Có bao giờ bạn cảm thấy như thể bạn bè hay đồng nghiệp không ủng hộ và cản trở bạn cải thiện bản thân không? Chẳng hạn như bạn đạt được thành tích cao trong công việc và rất hài lòng vì những nỗ lực của bản thân nhưng trong mắt đồng nghiệp kết quả này chỉ là ăn may. Hay khi bạn dự tính học thêm về tài chính để phụ giúp quản lý cửa hàng của người yêu, người khác lại dè bỉu rằng “chuột sa hũ gạo”. Nếu như vậy, rất có thể bạn là một con cua bị kẹt trong một cái xô, mỗi khi bạn cố gắng thoát ra sẽ có rất nhiều con cua khác kéo bạn xuống. Trong tâm lý học, hành vi này được gọi là “crab mentality”. Vậy crab mentality là gì, làm thế nào để bạn bứt phá khỏi vòng vây kìm hãm? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá ở bài viết dưới đây.
Crab mentality là gì?
Crab mentality có nghĩa là tâm lý “cua trong xô” hay gọi tắt là “tâm lý con cua” và bắt nguồn từ một hiện tượng tự nhiên của loài cua. Nếu bạn đặt một con cua vào một cái xô, nó sẽ dễ dàng leo lên và bò ra ngoài. Nhưng mọi chuyện sẽ diễn biến khác khi bạn cho một đàn cua vào cái xô. Lúc đó, bất kỳ con cua nào cố thoát ra ngoài sẽ bị những con khác kéo trở lại. Nếu tiếp tục nỗ lực trèo lần thứ 2, con cua có thể trở thành mục tiêu của cuộc tấn công. Điều này có nghĩa là không có con cua thoát ra ngoài được vì chúng đang chống lại nhau.
Hãy áp dụng hiện tượng này vào tâm lý và cách tương tác của con người. Crab mentality là phép ẩn dụ về cách con người phản ứng khi nhìn thấy những người xung quanh có những thay đổi tích cực mà chính họ không thể đạt được. Câu “ăn không được thì đạp đổ” mô tả chính xác nhất tâm lý con cua này. Mặc dù con người không cố gắng hạ gục nhau về thể chất như loài cua nhưng sẽ làm suy sụp tinh thần của người khác.
Tại sao con người lại có tâm lý con cua?
Crab mentality khá độc hại, vì với tâm lý này không ai có thể trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Nhưng tại sao crab mentality lại tồn tại, nguyên nhân gốc rễ của tâm lý cua là gì? Một số lý do giải thích về crab mentality như:
– Môi trường có tính cạnh tranh cao nhưng tài nguyên hạn chế: khi tài nguyên (như công việc, cơ hội, danh tiếng) có giới hạn và cạnh tranh trở nên khốc liệt, con người sẽ cảm thấy lo lắng về việc mất đi các tài nguyên này. Khi đó họ có khuynh hướng ghen tị với thành công của người khác vì cho rằng tài nguyên đang bị mất đi. Do đó, họ cần phải bảo vệ tài nguyên của mình bằng cách cản trở người khác.
– Tự ti về bản thân: khi một người cảm thấy không tự tin về bản thân, họ dễ dàng cảm thấy bị đe dọa bởi sự thay đổi tích cực của người khác. Vì vậy thể hiện hành vi crab mentality để tránh cảm giác này.
– Áp lực, định kiến xã hội: xã hội và môi trường góp phần định hình tư duy, hành vi của con người. Nếu môi trường coi trọng tính cạnh tranh, đề cao cá nhân hơn là hợp tác thì việc thực hiện hành vi crab mentality được xem là cách để thích nghi với môi trường xung quanh.
– Khả năng chịu đựng cảm xúc tiêu cực: đố kỵ hay khó chịu là những cảm xúc tự nhiên mà bất kỳ ai cũng có thể trải qua. Khi không được nhận thức đúng và xử lý tốt, những cảm xúc này có thể dẫn đến hành vi crab mentality nhằm phân tán, chia sẻ cảm xúc tiêu cực này với người khác.
Làm thế nào để nhận biết ai đó có tâm lý cua trong xô?
Dấu hiệu chính của tâm lý con cua là thường ngăn cản hoặc phá hoại người khác. Ngoài ra, các dấu hiệu khác để nhận biết ai đó có crab mentality hay không, bao gồm cả bạn như:
– Có xu hướng nói xấu, chê bai, hạ thấp người khác.
– Phản ứng tiêu cực một cách tự động với thành tích của người khác.
– Hay so sánh bản thân với người khác.
Xem thêm: Đổ lỗi khi đi làm: Ai cũng là nạn nhân trong câu chuyện của chính mình
– Xem những người khác như đối thủ, đang cạnh tranh trực tiếp với chính mình, ngay cả khi không phải như vậy.
– Thể hiện sự thỏa mãn trước những điều bất như ý của người khác.
– Không có khả năng cộng tác với mọi người.
