Khi nhân viên làm sai công ty có được phép trừ lương hay không? Người sử dụng lao động trừ lương trái với quy định của pháp luật thì bị phạt ra sao? Mời bạn cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết!
Quy định trừ lương nhân viên theo pháp luật
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta bắt gặp những trường hợp nhân viên bị trừ tiền, bị phạt tiền khi đi làm muộn, vi phạm nội quy, không hoàn thành công việc… Đây là các hành vi vi phạm liên quan đến kỷ luật lao động. Nếu đây là thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động đã được đồng thuận theo hợp đồng lao động thì công ty, doanh nghiệp được phép thực hiện. Tuy nhiên, theo Luật Lao động, doanh nghiệp hoặc người sử dụng lao động không được phép trừ lương thay cho xử lý kỷ luật lao động.
Cụ thể, Điều 118, Luật Lao động 2019 quy định: doanh nghiệp từ 10 lao động trở lên phải có nội quy về kỷ luật lao động bằng văn bản. Trong đó có mục: các hành vi vi phạm lao động và hình thức xử lý kỷ luật lao động. Điều 124 Luật Lao động 2019 có quy định về 4 hình thức xử lý kỷ luật đối với người lao động (NLĐ) vi phạm, đó là:
- Khiển trách.
- Kéo dài thời gian được nâng lương (nhưng không quá 06 tháng)
- Cách chức.
- Sa thải.
Xem thêm: Layoff là gì? Bị sa thải có được rút BHXH 1 lần không?
Khi doanh nghiệp hoặc công ty xử lý kỷ luật lao động, Điều 127 Luật Lao động 2019 quy định những hành vi sau đây bị nghiêm cấm:
- Xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, uy tín, tính mạng và nhân phẩm của người lao động.
- Phạt tiền hoặc trừ lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động.
- Xử lý kỷ luật người lao động vi phạm không theo quy định trong nội quy lao động hoặc pháp luật về lao động
- Xử lý kỷ luật lao động theo phương thức không được thỏa thuận trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã giao kết với người lao động.
Như vậy, việc phạt tiền, trừ lương thay cho xử lý kỷ luật lao động là một trong những hành vi bị nghiêm cấm khi doanh nghiệp xử lý kỷ luật lao động.
Công ty có được trừ lương nhân viên?
Như vậy, bạn đã biết được theo Luật lao động, công ty không được trừ lương nhân viên thay cho xử lý kỷ luật. Vậy công ty được phép trừ lương nhân viên trong những trường hợp nào?
Có 03 trường hợp công ty hoặc người sử dụng lao động được phép trừ lương nhân viên. Nếu thực hiện hành vi trừ lương trái với quy định này, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, Điều 102 và Điều 129 Luật Lao động 2019 quy định: người sử dụng lao động chỉ được phép trừ lương nhân viên trong các trường hợp như sau
Trường hợp 1: Người lao động làm hư hỏng trang thiết bị, dụng cụ hoặc có hành vi gây ảnh hưởng, thiệt hại tài sản của doanh nghiệp.
Theo Khoản 3, Điều 102 thuộc Luật Lao động 2019, nếu người lao động do sơ suất gây thiệt hại với giá trị không vượt quá 10 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi NLĐ làm việc (theo quy định về lương tối thiểu được Chính phủ ban hành) thì NLĐ phải bồi thường tối đa 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ vào lương hàng tháng.
Việc trừ lương này nhằm mục đích bồi thường cho doanh nghiệp đối với tài sản mà NLĐ làm hư hỏng theo quy định pháp luật và nội quy lao động.
Trường hợp 2: NLĐ làm mất thiết bị, dụng cụ, tài sản do doanh nghiệp hoặc NLĐ khác bàn giao để thực hiện công việc.
Trường hợp 3: NLĐ sử dụng tiêu hao vật tư vượt quá định mức cho phép.
Với trường hợp 2 và 3, NLĐ bồi thường thiệt hại toàn bộ hoặc một phần dựa theo mức giá thị trường hoặc theo nội quy lao động.
Trong trường hợp NLĐ có ký hợp đồng trách nhiệm với doanh nghiệp thì NLĐ phải bồi thường theo quy định trong hợp đồng trách nhiệm.
Lưu ý, người lao động không phải bồi thường nếu trường hợp hư hỏng, thất thoát tài sản do thiên tai, địch họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, thảm họa tự nhiên hoặc các sự kiện xảy ra do nguyên nhân khách quan không thể lường trước. Đồng thời, hậu quả của sự cố này dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể khắc phục hoàn toàn.
Như vậy, theo quy định, NLĐ chỉ phải bồi thường tiền theo hình thức trừ lương hàng tháng trong trường hợp làm thiệt hại về trang thiết bị, dụng cụ, tài sản. Việc khấu trừ lương này cũng cần thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 129, Luật Lao động 2019 cũng có quy định về khấu trừ như sau:
- NLĐ có quyền biết lý do bị khấu trừ
- Mức khấu trừ từng tháng không vượt quá 30% tiền lương thực trả NLĐ sau khi trích nộp Bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, thuế thu nhập cá nhân.
Quy định xử phạt người sử dụng lao động trừ lương trái quy định
Như vậy, hẳn bạn đã hiểu rõ trừ lương không phải là hình thức xử lý kỷ luật lao động, cũng không được sử dụng thay thế bất kỳ hình thức xử lý kỷ luật.
Ngoài những trường hợp doanh nghiệp được phép khấu trừ lương theo quy định nêu trên, công ty hoặc người sử dụng lao động tự ý trừ lương nhân viên sẽ bị xử phạt hành chính.
Điều này được quy định rõ tại Khoản 3, Điều 19, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân và gấp đôi với tổ chức nếu có hành vi sử dụng hình thức phạt tiền hoặc trừ lương nhân viên thay cho xử lý kỷ luật lao động.
Bên cạnh việc nộp phạt, người sử dụng lao động còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả hành vi thay xử lý kỷ luật.
Cụ thể, Khoản 4, Điều 19 tại Nghị định số 12/2022/NĐ-CP có nêu ra biện pháp khắc phục hậu quả từ hành vi tự ý trừ lương thay xử lý kỷ luật lao động là: Buộc người sử dụng lao động trả lại cho NLĐ số tiền đã thu hoặc trả bù đủ số tiền lương đã trừ.
Tạm kết
Như vậy, bài viết của Việc Làm 24h phần nào đã giúp bạn giải đáp băn khoăn doanh nghiệp có được phép trừ lương nhân viên hay không, nếu có thì được trừ trong trường hợp nào. Bài viết hi vọng cung cấp thông tin hữu ích giúp bạn bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của mình khi đi làm. Truy cập ngay Việc Làm 24h để tìm kiếm cho mình cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp uy tín nhé!
Xem thêm: Khám phá loạt phương pháp cải thiện kỹ năng giao tiếp ứng xử thành công