Chọn nghề hot hay lương cao? Chọn nghề dễ làm hay theo đuổi đam mê? Mô hình cây nghề nghiệp là một trong những phương pháp định hướng hữu ích thông qua mối tương quan giữa sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Bạn sắp tốt nghiệp? Bạn sắp chuyển việc? Tham khảo ngay mô hình này qua bài viết sau của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h nhé.
Cây nghề nghiệp là gì?
Mô hình cây nghề nghiệp được giới thiệu bởi Phoenix Ho – một chuyên gia tư vấn hướng nghiệp – từ năm 2011. Đây là mô hình lý thuyết mô tả sự liên quan giữa tính cách cá nhân, đặc điểm nghề nghiệp và giá trị của một người với khả năng sự nghiệp của họ.
Cây nghề nghiệp bao gồm “gốc rễ” và “thân lá”. Trong đó: gốc rễ chính là đặc điểm bản thân cần hiểu rõ trước khi chọn nghề. Gốc rễ tốt là nền tảng vững vàng để tìm công việc ước mơ – chính là phần thân lá. Quả ngọt chính là những thành tựu khiến bạn hài lòng như: mức lương cao, môi trường làm việc ưng ý, nhận được sự tôn trọng từ mọi người…
Cây nghề nghiệp giúp khám phá bản thân và công việc tương lai như thế nào?
Mô hình lý thuyết cây nghề nghiệp nói rằng: hiểu và dung hoà được bản thân với môi trường làm việc là cách để bạn có được công việc mơ ước.
Bạn cần tự nhận thức bản thân theo 4 yếu tố: sở thích, cá tính, khả năng, giá trị. Đây cũng là 4 yếu tố gốc rễ quan trọng sẽ nuôi dưỡng con đường sự nghiệp lâu dài trong tương lai.
Sở thích
Sở thích là những điều bạn có thể làm hoài không chán. Đôi khi, sở thích xuất phát từ những mong ước thuở ấu thơ. Môi trường và công việc có nhiều điểm nằm trong sở thích sẽ đem tới cho bạn cảm giác hứng thú hơn.
Cá tính
Cá tính thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: gia đình, giáo dục, môi trường sống… Ví dụ: có người ưa thử thách và thích chinh phục những nhiệm vụ mới; có người lại thấy hạnh phúc với một công việc an nhàn; có người thích những việc đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới liên tục; trong khi những người khác lại thoải mái nếu công việc có sự lặp đi lặp lại.
Hiểu rõ cá tính của bản thân sẽ giúp bạn biết mình phù hợp với môi trường làm việc như thế nào? Tính chất của nghề nghiệp hay văn hoá công ty nào là phù hợp? Từ đó, bạn tìm được môi trường làm việc thoải mái nhất, giúp tăng sự gắn bó, phát huy sức sáng tạo.
Khả năng
Đây là khái niệm chỉ năng lực thực hiện một điều gì đó của bạn tốt hơn những người khác. Ví dụ: khả năng nhạy bén với các con số, tính toán nhanh; khả năng cảm nhận cảm xúc của người khác; khả năng lãnh đạo nhóm; khả năng kiểm soát, đánh giá tình hình và phản ứng nhanh nhạy…
Hãy nhớ lại những điều gì bạn thực sự làm tốt trong quá khứ và luôn được người khác tín nhiệm, tin tưởng giao cho.
Ngoài ra, bạn không giỏi ở lĩnh vực nào? Những nhiệm vụ nào thường khiến bạn sợ hãi?
Chinh phục cả những điều làm tốt và những điều chưa tốt sẽ giúp bạn cải thiện khả năng hiệu quả.
Giá trị
Giá trị ở đây gồm giá trị sống và giá trị nghề nghiệp. Các giá trị này được hình thành từ nhiều yếu tố mang tính cá nhân, niềm tin hay quan điểm sống. Ví dụ: có người đề cao sự tử tế và giúp đỡ cộng đồng; có người muốn tập trung kiếm nhiều tiền để chăm sóc cho gia đình; lại có người muốn công việc trên đỉnh cao danh vọng…
Qua thời gian, bạn có thể kiểm chứng giá trị sống hay giá trị nghề nghiệp bằng cách ghi lại những điều khiến bản thân hạnh phúc mỗi ngày.
