Trước những biến đổi phức tạp, thuật ngữ “năm tài chính” đã trở thành khái niệm quan trọng trong việc quản lý, định hướng chiến lược kinh tế của một quốc gia. Trong bài viết dưới đây, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giúp bạn tìm hiểu năm tài chính là gì cũng như tác động của năm tài chính đến công việc của bạn.
Tìm hiểu đôi nét về năm tài chính
Năm tài chính là gì?
Nếu không biết năm tài chính là gì, bạn có thể hiểu đơn giản đây là thời kỳ hạch toán, báo cáo của một doanh nghiệp. Tại Việt Nam, năm tài chính được Chính phủ quy định là năm dương lịch, bắt đầu từ ngày 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12 hằng năm hoặc 12 tháng khác với năm dương lịch mà Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp áp dụng.
Trên thực tế, doanh nghiệp có thể chọn năm tài chính trùng với năm dương lịch. Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp có những đặc thù riêng về tổ chức, hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là 12 tháng tròn theo năm dương lịch (bắt đầu từ ngày 01 tháng đầu quý này cho đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau). Đối với trường hợp này, doanh nghiệp cần thông báo cho cơ quan tài chính biết và xem xét.
Về cơ bản, năm tài chính là khoảng thời có độ dài thời gian tương đương 1 năm, tức là 12 tháng (52 – 53 tuần). Khoảng thời gian này phục vụ cho công tác kế hoạch ngân sách. Bên cạnh đó, năm tài chính còn được gọi là “tài khoá”. Tại Việt Nam, năm tài chính còn có tên gọi khác là “năm ngân sách”. Trong khi đó, ở Mỹ, năm tài chính chính là “năm thuế”.
Ngày bắt đầu năm tài chính là gì? Ngày kết thúc năm tài chính là gì?
Năm tài chính chính thức bắt đầu từ ngày 01 của tháng đầu một quý. Trên thực tế, năm tài chính không biểu thị việc “khai báo” về ngày mở sổ kế toán hay ngày doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động. Ví dụ, một doanh nghiệp vừa thành lập nhận giấy phép hoạt động vào ngày 20/3/2023. Nếu doanh nghiệp chọn năm tài chính trùng vào năm dương lịch, ngày bắt đầu năm tài chính của doanh nghiệp vẫn là ngày 1/1/2023. Do đó, tài khoản hàng năm của doanh nghiệp phải dài 1 năm và báo cáo đều đặn mỗi năm.
Tựu trung, thời điểm bắt đầu năm tài chính đối với các doanh nghiệp áp dụng hệ thống kế toán Việt Nam thường là năm dương lịch. Nghĩa là thời điểm bắt là 01/01, thời điểm kết thúc năm tài chính là 31/12 năm nay.
Nếu doanh nghiệp được thành lập ở nước ngoài, bạn có thể chọn năm tài chính của công ty mẹ hoạt động ở nước ngoài. Năm tài chính của một số quốc gia khác là:
- Anh, Canada, Ấn Độ, Hồng Kông, Nhật Bản: Ngày bắt đầu năm tài chính: ngày 1/4 của năm, ngày kết thúc năm tài chính: ngày 31/3 năm sau.
- Bỉ, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Thái Lan, Thuỵ Sĩ, Trung Quốc, Việt Nam: Năm tài chính được tính theo năm dương lịch.
- Úc: Ngày bắt đầu năm tài chính từ ngày 1/7 của một năm, kết thúc vào ngày 30/6 năm sau.
Đối với các cơ sở giáo dục chọn năm học làm kỳ báo cáo năm, kỳ kế toán phải đủ 12 tháng (kể từ ngày 01/07 năm hiện hành đến hết ngày 30/6 năm sau hoặc từ 01/10 năm nay đến ngày 30/09 năm sau). Đồng thời, cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải thông báo đến thời điểm kết thúc năm dương lịch cũng như lập báo cáo quyết toán năm theo quy định.
Điểm giống, khác nhau giữa năm dương lịch và năm tài chính là gì?
Như đã đề cập, năm tài chính ở Việt Nam trùng với năm dương lịch. Đây có thể là một lợi thế lớn đối với các doanh nghiệp Việt nhưng cũng gây ra một số khó khăn. Dưới đây là điểm giống và khác nhau giữa năm dương lịch và năm tài chính.
Điểm giống
Nói chung, cả năm tài chính và năm dương lịch đều tính trong khoảng 12 tháng dương lịch, tương đương với khoảng 52 – 53 tuần.
