Công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động mà chắc hẳn mọi người đều đã nghe qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ công đoàn là gì, tiền công đoàn là gì cũng như kinh phí công đoàn là gì? Việc Làm 24h sẽ gửi đến mọi người những thông tin tổng quan nhất về tổ chức công đoàn là gì và lợi ích cũng như những quy định pháp luật hiện nay khi đóng quỹ công đoàn. Mời mọi người cùng theo dõi nhé!
Công đoàn là gì?
Dựa theo Điều 1 Luật công đoàn 2012 quy định:
Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, được thành lập dựa trên cơ sở tự nguyện, là thành viên nằm trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công đoàn đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế và các tổ chức xã hội chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Công đoàn tham gia quản lý nhà nước và quản lý kinh tế – xã hội, đồng thời tham gia thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước hay các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.
Công đoàn tuyên truyền và vận động người lao động học tập để nâng cao trình độ cũng như kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời chấp hành theo đúng quy định pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Vai trò của tổ chức công đoàn là gì?
Căn cứ theo Điều 10 Luật công đoàn năm 2012 có quy định vai trò của công đoàn khi bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động như sau:
Điều 10: Công đoàn là đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
- Tư vấn và hướng dẫn cho người lao động về quyền và nghĩa vụ của người lao động khi thực hiện giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với doanh nghiệp sử dụng lao động.
- Đại diện cho tập thể người lao động thực hiện thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
- Tham gia cùng các đơn vị sử dụng lao động để xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, các định mức lao động, các quy chế trả lương và quy chế thưởng cũng như nội quy lao động.
- Đối thoại với doanh nghiệp sử dụng lao động nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.
- Tổ chức các hoạt động nhằm tư vấn pháp luật cho người lao động
- Tham gia với các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.
- Kiến nghị với các tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, giải quyết khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động hoặc của tập thể người lao động bị xâm phạm.
- Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm khi được người lao động uỷ quyền.
- Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hay người lao động.
- Tổ chức và lãnh đạo việc đình công theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Người lao động cần biết chính sách BHXH, tiền lương có hiệu lực từ tháng 10/2022
Kinh phí công đoàn là gì?
Kinh phí công đoàn chính là nguồn tài trợ cho các hoạt động đoàn theo các cấp nhằm mục đích duy trì hoạt động của công đoàn. Kinh phí công đoàn sẽ do người sử dụng lao động và người lao động tham gia đóng. Theo pháp luật hiện hành, kinh phí công đoàn sẽ trích theo tỷ lệ 2% dựa trên tổng số tiền lương mà đơn vị sử dụng lao động phải trả cho người lao động. Khi trích kinh phí này thì 1/2 số tiền kinh phí sẽ được nộp cho công đoàn cấp trên và 1/2 số tiền sẽ được để lại cho hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp.
Chủ thể bắt buộc tham gia đóng kinh phí công đoàn là gì?
Tại Điều 4, Nghị định 191/2013/NĐ-CP quy định phần lớn các đơn vị, tổ chức, cơ quan có sử dụng lao động đều phải đóng tiền công đoàn mà không cần phân biệt các đối tượng đó đã có tổ chức công đoàn cơ sở hay chưa như sau:
- Cơ quan nhà nước kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
- Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hay tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp; các tổ chức xã hội hay tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
- Đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập;
- Doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp hoặc Luật đầu tư;
- Hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật hợp tác xã;
- Các cơ quan, tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến tổ chức, hoạt động công đoàn hoặc các văn phòng điều hành nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng người lao động Việt Nam;
- Các đơn vị, tổ chức khác có sử dụng người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Các nguồn khi doanh nghiệp tham gia đóng tiền công đoàn là gì?
Căn cứ theo Luật công đoàn năm 2012, quỹ công đoàn bao gồm các nguồn như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp sử dụng lao động có nghĩa vụ phải đóng tiền công đoàn với mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội. Trong đó, tiền lương để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội sẽ là tổng của các khoản tiền như sau:
- Tiền lương dựa theo cấp bậc và chức vụ.
- Tiền lương dựa theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ khác.
- Tiền phụ cấp thâm niên vượt khung hoặc phụ cấp thâm niên nghề đối với những người lao động.
Thứ hai, theo Điều Lệ công đoàn Việt Nam, các đoàn viên đều phải đóng tiền mức đoàn phí 1% dựa trên tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, mức tiền công đoàn mà người lao động là đoàn viên công đoàn phải đóng hàng tháng không quá 10% dựa trên mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện nay là 1.390.000 đồng). Áp dụng cho các đối tượng được quy định tại Điều 23 Quyết định 1980/QĐ-TLĐ như sau:
- Đoàn viên thuộc các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối.
- Các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được hưởng tiền lương không theo bảng lương hay bậc lương theo quy định của Nhà nước.
- Liên hiệp hợp tác xã.
- Các tổ chức quốc tế hoặc tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
- Các văn phòng điều hành nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam.
- Đoàn viên công đoàn hiện công tác ở nước ngoài.
