Một số nhà tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên cung cấp bảng lương (Tiếng Anh: Payslip) sau khi phỏng vấn. Điều này nhằm để công ty có cơ sở để đối chiếu và xác thực với mức lương mong muốn hiện tại của ứng viên khi ứng tuyển vị trí mới.
Bảng lương là gì? Việc nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên cung cấp bảng lương công ty cũ có hợp lệ? Ứng viên cần xử lý như thế nào khi được yêu cầu như trên? Cùng Việc Làm 24h tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
1. Bảng lương (Payslip) là gì?
Bảng lương (Payslip) là một tài liệu được gửi cùng với khoản chỉ lương hằng tháng của nhân sự. Payslip thể hiện mức thu nhập từ tiền lương, tiền lương theo giờ hoặc mức hoa hồng thực nhận. Ngoài ra, phiếu lương cũng liệt kê 1 vài khoản khác như:
• Ngày công thực tế
• Khấu trừ thuế
• Mức hoàn trả chi phí công việc cá nhân
• Các khoản khấu trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động
• Số ngày nghỉ phép đã sử dụng
• Số ngày nghỉ phép còn lại của nhân sự
• Mức giảm trừ
• Tiền đóng góp vào công đoàn (Nếu có)
• Các khoản phụ cấp (Nếu có)
Ngày trước, bảng lương là một tài liệu giấy đính kèm trong phong bì tiền lương của mỗi nhân viên. Trong thời đại 4.0 ngày nay, hầu hết các nhà tuyển dụng đều chọn gửi qua email cho nhân viên hoặc được tích hợp trên hệ thống dữ liệu của công ty.
2. Vì sao bảng lương lại quan trọng với người đi làm?
Bảng lương là một tài liệu quan trọng mà bất cứ người đi làm nào cũng phải cần. Bất cứ cấp bậc nào cũng có thể cần payslip cho nhiều mục đích. Bảo lương chính là sự bảo chứng về mức chỉ trả của nhà tuyển dụng dành cho người lao động. Ngoài ra, phiếu lương còn là một phần bắt buộc trong thủ tục, hồ sơ vay ngân hàng hoặc mở thẻ tín dụng. Hạn mức cũng sẽ được cấp dựa trên mức lương của bạn.
Cá biệt hơn, payslip còn là cơ sở để giúp bạn đàm phán mức lương với nhà tuyển dụng khi ứng tuyển công việc mới. Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh từ đây: Tính bảo mật. Xét trên thực tế, payslip chứa đựng thông tin về mức lương của ứng viên ở công ty. Trong nhiều trường hợp, đây cũng là thông tin “tế nhị” mà không phải người tìm việc nào cũng sẵn sàng cung cấp, vì những lý do sau:
• Ứng viên không muốn bị nhà tuyển dụng ép lương
• Lo lắng nhà tuyển dụng sẽ đánh giá thấp năng lực của mình khi dựa trên số tiền họ nhận được
• Vi phạm với điều khoản bảo mật thông tin ở công ty hiện tại
• Ứng viên sợ sẽ không đàm phán được mức lương cao như mình kỳ vọng (….)
Nhiều nhà tuyển dụng bắt buộc ứng viên phải cung cấp payslip nhưng bị từ chối. Việc này vô hình trung tạo nên một rào cản, ảnh hưởng đến cơ hội đồng hành của đôi bên. Như vậy, liệu việc cung cấp bảng lương có thật sự là hợp lệ và liệu người tìm việc từ chối cung cấp thông tin là hợp lý?
3. Yêu cầu cung cấp bảng lương: Không ai sai cả!
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một bộ luật nào quy định việc nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên cung cấp bảng lương là phạm pháp và ngược lại.
Việc nhà tuyển dụng yêu cầu cung cấp bảng lương hay việc ứng viên từ chối cung cấp thông tin đều hợp lý. Một mặt, nhà tuyển dụng cũng cần cơ sở để bảo đảm được mức lương mà người tìm việc đang đề xuất có mức tăng phù hợp so với mức lương trước đây không. Điều này nhằm hạn chế trường hợp ứng viên “thổi giá vượt xa giá trị thật”. Ngoài ra, việc yêu cầu cung cấp bảng lương, ở một số doanh nghiệp, là một phần trong quy trình của công ty. Chính vì thế, bộ phận tuyển dụng cũng chỉ tuân thủ theo những quy định từ Ban Lãnh Đạo.
Đứng từ góc độ ứng viên, việc từ chối cung cấp bảng lương cũng không hề sai. Người lao động có quyền định giá bản thân dựa trên những việc mà họ đã làm tốt ở công ty trước. Khi ứng tuyển vào một công ty mới, việc họ muốn một mức lương cao hơn trước cốt nằm ở việc những nguyện vọng, mong muốn mà bản thân mình có thể làm được tốt hơn.
Chính vì vậy, họ mong muốn nhà tuyển dụng sẽ đánh giá và định giá họ dựa trên những gì họ sẽ làm được trong tương lai, hơn việc chỉ tập trung vào quá khứ và thực tại. Suy cho cùng, bảng lương vẫn là 1 tài liệu bảo mật, nên việc ứng viên từ chối chia sẻ cũng nhằm tuân thủ quy định ở công ty
hiện tại.
4. Hãy bắt đầu từ sự minh bạch
Thay vi tự giả định và phán xét lẫn nhau, nhà tuyển dụng và ứng viên nên chia sẻ thẳng thắn từ đầu quan điểm đôi bên.
Nhà tuyển dụng có thể thuyết phục ứng viên bằng cách nói rõ mục tiêu của việc yêu cầu bảng lương là gì. Bên cạnh đó, hãy giúp ứng viên thấy rõ sự nhiệt thành của mình khi cố gắng tạo mọi điều kiện để ứng viên nhận việc sớm nhất. Hãy hỗ trợ ứng viên hết cả thành ý và chia sẻ mọi thứ 1 cách thành thật chính là mấu chốt.
Trong trường hợp ứng viên đồng ý hợp tác nhưng vẫn bị cản trở lý do bảo mật, nhà tuyển dụng có thể xem xét việc yêu cầu ứng viên chụp màn hình duy nhất biên nhận lương tháng gần nhất trên ứng dụng điện thoại. Sau tất cả, việc cung cấp bảng lương công ty khi đi ứng tuyển vẫn luôn là vấn đề nhức nhối cho cả 2 phía nhà tuyển dụng & người tìm việc. Giải pháp tốt nhất luôn là giải pháp khiến cho đôi bên cảm thấy hài lòng nhất. Để làm được điều này, sự minh bạch và rõ ràng luôn là yếu tố tiên quyết.
5. Tạm kết
Hành trình kết nối, phỏng vấn để tìm ra được một ứng viên ưng ý quả thật vô cùng khó khăn. Ngược lại, việc ứng viên tìm được một công ty phù hợp – cả về chuyên môn, con người và đại ngộ, cũng không dễ dàng. Chính vì vậy, đôi bên cần đặt mình trong hoàn cảnh của nhau để có sự thấu hiểu và thông cảm, từ đó làm nền tảng để tìm ra được giải pháp phù hợp nhất. Nỗ lực của 2 bên đã đạt ngưỡng 99%. 1% còn lại, tất cả phụ thuộc vào thành ý và niềm tin cho nhau để đi đến quyết định cuối cùng.