Giá như sếp có thể hiểu nhân viên hơn thì tốt biết mấy

Tôi thường nghe người ta nói rằng: “Sếp có quyền không hiểu nhân viên, nhưng nhân viên không có quyền không hiểu sếp”. Câu nói này có thể đúng, nhưng ở vị trí là một nhân viên tôi luôn muốn sếp có thể hiểu chúng tôi nhiều hơn. Điều đó giúp tôi có thể thoải mái trao đổi và làm việc với sếp, nâng cao hiệu quả công việc.

Sếp luôn có khoảng cách

Tôi đã gắn bó với công ty hơn 2 năm, khoảng thời gian không phải dài cũng không phải ngắn, nhưng nó vừa đủ để cho tôi có những bước phát triển mới trong sự nghiệp. Niềm hạnh phúc của tôi khi làm việc đó là có một người sếp giỏi, luôn chỉ dẫn cho tôi những điều mới mẻ. Tuy nhiên, với những ai làm việc lâu, có thể hiểu những mục tiêu, định hướng phát triển công việc của sếp thì mới trao đổi dễ dàng.

Tiếp xúc với sếp cũng nhiều lần nhưng giữa tôi với sếp vẫn có khoảng cách nào đó, quan điểm của tôi với sếp hơi khác nhau. Có những khi tôi đề xuất ý tưởng mới mà tôi đã dành hơn 1 tháng tập trung nghiên cứu, mọi người đều tán thành cho thử nghiệm ý tưởng nhưng sếp lại dội “gáo nước lạnh” vào mặt tôi và chê ý tưởng này cũ rích. Là cấp dưới, tôi luôn tôn trọng sếp, những đề xuất nào không được duyệt tôi sẽ xin sếp thêm thời gian để nghiên cứu lại.

gia-nhu-sep-co-the-hieu-nhan-vien-hon-thi-tot-biet-may-hinh-anh-1
Chúng tôi và sếp luôn bất đồng quan điểm

Sếp là người giỏi, nhưng tôi nghĩ sếp nên bỏ bớt tính nóng vội của mình. Có những công việc không phải cứ làm là được ngay, mà nó phải có một quy trình cụ thể và mất một thời gian mới có thể hoàn thành được. Nếu sếp cứ nghĩ “muốn là có” thì thật sự rất khó cho nhân viên.

Phải chi sếp hiểu mọi người hơn?

Tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của đồng nghiệp, tôi phát hiện ra cũng có nhiều người trong bộ phận đang bất mãn với sếp. Nguyên nhân chủ yếu là các bên không không đồng quan điểm, dẫn đến công việc trì trệ, khoảng cách giữa sếp và nhân viên ngày càng lớn. Họ còn nói rằng, có những việc sếp đã duyệt rồi nhưng sang hôm khác sếp lại muốn thực hiện việc đó với cách khác.

Có những nhân viên còn không muốn trao đổi trực tiếp với sếp về những ý tưởng mới của họ. Họ chỉ gửi chúng qua mail và đợi sếp trả lời. Vì đa số họ đều nghĩ, nếu trao đổi trực tiếp có thể họ sẽ không kiểm soát được thái độ của mình khi sếp cứ luôn bác bỏ từng nội dung.

Tôi còn nhớ, lần trước cùng trao đổi về chỉ tiêu cho năm mới, dựa vào năng lực của mình chúng tôi đưa ra một mức KPI mà chúng tôi nghĩ rằng có thể làm được. Sếp thì đưa ra một mức KPI “trên trời” và bắt chúng tôi hoàn thành. Mặc dù chúng tôi rất cố gắng để xin sếp hạ chỉ tiêu, kết quả cuối cùng chẳng có gì thay đổi, ngược lại còn bị sếp chửi vì không có tinh thần cố gắng.

gia-nhu-sep-co-the-hieu-nhan-vien-hon-thi-tot-biet-may-hinh-anh-2
Chúng tôi luôn hy vọng sếp có thể lắng nghe và hiểu chúng tôi nhiều hơn

Hiện tại, có rất nhiều người đang có ý định “nhảy việc” sau Tết. Đa số đều chờ nhận thưởng Tết nên mới ở lại làm việc đến bây giờ. Về tính cách, thì sếp là người rất tốt. Khi chúng tôi có việc gì khó khăn, sếp luôn luôn giúp đỡ. Còn trong công việc, hầu như không ai hòa nhập được với sếp vì quan điểm của các bên rất khác nhau. Nếu không có gì quá đáng, mọi người sẽ cố gắng hoàn thành theo ý sếp.

Để tâm sự những điều trên với sếp để sếp hiểu mọi người hơn thật sự rất khó. Huống chi sếp tôi lại là một người hay bảo vệ quan điểm của mình, nên việc khiến sếp thay đổi suy nghĩ là việc hoàn toàn không khả thi. Là một nhân viên đã gắn bó lâu, tôi hy vọng sếp có thể thấu hiểu chúng tôi thêm nữa. Chỉ riêng công việc hàng ngày cũng khiến tôi áp lực lắm rồi, sếp đừng khiến những áp lực càng ngày càng lớn và có thể “nổ” bất cứ lúc nào.

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục