Đặt tên công ty là quyết định quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của công ty. Một cái tên hay, độc đáo và thể hiện giá trị, tầm nhìn, sứ mệnh phù hợp sẽ thu hút khách hàng, tạo dựng thương hiệu và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Cùng tìm hiểu cách đặt tên công ty ấn tượng qua bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h nhé!
Đặt tên công ty quan trọng như thế nào?
1. Xây dựng nhận diện thương hiệu
Tên công ty là yếu tố đầu tiên mà khách hàng tiếp xúc, tạo ấn tượng ban đầu và giúp họ phân biệt doanh nghiệp của bạn với các đối thủ cạnh tranh.
2. Truyền tải thông điệp về giá trị và sứ mệnh
Tên công ty là công cụ hiệu quả để truyền tải thông điệp về giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn và định hướng phát triển lâu dài. Khi lựa chọn tên, hãy cân nhắc những gì bạn muốn khách hàng biết về công ty và đảm bảo rằng tên công ty thể hiện được những thông điệp đó. Cái tên được chọn cũng phải phù hợp với mục tiêu và chiến lược kinh doanh.
3. Thu hút khách hàng tiềm năng
Đặt tên công ty phù hợp giúp thu hút khách hàng tiềm năng quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh mà bạn đang theo đuổi. Chẳng hạn như, nếu bạn điều hành cửa hàng bán đồ thể thao, một cái tên như “Cửa hàng Thể thao ABC” sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của những người đam mê thể thao hơn so với một cái tên chung chung như “Cửa hàng ABC”.
Xem thêm: Tiết lộ cách xây dựng chính sách bán hàng thu hút khách hàng tiềm năng hiệu quả
4. Xây dựng niềm tin và uy tín
Một cái tên công ty chuyên nghiệp và đáng tin cậy sẽ giúp tạo dựng niềm tin với khách hàng và đối tác. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp mới thành lập hoặc hoạt động trong những lĩnh vực đòi hỏi sự tin tưởng cao như dịch vụ tài chính hoặc chăm sóc sức khỏe.
5. Đảm bảo tính pháp lý
Trước khi sử dụng tên công ty chính thức, bạn cần đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Bạn có thể tham khảo ý kiến luật sư để đảm bảo tính pháp lý của tên công ty.
Bên cạnh những lý do trên, việc lựa chọn tên công ty phù hợp cũng có thể mang lại một số lợi ích khác như thu hút nhân tài, tạo dựng lợi thế trong tiếp thị và quảng cáo, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị thương hiệu.
Cách đặt tên công ty ấn tượng
Đặt tên công ty theo tên cá nhân: Doanh nghiệp có thể đặt tên công ty theo tên người sáng lập hoặc ghép tên của vợ – chồng – con cái,…
Đặt tên công ty theo chữ cái hoặc số: Doanh nghiệp có thể sử dụng số hoặc chữ cái để viết tắt cho 1 cụm từ có nghĩa.
Đặt tên công ty theo ngành nghề kinh doanh: Đặt tên theo ngành nghề kinh doanh giúp khách hàng dễ nhận biết, chẳng hạn Công ty giống cây trồng Miền Bắc.
Đặt tên công ty bằng từ viết tắt: Ví dụ VNPT là viết tắt bằng tiếng Anh của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Vietnam Posts and Telecommunications Group)
Đặt tên công ty theo địa danh: Giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường địa phương dễ dàng hơn như Bia Sài Gòn, Sữa tươi Mộc Châu,…
Đặt tên công ty theo phong thủy: Những cái tên mang ý nghĩa phong thuỷ như Lộc Phát, Vượng Phát, Hưng Phát, Tâm An, Bình An…
Đặt tên công ty theo cảm hứng: Doanh nghiệp có thể lấy cảm hứng từ danh lam thắng cảnh, các vị thần như Công ty TNHH Venus, Công ty CP Hoa Sen,…
Quy định đặt tên công ty theo pháp luật hiện hành
Quy định đặt tên công ty tiếng Việt
1. Căn cứ theo quy định tại Điều 37, 38 Luật Doanh nghiệp năm 2020: Tên công ty bằng tiếng Việt phải gồm 2 thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
Loại hình doanh nghiệp:
- “Công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.
- “Công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần.
- “Công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh.
- “Doanh nghiệp tư nhân” hoặc “DNTN”, “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
Tên riêng: Tên riêng đặt theo ý muốn, không trùng hoặc gây hiểu lầm với tên công ty hiện có. Được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ F, J, Z, W; chữ số; ký hiệu.
