Khi đi làm, hẳn bạn đã nghe đến lời khuyên – kiên định là chìa khóa thành công. Vậy kiên định là gì? Làm sao rèn luyện sự kiên định? Bài viết từ Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giúp bạn hiểu hơn về phẩm chất này, đồng thời cung cấp một số lời khuyên để trở nên kiên định hơn.
Kiên định là gì?
Kiên định là sự vững vàng về mặt ý chí, không dao động trong mọi tình huống, đặc biệt khi gặp khó khăn trong một thời gian đủ dài. Kiên định chính là ý chí bền bỉ, nỗ lực chinh phục một mục tiêu đã đặt ra, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, bất chấp gian khó.
Người sở hữu tính kiên định thường có khả năng tập trung cao vào mục tiêu. Họ suy nghĩ nhất quán, thái độ tích cực và kiên trì hành động. Họ tin tưởng vào quyết định của bản thân, vững vàng trước mọi quan điểm hay nhận xét của người khác. Dù khen, dù chê, dù nghi ngờ cũng đều không thể làm lung lay ý chí và quyết tâm.
Ví dụ, dù khó khăn đến mấy, sinh viên vẫn kiên định theo đuổi ngành học để có được công việc ước mơ. Nhân viên kiên định và nỗ lực vượt khó trong công việc để chinh phục mục tiêu nghề nghiệp họ theo đuổi.
Trong tiếng Anh, kiên định là Consistent – có nghĩa là không thay đổi về hành vi hay quan điểm (theo hướng tích cực) dù trong hoàn cảnh nào. Bạn có thể hiểu hơn kiên định là gì qua một số câu nói truyền cảm hứng của những người nổi tiếng như:
Tony Robbins (bậc thầy của những nhà lãnh đạo trên thế giới, một tác giả sách & một diễn giả): “Nếu muốn định hướng đời mình, chúng ta cần kiểm soát những hành động nhất quán của bản bản thân. Đó không phải là những điều thỉnh thoảng mới làm, mà là điều chúng ta làm 1 cách kiên định.”
Tony Gaskins – một diễn giả, nhà truyền cảm hứng và tác giả sách nổi tiếng khác chia sẻ: “Sự kiên định là chìa khoá. Nếu không thể kiên định, bạn sẽ không thể làm nên điều gì.”
Kiên định và kiên trì khác nhau như thế nào?
Nhiều người thường nhầm kiên trì với kiên định, tuy nhiên đây là hai khái niệm khác nhau. Vậy kiên trì khác kiên định là gì?
Kiên trì là liên tục lặp đi lặp lại điều bạn đã định, bất chấp thất bại hay chán nản. Đó cũng là một sự cam kết với mục tiêu, ngay cả khi bạn gặp khó khăn hoặc đối mặt tình huống không như ý.
Với một người kiên trì, dường như rất khó để làm cho họ nản lòng hay bỏ cuộc. Bởi, động lực đến từ niềm tin hoặc lòng quyết tâm mạnh mẽ. Người kiên trì có một sự kiên định mạnh mẽ với lý tưởng, mục tiêu hay niềm tin của bản thân. Khi nói tới kiên trì, người ta ám chỉ hành động thực tế được lặp đi lặp lại, liên tục qua thời gian đủ dài cùng nỗ lực vượt khó.
Như vậy, có thể hiểu kiên trì tập trung nhiều hơn vào hành động cụ thể, trong khi kiên định tập trung nhiều hơn vào mặt thái độ và ý chí. Để kiên định, bạn cần một ý chí vững vàng, để kiên trì, bạn cần kỷ luật bản thân.
Để kiên trì, bạn cần có sự kiên định – một niềm tin không lung lay vào hành trình đang đi. Ngược lại, đủ sự kiên định, ắt sẽ có sự kiên trì để đi đến cuối con đường mà không bỏ cuộc.
Làm sao để kiên định trong công việc?
Hẳn giờ bạn đã hiểu kiên định là gì. Khái niệm này nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể cam kết đi đến cùng. Nếu bạn đang muốn rèn luyện phẩm chất này, sau đây là một số phương pháp có thể giúp ích.
Đặt mục tiêu thực tế
Mục tiêu thực tế là mục tiêu phù hợp với năng lực bản thân, với điều kiện thực hiện và hoàn cảnh hiện tại. Một mục tiêu quá cao sẽ khiến bạn cảm thấy khó khăn và chán nản ngay từ giây phút bắt đầu. Ngược lại mục tiêu quá dễ lại thiếu đi sự thử thách và giảm đi động lực thực hiện. Phù hợp nhất chính là một mục tiêu vừa sức.
