Hầu hết chúng ta đều có tâm lý xem trọng thành phẩm do sức lực của chính mình tạo ra. Điều này dường như là hiển nhiên, tuy nhiên có thể bạn chưa biết tâm lý này được gọi là hiệu ứng IKEA và có thể tác động đến nhận thức của bạn trong một số trường hợp. Vậy hiệu ứng IKEA thực chất là gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Hiểu về hiệu ứng IKEA
Có phải bạn cảm thấy cái tên IKEA rất quen thuộc không? Vâng, hiệu ứng này được đặt tên theo thương hiệu kinh doanh đồ nội thất nổi tiếng của Thụy Điển – IKEA. Vậy hiệu ứng IKEA và tập đoàn bán lẻ nội thất lớn nhất thế giới IKEA có liên quan gì với nhau?
Hiệu ứng IKEA là một khuynh hướng nhận thức đề cập đến việc con người có sự thiên vị, ưu ái, đánh giá quá cao những sản phẩm do tự bản thân tạo ra. Michael Norton, Daniel Mochon và Dan Ariely là những người đã đặt tên cho hiệu ứng IKEA vào năm 2011 và được xuất bản trong một bài báo năm 2012 trên Journal of Consumer Psychology.
Về tập đoàn IKEA, nhãn hàng này không bán sản phẩm nội thất được lắp đặt sẵn mà bán những bộ kit bao gồm linh kiện và khách hàng tự lắp ráp để hoàn thiện. IKEA đã tạo ra một nhận thức “mới” cho thị trường là sản phẩm do chính mình nỗ lực hoàn thành sẽ có giá trị hơn so với những sản phẩm được sản xuất hàng loạt. Dù phải bỏ tiền ra mua sản phẩm và mất công sức, thời gian để hoàn thiện nhưng người dùng lại ưa chuộng, phản hồi tích cực với ý tưởng này của IKEA.
Hiệu ứng IKEA có đáng tin không?
Trước khi hiệu ứng IKEA được xác định, đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành và tất cả những nghiên cứu này đều cho thấy mọi người thường đánh giá cao giá trị của những sản phẩm mà họ tự làm. Liên tục sau đó, một loạt các thí nghiệm được thực hiện và tất cả đều đưa ra kết quả tương tự.
Một trong những thí nghiệm tiêu biểu là việc tự tạo ra các sản phẩm từ giấy origami. Trong thí nghiệm này, mọi người được yêu cầu tự thực hiện các sản phẩm từ giấy origami. Sau đó tự định giá cho những sản phẩm mà họ đã tạo ra. Điều đáng chú ý là tất cả mọi người đều sẵn sàng trả một số tiền gấp 4-5 lần giá trị ban đầu để sở hữu chúng.
Trong một bài báo năm 1959 của the Journal of Abnormal and Social Psychology, Aronson và Mills cũng đã chứng minh kết quả tương tự với hiệu ứng IKEA ở môi trường xã hội. Trong nghiên cứu, mọi người được yêu cầu tham gia các nhóm thảo luận. Nhóm 1 không có bất kỳ yêu cầu nào với người tham gia. Nhóm 2 và 3 có những điều kiện bắt buộc nếu muốn vào nhóm. Khi cuộc thảo luận của các nhóm kết thúc, mọi người được yêu cầu đánh giá mức độ coi trọng việc trở thành thành viên của nhóm mình. Kết quả cho thấy những người ở trong nhóm 2 và 3 đánh giá tư cách thành viên của họ cao hơn nhóm 1.
Hiệu ứng IKEA bắt nguồn từ đâu?
Có nhiều nguyên nhân khiến con người ưu ái những thứ do mình tạo ra.
1. Nhu cầu tâm lý cảm thấy bản thân có năng lực
Không ai thích cảm giác bản thân bất tài hoặc ngu ngốc. Trên thực tế, nhận thức về năng lực bản thân là một phần quan trọng đối với sức khỏe tinh thần tổng thể. Khi thực hiện những công việc như lắp ráp một món đồ nội thất hay tự nướng bánh sẽ làm nâng cao sự tự tin vào năng lực bản thân. Điều này không chỉ mang đến cảm giác thỏa mãn mà còn đáp ứng nhu cầu tâm lý. Đây là một phần lý do tại sao bạn lại cảm thấy những món đồ do chính mình “sản xuất” lại có giá trị cao hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của chúng.
2. Tâm lý muốn cảm thấy nỗ lực của mình là xứng đáng
Một nguyên nhân khác dẫn đến hiệu ứng IKEA có liên quan đến sự xung đột về nhận thức – một thuyết rất có ảnh hưởng được phát triển bởi nhà tâm lý xã hội Leon Festinger. Xung đột nhận thức xảy ra khi bạn có suy nghĩ và hành động trái ngược nhau, từ đó gây ra cảm giác khó chịu về mặt tâm lý. Khi đó, để sự xung đột này biến mất, bạn có thể chọn thay đổi hành vi hoặc thay đổi niềm tin về vấn đề.
