CMYK và RGB là 2 hệ màu thường gặp trong thiết kế và in ấn, tuy nhiên mỗi hệ màu sẽ mang đến sự hài hoà về màu sắc khác nhau cho chất lượng bản in. Vậy CMYK là gì? Điểm khác biệt giữa CMYK và RGB là gì? Làm thế nào chuyển hệ màu RGB sang CMYK? Mời bạn đọc cùng giải đáp các thắc mắc trên qua bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h!
Hệ màu CMYK là gì?
CMYK (đôi khi được gọi là YMCK) là cụm từ viết tắt của Cyan – Magenta – Yellow – Key, đây là hệ màu loại trừ được sử dụng trong quá trình in ấn.
CMYK là hệ màu mà các màu sắc kết hợp 4 màu sau đây:
C – Cyan: màu xanh lơ.
M – Magenta: màu hồng đậm.
Y – Yellow: màu vàng.
K – Key: màu đen.
Nhiều bạn sẽ thắc mắc vì sao màu đen không dùng chữ B – Black, tuy nhiên chữ B đã được dùng cho Blue trong hệ màu RGB (Red – màu đỏ, Green – màu xanh lá và Blue – màu xanh dương). Chữ K trong CMYK có nghĩa là Key, chỉ màu sắc then chốt được sử dụng để xác định kết quả hình ảnh. Hơn nữa, mực đen còn cung cấp độ sâu và bóng mờ, còn các màu khác sẽ tạo ra những màu khác nhau trên quang phổ tùy vào cách chúng được trộn lẫn. Hầu hết các loại máy in hiện nay đều sử dụng hệ màu CMYK để tạo nội dung in màu.
Xem thêm: Thôi đắn đo không có gì để mặc với bảng màu phối đồ chuẩn cho dân công sở
Đặc điểm của hệ màu CMYK là gì?
Cơ chế hoạt động của hệ màu CMYK là hấp thụ ánh sáng (hệ màu trừ). Hệ màu CMYK không có khả năng tự phát sáng, đây là hệ màu mà mắt người nhìn thấy được dựa vào sự phản xạ của ánh sáng.
Khi thay đổi màu CMYK thì không được tăng thêm ánh sáng mà màu CMYK sẽ loại bỏ ánh sáng từ ánh sáng gốc để thay đổi và trở thành các màu sắc khác nhau. Do đó, khi 3 màu Cyan – Magenta – Yellow kết hợp sẽ tạo ra Key (màu đen), bởi lúc này ánh sáng đã loại bỏ tất cả các màu.
- Xanh lơ (Cyan) + Hồng đậm (Magenta) = Xanh dương (Blue)
- Hồng đậm (Magenta) + Vàng (Yellow) = Đỏ (Red)
- Xanh lơ (Cyan) + Vàng (Yellow) = Xanh lá cây (Green)
- Xanh lơ (Cyan) + Hồng Đậm (Magenta) + Vàng (Yellow) = Đen (Black)
Hệ màu CMYK đã bổ sung màu đen then chốt (Key) vào bảng màu, giúp tăng độ đậm cho màu sắc. Nhờ đó, hệ màu CMYK không cần phải phối màu phức tạp như những hệ màu khác.
Cập nhật bảng màu CMYK chuẩn hiện nay
Điểm khác biệt giữa 2 hệ màu CMYK và RGB
1. Cơ chế màu
Nguyên lý của hệ màu RGB là phát xạ ánh sáng, đây là mô hình ánh sáng bổ sung, các màu được sinh ra từ 3 màu R – G – B sẽ sáng hơn màu gốc. Khác với CMYK là hệ màu trừ thì RGB là hệ màu cộng, sử dụng 3 màu là đỏ (R), xanh lá cây (G) và xanh dương (B) trên nền đen để tạo hiệu ứng.
Trong khi đó, các màu CMYK thường được thêm vào nền trắng nhằm loại bỏ các màu khác ra khỏi quang phổ hình ảnh.
2. Tính chất màu sắc
Hệ màu CMYK có phạm vi màu sắc hạn chế hơn so với RGB. Hệ màu RGB diễn đạt màu sắc sáng và bão hoà hơn so với hệ màu CMYK. Độ sáng của hệ màu CMYK còn phụ thuộc vào chất liệu và độ sáng của mặt nền được dùng để in. Do đó, khi sử dụng màu CMYK cần tính toán kỹ lưỡng để có được màu mong muốn.