Thứ ba, các đoàn viên tại các nghiệp đoàn hay công đoàn cơ sở doanh nghiệp và khó xác định tiền lương để làm căn cứ đóng kinh phí công đoàn hoặc các đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội thì chỉ cần đóng kinh phí công đoàn dựa theo mức ấn định với mức đóng thấp nhất bằng 1% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
Thứ tư, các đoàn viên công đoàn được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên thì trong thời gian hưởng trợ cấp này không phải đóng kinh phí công đoàn.
Thứ năm, các đoàn viên công đoàn không có thu nhập, không có việc làm hoặc nghỉ việc riêng từ 1 tháng trở lên mà không hưởng tiền lương thì trong thời gian đó sẽ không phải đóng kinh phí công đoàn.
Do đó, chỉ những người lao động có tham gia công đoàn mới phải đóng kinh phí công đoàn.
Xem thêm: Hướng dẫn cách tính BHXH 1 lần cập nhật mới nhất cho người lao động năm 2023
Phương thức đóng quỹ công đoàn là gì?
Các đối tượng đóng quỹ công đoàn một phần hoặc toàn phần vào tài khoản ngân sách nhà nước. Phương thức đóng quỹ công đoàn là hàng tháng một lần và cùng thời điểm mà người lao động cũng như người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp khoản tiền công đoàn tương ứng vào quỹ công đoàn của Liên đoàn lao động cấp quận hoặc cấp huyện tại nơi doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức đặt trụ sở hoạt động.
Quyền lợi của người lao động khi đóng quỹ công đoàn là gì?
Theo điều 18 Luật Công đoàn 2012 quy định quyền của đoàn viên công đoàn như sau:
- Yêu cầu công đoàn đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.
- Được thông tin, thảo luận, đề xuất, biểu quyết các công việc của Công đoàn; được thông tin về các đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn hay người lao động; quy định của Công đoàn.
- Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn dựa theo quy định tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn các cán bộ lãnh đạo công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật các cán bộ công đoàn sai phạm.
- Được Công đoàn tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn.
- Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ học nghề, tìm việc làm; thăm hỏi và giúp đỡ những lúc ốm đau hoặc khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn.
- Tham gia các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch do Công đoàn tổ chức.
- Đề xuất với Công đoàn kiến nghị các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.
Người lao động sẽ được nhận lại 65% số tiền đã nộp và được doanh nghiệp hỗ trợ hoặc trợ cấp từ các khoản chi đó trong trường hợp doanh nghiệp có đủ giấy tờ, chứng từ liên quan đến việc doanh nghiệp chi trả hỗ trợ cho người lao động với các mục đích như sau:
- Chi lương, phụ cấp và các khoản đóng theo lương
- Chi quản lý hành chính
- Chi hoạt động phong trào
- Chi tuyên truyền
- Chi tổ chức phong trào thi đua
- Chi đào tạo cán bộ
Các chế tài khi doanh nghiệp không đóng kinh phí công đoàn là gì?
Doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu thuộc đối tượng phải đóng kinh phí công đoàn nhưng lại chậm đóng, đóng kinh phí công đoàn không đúng với hạn mức quy định hoặc không tham gia đủ số người thuộc đối tượng bắt buộc phải đóng kinh phí công đoàn. Doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ phải chịu phạt tiền từ 12% đến khoảng dưới 15% dựa trên tổng số tiền mà doanh nghiệp sử dụng lao động phải đóng kinh phí nhưng không vượt quá 75 triệu đồng.
Nếu doanh nghiệp sử dụng lao động không lập hồ sơ để tham gia đóng kinh phí công đoàn thì sẽ bị phạt tiền trên 18% đến dưới 20% dựa trên tổng số tiền mà doanh nghiệp sử dụng lao động phải đóng kinh phí công đoàn nhưng không vượt quá 75 triệu đồng.
Ngoài hình thức phạt hành chính trên, doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ phải chịu các hình phạt bổ sung khác nếu đóng chậm hoặc đóng chưa đủ khoản tiền phạt trong thời gian 30 ngày kể từ thời điểm bị lập biên bản vi phạm hành chính. Nếu sau thời gian này mà doanh nghiệp sử dụng lao động vẫn chưa khắc phục hậu quả thì phải chịu thêm khoản lãi suất chậm đóng dựa theo mức lãi suất của Ngân hàng ngay tại thời điểm bị xử phạt vi phạm hành chính.
Kết luận
Hy vọng những thông tin hữu ích trên của Việc Làm 24h sẽ giúp bạn hiểu hơn về công đoàn và kinh phí công đoàn. Chắc chắn rằng những câu hỏi như công đoàn là gì, tổ chức công đoàn là gì, vai trò của kinh phí công đoàn là gì, các đối tượng bắt buộc đóng quỹ công đoàn và đặc biệt là các hình thức xử phạt khi chậm đóng tiền công đoàn sẽ giúp các bạn có cái nhìn toàn diện hơn. Đừng quên theo dõi các bài viết khác của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để cập nhật các thông tin hữu ích khác sớm nhất bạn nhé!
Xem thêm: Nhậu có phải là quyền năng giúp thăng tiến trong công việc?