“Đầu vào tốt, các khâu khác sẽ tốt” chính là chìa khóa để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Hiểu được tầm quan trọng của yếu tố nhân sự để thúc đẩy tính đột phá trong thời buổi bùng nổ cạnh tranh kinh doanh, các doanh nghiệp sẵn sàng chi trả mức lương khủng cho những người có khả năng tuyển dụng những nhân viên giỏi, trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm vào đội ngũ nhân sự.
Vậy làm cách nào để thu hút những ứng viên chất lượng cao? Đã đến lúc các headhunter tìm kiếm và mang về cho doanh nghiệp những nhân sự tiềm năng. Vậy headhunter là gì? Những bí quyết để trở thành một headhunter giỏi là gì? Cùng khám phá qua bài viết này của Việc Làm 24h nhé!
Headhunter là gì?
Headhunter – Thợ săn đầu người, được nhận định là một công ty hoặc cá nhân có nhiệm vụ tìm kiếm, sàng lọc và tuyển dụng những ứng cử viên chất lượng cao để xây dựng đội ngũ bền vững. Ngoài thợ săn đầu người, headhunter còn được hiểu là chuyên viên tuyển dụng cấp cao, chuyên gia thu hút nhân tài, chuyên viên săn đầu người hay người săn chất xám,…
Đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và những nhân sự tiềm năng, các headhunter phải đảm bảo sự hài lòng từ hai phía. Trong lúc thị trường nhân sự thừa cung thiếu cầu như hiện nay, vai trò của các headhunter trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi góp phần xây dựng đội ngũ nhân sự đắc lực để củng cố văn hóa doanh nghiệp phát triển bền vững.
Khi nào cần đến các headhunter?
Headhunter được các doanh nghiệp tìm đến khi nguồn lực nhân sự khan hiếm và bộ phận tuyển dụng nội bộ không đáp ứng được yêu cầu chiêu mộ đúng người tài. Thông thường, việc tìm kiếm và tuyển dụng nhân sự sẽ do các chuyên viên tuyển dụng nội bộ đảm nhận, nhưng trong vài trường hợp cấp bách hoặc mô hình hoạt động của doanh nghiệp không có phòng nhân sự thì headhunter sẽ được các doanh nghiệp giao nhiệm vụ tìm kiếm nhân tài.
Chưa kể, các nhân sự có trình độ cao thường không công khai thông tin cá nhân hoặc dành thời gian gửi hồ sơ ứng tuyển qua hình thức tuyển dụng của doanh nghiệp. Vì thế, các headhunter sẽ tiếp cận, trao đổi và đưa ra những lựa chọn vị trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn của những nhân tài này mà các doanh nghiệp đang cần.
Ngoài ra, đặc thù của các headhunter là tạo dựng các mối quan hệ xã hội rộng rãi, vì thế các ứng viên có thể ứng tuyển trực tiếp vào các vị trí mà headhunter đang tìm kiếm. Ứng viên cũng có thể liên hệ trực tiếp với headhunter và cung cấp sơ yếu lý lịch để được headhunter gợi ý các công việc phù hợp với nhu cầu của mình.
Những công việc của headhunter là gì?
Các headhunter có thể làm ở vị trí chuyên gia tuyển dụng cấp cao hoạt động trong các công ty chuyên cung cấp dịch vụ tuyển dụng hoặc có thể là remote headhunter cho các doanh nghiệp. Hoạt động tuyển dụng của headhunter được các doanh nghiệp đánh giá rất cao khi giúp tiết kiệm thời gian, công sức và giảm khối lượng công việc của bộ phận nhân sự hoặc đóng vai trò thay thế cho phòng nhân sự của doanh nghiệp.
Lên kế hoạch quảng bá dịch vụ headhunt: Khi bắt đầu một dự án, headhunter sẽ xây dựng kế hoạch quảng bá thương hiệu, dịch vụ để tìm kiếm nguồn khách hàng là các doanh nghiệp, công ty, tổ chức, cá nhân,…
Xác định yêu cầu về ứng viên với doanh nghiệp: Sau khi nhận được yêu cầu của doanh nghiệp, headhunter sẽ phối hợp với phòng nhân sự của đối tác để đưa ra mô tả công việc phù hợp với chân dung ứng viên cấp cao doanh nghiệp đang cần.
Chọn lọc những ứng viên tiềm năng: Hầu hết các headhunter đều sở hữu mạng lưới những ứng viên tiềm năng với nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Những ứng viên tiềm năng sẽ được headhunter lựa chọn và liên hệ trước qua email, điện thoại, yêu cầu LinkedIn,…để gửi lời mời phỏng vấn.
Sau quá trình tiếp cận, trao đổi và sàng lọc hồ sơ ứng viên, headhunter sẽ lập bản đánh giá chi tiết năng lực, gửi hồ sơ những ứng viên được chọn lọc phù hợp với mô tả công việc và văn hóa doanh nghiệp đến phòng nhân sự của đối tác.
