SMART được xem là “kim chỉ nam” dẫn dắt mỗi cá nhân, tổ chức chinh phục mục tiêu của mình. Thông qua phương pháp SMART, bạn có thể vạch ra mọi “đường đi nước bước”, xây dựng chiến lược cụ thể, rõ ràng để đạt được những mục tiêu ngắn và cả dài hạn. Vậy phương pháp SMART là gì? Ứng dụng phương pháp SMART vào công việc như thế nào thì hiệu quả?
Giới thiệu tổng quan về phương pháp SMART
Phương pháp SMART là gì?
SMART là một phương pháp được thiết kế nhằm hỗ trợ người dùng lập bản kế hoạch và vạch ra mục tiêu cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất. Chữ “SMART” là viết tắt của cụm từ: Specific (Cụ thể), Measurable (Có thể đo đạc), Achievable (Có thể đạt được), Relevant (Liên quan đến mục đích) và Time-bound (Có thời hạn).
Phương pháp này được khởi xướng bởi George T.Doran – một cố vấn viên của Công ty Điện nước Washington vào năm 1981. Trong bài viết của mình, George đã đề cập: “Có một giải pháp mang tên SMART được dùng để thiết lập các mục tiêu” (There’s a S.M.A.R.T way to write management goals and objectives).
Ban đầu, phương pháp SMART phục vụ chủ yếu cho các mục tiêu kinh doanh. Nhưng hiện tại, bất kỳ cá nhân hay nhà sáng tạo nào cũng có thể áp dụng mô hình này để thiết lập mục tiêu cho riêng mình. Dù là nhà lãnh đạo đứng đầu tổ chức hơn 500 người, một chủ cửa hàng nhỏ hay chỉ đơn thuần là người muốn tiết kiệm chi tiêu, bạn vẫn có thể sử dụng mô hình SMART hiệu quả. Nhìn chung, SMART chính là công cụ hữu hiệu giúp bạn thiết lập, hoạch định các mục tiêu có sẵn và chinh phục chúng dễ dàng hơn.
“Sự thật đằng sau” phương pháp SMART
SMART là một giải pháp chiến lược được tạo ra nhằm xác định rõ nét mục tiêu cá nhân, kế hoạch công việc. Mỗi chữ cái đại diện cho một yếu tố khác nhau. Dựa vào đó, bạn có thể hoạch định chiến lược chinh phục mục tiêu hiệu quả hơn.
Specific (Cụ thể)
Chữ cái đứng đầu trong giải pháp SMART là đại diện của từ Specific. Để tạo ra một mô hình SMART hoàn chỉnh, bước đầu tiên bạn cần làm là cụ thể hóa và mô tả chính xác mục tiêu của mình. Thông qua đó, bạn có thể xác định và đánh giá mức độ khả thi khi thực hiện một dự án hoặc nhiệm vụ nào đó.
Bước này nghe qua có vẻ đơn giản. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp vì không xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể nên đã dẫn đến thất bại. Ngược lại, hoạch định mục tiêu càng rõ ràng, chi tiết, bạn càng dễ đạt được nguyện vọng, mong muốn của mình.
Ví dụ: Tôi muốn tăng doanh thu bán hàng bằng cách tạo ra những sản phẩm chất lượng và giới thiệu chúng đến tay khách hàng.
Measurable (Đo lường)
Sau khi nhận định chính xác mục tiêu của mình, bạn cần đo lường chúng bằng những chỉ số cụ thể. Bước này giúp bạn định hình rõ cách thức thực hiện mục tiêu. Khi mục tiêu được chuyển hóa thành con số cụ thể, bạn có thể nhìn nhận bức tranh một cách toàn diện.
Ví dụ: Tôi chạy quảng cáo, đăng bài truyền thông trên Facebook và kết hợp với 1 KOLs để đưa sản phẩm tiếp cận với 10.000 khách hàng. Chiến lược này sẽ giúp tôi cải thiện 30% doanh thu sau 3 tháng.
Achievable (Có thể đạt được)
Không phải mục tiêu, dự định nào được đặt ra đều có thể hiện thực hóa. Vì vậy, khi áp dụng phương pháp SMART, ngoài việc định hướng, đo lường mục tiêu bằng số liệu cụ thể, bạn cũng cần xem xét tính khả thi và thực tiễn của chúng.
Trong bước này, bạn nên xác định 2 vấn đề sau một cách cẩn thận:
- Thời gian dự kiến có thể hoàn thành mục tiêu.
- Các yếu tố cần thiết để chinh phục mục tiêu của mình.
