nghiệp, được ví như kim chỉ nam cho mọi quyết định cũng như hành động trong tương lai. Khi doanh nghiệp xác định được hướng đi sẽ giúp bạn phát triển từng bước một.
Yếu tố giá trị
Nền tảng của văn hóa là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, nếu tầm nhìn là mục tiêu thì giá trị sẽ là yếu tố góp phần làm nên văn hóa doanh nghiệp. Thông qua những mục tiêu doanh nghiệp sẽ tìm thấy giá trị của họ xoay quanh những chủ đề đơn giản như: nhân viên, đối tác, tính chuyên nghiệp,… tạo ra một văn hóa doanh nghiệp vững mạnh.
Yếu tố con người
Để đưa ra tầm nhìn và tạo được giá trị cốt lõi cho văn hóa trong công ty thì con người chính là yếu tố tiếp theo. Và con người cũng chính là nhân tố xây dựng văn hóa xuyên suốt trong doanh nghiệp. Cụ thể, một công ty tốt sẽ có những kế hoạch quản lý, tuyển dụng nhân sự giỏi và để làm được điều này phải chú trọng con người.
Yếu tố thực tiễn
Kế hoạch xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải phù hợp với yếu tố thực tiễn mới giúp doanh nghiệp đánh giá quy trình có đang được vận hành tốt hay không. Đồng thời doanh nghiệp có thể khắc phục những điểm thiếu sót đang tồn tại gây ảnh hưởng đến quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững.
Yếu tố sức mạnh câu chuyện
Câu chuyện độc đáo về doanh nghiệp, người sáng lập,.. chính là điểm nhấn giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh và mang lại niềm tự hào cho đội ngũ nhân viên. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể truyền tải thông điệp qua những bằng chứng sống động về hình ảnh, thông tin và con số ấn tượng trong quá trình hình thành. Chính yếu tố câu chuyện này sẽ trở thành sức mạnh giúp doanh nghiệp lan truyền cảm hứng và nhiệt huyết mạnh mẽ đến nhân viên, khách hàng.
8 bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp lý tưởng
1. Xác định chiến lược doanh nghiệp hướng đến
Doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng các yếu tố cốt lõi quyết định đến chiến lược mà doanh nghiệp hướng đến trong tương lai. Những nhân tố quan trọng cần xem xét như nguồn nhân lực, hoạt động tài chính, hoạt động marketing – PR,… hoặc tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tình hình lạm phát,… Thực hiện bước này sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư về chiến lược kinh doanh hay cơ sở vật chất, con người,… trong thời gian tới hoặc vẫn tiếp tục giữ mức hoạt động như hiện tại. Nhờ đó, doanh nghiệp dễ dàng cân nhắc quyết định thời điểm và phương hướng chiến lược xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp.
2. Xác định giá trị cốt lõi – thước đo thành công của doanh nghiệp
Giá trị cốt lõi doanh nghiệp cần xây dựng ở đây chính là hệ thống những tiêu chuẩn cho quan điểm, hành vi và định hướng phát triển trong quá trình hoạt động lâu dài. Có thể nói yếu tố này là thước đo thành công và giúp doanh nghiệp trường tồn với thời gian. Hiện nay, các doanh nghiệp thường tập trung vào yếu tố khách hàng và nhân viên.
Ví dụ nếu doanh nghiệp xác định khách hàng là yếu tố giá trị cốt lõi trong quá trình phát triển thì doanh nghiệp sẽ chú trọng đầu tư dịch vụ chăm sóc khách hàng, tốc độ giao hàng, thái độ tư vấn của nhân viên,…
3. Xác định tầm nhìn lý tưởng
Tầm nhìn chính là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp lý tưởng. Yếu tố tầm nhìn giúp doanh nghiệp đánh giá văn hóa doanh nghiệp trong tương lai có phù hợp với sự chuyển dịch nền kinh tế thị trường hay không. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể chuyển dịch tầm nhìn phù hợp.
4. Đánh giá và xác định những yếu tố cần thay đổi
Doanh nghiệp cần nhìn lại và đánh giá khách quan những thành tựu xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã đạt được trong hành trình hoạt động kết hợp với chiến lược phát triển. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể phát huy những điểm mạnh và khắc phục kịp thời những điểm yếu để cải thiện những thiếu sót đang tồn tại. Hơn nữa, doanh nghiệp cần thực hiện đánh giá định kỳ để đảm bảo rằng phương hướng xây dựng văn hóa doanh nghiệp đúng với mục tiêu chiến lược đã đề ra.
5. Xác định vai trò của lãnh đạo
Người lãnh đạo cần xác định rõ vai trò của mình để xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày càng phát triển. Nhà lãnh đạo đóng vai trò quan trọng khi dẫn dắt quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp được phát triển đúng hướng và khởi sắc. Họ là người chịu trách nhiệm xây dựng, định hướng tầm nhìn và truyền bá cho nhân viên hiểu đúng, tin tưởng và cùng nỗ lực để xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Cùng với đó, các nhà lãnh đạo phải chỉnh chu từ phong cách làm việc và nếp sống sinh hoạt để xóa tan những nghi ngờ và thiếu an toàn trước rào cản thách thức.
Xem thêm: Những sai lầm của người lãnh đạo dễ gây căng thẳng cho nhân viên
6. Xây dựng kế hoạch hành động chi tiết
Điều doanh nghiệp cần làm tiếp theo là xây dựng bản kế hoạch chi tiết các mục tiêu, thời gian, hoạt động và trách nhiệm cụ thể trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp cần tập trung nỗ lực vì điều gì?
- Cần những nguồn lực nào?
- Trách nhiệm và công việc cụ thể của từng cá nhân?
- Thời hạn hoàn thành?
7. Tạo động lực cho quá trình thay đổi
Sự thay đổi trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nhân viên. Do đó, nhân viên cần phải hiểu vai trò của mình là gì, để nỗ lực hết mình vì mục tiêu chung.
Trong từng giai đoạn phát triển, người lãnh đạo nên xây dựng hệ thống khen thưởng để khuyến khích và động viên nhân viên. Các phần thưởng hay lời động viên này chính là sự công nhận và tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho những nỗ lực phát triển của nhân viên. Đồng thời, những nhân viên được khen thưởng sẽ trở thành tấm gương cho các nhân viên khác noi theo hướng đến mục tiêu xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày càng tốt đẹp hơn.
8. Đánh giá duy trì giá trị cốt lõi
Văn hoá doanh nghiệp không phải là quá trình bất biến, do đó các doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá định kỳ quy trình hoạt động, hiệu quả và sự tác động của văn hóa doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể phán đoán chính xác và thiết lập các chuẩn mực văn hoá mới phù hợp với xu thế thị trường.
Kết luận
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình tổng thể chứ không chỉ là những hành động đơn lẻ rời rạc đến các giá trị doanh nghiệp mong muốn. Do đó, doanh nghiệp phải nhận thức rõ ràng văn hóa doanh nghiệp là gì và nắm chắc những yếu tố quan trọng để xây dựng văn hóa doanh nghiệp một cách lý tưởng nhất. Hy vọng bài viết trên của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ mang đến những thông tin cần thiết giúp xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp trong thời buổi chuyển dịch kinh tế hiện nay.
Xem thêm: Bật mí cách viết thông báo tuyển dụng chiêu mộ thu hút nhiều nhân tài