Hỗ trợ quá trình phỏng vấn ứng viên tại doanh nghiệp: Headhunter cũng chịu trách nhiệm hỗ trợ ứng viên phỏng vấn trực tiếp tại doanh nghiệp. Khi kết thúc buổi phỏng vấn, doanh nghiệp sẽ thảo luận và chọn ứng viên phù hợp nhất. Khi có kết quả cuối cùng, headhunter sẽ nhận được thông tin từ doanh nghiệp về ứng viên mà mình giới thiệu.
Khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp: Nhiệm vụ của các thợ săn đầu người không chỉ là tìm kiếm nhân tài cho doanh nghiệp mà còn đảm bảo doanh nghiệp hài lòng về chất lượng dịch vụ headhunt cung cấp. Mục đích của việc khảo sát nhằm tránh những trường hợp xung đột mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp và headhunter nói riêng cũng như công ty cung cấp dịch vụ headhunt nói chung.
Theo dõi chất lượng làm việc ứng viên: Quy trình tuyển dụng của headhunter còn kéo dài đến khi ứng viên thực sự phù hợp với công việc tại doanh nghiệp. Trong quá trình tiếp nhận công việc, headhunter phải giải đáp kịp thời những thắc mắc của ứng viên về doanh nghiệp và tư vấn thêm cho ứng viên những giải pháp phù hợp nếu ứng viên không thể tiếp tục công việc.
Xử lý data khách hàng và ứng viên: Sau mỗi dự án, headhunter sẽ có thêm thông tin đối tác doanh nghiệp và nguồn ứng viên mới, việc của headhunter là cập nhật dữ liệu của ứng viên vào hệ thống lưu trữ data để sử dụng cho những dự án cần thiết.
Xây dựng mối quan hệ với ứng viên cũ: Nguồn nhân sự dồi dào nhưng nhân sự tiềm năng luôn khan hiếm, headhunter luôn phải dành thời gian giữ mối quan hệ hợp tác với những ứng viên cũ để đảm bảo cho những dự án sau này.
Mức lương của headhunter
Mức lương cứng của các headhunter thường từ 7 – 20 triệu đồng/tháng tùy vào kinh nghiệm và năng lực làm việc. Các doanh nghiệp sẵn sàng trả mức hoa hồng ấn tượng để headhunter tìm kiếm các vị trí cấp cao phục vụ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên các chuyên gia săn nhân tài này sẽ nhận được hoa hồng chỉ khi ứng viên vào làm việc thành công, đương nhiên phải chắc chắn rằng ứng viên đáp ứng các yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp ở vị trí tương ứng. Mức hoa hồng thông thường dao động từ 15 – 30% tổng thu nhập năm đầu tiên của ứng viên mới được headhunter giới thiệu. Trong đó, đối với các công ty ở Việt Nam, mức hoa hồng sẽ dao động từ 15 – 20% và các công ty quốc tế mức hoa hồng thường từ 20 – 30%.
Lợi ích khi trở thành headhunter là gì?
Ngoài mức thu nhập cao, khi trở thành headhunter, chắc chắn bạn sẽ tiếp xúc với hàng trăm lĩnh vực, ngành nghề và đặc biệt là nguồn ứng viên khổng lồ trên nhiều phương tiện truyền thông. Từ đó, headhunter hiểu biết sâu sắc các yêu cầu cụ thể cho từng vị trí công việc và nhanh chóng sắp xếp vị trí công việc phù hợp với từng ứng viên.
Đối với các thợ săn đầu người, các lợi ích từ việc duy trì mối quan hệ với những nhân tài cấp cao sẽ mang lại nhiều giá trị. Trong quá trình tiếp xúc với các nhân sự cấp cao, headhunter sẽ được mở mang kiến thức. Đồng thời headhunter còn xây dựng mạng lưới mối quan hệ trong xã hội nhằm mục đích hợp tác cùng phát triển giữa đối tác doanh nghiệp – headhunter – ứng viên.
Ngoài ra, các headhunter còn được nâng cao kỹ năng mềm: thuyết phục, đàm phán, giao tiếp, phân tích, ra quyết định, quản lý thời gian,… Đặc biệt là gia tăng sự uy tín và nâng tầm ảnh hưởng của bản thân, có cơ hội tiếp cận với nhiều ứng viên tiềm năng hơn trong quá trình làm việc.
Bí quyết thành công để trở thành một headhunter giỏi là gì?
Với mức thu nhập khủng, thị trường săn đầu người đang cạnh tranh hơn bao giờ hết, vì thế để đứng vững trong ngành này bạn phải là một headhunter giỏi mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần. Vậy bí quyết để trở thành một headhunter giỏi là gì?
Luôn cập nhật kiến thức chuyên môn không ngừng
Để trở thành một headhunter chuyên nghiệp, trước tiên bạn phải nắm vững những kiến thức chuyên môn như kinh tế, am hiểu các mô hình nhân sự và quản trị nhân sự, mô hình văn hóa doanh nghiệp,.. Không những thế, bạn cần nghiên cứu và cập nhật liên tục các mô tả công việc, chế độ lương thưởng và phúc lợi cho các vị trí công việc trên thị trường lao động hiện nay.