Điểm khác
Năm dương lịch luôn bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng năm. Tuy nhiên, kỳ kế toán bắt đầu từ ngày 01 của quý 1, có thể trùng khớp hoặc không với năm dương lịch.
Một số yếu tố cấu thành năm tài chính
Khi hiểu rõ năm tài chính là gì, bạn có thể sẽ nhận ra năm tài chính được cấu thành từ nhiều yếu tố khác nhau.
Thu nhập
Đây là số tiền mà một tổ chức, doanh nghiệp hoặc quốc gia kiếm được trong suốt năm. Thu nhập bao gồm các nguồn khác nhau, như doanh số bán hàng, doanh thu từ dịch vụ, tiền lãi từ đầu tư, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và doanh nghiệp,…
Chi phí
Chi phí là tổng số tiền mà một tổ chức hoặc quốc gia phải trả để duy trì và vận hành các hoạt động. Đối với một doanh nghiệp, chi phí sẽ bao gồm các khoản tiêu hao tài sản, lương nhân viên, chi phí vận hành và bảo trì, chi phí Marketing, chi phí hành chính và những chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh khác.
Lợi nhuận (hoặc lỗ)
Lợi nhuận là sự chênh lệch giữa thu nhập và chi phí. Nếu thu nhập vượt quá chi phí, doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận. Ngược lại, nếu chi phí vượt quá thu nhập, doanh nghiệp sẽ bị lỗ.
Ngân sách
Ngân sách là kế hoạch tài chính chi tiết cho một năm tài chính cụ thể. Bảng kế hoạch này giúp doanh nghiệp xác định cách thu nhập được phân bổ cho các hoạt động khác nhau cũng như những dự kiến cho từng hoạt động cụ thể. Ngân sách giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả, dễ dàng theo dõi các bước thực hiện kế hoạch.
Nguồn vốn
Đây là những tài sản hoặc dòng tiền mà doanh nghiệp sở hữu hoặc có thể tiếp cận để hỗ trợ các hoạt động kinh doanh. Nguồn vốn bao gồm: vốn chủ sở hữu, vốn vay từ ngân hàng hoặc các nguồn tài chính khác nhau, như cổ tức, lợi nhuận đã tích lũy và vốn dự phòng.
Dòng tiền
Đây là sự luân chuyển của dòng tiền vào và ra khỏi doanh nghiệp trong suốt năm tài chính. Dòng tiền bao gồm: thu nhập và chi phí cũng như các hoạt động tài chính, như đầu tư, trả nợ và gửi tiết kiệm.
Lập báo cáo tài chính
Một trong những yếu tố quan trọng của năm tài chính là việc lập báo cáo tài chính. Báo cáo này bao gồm: lợi nhuận và lỗ, bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển,… Thông qua báo cáo tài chính, doanh nghiệp có thể cập nhật tình hình tài chính của minh. Đồng thời, báo cáo tài chính cũng giúp người quản lý và các bên liên quan đánh giá hiệu suất, thực hiện các quyết định tài chính hợp lý hơn.
Xem thêm: Báo cáo tài chính gồm những gì? Cách đọc báo cáo tài chính dễ hiểu nhất
Vai trò của năm tài chính là gì?
Nếu đã hiểu năm tài chính là gì, bạn có thể nhận ra được tầm quan trọng của năm tài chính trong việc quản lý và định hướng chiến lược kinh doanh.
Quản lý tài chính hiệu quả
Quản lý tài chính hiệu quả là một trong những vai trò lớn nhất của năm tài chính. Thông qua quá trình thu thập, phân tích và đánh giá dữ liệu tài chính, doanh nghiệp có thể xác định được nguồn thu nhập chính, chi phí hoạt động.
Từ đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng đưa ra những biện pháp tối ưu để cải thiện hiệu quả tài chính. Việc quản lý tài chính hiệu quả giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quá trình sử dụng nguồn tài nguyên, giảm tình trạng lãng phí và tạo ra lợi nhuận cao hơn.
Xem thêm: Phương pháp 6 chiếc lọ tài chính: Bí quyết quản lý tài chính và cân đối chi tiêu hiệu quả
Dự báo tài chính trong tương lai
Dự báo tài chính là một cách tốt nhất để doanh nghiệp định hình chiến lược phát triển của tổ chức. Dựa trên những dữ liệu tài chính hiện tại và xu hướng thị trường, năm tài chính giúp doanh nghiệp xác định những dự định về thu nhập, chi phí và lợi nhuận trong tương lai. Bên cạnh đó, dự báo tài chính, các quyết định về đầu tư, sự mở rộng hoặc tái cơ cấu cũng được đưa ra một cách chuẩn xác và hiệu quả hơn.