– Cảm thấy không an toàn khi ai đó vượt trội hơn và có tư duy “người ta không thể giỏi hơn, thành công hơn mình”.
– Không nỗ lực trong công việc hay giải quyết vấn đề, thay vào đó là liên tục chỉ trích, phàn nàn.
– Bất an và xem thường khả năng, thành tích hay địa vị của bản thân. Tuy nhiên một số người sẽ thể hiện ngược lại, đó là thổi phồng chính mình nhằm hạ thấp người khác.
Xem thêm: Tự ái là gì? Làm sao đối mặt và vượt qua cảm giác tự ái?
Làm thế nào để hạn chế crab mentality của bản thân?
Bước đầu tiên nhưng rất quan trọng đó là trung thực với bản thân và nhận thức được rằng bạn đang hoặc sắp thể hiện tâm lý con cua. Để nhận ra điều này, cần xem xét lại liệu suy nghĩ, lời nói và hành động của bạn có mang tính ngăn cản, phá hoại ai đó mà không có lý do chính đáng hay không.
Khi nhận ra mình có tâm lý cua, bạn nên cố gắng giải quyết các vấn đề tiềm ẩn đang thúc đẩy bạn phải thể hiện ra ngoài. Ví dụ vấn đề là bạn có xu hướng cho rằng thành tích của người khác chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến lợi ích của bạn thì hãy thử chậm lại, suy nghĩ kỹ càng xem điều đó có phải là sự thật hay không.
Ngoài ra, bạn nên chuyển hướng tập trung vào những điều tích cực của bản thân để tránh tâm lý này. Chẳng hạn như thay vì bị ám ảnh bởi những gì người khác đang làm và đạt được, bạn nên tập trung vào mục tiêu cũng như sự tiến bộ của bản thân. Tương tự, hãy tìm những điểm tốt trong hành trình của người khác để học hỏi và cố gắng hơn thay vì đố kỵ, hạ bệ họ.
Trong trường hợp bạn chưa thể thay đổi được suy nghĩ của mình thì có thể bắt đầu từ hành động. Ví dụ, một người bạn thân đã thi đậu tiếng Nhật bằng N2 – điều mà bạn cũng hướng đến. Có thể bạn không thực sự vui mừng cho họ, nhưng bạn có thể kiểm soát hành động của mình như gửi lời chúc mừng hoặc ít nhất là không hạ thấp họ.
Lưu ý quan trọng cần nhớ:
Nhìn chung để tránh tâm lý con cua bạn cần nhận ra đây là vấn đề của chính bạn và tập trung giải quyết những cảm xúc tiêu cực này. Tuy nhiên, đây là một quá trình cần thời gian, thậm chí là khá lâu. Đồng thời bạn không nên phán xét bản thân là xấu xa khi phát hiện mình có tâm lý con cua. Hãy nhớ 2 từ khóa quan trọng là chấp nhận và thời gian.
Làm thế nào để đối phó với crab mentality ở người khác?
Tương tự như khi đối phó với tâm lý con cua trong chính mình, bước đầu tiên cũng là nhận ra tâm lý con cua ở người khác. Khi làm điều này, bạn nên cố gắng hiểu được sự ảnh hưởng của tâm lý này đến họ như thế nào thông qua lời nói, hành động. Bắt đầu từ việc hiểu bản chất, thay vì có những hành động đáp trả trực tiếp, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận và đối phó bằng cách:
– Bỏ qua hành vi của họ.
– Nhận ra tâm lý con cua chủ yếu là do các vấn đề của chính họ hơn là những gì bạn đã làm, ngay cả khi hành vi nhắm vào bạn.
– Tha thứ cho họ, đây là điều tốt nhất bạn có thể làm cho chính mình, vì lo lắng, tức giận là lãng phí năng lượng.
– Tập trung vào hành trình của chính mình hơn là sự tiêu cực của người khác.
– Từ chối tham gia vào các hành vi crab mentality cùng với người khác để “trả thù” lại những người đã hạ bệ bạn trước đây.
– Trong một số trường hợp, giải pháp tối ưu đơn giản là tránh xa những người có tâm lý con cua và thiết lập mối quan hệ lành mạnh với những người khác.
Nhìn chung, crab mentality là hành vi mang tính thù địch với những người mà chúng ta đánh giá là tốt hơn. Trong khi đó, nếu xoay chuyển cục diện, biến sự thay đổi tích cực của người khác thành động lực để cố gắng sẽ mang đến kết quả tốt hơn. Hành động thù địch chỉ càng gây ra bất lợi và cản trở con đường hoàn thiện bản thân. Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về crab mentality cũng như nhìn nhận lại bản thân hay những hành vi ác ý từ người khác để có cách giải quyết phù hợp. Đừng quên theo dõi blog của Việc Làm 24h để đón đọc nhiều thông tin thú vị hơn nhé!
Xem thêm: Thiên vị là gì? Cách đối phó khi trở thành nạn nhân của thiên vị công sở?