Đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt từ phía thị trường và nhu cầu ngày càng cao từ phía người tiêu dùng, Hyper Personalization – siêu cá nhân hóa đang trở thành xu hướng quảng cáo được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá Hyper Personalization là gì và cách tối ưu Hyper Personalization qua bài viết dưới đây nhé!
Hyper Personalization là gì?
Hyper Personalization là siêu cá nhân hóa, đây là phiên bản nâng cấp của Personalization (cá nhân hoá). Trong đó, thương hiệu sẽ tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu thời gian thực (real-time data) để tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa tối đa cho từng khách hàng. Mục đích của siêu cá nhân hoá là cung cấp thông tin và mang đến những sản phẩm/dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu, sở thích và mong muốn của khách hàng.
Khác biệt giữa Personalization và Hyper-Personalization
Personalization (cá nhân hoá) là việc tích hợp thông tin cá nhân và thông tin giao dịch mang tính “tĩnh” như tên, chức danh, lịch sử mua hàng,… vào quá trình bán hàng. Chẳng hạn, khi là khách quen của một cửa hàng đồ uống, nhân viên pha chế dễ dàng nhận ra và đề xuất món yêu thích của bạn trước khi bạn gọi món.
Phiên bản nâng cấp Hyper Personalization sử dụng dữ liệu hành vi và thời gian thực nhằm tạo ra giao tiếp ngữ cảnh cao, đáp ứng tính linh hoạt đối với từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn, gửi email cho khách hàng với họ tên đầy đủ là hình thức điển hình về cá nhân hóa. Dù tạo nên sự gần gũi và mang lại hiệu quả nhất định, tuy nhiên chiến lược này vẫn chưa đủ thu hút khách hàng. Trong khi đó, nếu áp dụng phương pháp siêu cá nhân hóa, doanh nghiệp sẽ nhận ra những cải thiện rõ rệt.
Khách hàng A thường xuyên mua sắm trên sàn thương mại điện tử. Thông qua theo dõi hành vi mua sắm của A, thương hiệu B phân tích được rằng A đang tìm mua một đôi giày thể thao màu xanh, khung giờ mua sắm từ 6-9 giờ tối và có sở thích mua hàng giảm giá. Dựa vào đó, thương hiệu B gửi một thông báo đẩy trên ứng dụng về Flash Sale đặc biệt dành cho bộ sưu tập giày thể thao của hãng. Chương trình giảm giá chỉ áp dụng cho các đôi giày màu xanh trong khung giờ từ 6-9 giờ tối.
Hyper Personalization mang lại hiệu quả tuyệt vời khi thương hiệu hiểu rõ đối tượng khách hàng. Việc sử dụng các công cụ siêu cá nhân hóa cho phép thương hiệu tận dụng dữ liệu khách hàng và thực hiện các thông điệp tiếp thị dựa theo ngữ cảnh lý tưởng.
Vì sao nói Hyper-Personalization là tương lai của ngành quảng cáo?
Tại sao siêu cá nhân hóa lại quan trọng đối với chiến lược tiếp thị? Câu trả lời khá đơn giản, vì khách hàng luôn muốn trở nên đặc biệt. Đại dịch COVID đã góp phần vào sự phát triển của siêu cá nhân hóa khi khách hàng chuyển sang mua sắm trực tuyến. Theo phân tích của Deloitte, 80% người tiêu dùng có khả năng mua sắm từ thương hiệu mang đến trải nghiệm cá nhân hóa dựa theo sở thích cá nhân. Đồng thời, 69% người tiêu dùng có thói quen mua sắm trực tuyến đánh giá cao chất lượng thông điệp tiếp thị tác động đến nhận thức của họ về thương hiệu.
Các chiến lược siêu cá nhân hoá vượt xa các chiến lược cá nhân hóa ở cách gợi ý sản phẩm đúng sở thích khách hàng. Hyper Personalization đạt được điều này thông qua khai thác dữ liệu và kỹ thuật phân tích để theo dõi trải nghiệm khách hàng. Không chỉ mang đến sản phẩm/dịch vụ đáp ứng sở thích cá nhân của khách hàng, siêu cá nhân hoá còn ghi điểm ở cách doanh nghiệp thiết lập mối liên kết bền chặt với khách hàng, khiến khách hàng cảm thấy được quan tâm và tôn trọng.