Trong đó, một loại xung đột nhận thức cụ thể được gọi là “biện minh cho nỗ lực” (effort justification) rất quan trọng để hiểu về hiệu ứng IKEA. “Effort justification” mô tả cách thức khi làm việc gì đó khó khăn, tốn nhiều công sức, bạn thường lo sợ rằng mình đang tốn thời gian, sức lực vô ích. Để giải quyết tâm lý này, bạn có xu hướng tăng giá trị của sản phẩm này lên để hợp lý hóa cho những nỗ lực đã bỏ ra.
3. Thích những thứ gắn liền với bản thân
Nhìn chung mọi người có xu hướng lạc quan khi chỉ nhìn vào mặt tích cực của mọi thứ hay nhớ những ký ức vui hơn buồn. Tâm lý này cũng ứng với cách bạn nhìn nhận về chính mình như tự tin vào khả năng bản thân, nghĩ mình là người đặc biệt. Điều này cũng liên quan đến những thứ bạn sở hữu hay gắn kết với mình và đẩy giá trị của chúng cao hơn.
Hiệu ứng IKEA tác động đến chúng ta như thế nào?
Bạn có thể nhận thấy các sản phẩm “do-it-yourself” (DIY) dường như đang gia tăng và trở thành xu hướng trong thời gian gần đây. Dịch vụ giao đồ ăn với những nguyên liệu có sẵn để khách hàng tự nấu tại nhà là một ví dụ điển hình. Trong vài năm qua, tại thị trường Mỹ, các công ty như Blue Apron và Hello Fresh đã phát triển mạnh mẽ. Ngành công nghiệp này dự kiến sẽ đạt giá trị 20 tỷ USD vào năm 2027. Những sản phẩm như vậy rất tiện lợi nhưng giá không hề rẻ, chưa kể việc nấu nướng cũng mất khá nhiều thời gian và công sức.
Hiệu ứng IKEA có thể thu hút bạn vào những sản phẩm tương tự bằng cách khiến bạn cảm thấy hoàn toàn xứng đáng với chi phí bỏ ra. Nhiều thương hiệu đã nhận ra và tận dụng hiệu ứng IKEA để tạo các chiến dịch tiếp thị thu hút khách hàng.
Ngoài ra, hiệu ứng IKEA còn tác động đến cuộc sống cá nhân và công việc của bạn. Chẳng hạn như có những quan điểm lệch lạc khi cố gắng làm việc chăm chỉ, thậm chí khiến bạn quá tự tin vào công việc của mình so với những người khác. Các yếu tố biện minh cho nỗ lực, nỗi sợ cảm thấy kém cỏi và suy nghĩ lạc quan về bản thân đều có thể khiến bạn lãng tránh những khía cạnh cần cải thiện.
Làm thế nào để hạn chế tác động của hiệu ứng IKEA?
Hiệu ứng IKEA có thể tác động đến bạn mạnh mẽ mà bạn không hề nhận ra. Đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu dùng, mua sắm. Bạn có thể cảm thấy việc bỏ tiền ra để tự tay hoàn thiện sản phẩm là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bỏ qua các yếu tố khác như chất lượng, tốn thời gian lắp đặt thì rất có thể bạn đã bị hiệu ứng IKEA chi phối. Để hạn chế tác động của hiệu ứng này, bạn có thể thực hiện những cách sau:
Nghiên cứu kỹ càng trước khi đưa ra quyết định
Thông thường sản phẩm tự lắp ráp sẽ rẻ hơn, tuy nhiên IKEA đã tăng giá thành của nhiều sản phẩm DIY vì họ hiểu tâm lý muốn chính tay mình làm của khách hàng. Bạn có nhận thấy nghịch lý là sản phẩm đáng lẽ ra nên được bán rẻ hơn khi không phải tốn phí nhân công lắp ráp lại bị đẩy giá lên cao.
Tham khảo ý kiến của người khác
Đối với những sản phẩm có giá trị, bạn có thể tham khảo ý kiến của người khác. Hành động này sẽ giúp bạn có góc nhìn toàn diện hơn và thoát khỏi “bẫy” của các thương hiệu khi thổi phồng giá trị của sản phẩm.
So sánh với các lựa chọn khác
Khi có sự so sánh, bạn sẽ dễ dàng đánh giá khách quan hơn về giá cả, chất lượng của sản phẩm. Đồng thời cũng xem xét đến các yếu tố khác như thời gian, công sức…
Với cá nhân và công việc, tự tin là cần thiết tuy nhiên đừng tự tin “mù quáng”. Bạn nên phát triển khả năng tự nhận thức bản thân, tư duy mở, tinh thần học hỏi để tránh bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng IKEA là tự đánh giá cao thành quả của bản thân so với thực tế. Qua bài viết, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về hiệu ứng IKEA là gì và biết cách để không bị chi phối. Để tìm việc làm phù hợp, đừng quên truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!
Xem thêm: Trọn bộ câu hỏi phỏng vấn tester phổ biến dành cho nhà tuyển dụng