3. Định dạng tệp
Các định dạng tệp phù hợp với hệ màu CMYK: AI, EPS, PDF,…
Các định tệp phù hợp với hệ màu RGB: JPEG, PNG, PSD, GIF,…
4. Tính ứng dụng
Khi trộn các màu CMYK theo tỉ lệ nhất định sẽ cho ra các màu khác nhau, phục vụ việc in ấn decal, catalogue, brochure, billboard,… do không có màu trắng (màu trắng đã có sẵn trên giấy in nên không cần phải thêm màu này).
Các mức ánh sáng của 3 màu R, G, B kết hợp với nhau để tạo thành hình ảnh xuất hiện trên các thiết bị điện tử như màn hình máy tính, TV, máy ảnh kỹ thuật số,… Hệ màu RGB được dùng để thiết kế các ấn phẩm truyền thông như banner fanpage, website, ảnh chạy quảng cáo,…
Lợi ích của hệ màu CMYK là gì?
Tăng độ tương phản, lấp lánh: CMYK là màu hấp thụ ánh sáng, tức là các màu sắc mới được phối thành mà mắt người nhìn thấy là do phản xạ ánh sáng (từ ánh nắng mặt trời, ánh đèn chiếu sáng…) chứ không phải màu sắc đó tự phát sáng. Chính đặc tính này của mã màu CMYK sẽ giúp bản in có độ lấp lánh và tương phản cao.
Tiết kiệm mực in: Thay vì phải phối 3 màu C – M – Y để có được màu đen thì màu đen then chốt (Key) đã được bổ sung trực tiếp vào bảng màu CMYK, nhờ đó tiết kiệm mực in hơn.
Hạn chế lệch hoặc sai màu: Bảng màu CMYK thường ghi nhận chính xác tỷ lệ phối hợp giữa các màu, nhờ đó, tạo nên màu mới đồng nhất.
Đồng nhất giữa mẫu thiết kế và sản phẩm: Sử dụng mã màu CMYK với thông số đồng nhất giữa máy tính và máy in, nhờ đó, mang đến chất lượng màu sắc trên thành phẩm phản ánh trung thực và chính xác.
Cách nhanh nhất chuyển hệ màu RGB sang CMYK là gì?
Để chuyển hệ màu RGB sang CMYK, các bạn mở phần mềm Photoshop và thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Mở file ảnh mà bạn muốn chuyển hệ màu RGB sang CMYK.
Bước 2: Vào menu Image >> Chọn Duplicate để nhân bản file ảnh mới.
Bước 3: Khi cửa sổ hiện ra, nhấn chọn OK. Màn hình sẽ hiển thị 1 file nhân bản khác, các thao tác tiếp theo sẽ được thực hiện trên file nhân bản này.
Bước 4: Di chuột lên thanh công cụ >> Nhấn chọn Edit >> Chọn Convert to Profile…
Bước 5: Khi xuất hiện hộp thoại trong mục Destination Space phần Profile chọn Custom CMYK…
Bước 6: Ở hộp thoại hiện ra, nhấn chọn OK.
Bước 7: Ở hộp thoại Custom CMYK, đặt lại các tùy chỉnh thông số để phù hợp với thiết kế:
- Ink Colors: Để Toyo Inks (Coasted Web Offset)
- Dot Gain: Để Standard 10%
- Black Ink Limit: Để 10%
Nhấn Ok sau khi thiết lập xong.
Bước 8: Nhấn OK ở hộp thoại Convert to Profile để hoàn tất thao tác.
File mà bạn chọn đã chuyển hệ màu RGB sang CMYK thành công.
Kết luận
Màu sắc là yếu tố quan trọng làm nên chất lượng và sự bắt mắt của bản in trong thiết kế và in ấn. Hơn nữa, việc phối màu là một khía cạnh rất quan trọng, đòi hỏi các nhà sản xuất, thiết kế,… phải thật kỹ lưỡng trong việc chọn lựa hệ màu in ấn đặc trưng. Hy vọng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h chia sẻ trên đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về hệ màu CMYK là gì, bảng màu CMYK chuẩn và chuyển hệ màu RGB sang CMYK ra làm sao.
Xem thêm: Integrity là gì? Tại sao nên xây dựng giá trị cốt lõi Integrity trong doanh nghiệp?