Trong một doanh nghiệp lớn, nếu có 100 nhân viên thì một người làm không tốt sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh. Nhân viên đó có thể được đào tạo lại hoặc bị thay thế. Nhưng ở doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu nhân viên nghỉ việc bất ngờ, công ty sẽ rất khó khăn. Doanh nghiệp có thể dễ dàng huấn luyện nhân viên các kỹ năng nhưng khó truyền đam mê, sự độc lập, tinh thần hợp tác và động lực làm việc. Để biết một nhân viên có thích hợp với công ty hay không, cần xem xét 6 mặt tính cách và phẩm chất của người đó.
1. Nhiệt tình
Ngoài công việc chuyên môn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ của những nhân viên ở một số công việc linh tinh trong công ty. Một nhân viên tuyệt vời không nề hà những công việc chung phục vụ cho sự phát triển của công ty.
2. Kỹ năng cá nhân xuất sắc
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều nhu cầu công việc, đặc biệt trong khi nguồn lực có hạn như chạy trang web, xử lý đơn đặt hàng,… Nhiều công việc có thuê ngoài nhưng sẽ tốt hơn nếu các nhân viên chính thức có thể đảm đương một lúc nhiều công việc khác nhau.
3. Không quan tâm đến mô tả chi tiết công việc
Cơ hội thăng tiến tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không lớn vì mỗi người hầu như chỉ chịu trách nhiệm một khâu. Đổi lại, cơ hội học hỏi là rất nhiều. Bên cạnh đó, việc kiêm nhiệm các công việc cũng khá phổ biến. Vì vậy, nếu một ứng viên quá quan tâm đến mô tả chi tiết công việc và cơ cấu thăng tiến thì ứng viên đó không thích hợp.
4. Có cá tính
Một nhân viên có tính cách khác thường (theo hướng tích cực) sẽ là nhân tố mang đến sự đổi mới cho doanh nghiệp vì cá tính dám nghĩ dám làm của họ. Mặt khác, khi xem xét tính cách của nhân viên bạn có thể dùng khách hàng làm thước đo. Bạn hi vọng khách hàng của mình sẽ như thế nào? Thân thiện, dễ gần, kiên nhẫn, trung thành…Đây cũng là những cá tính cần thiết của một nhân viên xuất sắc.
5. Có tinh thần học hỏi
Tinh thần học hỏi quan trọng với bất kỳ ai. Đặc biệt là trong môi trường doanh nghiệp vừa và nhỏ vì mỗi nhân viên có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty. Tinh thần ham học hỏi, nâng cao kiến thức rèn luyện kỹ năng sẽ là một trong những tính cách được đánh giá cao.
6. Chủ động tìm việc
Việc một người xin việc trình bày trong CV là “Tôi đã xem trang web của quí vị và thấy nhiều điểm có thể cải thiện. Tôi rất mong làm việc cho quý vị. Kèm theo đây là danh sách các thay đổi và hiệu quả tôi sẽ thực hiện được cho trang web của quý vị trong ba tháng đầu tiên”. Đây quả là một hồ sơ xin việc đầy thuyết phục. Đa số sinh viên ra trường đều mong tìm được việc ở các tập đoàn lớn, đặc biệt là các sinh viên giỏi. Vì vậy, khi có một ai đó hứng thú với doanh nghiệp vừa và nhỏ như công ty của bạn, hãy xem xét một cách nghiêm túc và nắm lấy cơ hội để tuyển một nhân viên giỏi.
Theo Doanh nhân Sài Gòn