Triển khai một chiến lược tốt, đặt mục tiêu phù hợp trong khung thời gian cụ thể, bạn sẽ được tiếp thêm động lực, tăng sự tập trung và bứt phá khỏi mọi giới hạn để “chạm” đến thành công. Mục tiêu bạn đặt ra có thể to lớn nhưng không được viển vông, xa rời thực tế. Tốt nhất, bạn nên từng bước hoàn thành những mục tiêu nhỏ để tạo “bước đà” chinh phục các mục tiêu lớn hơn.
Để xác định tính khả thi của mục tiêu, bạn có thể viết một số câu hỏi sau và tự giải đáp:
- Liệu nguồn tài chính của mình có đủ để thực hiện mục tiêu không? Mình có thể làm gì để kiếm được khoản tiền lớn hơn biến mục tiêu thành sự thật? Cách này có rủi ro và mang lại hiệu quả tốt hơn không?
- Bản thân mình có đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chưa? Mình cần rèn luyện, học tập thêm những kỹ năng nào để mang đến hiệu quả tối ưu nhất?
- …
Relevant (Liên quan đến mục đích)
Relevant là những mục tiêu liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu hoặc sở thích cá nhân của bạn. Để xây dựng mô hình SMART bền vững hơn, bạn cần đảm bảo các mục tiêu mình đặt ra có liên quan đến giá trị hoặc sự phát triển của bản thân.
Trong công việc, bạn cần đảm bảo các mục tiêu cụ thể của mình liên quan đến lĩnh vực chuyên môn hoặc khả năng thăng tiến trong tương lai. Song, những mục tiêu này phải giải quyết được những vấn đề đang tồn đọng mà bạn gặp phải. Nếu đang làm việc trong môi trường tập thể, mục tiêu bạn đặt ra phải liên quan đến sự phát triển, tầm nhìn và định hướng của cả phòng ban hoặc toàn bộ doanh nghiệp.
Time-bound (Thời hạn)
Sau khi đặt ra mục tiêu, bạn không thể để mục tiêu của mình “nằm im bất động”. Việc bạn cần làm là xác định mục tiêu dài hay ngắn hạn. Từ đó, bạn có thể giới hạn mốc thời gian và thiết lập một lịch trình cụ thể để hoàn thành mục tiêu ấy.
Sự giới hạn về thời gian sẽ giúp bạn tạo ra động lực để cố gắng, nâng cao hiệu suất làm việc. Khi đối diện với deadline, bạn cũng dễ dàng sắp xếp công việc.
Nhờ vậy, tốc độ hoàn thành công việc của bạn sẽ rút ngắn hơn đáng kể. Quản lý thời gian là một phần quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thành mục tiêu. Dựa vào mô hình SMART, bạn có thể đo lường chính xác khoảng thời gian mình thực hiện mục tiêu trong bao lâu.
Vì sao nên ứng dụng phương pháp SMART trong công việc?
Cạnh tranh đã trở thành vấn đề tất yếu trong mọi lĩnh vực. Chính vì thế, việc ứng dụng phương pháp SMART để thiết lập mục tiêu sẽ giúp bạn nâng cao hiệu quả cạnh tranh, đo lường hiệu quả công việc tối ưu nhất.
Nhận định mục tiêu chính xác hơn
Sau khi kết thúc 1 tháng hoặc 1 quý, đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp sẽ bắt đầu triển khai những mục tiêu mới. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo cũng “rục rịch” xây dựng những mục tiêu cho tháng hoặc quý tiếp theo.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng cụ thể và hiện thực hóa được mục tiêu của mình. Khi ứng dụng phương pháp SMART, bạn có thể xác định mọi mục tiêu thông qua các chỉ số đo lường cụ thể. Nhờ đó, mọi thành viên trong doanh nghiệp có thể nhìn nhận được bức tranh tổng thể một cách rõ ràng
Tăng độ chính xác của mục tiêu
Phương pháp SMART cho phép bạn biết chính xác khi nào mình đạt được mục tiêu đã đặt ra. Từ những nguyên tắc SMART, bạn có thể loại bỏ các mục tiêu không phù hợp, thiếu tính khả thi.
Bên cạnh đó, mô hình SMART còn biểu thị rõ những cột mốc thời gian quan trọng để bạn không bỏ lỡ những nhiệm vụ cần thiết khi thực hiện mục tiêu. SMART là một phương pháp hữu ích trong việc xây dựng chiến lược, định hướng tầm nhìn và sứ mệnh chinh phục đỉnh cao thành công.
Dễ dàng quan sát tiến trình mục tiêu
Về cơ bản, SMART được đánh giá là mô hình khả thi và logic nhất để hoạch định mục tiêu cụ thể. Thông qua mô hình, bạn có theo dõi được tiến độ thực hiện mục tiêu của mình. Phương pháp SMART được ví như “chiếc la bàn” giúp bạn xác định đúng “đường đi nước bước”, tránh tình trạng lệch hướng với mục tiêu đã đề ra. Từ mô hình SMART, bạn có thể điều chỉnh lộ trình của mình sao cho hiệu quả nhất.