Theo dõi hiệu suất
Năm tài chính mang đến cơ hội để doanh nghiệp so sánh kết quả thực tế với kế hoạch và mục tiêu đã đề ra từ trước. Việc theo dõi hiệu suất giúp tổ chức xác định được những điểm mạnh và điểm yếu. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể thực hiện các điều chỉnh cần thiết để cải thiện quá trình kinh doanh. Nếu hiệu suất thấp hơn kế hoạch, tổ chức có thể lựa chọn những biện pháp để cải tiến hoặc điều chỉnh chiến lược. Đây là cách giúp doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được mục tiêu tài chính.
Đáp ứng yêu cầu pháp lý và quản lý rủi ro
Báo cáo tài chính trong năm đóng vai trò quan trọng trong việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý và quản lý rủi ro. Thông qua việc cung cấp tài chính chính xác, minh bạch, doanh nghiệp có thể đảm bảo tuân thủ các quy định về báo cáo tài chính và thuế. Ngoài ra, năm tài chính cũng giúp doanh nghiệp nhận biết, quản lý rủi ro tài chính. Từ đó, doanh nghiệp có thể đề xuất những biện pháp làm giảm tác động của các tình huống không mong muốn.
Một số thông tin liên quan đến năm tài chính
Thời hạn nộp và quyết toán thuế của năm tài chính
Theo Điều 5, Khoản 1 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên năm dương lịch hoặc năm tài chính (trừ trường hợp đặc biệt như các công ty nước ngoài). Vậy nên, việc quyết định năm tài chính rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến thời hạn nộp thuế thu nhập của doanh nghiệp.
Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán năm được xác định như sau:
- Nếu doanh nghiệp chọn năm tài chính trùng với năm dương lịch: thời hạn cuối cùng là ngày 31/03 của năm sau. Ví dụ doanh nghiệp chọn năm dương lịch làm năm báo cáo, hạn nộp báo cáo tài chính năm 2021 là ngày 31/03/2022. Do đó, hạn gửi báo cáo tài chính năm 2022 sẽ cũng là ngày 31/3/2023.
- Trong trường hợp doanh nghiệp chọn năm tài chính khác với năm dương lịch: thời hạn cuối cùng để nộp hồ sơ quyết toán năm là ngày cuối cùng của tháng thứ 03 tính từ ngày kết thúc năm tài chính. Ví dụ doanh nghiệp nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào ngày 01/04/2022, năm tài chính sẽ bắt đầu từ ngày 01/04/2022 và kết thúc vào ngày 31/03/2023. Hồ sơ quyết toán thuế năm 2022 của công ty sẽ phải nộp trước ngày 30/06/2023.
Bên cạnh đó, đối với khai thuế năm, thời hạn kết thúc là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính.
Doanh nghiệp vừa thành lập có năm tài chính là gì?
Đối với những doanh nghiệp vừa thành lập có thể chọn năm tài chính trùng năm dương lịch. Dù vậy, các doanh nghiệp có đặc điểm tổ chức đặc biệt, năm tài chính được tính từ ngày đầu tiên của quý hiện tại đến hết ngày kết thúc của quý cuối cùng của năm sau. Những doanh nghiệp này cần thông báo cho cơ quan tài chính và cơ quan thuế.
Giai đoạn này kéo dài 3 tháng tính từ ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý.
Theo Khoản 2, Điều 12 của Luật Kế toán năm 2015 về kỳ kế toán của doanh nghiệp mới thành lập, năm tài chính của doanh nghiệp vừa thành lập được xác định như sau:
Năm tài chính đầu tiên của doanh nghiệp mới được tính từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tức là 12 tháng theo lịch dương, bắt đầu từ ngày 01 tháng đầu tiên của quý hiện tại đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau. Các doanh nghiệp mới phải thông báo cho cơ quan tài chính, cơ quan thuế biết.
Ví dụ: Công ty TNHH tư nhân A cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 01/06/2022. Năm tài chính tứ kỳ kế toán đầu tiên của công ty A là 12 tháng kể từ ngày 01/06/2022 đến ngày 31/05/2023.
Trên đây là toàn bộ thông tin về năm tài chính và những thông tin liên quan. Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng qua bài viết bạn đã hiểu năm tài chính là gì. Hãy tiếp tục đồng hành cùng Việc Làm 24h để đón đọc những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
Xem thêm: Chứng chỉ quỹ khác gì cổ phiếu, cách đầu tư chứng chỉ quỹ thông minh