Có một thực tế là các giá trị nghề nghiệp hay giá trị sống sẽ thay đổi qua thời gian, theo từng giai đoạn cuộc đời. Sự phù hợp giữa công việc và các giá trị này như một ngọn lửa ngầm giúp bạn có thêm động lực đi làm. Giá trị cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định một người sẽ rời đi hay ở lại nơi làm việc.
Mô hình cây nghề nghiệp chỉ ra rằng rằng: khi bạn theo đuổi một sự nghiệp với gốc rễ vững chãi, thân lá sẽ phát triển xanh tươi và mang đến nhiều quả ngọt xứng đáng.
Một công việc hot, thu nhập cao, danh tiếng… là những “thân lá” hào nhoáng bên ngoài mà nhiều người thường nhìn thấy ở người khác rồi bắt chước theo. Thực chất, đó chỉ là phần ngọn của một công việc mà ai cũng thèm muốn.
Bạn không nhìn thấy: để đổi lại công việc lương cao là tính thử thách cao, một công việc hot có cái giá là sự cạnh tranh, đánh đổi của danh tiếng tốt là những tháng năm kiên trì rèn luyện miệt mài.
Giá trị đích thực kiến tạo nên trái ngọt phải nằm ở phần gốc rễ. Đó là sự phù hợp với chính bản thân mỗi người. Một “chiếc áo” không vừa ngay từ đầu sẽ không thể nào giúp bạn hạnh phúc hay có con đường phát triển đúng đắn. Chìa khoá là hãy phản tỉnh, thấu hiểu bản thân trước khi bắt tay tìm kiếm công việc trong mơ.
Cách vẽ cây nghề nghiệp
Hẳn bạn đã hiểu được cây nghề nghiệp là gì. Mô hình này gồm như hai bước: hiểu mình và hiểu công việc để đưa ra lựa chọn nghề nghiệp chuẩn xác nhất.
Bước 1: Hiểu mình
Để hiểu mình, bạn cần bỏ thời gian suy ngẫm, thậm chí tự đánh giá nhiều lần để xác định đúng những giá trị gốc rễ của bản thân. Hỗ trợ cho quá trình này, bạn có thể sử dụng bộ câu hỏi sau:
- Tìm hiểu sở thích:
+ Hồi nhỏ bạn thích điều gì?
+ Những sở thích nào khi lớn lên bị mất đi? Mất đi khi nào? Vì sao?
+ Thời gian rảnh rỗi bạn thích làm gì?
+ Những lúc căng thẳng bạn thích làm gì?
+ Những khoảnh khắc nào / làm việc gì khiến bạn thấy hạnh phúc và quên mất thời gian đang trôi đi?
- Xác định khả năng:
+ Bạn nghĩ bản thân mình có khả năng ở những lĩnh vực nào?
+ Bạn tự tin nhất khi tham gia hoạt động nào?
+ Người khác (bạn bè, người thân, đồng nghiệp, thầy cô) thường khen điều gì ở bạn?
+ Khi đi học, bạn thấy bản thân giỏi môn nào? Môn học đó đòi hỏi những kỹ năng hay năng lực tư duy nào?
- Phân loại cá tính:
+ Bạn thích ở một mình hay thích đám đông?
+ Bạn thường nhìn sự việc ở những góc chi tiết hay tổng thể?
+ Bạn thường ra quyết định bằng tình cảm hay lý trí?
+ Bạn có đúng giờ và ngăn nắp không?
+ Bạn có bao giờ bị than phiền về tính hay quên hay sự bừa bộn không?
Xem thêm: Top bài trắc nghiệm tính cách miễn phí, tham khảo ngay để lựa chọn nghề nghiệp
- Giá trị nghề nghiệp:
+ Những điều gì khiến bạn thấy hạnh phúc trong cuộc sống?
+ Điều gì bạn cho là quan trọng nhất?
+ Nghĩ về 3 người mà bạn kính trọng nhất, phẩm chất nào khiến bạn tôn trọng họ?
+ Bạn định nghĩa thế nào về một công việc lý tưởng?