Theo Deloitte, Hyper Personalization đã giải quyết các vấn đề:
- Tăng hiệu quả tiếp thị: Hyper Personalization xác định đối tượng khách hàng chính xác dựa trên dữ liệu về sở thích, hành vi, lịch sử mua hàng,…
- Thúc đẩy khả năng tương tác: Càng siêu cá nhân hoá, doanh nghiệp càng hiểu nội dung phù hợp với đối tượng mục tiêu. Nhờ đó, tăng khả năng tương tác với thông điệp quảng cáo và đảm bảo thương hiệu xuất hiện nhất quán trên các phương tiện truyền thông.
- Tăng khả năng chuyển đổi: Hyper Personalization có thể đề xuất các sản phẩm/dịch vụ mà người dùng quan tâm dựa trên cơ sở dữ liệu được thu thập.
- Tối ưu chiến lược nội dung: Hyper Personalization cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược nội dung đa kênh, đáp ứng theo nhu cầu linh hoạt của khách hàng.
- Tạo lợi thế cạnh tranh: Các thương hiệu sử dụng chiến lược siêu cá nhân hoá thường tận dụng cơ sở dữ liệu tối ưu hơn.
- Giảm chi phí, tăng lợi nhuận: Hyper Personalization giúp doanh nghiệp thiết kế nền tảng tiếp thị tối ưu, nhờ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Hyper Personalization xuất hiện trong các giai đoạn nào?
Khám phá và tìm kiếm: Dựa trên lịch sử tìm kiếm của người dùng, Hyper Personalization sẽ đề xuất nội dung và tùy chỉnh quảng cáo phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Đồng thời, gợi ý sản phẩm/dịch vụ liên quan dựa trên dữ liệu người dùng tìm kiếm trước đó,…
Quyết định mua hàng:
- Các chương trình giảm giá, ưu đãi đặc biệt cho các sản phẩm/dịch vụ mà người dùng đặc biệt quan tâm.
- Thông báo flash sale dựa trên thông tin về thời gian mua sắm yêu thích của người dùng.
- Bán hàng đa kênh bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu và công nghệ AI để nhận biết và kết nối khách hàng trực tuyến và ngoại tuyến.
- Sử dụng chatbot để trả lời khách hàng.
Trải nghiệm mua hàng: Dựa trên địa chỉ người dùng và lịch sử mua sắm, Hyper Personalization đề xuất cho khách hàng tùy chọn thanh toán và giao hàng thuận tiện nhất. Bên cạnh đó, siêu cá nhân hoá còn giúp doanh nghiệp thiết lập các hướng dẫn sử dụng tương thích để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.
Dịch vụ hậu mãi: Dựa trên lịch sử mua hàng, Hyper Personalization gợi ý các sản phẩm, phụ kiện hoặc dịch vụ bổ sung mà khách hàng có thể quan tâm. Đồng thời, tối ưu hóa các hình thức hỗ trợ khách hàng, bao gồm chatbot, email, thông báo đẩy,…
Xây dựng mối quan hệ dài hạn với khách hàng: Thiết lập tương tác giữa các lần mua hàng để duy trì sự quan tâm. Doanh nghiệp có thể thông báo về các sự kiện, sản phẩm mới ra mắt, chương trình tri ân,…
6 bước triển khai Hyper Personalization hiệu quả
Bước 1: Xác định mục tiêu và đối tượng
Trước tiên, doanh nghiệp nên xác định mục tiêu chiến dịch Hyper Personalization rõ ràng. Bạn muốn tăng tương tác, xây dựng mối quan hệ mật thiết với khách hàng hay tăng tỷ lệ chuyển đổi? Xác định đối tượng mục tiêu là bước không thể thiếu, doanh nghiệp muốn nhắm đến toàn bộ khách hàng hay chỉ một nhóm khách hàng nhất định có cùng đặc điểm về sở thích, lịch sử mua sắm,…
Bước 2: Thu thập dữ liệu
Có nhiều nguồn dữ liệu khác nhau mà doanh nghiệp có thể thu thập. Dưới đây là 3 loại dữ liệu phổ biến mà doanh nghiệp có thể tận dụng cho chiến dịch siêu cá nhân hoá:
Dữ liệu định lượng
- Hoạt động trên trang web: Thông tin đăng ký của khách hàng, lượt xem, lượt truy cập,…
- Hoạt động trên mạng xã hội: Hồ sơ khách hàng trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok,… Cùng với đó là khách hàng theo dõi, thích, chia sẻ, bình luận những nội dung gì.
