Mấy ai đi làm mà “đời tư trong sạch” không dính một tin đồn nào ở nơi công sở. Ai rồi cũng vướng phải tin đồn, chỉ là ít hay nhiều và mức độ như thế nào. Nếu một ngày chẳng may tin đồn tìm đến bạn, bạn sẽ xử lý như thế nào, chọn cách im lặng hay quyết chiến đến cùng để lấy lại công bằng? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm cách xử gọn tin đồn qua bài viết dưới đây.
Tại sao tin đồn có thể tồn tại?
Một khảo sát của Better Buy cho biết 53,7% nhân viên đã từng bị đồng nghiệp buôn chuyện. Nhiều cuộc trò chuyện thông thường về thời tiết, các hoạt động xã hội có vẻ như vô hại, tuy nhiên khi chủ đề bỗng chuyển sang những người không có mặt, đặc biệt liên quan đến các chi tiết không đúng sự thật hoặc chưa được chứng minh thì việc giao tiếp vô hại này sẽ trở thành ngồi lê đôi mách. Đây là cách tin đồn xuất hiện và lan truyền. Nhưng lý do tiềm ẩn đằng sau về sự tồn tại của tin đồn thường là do:
– Nhu cầu xã hội: đó là cảm giác mình thuộc về một cộng đồng để cảm thấy an toàn và muốn biết những thông tin xung quanh. Tin đồn chính là phương tiện để con người thỏa mãn nhu cầu này khi tạo sự kết nối và chia sẻ. Ngoài ra, nhiều người có xu hướng chia sẻ tin đồn vì thể hiện mình biết nhiều thông tin.
– Mối quan hệ: giống như xã hội thu nhỏ, môi trường công sở có nhiều mối quan hệ phức tạp nên tin đồn có thể phát sinh do sự ghen tị, cạnh tranh, xung đột.
– Cơ chế tự bảo vệ: nhiều người có thể tung tin đồn để tự bảo vệ bản thân hoặc nhóm của họ. Tạo và lan truyền tin đồn có thể giúp họ giương đông kích tây, làm nhiễu loạn thông tin thực tế và bảo vệ lợi ích của mình.
– Thiếu thông tin: khi không được truyền đạt minh bạch, rõ ràng, con người có xu hướng tự tìm kiếm thông tin từ những nguồn không chính thức.
Xem thêm: Đừng biến drama công sở trở thành một nét văn hóa độc hại
Các loại tin đồn phổ biến ở nơi làm việc
Ở bất kỳ chốn công sở nào bạn cũng sẽ bắt gặp những loại tin đồn như:
– Tin đồn tình ái.
– Tin đồn “rich kid”.
– Tin đồn con ông cháu cha, “đi cửa sau” vào công ty.
– Tin đồn tính cách “chảnh choẹ”.
– Tin đồn về hành vi không đạo đức, không quang minh chính đại để đạt lợi ích.
Dù là loại tin đồn nào cũng đều mang lại rắc rối và tiêu cực cho người vướng phải và chính những người xung quanh. Tin đồn có thể lan truyền sự hoài nghi cho người khác và phá hủy mối quan hệ giữa các cá nhân. Người vướng phải tin đồn sẽ cảm thấy bất an, lo lắng vì ảnh hưởng đến danh dự, hình ảnh cá nhân, từ đó làm giảm năng suất làm việc. Với những nhân viên khác, họ bắt đầu lo lắng liệu mình có thể trở thành tâm điểm của tin đồn tiếp theo hay có bị nói xấu sau lưng không. Điều này làm bầu không khí trở nên căng thẳng và niềm tin bị sụt giảm. Về lâu dài, những tác động này có thể khiến những nhân viên gương mẫu rời bỏ công ty vì không muốn đối phó với bầu không khí độc hại.
Nên xử lý như thế nào khi vướng phải tin đồn?
Luôn bình tĩnh để phân tích tin đồn
Khi chẳng may vướng phải tin đồn ở nơi công sở, chắc hẳn bạn sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau từ tức giận, lo lắng, bất mãn, thất vọng. Tuy nhiên điều bạn cần làm là giữ bình tĩnh để ứng phó với tình huống này. Bắt đầu từ việc hiểu và phân tích tin đồn. Tin đồn thường xuất phát từ những nguồn không rõ ràng hoặc thông tin méo mó, do đó hãy cố gắng tìm hiểu nguồn gốc, đánh giá mức độ tác động đối với bạn. Điều này sẽ giúp tỉnh táo và không tạo thêm rắc rối, phiền phức cho bản thân.
Xem thêm: Sống là chính mình để bảo vệ bản thân khỏi năng lượng tiêu cực ở nơi làm việc
Chọn cách im lặng “cây ngay không sợ chết đứng”
Sau khi phân tích tình huống nếu nhận thấy tin đồn không ảnh hưởng quá nhiều và nằm trong phạm vi bạn có thể chấp nhận được thì việc chọn im lặng có thể hữu hiệu. Tin đồn này rồi cũng sẽ bị một tin đồn khác dập tắt. Ngoài ra, im lặng còn giúp bạn không để tin đồn được lan truyền và khuếch đại, tạo nhiều tác động tiêu cực hơn. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng thời gian và năng lượng để tập trung vào công việc nhằm âm thầm chứng minh những tin đồn đó là vô văn cứ. Bằng cách duy trì sự chuyên nghiệp và đạo đức trong công việc, bạn còn xây dựng sự đáng tin cậy, tôn trọng từ đồng nghiệp.