+ Bạn định nghĩa ra sao về một công việc hạnh phúc?
Bên cạnh việc tự đặt câu hỏi và tự trả lời, bạn có thể dùng thêm các bài trắc nghiệm về tính cách như MBTI, sử dụng phân tích sinh trắc vân tay… để hiểu rõ hơn về bản thân.
Bước 2: Hiểu công việc
Từ việc hiểu bản thân, bạn lựa chọn ra những lĩnh vực quan tâm. Kế tiếp, bạn phân tích để xác định nghề nghiệp tiềm năng phù hợp với cả các giá trị gốc và giá trị ngọn mong muốn từ công việc này.
Để hiểu được công việc tương lai, bạn cần có sự chuẩn bị và thu thập rất nhiều thông tin. Ví dụ như: tìm hiểu tin tuyển dụng cho vị trí cụ thể để biết doanh nghiệp cần gì về kỹ năng và kinh nghiệm; tham gia các hội thảo về nghề để hiểu được công việc trong môi trường thực tế; đọc các chia sẻ từ người trong nghề, hỏi ý kiến từ những người đi trước; tham vấn với chuyên gia trong ngành, thậm chí là tìm kiếm mentor giúp đỡ…
Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu thêm thị trường lao động. Giả sử, bạn muốn tìm việc mới vào tháng 5 năm sau. Thời điểm đó, công việc bạn đang quan tâm có sự thay đổi nào không, mức độ cạnh tranh như thế nào, chuẩn bị ra sao để ứng tuyển thành công?
Mẫu cây nghề nghiệp
Để hiểu hơn về cách làm cây nghề nghiệp, bạn có thể tham khảo một ví dụ sau.
Một bạn nữ, sinh năm 1994, học quản trị kinh doanh tại trường Đại học Kinh tế, có kinh nghiệm 2 năm học trao đổi tại nước ngoài. Hiện nay, bạn làm Sale Support (nhiệm vụ hỗ trợ đơn hàng) cho một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Mức lương net là khoảng 22 triệu đồng/tháng.
Tâm sự của bạn là không biết bản thân thích gì. Công việc hiện tại đôi khi mang lại niềm vui nhưng lặp đi lặp mỗi ngày, không có khả năng thăng tiến, mức nâng lương cũng tương đối chậm. Nhìn bạn bè có việc làm theo đúng đam mê, đôi khi thấy ghen tỵ. Bạn có nên tìm kiếm công việc khác?
Ở mặt gốc rễ, đầu tiên, bạn nữ cần tự hỏi lại bản thân để xác định cá tính, khả năng, giá trị, sở thích:
- Sở thích, cá tính: Không có đam mê đặc biệt nào, tính nóng vội, đôi khi hơi thiếu kiên nhẫn, thích làm việc với quy mô nhỏ hơn là nhóm lớn, hướng nội, thích sự chuyên nghiệp, làm việc với con người nhưng ở mức giao tiếp 1-1 hoặc nhóm nhỏ; thích môi trường văn hóa cởi mở, đồng nghiệp thân thiết – dễ giao tiếp, có thể chịu áp lực nhưng chỉ vài ngày trong tháng, không thích sự cạnh tranh …
- Khả năng: Làm việc với con số tốt, điều phối và kiểm soát tình huống nhanh nhẹn, sử dụng ngoại ngữ thành thạo…
- Giá trị nghề nghiệp: công việc giúp mang lại thu nhập ổn định và đều đặn, mức lương đủ để trang trải cá nhân và chăm sóc người thân, thi thoảng đi du lịch hoặc mua sắm những món đồ yêu thích, công việc không quá áp lực hay bận rộn đủ có thời gian làm đẹp, chăm sóc bản thân; không quá chênh lệch về tuổi tác của các thành viên trong team, phúc lợi công ty tốt…
- Thị trường lao động hiện nay: những công việc khác đòi hỏi bạn phải học thêm các kỹ năng hoàn toàn mới, chuyển việc kinh nghiệm nhảy về con số 0 nên sẽ khó nhận được mức lương tốt như hiện tại, nếu chuyển việc còn có thể gặp rủi ro về môi trường làm việc khó hoà nhập …
Cần phân tích thêm 1 bước là đánh giá công việc hiện tại: công việc đó phù hợp với những giá trị gốc rễ nào của bạn và đang đáp ứng bao nhiêu giá trị ngọn bạn kỳ vọng cho công việc trong mơ? Và quan trọng nhất: Có thực sự cần thiết chuyển việc hay không? Chỉ khi có được bức tranh toàn cảnh này, bạn mới đánh giá cụ thể cũng như quyết định phù hợp nhất.