- Dịch vụ chăm sóc khách hàng: Thông tin khách hàng khi liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng trước đó. Họ đang cần tư vấn hoặc giải đáp thắc mắc gì về sản phẩm/dịch vụ? Họ có gặp khó khăn gì khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ không? Họ đã gửi khiếu nại như thế nào?
Dữ liệu định tính: Dữ liệu này thường được thu thập từ các cuộc khảo sát, nhằm tìm hiểu suy nghĩ, thái độ và hành vi khách hàng đối với sản phẩm/dịch vụ. Doanh nghiệp có thể sử dụng loại dữ liệu này để xác định tỷ lệ mua lại của khách hàng và liệu có điều gì đang ngăn cản họ tiếp tục mua hàng hay không.
Dữ liệu mô tả: Đây là dữ liệu cho bạn biết nhiều điều về khách hàng.
- Nghề nghiệp: Họ làm việc trong lĩnh vực gì, vai trò công việc ra sao.
- Thói quen: Họ có thói quen lướt web vào ban đêm không? Họ sử dụng thiết bị gì? Họ có hoàn tất việc mua hàng trong một lần không hay chỉ thêm vào giỏ hàng?
- Thông tin về cuộc sống cá nhân: Họ sống ở nhà/căn hộ/chung cư? Họ có lái ô tô không? Họ có nuôi thú cưng không? Họ đã kết hôn chưa?… Dựa vào đó, doanh nghiệp có thể xác định những thương hiệu, kiểu dáng, màu sắc,… mà khách hàng thường ưu tiên lựa chọn.
Lưu ý: Doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ phù hợp để thu thập dữ liệu tự động hóa (cookie) và theo dõi các hoạt động của người dùng. Sử dụng Google Analytics, gửi bảng khảo sát hoặc thiết kế các kế hoạch tương tác đa kênh để đặt những câu hỏi quan trọng xây dựng hồ sơ khách hàng,…
Bước 3: Xây dựng hồ sơ khách hàng
Phân tích và xây dựng hồ sơ khách hàng càng chi tiết, doanh nghiệp càng tác động sâu sắc đến nhu cầu, nguyện vọng khách hàng. Đó có thể là thông tin về vị trí địa lý, sở thích, thói quen mua sắm,… hay bất kỳ dữ liệu ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng. Sau đó, doanh nghiệp có thể phân loại nhóm khách hàng dựa vào các đặc điểm chung này.
Bước 4: Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI)
Các thuật toán được hỗ trợ bởi AI và mô hình học máy (ML) có thể phân tích một lượng lớn dữ liệu khách hàng. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hành vi, sở thích và thói quen mua hàng ở các cấp độ chuyên sâu. Công nghệ AI và thuật toán ML cho phép doanh nghiệp dự đoán nhu cầu, hành vi khách hàng và chủ động đưa ra các gợi ý vào đúng thời điểm.
Bên cạnh đó, công nghệ AI cho phép siêu cá nhân hóa theo thời gian thực bằng cách điều chỉnh linh hoạt các thông điệp và nội dung tiếp thị dựa trên tương tác của từng khách hàng. Bằng cách phân tích dữ liệu khách hàng theo thời gian thực (real-time data), thuật toán AI có thể đưa ra các đề xuất sản phẩm/dịch vụ và ưu đãi phù hợp với sở thích và nhu cầu riêng của từng khách hàng.