Đối đầu khi vướng phải tin đồn
Một khi tin đồn đã đi quá xa và vượt quá giới hạn, bạn không thể chọn cách im lặng. Khi tìm ra được nguồn gốc và người khơi mào tin đồn, hãy đề nghị nói chuyện trực tiếp để làm rõ ngọn ngành. Hãy hỏi họ tại sao lại tung tin đồn bịa đặt, yêu cầu lời giải thích và lên tiếng giải trình về những lùm xùm đã gây ra cho bạn.
Điều quan trọng khi đối đầu với họ là bạn cần tập trung vào vấn đề hơn là vào cá nhân. Ví dụ thay vì nói “anh/chị là người xấu vì đã tung tin đồn về tôi”, hãy khéo léo đề cập trực tiếp đến hành vi của họ bằng cách nói “việc tung tin đồn của anh/chị là không có chứng cứ xác thực và tôi muốn nó dừng lại.” Cách phản ứng này sẽ giúp bạn không bị sa đà vào cơn tức giận khi chỉ trích nhân phẩm người khác. Đồng thời giữ bản thân tập trung vào việc tìm nguyên nhân tạo ra tin đồn và giải quyết vấn đề khách quan như một nhiệm vụ chứ không phải là cuộc tấn công cá nhân.
Nếu người tung tin đồn xem cách tiếp cận và thảo luận công bằng của bạn là đe dọa và cố tình không chấp nhận, bạn cần bày tỏ thái độ kiên quyết rằng việc này buộc phải dừng lại. Và phương án cuối cùng là báo cáo với cấp trên hoặc nhân sự để họ trực tiếp giải quyết.
Bí quyết để tránh bị vướng phải tin đồn ở nơi làm việc
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để tránh bị vướng phải tin đồn ở nơi công sở, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
Giao tiếp minh bạch, rõ ràng khi vướng phải tin đồn
Đầu tiên, bạn cần đảm bảo bản thân không vô tình tạo ra tin đồn bằng cách chỉ nói sự thật hay thông tin quan trọng đã được kiểm chứng. Tin đồn được tạo ra từ những hiểu lầm, do đó bạn cần chia sẻ rõ ràng, đầy đủ.
Xem thêm: Cách giành lại spotlight khi bị đồng nghiệp cướp công
Không châm ngòi cho ngọn lửa buôn chuyện
Một cách tốt để ngăn chặn những lời đàm tiếu đơn giản là từ chối bị lôi kéo vào cuộc trò chuyện của một nhóm đồng nghiệp bàn về ai khác trong công ty. Không tham gia bình luận, không chia sẻ thông tin cho người khác vì tin đồn chỉ tồn tại nếu có đồng phạm hùa theo. Thậm chí nếu có thể bạn hãy cố gắng thay đổi chủ đề một cách tinh tế.
Không chia sẻ thông tin riêng tư với đồng nghiệp
Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn có những người bạn thật sự ở nơi làm việc. Nhưng bạn cũng sẽ rất bất ngờ khi phát hiện tin đồn lại đến từ những người bạn thân nhất đấy. Có thể tốt hơn khi bạn chia sẻ với đồng nghiệp ở mức vừa đủ nhưng không để lộ thông tin riêng tư và nhạy cảm. Điều này tránh việc thông tin cá nhân của bạn trở thành nguồn nguyên liệu cho tin đồn.
Xem thêm: 5 điều đừng nên chia sẻ với đồng nghiệp dù có thân thiết đến mức nào!
Tập trung vào công việc
Việc tập trung làm tốt các nhiệm vụ sẽ chiếm phần lớn thời gian của bạn ở nơi làm việc, góp phần ngăn chặn rảnh rỗi sinh nông nổi, ngồi lê đôi mách. Đồng thời đây cũng là cách giúp bạn không để tâm đến những tin đồn về người khác làm ảnh hưởng đến mình.
Mặc dù không thể kiểm soát hoàn toàn việc vướng phải tin đồn ở nơi làm việc, nhưng bạn vẫn có thể tăng cường khả năng đối phó và giảm thiểu tác động của chúng đối với môi trường làm việc của mình. Trường hợp xấu nhất khi bạn là “nạn nhân” của tin đồn, bạn hãy bình tĩnh tìm cách xử lý triệt để. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã có thêm bí kíp để đi qua cơn sóng gió vướng phải tin đồn. Để tìm hiểu thêm những bí kíp sinh tồn ở nơi công sở, hãy truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!
Xem thêm: Bí mật của trì hoãn là gì, vì sao bạn luôn mắc bệnh để mai tính?