Lưu ý khi xây dựng cây nghề nghiệp
Sau đây là một số lưu ý khi sử dụng phương pháp này:
- Không chạy theo nghề hot: Bởi thị trường lao động thay đổi theo tình hình xã hội, nghề hot cũng thay đổi theo thời gian. Nghề tốt nhất vẫn là nghề phù hợp nhất với bạn.
- Đừng chăm chăm nghe lời người khác hay tin tưởng tuyệt đối mọi lời chỉ dẫn: Bạn là người hiểu mình nhất và cũng chính bản thân bạn là người dấn thân trong công việc sau này – phù hợp hay không, đúng kỳ vọng hay không, vui hay khổ vì công việc chỉ có bản thân bạn trải qua. Ý kiến của mọi người là để tham khảo. Còn quyết định vẫn nằm ở chính bạn.
- Đừng qua loa, có thể chậm nhưng chắc: Không có quy tắc chung rằng tuổi nào phải thành công. Mỗi người có chặng đường riêng, tốc độ riêng. Đừng vì thấy người khác thành công sớm mà vội vã.
- Lương quan trọng đấy, nhưng không phải tất cả: Khi chọn nghề nghiệp, đừng chỉ chăm chăm vào mức lương và phúc lợi. Đó chỉ là một trong những yếu tố giúp bạn đi đường dài với công việc. Hãy yên tâm là khi bạn phát triển đủ “tầm” mức lương cũng sẽ “lớn tương xứng”.
- Đừng áp lực chính mình: Nhất là những bạn trẻ mới ra trường, áp lực từ gia đình, áp lực đồng trang lứa đôi khi khiến bạn thấy bản thân bị “đuối”. Đừng vội vàng, bởi sự bế tắc có thể dẫn đến quyết định sai. Cứ đi chậm, chắc và tin tưởng vào chính mình, đã có Vieclam24h.vn cùng nhiều kiến thức bổ ích và cơ hội nghề nghiệp luôn đồng hành cùng bạn nâng cấp bản thân.
- Làm thêm các trắc nghiệm: Những bài trắc nghiệm phổ biến như MBTI, trắc nghiệm nghề nghiệp Holland hay mô hình DISC sẽ giúp bạn định hình rõ hơn những tính cách, khả năng và xu hướng nghề nghiệp phù hợp.
- Làm rõ giá trị bạn muốn theo đuổi: Đây là hành trình mất nhiều thời gian nhưng sẽ là giá trị xuyên suốt giúp bạn thấy hạnh phúc trong công việc, quan trọng như việc người ta đi tìm lẽ sống vậy.
- Cho phép bản thân có thể sai: Rất hiếm người gắn bó với một công việc duy nhất từ khi tốt nghiệp tới khi về hưu. Chính bản thân Phonenix Ho (người giới thiệu mô hình cây nghề nghiệp) cũng chuyển việc và tìm thấy niềm đam mê ở tuổi 30. Vì thế, bạn đừng trách bản thân nếu chọn sai 1 đến 2 lần. Điều này sẽ giúp bạn hiểu mình hơn và quan trọng hơn là rút kinh nghiệm để đi tiếp.
Lời kết
Những chia sẻ trên của Vieclam24h.vn mong rằng đã giúp bạn đọc hiểu được cây nghề nghiệp là gì cũng như cách sử dụng mô hình này trong quá trình định hướng nghề nghiệp. Đừng quên luôn có Vieclam24h.vn đồng hành cùng bạn bổ sung thêm kiến thức về nghề nghiệp hữu ích và hàng ngàn việc làm mới mỗi ngày.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.
Xem thêm: Chọn nghề không khó: Đây là 5 tiêu chí quan trọng bạn cần biết