Nếu được hỏi về nỗi sợ lớn nhất thì câu trả lời của bạn là gì? Trong nhiều cuộc khảo sát của các nhà tâm lý học, nói trước công chúng là nỗi sợ lớn nhất của nhiều người, thậm chí hơn cả nỗi sợ chết. Khoảng 77% dân số có nỗi sợ này. Có một thuật ngữ được dùng để mô tả về việc sợ hãi khi đứng trước đám đông, đó là “Glossophobia”. Vậy Glossophobia là gì, làm thế nào để đối phó với tình trạng “run như cầy sấy” khi phải trình bày ở nơi đông người? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá ở bài viết dưới đây.
Hiểu Glossophobia là gì?
Glossophobia bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, là kết hợp của từ “glossa” (cái lưỡi) và từ “phobos” (nỗi sợ). Thuật ngữ này đề cập đến trạng thái sợ hãi khi nói trước đám đông. Hầu hết chúng ta đều từng trải qua tình trạng này ở một vài thời điểm nào đó trong đời, chẳng hạn như phát biểu trước lớp khi còn đi học hay thuyết trình lúc ở giảng đường… Những người mắc Glossophobia thường không thể kiểm soát tâm trí và cực kỳ sợ hãi khi nói trước đám đông. Nỗi sợ này không chỉ được biểu hiện ở những buổi thuyết trình lớn mà còn ở quy mô nhỏ hơn như cuộc họp của công ty, thậm chí họp nhóm chưa đến chục người.
Vì vậy, Glossophobia thường gây ra những khó khăn trong việc giao tiếp bằng lời nói hoặc để trình bày ý tưởng, suy nghĩ. Từ đó sẽ cản trở khả năng học tập, làm việc hay thăng tiến của bất kỳ ai mắc phải hội chứng sợ đám đông.
Biểu hiện của Glossophobia là gì?
Những người mắc hội chứng sợ đám đông có thể gặp nhiều triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Họ cảm thấy sợ hãi trong những trường hợp buộc phải trình bày trước đám đông nhưng cũng có thể trải qua cảm giác lo lắng xã hội khác như né các buổi tiệc, tránh cuộc trò chuyện nhóm hay không ăn chung với người khác… Khi đối mặt với việc thuyết trình, nhiều người có phản ứng “bỏ chạy”. Đây là cách cơ thể tự vệ trước các mối đe dọa được nhận biết thông qua việc tăng adrenaline. Đặc biệt khi phát biểu trên sân khấu sẽ càng làm nỗi sợ tăng cao, khi đó nhiều người sẽ khoanh tay và bắt chéo chân như một cơ chế phòng vệ tự nhiên. Một số triệu chứng của Glossophobia có thể kể đến như:
Triệu chứng cơ thể
Những triệu chứng cơ thể phổ biến khi một người mắc hội chứng sợ đám đông như:
– Tim đập nhanh.
– Huyết áp tăng.
– Đồng tử giãn.
– Sợ hãi và run rẩy dữ dội.
– Đổ mồ hôi tay và trán.
– Buồn nôn.
– Khó thở.
– Chóng mặt.
– Căng cơ ở cổ và cơ lưng trên.
– Lo lắng, hoảng loạn.
– Thường xuyên muốn đi vệ sinh.
Biểu hiện qua giọng nói
– Giọng nói yếu ớt, ít năng lượng hơn bình thường.
– Giọng run do căng thẳng.
– Hay ngập ngừng.
– Nói lắp.
– Khô miệng.
Nguyên nhân gây là Glossophobia là gì?
Hội chứng sợ đám đông thường bắt đầu ở độ tuổi thiếu và có nhiều yếu tố gây ra:
1. Phản ứng tự nhiên của con người
Những phản ứng như chiến đấu hay bỏ chạy có nguồn gốc từ tổ tiên chúng ta, khi con người lo sợ bị động vật hoang dã hoặc các bộ lạc khác tấn công. Do đó, nếu một người cảm thấy việc tiếp xúc với nhiều người, nói chuyện trước đám đông là tình huống nguy hiểm thì họ sẽ nảy sinh cảm giác căng thẳng, lo lắng.
2. Trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ
Một trong những nguyên nhân chính của Glossophobia là trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ. Nếu một người từng gặp phải tình huống không mong muốn hoặc thậm chí là thất bại khi phải nói trước đám đông rất có thể sẽ để lại “di chứng” là nỗi sợ và căng thẳng khi đối mặt với tình huống tương tự sau này.
3. Thiếu tự tin
Tâm lý thiếu tự tin trong giao tiếp cũng là một yếu tố quan trọng gây ra hiệu ứng sợ đám đông. Tự ti về ngoại hình, không tự tin vào khả năng, sợ bị đánh giá… là những cảm xúc tiêu cực khiến một người xem việc đứng trước đám đông là nỗi ám ảnh khó vượt qua.
Xem thêm: Bạn là một cá thể đặc biệt, đừng thiếu tự tin vào chính mình!