Bước 5: Thiết lập chiến lược siêu cá nhân hoá
Dựa trên hồ sơ khách hàng, đã đến lúc doanh nghiệp tiến hành chiến dịch siêu cá nhân hóa. Doanh nghiệp cần sử dụng nhiều kênh khác nhau để điều chỉnh hành vi giữa các nền tảng và tạo mối quan hệ trực tiếp với khách hàng. Đó có thể là gửi email được tùy chỉnh theo từng khách hàng cụ thể, triển khai quảng cáo trực tuyến dựa trên sở thích và lịch sử tìm kiếm của khách hàng, sử dụng thông báo đẩy trên ứng dụng di động,… Doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ quản lý chiến dịch để tối ưu quá trình triển khai và theo dõi hiệu suất.
Ghi nhớ rằng, siêu cá nhân hóa không chỉ là đưa nội dung phù hợp đến đúng đối tượng khách hàng mà còn là thực hiện nội dung đó vào đúng thời điểm. Khi triển khai AI trong tiếp thị, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định bảo mật dữ liệu và thiết lập chính sách sử dụng dữ liệu minh bạch với sự đồng ý của khách hàng.
Bước 6: Tối ưu hoá liên tục
Nhu cầu siêu cá nhân hóa xuất phát từ thực tế là các đối thủ cạnh tranh của bạn có thể đã sử dụng AI để tăng doanh số bán hàng và kích thích sự quan tâm của khách hàng. Do đó, nếu muốn xây dựng hệ thống siêu cá nhân hoá mạnh mẽ và dẫn đầu cuộc chơi, bạn cần điều chỉnh và tối ưu chiến dịch tiếp thị liên tục.
Hãy thực hiện các chiến dịch thử nghiệm và sử dụng các công cụ, phần mềm khảo sát để thu thập phản hồi người dùng và đánh giá hiệu suất chiến dịch. Dựa trên những phản hồi và dữ liệu thu thập được, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy tương tác hiệu quả trong quá trình tiếp thị.
Dưới đây là ví dụ triển khai chiến lược Hyper Personalization:
Kích hoạt (Trigger): Khách hàng thêm sản phẩm vào giỏ hàng nhưng không hoàn thành quá trình mua hàng. Giai đoạn này được gọi là giỏ hàng bị bỏ qua.
Thuộc tính người dùng (User Attribute):
- Tên người dùng: Được sử dụng để tạo nội dung cá nhân hóa.
- Trạng thái thành viên: Có thể cung cấp các ưu đãi đặc biệt nếu người dùng là thành viên cao cấp.
- Phương tiện nhắn tin được ưu tiên: Sử dụng kênh giao tiếp phù hợp với khách hàng, có thể là email, tin nhắn ứng dụng, thông báo đẩy,…
Thuộc tính hành vi (Behavior Attribute): Hiển thị các sản phẩm mà người dùng đã xem trước đó để tăng khả năng quay lại và hoàn tất mua hàng.
Dữ liệu mua hàng trước đó (Past Purchase Data):
- Phiếu giảm giá đã áp dụng: Tận dụng lịch sử người dùng sử dụng các mã giảm giá.
- Thiết bị đã sử dụng để mua hàng: Liên tục tối ưu trải nghiệm các thiết bị mà khách hàng thường xuyên sử dụng, chẳng hạn như điện thoại, ipad, laptop,…
- Thời điểm mua hàng yêu thích: Thiết lập thời gian chiến dịch vào thời điểm mà khách hàng thường xuyên mua sắm.
Doanh nghiệp có thể tận dụng những dữ kiện này để tạo ra thông điệp cá nhân hoá và ưu đãi đặc biệt để kích thích sự quan tâm, thúc đẩy khách hàng hoàn tất giao dịch.
Kết luận
Trong cuộc chiến khắc nghiệt giữa các thương hiệu, Hyper Personalization chính là vũ khí tiếp thị quyết định sự thành công của những tên tuổi đứng đầu thị trường hiện nay. Nhìn chung, việc đặt khách hàng vào trung tâm và tạo ra trải nghiệm siêu cá nhân hóa không chỉ thu hút sự chú ý của khách hàng mà còn xây dựng mối quan hệ bền vững. Hy vọng những thông tin mà Vieclam24h.vn chia sẻ đã giúp bạn có góc nhìn tổng quan về Hyper Personalization.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV thực tập hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Ngành quảng cáo học trường nào, mức lương khi đi làm có cao không?