Xử lý thành thạo cơ sở dữ liệu nhân sự lớn với tốc độ cao
Các headhunter chuyên nghiệp thành thạo việc áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu hồ sơ ứng viên; sau đó thu thập, đánh giá và sàng lọc các hồ sơ ứng viên phù hợp để tìm ra những nhân tài nhanh nhất. Để nhanh chóng chọn được ứng viên phù hợp cho doanh nghiệp, hãy chắc chắn rằng bạn biết cách quản lý khoa học những hồ sơ ứng viên bằng cách phân chia năng lực, chuyên ngành, lĩnh vực, trình độ chuyên môn,…
Khả năng kết nối và duy trì các mối quan hệ xã hội tốt
Để tìm được những nhân tài phù hợp cho doanh nghiệp, headhunter cần phải xây dựng mạng lưới quan hệ rộng rãi không chỉ các ứng viên mà còn là đối tác doanh nghiệp. Bên cạnh nguồn nhân sự đến từ hoạt động tương tác trên các phương tiện như Facebook, Instagram, Twitter, LinkedIn,… bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm các ứng viên tài năng đến từ quan hệ cá nhân. Vì thế, hãy dành thời gian nuôi dưỡng các mối quan hệ bằng cách tiếp cận và thuyết phục ứng viên chấp nhận thử sức vào vị trí công việc mà doanh nghiệp đang cần.
Kỹ năng phân tích, đánh giá và sàng lọc thông tin
Trước khi tìm kiếm được nhân tài, các headhunter phải tiếp nhận hàng trăm cho đến hàng ngàn hồ sơ ứng viên là một việc hết sức bình thường. Để quyết định những ứng viên phù hợp với vị trí doanh nghiệp cần, headhunter cần phải thành thạo kỹ năng phân tích, đánh giá và sàng lọc ứng viên. Hãy làm việc với bộ phận nhân sự đối tác doanh nghiệp và đưa ra chân dung ứng viên phù hợp nhất sau đó sàng lọc dựa trên những tiêu chí đã thống nhất.
Kỹ năng đưa ra quyết định nhạy bén
Kỹ năng đưa ra quyết định cũng liên quan đến sự thành công của một headhunter. Bước chân vào môi trường cạnh tranh này, các thợ săn cần nhạy bén cân nhắc điểm mạnh của ứng viên với vị trí công việc phù hợp. Những nhân sự cấp cao chắc chắn được rất nhiều headhunter chú ý, hãy đảm bảo rằng bạn là người đưa ra quyết định đầu tiên để tiếp cận và có cơ hội mời được nhân tài chấp nhận đồng ý với vị trí công việc mà đối tác đang cần.
Kỹ năng thuyết phục và đàm phán
Trong nhiều trường hợp, không phải các ứng viên đều đạt 100% yêu cầu của doanh nghiệp, hãy sử dụng kỹ năng thuyết phục và đàm phán để tạo cơ hội cho những hồ sơ ứng viên đạt 70 – 80% được thử sức so với mô tả công việc của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đưa ra bức chân dung nhân sự quá hoàn hảo so với thị trường lao động hiện nay, hãy thuyết phục doanh nghiệp chấp nhận những đề xuất của bạn để việc tìm kiếm tài năng được dễ dàng hơn.
Xem thêm: Phương pháp rèn luyện kỹ năng đàm phán từ A-Z hiệu quả tăng tính thuyết phục
Kỹ năng đa nhiệm
Đóng vai trò là cầu nối giữa ứng viên cấp cao và doanh nghiệp, chắc chắn headhunter phải xử lý nhiều đầu việc khác nhau. Vì thế, hãy ghi nhớ và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc để kiểm soát tốt tiến độ hoàn thành dự án. Sau đó không quên đánh giá lại chất lượng dự án, doanh nghiệp và cá nhân để tìm ra phương thức làm việc tối ưu phù hợp nhất. Thành thạo kỹ năng này sẽ giúp hình ảnh của bạn trở nên uy tín trong mắt doanh nghiệp và cả ứng viên, tạo tiền đề cho những cơ hội trong tương lai.
Xem thêm: TOP 9 các phần mềm quản lý công việc cực hữu ích dành cho dân văn phòng
Kết luận
Với sự đầu tư không ngừng từ các doanh nghiệp, trong tương lai dịch vụ tìm kiếm nhân lực cấp cao headhunter chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Nếu bạn đam mê với headhunter, hãy cố gắng trau dồi những kỹ năng cần thiết và cố gắng theo đuổi để đạt được những trải nghiệm thú vị và mức lương hấp dẫn từ công việc này.
Bạn hoàn toàn có thể tham khảo các vị trí headhunter phù hợp với năng lực và kinh nghiệm chuyên môn trên Việc Làm 24h.
Xem thêm: Vén màn ngành HR: Vị trí công việc và các yêu cầu kỹ năng cần có ra sao?