Ví dụ:
- Công ty TNHH ABC.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn ABC.
- Công ty TNHH một thành viên ABC.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ABC.
- Công ty cổ phần ABC.
- Công ty Hợp danh ABC.
- Doanh nghiệp tư nhân ABC.
2. Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
3. Căn cứ vào quy định tại Điều 38, 39, 40 và 42 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp.
Quy định đặt tên công ty bằng tiếng nước ngoài
1. Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2020: Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Ví dụ: Tên công ty Tiếng Việt là Công ty TNHH Tư Vấn Đầu Tư ABC. Khi dịch sang tiếng Anh sẽ là ABC Investment Consulting Company Limited.
2. Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài không được trùng với tên viết bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký.
3. Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài thì tên bằng tiếng nước ngoài được in hoặc viết nhỏ hơn tên tiếng Việt tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu, ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
Quy định đặt tên công ty viết tắt
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 và Khoản 2 Điều 41 Luật Doanh nghiệp năm 2020: Tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
Ví dụ:
- Tên tiếng Việt: Công ty cổ phần ABC
- Tên tiếng Anh: ABC joint stock company
- Tên viết tắt: ABC jsc
Tên viết tắt của công ty không được trùng với tên viết tắt của công ty đã đăng ký.
3 điều cấm khi đặt tên công ty
Căn cứ theo quy định tại Điều 38 và Điều 41 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
(1) Không đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó trên phạm vi toàn quốc.
Ví dụ: Công ty TNHH Thanh Liêm được thành lập năm 2020. Bạn dự định đặt tên công ty là Công ty cổ phần Thanh Liêm. Tuy loại hình doanh nghiệp khác nhau, nhưng tên riêng giống nhau vẫn là trùng tên công ty, không thể đăng ký.
(2) Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
(3) Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Quy định đặt tên công ty trùng, gây nhầm lẫn
Căn cứ theo quy định tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp năm 2020:
a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký.
Ví dụ:
- Công ty TNHH Thanh Linh.
- Công ty TNHH Thanh Lynh.
b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký.
Ví dụ: Công ty cổ phần Việc Làm 24h, tên viết tắt Vieclam24h. Bạn không thể sử dụng tên viết tắt này khi thành lập công ty.
c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký.
Ví dụ: Bạn không thể đăng ký tên công ty bằng tiếng nước ngoài trùng với tên “Thanh Liêm Joint Stock Company” đã được đăng ký trước đó
d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó.
Ví dụ:
- Công ty cổ phần Thanh Liêm
- Công ty cổ phần Thanh Liêm 1.
đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “_”;
Ví dụ:
- Công ty đầu tư phát triển Thanh Liêm.
- Công ty đầu tư & phát triển Thanh Liêm.
e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
Ví dụ:
- Công ty cổ phần Thanh Liêm.
- Công ty cổ phần Tân Thanh Liêm.
g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.
Ví dụ:
- Công ty cổ phần Thanh Liêm miền Nam.
- Công ty cổ phần Thanh Liêm miền Bắc.
Các trường hợp được quy định tại điểm d, đ, e và g của khoản này không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký.
Hướng dẫn tra cứu tên công ty
Bước 1: Truy cập Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, sau đó nhập tên công ty vào ô tìm kiếm.
Bước 2: Kiểm tra tên công ty có bị trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên công ty trong danh sách hiển thị không.
- Nếu tên công ty bị trùng, bạn nên đổi tên khác và thực hiện kiểm tra lại.
- Nếu tên công ty không bị trùng, bạn có thể sử dụng tên này làm tên công ty.
Kết luận
Lựa chọn tên công ty thu hút khách hàng tiềm năng là bước đầu tiên quan trọng trong hành trình xây dựng thương hiệu. Bằng cách áp dụng những cách đặt tên công ty được Vieclam24h.vn chia sẻ trong bài viết này, chắc chắn bạn có thể chọn được tên công ty phù hợp nhất.
Hiện nay, các bạn có thể tạo CV xin việc đúng chuẩn và tải các mẫu CV dễ dàng ngay trên Vieclam24h.vn hoàn toàn miễn phí chỉ trong vài cú nhấp chuột. Đặc biệt, mỗi mẫu CV đều có hướng dẫn cụ thể giúp bạn ghi điểm trước nhà tuyển dụng. Chỉ trong vài phút, các bạn đã có thể sở hữu một CV nhân viên chuyên nghiệp và đầy ấn tượng.
Xem thêm: Local Brand là gì? Bí kíp xây dựng Local Brand vững mạnh