Một ngày tháng tư năm 2015, tôi có hẹn phỏng vấn một ứng viên cho vị trí nhân viên bán hàng. Tôi là giám đốc một siêu thị nhỏ. Công ty của tôi có 2 tầng. Phía dưới là siêu thị, tầng trên là văn phòng.
Tôi hẹn ứng viên 9h có mặt. Tôi đến công ty đã thấy bạn ấy ngồi chờ, sớm hơn 30 phút. Tôi nhờ nhân viên pha một ly cà phê rồi hỏi bạn ứng viên “Em đến phỏng vấn làm bán hàng hả?”. Bạn ấy trả lời “Dạ”, nét mặt có vẻ căng thẳng. Đúng 9h, tôi kêu thư ký mời bạn ấy vào văn phòng của mình.
Chắc bạn ấy không nghĩ tuyển nhân viên bán hàng lại do tổng giám đốc phỏng vấn nên nét mặt có vẻ lo lắng. Bạn ấy là một người chỉn chu, nghiêm túc, mặc áo sơ mi, quần jean, mang giày thể thao, mái tóc cột thấp, gương mặt khá nhợt nhạt.
“Em bị bệnh à? Sao cứ ngồi khom lưng vậy?”, tôi hỏi. Bạn ấy giật mình và liền ngồi thẳng lưng.
“Em ứng tuyển vị trí bán hàng nhưng em có hiểu bán hàng là gì không? Em không hề có một chút sinh khí và rất giống một người thất bại. Anh nói thật”, tôi tiếp tục. Lúc này bạn ấy không còn nhìn thẳng tôi mà nhìn xuống bàn.
Suốt 30 phút, tôi như hướng nghiệp cho ứng viên. Vì chỉ có tôi nói còn ứng viên thì cứ nghe và cúi mặt nhìn xuống. Chưa bao giờ tôi phỏng vấn một ứng viên mà lâu đến thế. Tôi có khuyên bạn ấy nên chỉnh tư thế thẳng lưng khi ngồi, khi đi đứng thì thành công sẽ dễ đến hơn.
Tôi nhìn qua hồ sơ. Hồ sơ không có bìa giấy mà chỉ là bìa nhựa kẹp giấy. Tôi hỏi “Nói anh nghe lý do tại sao em học Văn hóa học mà lại đi xin làm nhân viên bán hàng?”. Bạn ấy nói ngày trước thi vào là vì ba mẹ muốn bạn ấy học trường công cho đỡ tốn kém. Bạn ấy cũng chẳng biết mình muốn học ngành gì nên đăng ký ngành Văn hóa học. Bạn ấy nói không giỏi tiếng anh nên không có khả năng lựa chọn ngành khác. Đến tận bây giờ bạn ấy vẫn chưa biết bản thân mình muốn làm gì.
Tôi thấy trường hợp bạn này cũng như nhiều bạn sinh viên mới ra trường ngoài kia. Nhiều ứng viên không tìm được việc cứ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhiều bạn cứ than rằng trước đây thế này, trước đây thế kia, bản thân mình thế nọ mà không hề thấy cố gắng. Mọi thứ cứ trông chờ vào ông trời thì còn lâu mới thành công nổi.
Tôi hỏi: “Em nghĩ mình thích hợp làm nghề gì?”. “Em muốn làm biên tập viên ở đài truyền hình, nhưng vào đó phải có quen biết mới được”, bạn ấy trả lời. Tôi nói “Em muốn làm biên tập viên thì xin vô đài truyền hình làm việc, thậm chí là xin làm lao công cũng được. Còn hơn là em đi xin việc khắp nơi mà chẳng có việc nào ra hồn. Em có bằng cấp, không lẽ em bỏ phí 4 năm học đại học của mình”. Nét mặt bạn ấy vô cùng chán chường. Chắc bạn ấy đã nghĩ rằng mình xin việc làm, được hay không thì cứ nói chứ sao lại dạy đời người khác.
Tôi biết tâm trạng của bạn ấy và chốt lại: “Anh sẽ không trả lời là có nhận em hay không, em cầm hồ sơ về, nếu em vẫn muốn làm bán hàng, hãy quay lại đây, còn không thì theo đuổi ước mơ của mình. Hi vọng lần gặp lại sau anh sẽ thấy em hoàn toàn khác”. Ánh mắt bạn ấy như biết trước được câu trả lời của tôi nên không ngạc nhiên gì cả. Tôi hỏi bạn ấy có muốn đặt câu hỏi gì nữa không. Bạn ấy trả lời không và xin phép tôi ra về, không quên nói lời cám ơn.
Buổi phỏng vấn hôm đó như một dịp để tôi chia sẻ với ứng viên. Không biết bạn ứng viên đó có rút ra được bài học hay không. Tôi tự hỏi là nền giáo dục Việt Nam đã làm gì với đám sinh viên này. Họ hoàn toàn không có động lực, không có niềm tin và ý chí để đi đến ước mơ của mình.
Chia sẻ từ độc giả Trần Khiết Trung – Chuyên viên nhân sự