4. Áp lực xã hội
Trong một số tình huống ở môi trường công sở, bạn phải đối mặt với kỳ vọng cao từ người khác. Cảm giác này khiến bạn cảm thấy áp lực và lo sợ không đáp ứng được mong đợi của tổ chức, dẫn đến sợ hãi thái quá trước đám đông.
Xem thêm: Hiệu ứng tâm lý đám đông là gì? Nguồn sức mạnh tích cực hay con dao hai lưỡi?
5. Vấn đề tâm lý
Một nguyên nhân khác có thể là các vấn đề tâm lý, bao gồm rối loạn lo lắng xã hội hoặc rối loạn lo lắng tổng quát. Những người mắc các chứng này thường gặp nhiều khó khăn trong việc đối mặt với các tình huống giao tiếp xã hội, làm tăng nguy cơ mắc hội chứng sợ đám đông.
Cách để vượt qua Glossophobia là gì?
Để vượt qua hội chứng sợ đám đông là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì cùng nỗ lực. Dưới đây là một số cách tham khảo để vượt qua Glossophobia và cải thiện kỹ năng giao tiếp trước đám đông:
1. Trị liệu tâm lý
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hội chứng sợ đám đông mà bạn có thể chọn những giải pháp khác nhau. Nếu cảm thấy mức độ sợ hãi của mình khá nghiêm trọng và liên quan đến những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, bạn có thể thử áp dụng phương pháp trị liệu tâm lý. Ví dụ, bạn phát hiện ra rằng bạn sợ bị chế giễu hơn là việc trình bày vì lúc còn nhỏ bạn từng bị người khác đem ra làm trò đùa. Do đó, bạn có thể tìm nhà trị liệu hoặc tự mình định hình lại suy nghĩ của mình.
Thay vì sợ “mọi người sẽ nghĩ tôi không có năng lực”, hãy tập trung vào suy nghĩ tích cực là “mọi người đều mong mình thành công”. Sau đó, nhắc nhở bản thân rằng bạn đã chuẩn bị rất kỹ càng và sẵn sàng để đứng trước đám đông.
Xem thêm: Mental health là gì? 4 cách chăm sóc sức khỏe tinh thần hiệu quả cho nhân viên
2. Cách tự tin để vượt qua nỗi sợ glossophobia là gì?
Dù đối phó với nỗi sợ nói trước công chúng không hề dễ dàng nhưng vẫn có nhiều cách để khắc phục. Dưới đây là một số cách tự tin trước đám đông mà bạn có thể áp dụng:
– Chuẩn bị kỹ lưỡng: điều này không chỉ bao gồm việc nắm vững thông tin của chủ đề thuyết trình mà còn liên quan đến trang phục, vẻ ngoài, không gian của buổi thuyết trình, thiết bị hỗ trợ. Đồng thời bạn cũng nên luyện tập trước cho đến khi cảm thấy thực sự hài lòng. Khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn sẽ được tiếp thêm sự tự tin vì mình đang nắm trong tay quyền kiểm soát mọi thứ.
– Giao tiếp với người nghe: khi đứng trước đám đông, việc duy trì kỹ năng giao tiếp bằng mắt rất quan trọng vì làm cho người nghe cảm thấy họ không chỉ là khán giả mà còn là phần quan trọng của buổi trình bày. Đồng thời nên kết hợp với giọng điệu, tốc độ, âm lượng linh hoạt để thu hút hơn.
– Suy nghĩ tích cực: thay vì tập trung vào nỗi sợ bạn hãy chuyển trọng tâm vào những điều tích cực, thành công và trải nghiệm hữu ích mỗi khi đứng trước đám đông. Khi bạn tập trung vào những điều tốt đẹp, sự tự tin sẽ tự nhiên nảy sinh, giúp bạn mạnh mẽ đối diện và đánh bại nỗi sợ.
– Thở sâu trước khi trình bày hoặc lo lắng: hành động này không chỉ giảm căng thẳng mà còn giúp bạn giữ tinh thần thoải mái và tập trung hơn. Đây là hai yếu tố quan trọng để tăng cường sự tự tin, quyết định sự thành bại của buổi thuyết trình.
Xem thêm: Bí quyết rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông thu hút, thuyết phục
Tạm kết
Nếu cảm thấy tiêu cực khi mắc hội chứng sợ đám đông thì bạn nên biết rằng nhiều người nổi tiếng cũng đã từng như vậy. Chẳng hạn như Tổng thống Abraham Lincoln, nhà tâm lý học nổi tiếng Sigmund Freud, vị lãnh tụ tinh thần vĩ đại của Ấn Độ Gandhi… Sự tự tin khi đứng trước đám đông không đến từ sự hoàn hảo mà là khả năng chấp nhận chính mình và tập trung cải thiện từng ngày. Với bài viết trên, Việc Làm 24h hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về Glossophobia là gì và biết cách vượt qua nỗi sợ để tự tin hơn.
Xem thêm: Silent Treatment: Dày vò tinh thần người khác bằng sự im lặng