Nâng cao hiệu suất làm việc
Một lợi ích vượt trội khi áp dụng mô hình SMART là giúp bạn định hướng rõ ràng hơn trong công việc. Từ đó, bạn sẽ nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Không những thế, đặt mục tiêu theo mô hình SMART còn giúp chủ doanh nghiệp đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên tốt hơn.
Tạo nên sự đồng nhất cho tập thể
Theo mô hình SMART, cụ thể là yếu tố Relevant, mục tiêu của mỗi cá nhân luôn có sự liên quan nhất định với định hướng, tầm nhìn chung của toàn bộ phòng ban và cả doanh nghiệp. Điều này giúp tạo ra mối liên kết chặt chẽ và đồng bộ với mục tiêu chung của tập thể.
Khi mục tiêu của mỗi cá nhân có sự thống nhất với mục tiêu của doanh nghiệp sẽ góp phần tăng sức mạnh đoàn kết, giúp tập thể nhanh chóng chinh phục được sứ mệnh chung.
Ưu điểm và hạn chế của phương pháp SMART
Ưu điểm
- Giúp các mục tiêu trở nên rõ ràng, cụ thể, đơn giản hóa và dễ thực hiện hơn.
- Có thể kết hợp cùng lúc nhiều mục tiêu, kế hoạch với nhau.
- Thực hiện các mục tiêu nhanh chóng hơn, xác định cột mốc thời gian cụ thể
- Chia nhỏ các mục tiêu để thực hiện dễ dàng hơn.
- Dễ dàng phân cấp mục tiêu dựa trên các mức độ ưu tiên khác nhau.
Hạn chế
Bên cạnh những lợi ích vượt trội, phương pháp SMART cũng tồn đọng nhiều hạn chế nhất định. Vì vậy, bạn cần xem xét và lựa chọn cách thức áp dụng phương pháp này sao cho phù hợp.
- Thiếu tính linh hoạt trước biến động thị trường nên không phù hợp với những mục tiêu chiến lược hoặc dài hạn.
- Tính thúc giục và tạo cảm hứng để hành động không cao.
- Khiến người dùng hình thành hội chứng “nghiện thành tích” mà bỏ qua tính hiệu quả của công việc.
Ứng dụng phương pháp SMART trong công việc
Đối với quản lý/nhà lãnh đạo
Trong công việc, phương pháp SMART thường được ứng dụng trong “nghệ thuật” quản lý nhân sự. Mục tiêu của việc này là giúp quản lý/nhà lãnh đạo tìm ra giải pháp kiểm soát, quản lý quỹ thời gian của nhân viên hiệu quả hơn. Phương pháp SMART cho phép quản lý biết cách điều phối, tận dụng thời gian và phát huy tối đa năng lực của nhân viên.
Trên phương diện nhà lãnh đạo, mô hình SMART giúp họ cải thiện quy trình làm việc và hệ thống kinh doanh. Khi áp dụng phương pháp SMART, nhà lãnh đạo còn phân quyền cho đội ngũ nhân sự của mình một cách chủ động và hợp lý hơn.
Không chỉ giúp nhân viên giảm bớt gánh nặng công việc, thời gian, phương pháp SMART còn giúp nhà quản lý hỗ trợ nhân viên nhận định rõ định hướng, tầm nhìn chung của toàn bộ doanh nghiệp.
Đối với nhân viên
Áp dụng phương pháp SMART trong công việc giúp nhân viên xác định rõ mục tiêu cá nhân của mình. Từ đó, mỗi nhân viên có thể điều chỉnh nguyện vọng sao cho vừa phù hợp với bản thân, vừa thống nhất với con đường chung của doanh nghiệp.
Mô hình SMART còn cho phép nhân viên xác định năng lực làm việc của mình. Từ đó, mỗi cá nhân có thể xây dựng kế hoạch hành động, hiểu rõ bản thân mình cần làm gì, quản lý thời gian ra sao để đạt kết quả tốt nhất.
Kết luận
Phương pháp SMART là công cụ hữu ích giúp bạn chinh phục mục tiêu và chạm đến thành công nhanh chóng nhất. Bạn có thể vận dụng giải pháp này trong bất cứ lĩnh vực nào, từ kinh doanh đến cuộc sống hằng ngày.
Qua bài viết trên, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng bạn đã hiểu phương pháp SMART là gì cũng như những thông tin liên quan. Nếu mục tiêu hiện tại của bạn là kiếm được công việc ổn định, thu nhập đều, bạn có thể liên hệ trực tiếp với Việc Làm 24h, sau đó áp dụng phương pháp SMART phù hợp để cải thiện hiệu quả công việc.