Bạn có thể tham khảo cách đặt mục tiêu SMART (specific – cụ thể; measurable – đo lường được; achievable – khả thi; relevant – liên quan đến điều bạn thực sự muốn; timebound – có mốc thời gian hoàn thành cụ thể). Ngoài ra, bạn có thể đặt mục tiêu dài hạn hoặc ngắn hạn để dễ dàng thực hiện hơn.
Xem thêm: Phương pháp SMART là gì? Cách cực hữu ích ứng dụng SMART vào công việc
Tuân thủ lịch trình
Kỷ luật và kiên trì tạo nên sự kiên định. Để kiên trì, hãy đặt cho mình lịch trình (kế hoạch hành động) để chinh phục mục tiêu. Kế hoạch này có thể theo ngày, tuần hoặc tháng. Lịch trình là kim chỉ nam giúp bạn đi đúng hướng. Đồng thời, hoàn thành những mục tiêu nhỏ mỗi ngày sẽ tiếp thêm sức mạnh để bạn kiên trì trên một hành trình dài hơn.
Dùng công cụ hỗ trợ
Những thói quen mới thường rất khó cam kết. Vậy làm sao để duy trì? Lời khuyên là hãy sử dụng những công cụ trợ giúp như: giấy nhắc việc, ghi chú nhắc nhở trong điện thoại, app nhắc việc, Google Calendar… Sự nhắc nhở này trong thời gian đầu sẽ giúp bạn không quên việc cần làm.
Học từ những sai lầm
Dù bạn có chuẩn bị tốt đến đâu thì thi thoảng trong tiến trình theo đuổi mục tiêu cũng có lúc đối diện khó khăn hay sai lầm. Kiên định chính là sự không bỏ cuộc dù có những vấp ngã này. Thay vào đó, bạn có thể nhìn nhận lại tổng thể câu chuyện, lý do thất bại và học bài học để tránh những sai lầm tương tự trong tương lai.
Chăm sóc sức khỏe
Muốn kiên định hơn, bạn cần có có sức khỏe tốt và tâm trí ổn định. Điều này đồng nghĩa với việc bạn cần ăn uống đủ đầy, chăm sóc bản thân, đặc biệt là ngủ đủ. Thời gian ngủ không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tác động đến cả đời sống tinh thần. Tâm lý tốt và vững chãi cũng là điều kiện cần để bạn có thể nuôi dưỡng ý chí và trở nên kiên định hơn.
Sau đây là một số cách giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn:
- Tránh xa màn hình điện tử trước giờ ngủ.
- Đi ngủ đúng giờ hàng tối để cơ thể quen với nhịp sinh học cố định.
- Tránh cafein (trà, cà phê) sau 4 giờ chiều. Khả năng cao là đến đêm bạn vẫn khó ngủ do cơ thể chưa xử lý hết lượng cafein bạn mới nạp ban chiều.
Kiên nhẫn với bản thân
Đúng thế! Để dần dần trở nên kiên định, hãy kiên nhẫn với những chuyển biến dần dần của bản thân. Kiên định là một phẩm chất mà không phải sinh ra đã có sẵn. Bởi vậy, rèn luyện việc kiên trì bằng cách từ từ thay đổi những thói quen nhỏ mỗi ngày. Khi đủ về chất lượng lẫn số lượng, những thay đổi nhỏ này chắc chắn sẽ cộng hưởng thành một giá trị to lớn đủ khiến bạn phải bất ngờ.
Ngoài ra, đừng quên tự thưởng cho bản thân sau những cột mốc đạt được, dù là nhỏ thôi. Ví dụ, duy trì được thói quen trong suốt 21 ngày, hoàn thành được chương trình học tập khó nhằn… Những tưởng thưởng có thể nhỏ thôi như một tối xem phim không lo nghĩ, một buổi đi ăn với bạn bè, mua món đồ nhỏ khiến mình vui… Đó là điều cần thiết để bạn yêu bản thân và tin tưởng hơn vào những điều phi thường mình có thể đạt được.
Tìm người đồng hành
Mọi chuyện là bình thường nếu bạn thấy khó trong thời gian đầu học cách kiên định. Khi đó, bạn có thể tìm kiếm một người đồng hành để giúp động viên, giám sát (chính thức hoặc không chính thức), đưa lời khuyên khi cần để bạn vững lòng hơn trên hành trình này. Đó có thể là bạn bè, người thân hoặc bất cứ ai mà bạn tin tưởng và sẵn lòng trợ giúp.
Lạc quan, tin vào ngày mai tươi sáng
Trong hành trình rèn luyện tính kiên định, đôi khi với những mục tiêu phức tạp, bạn sẽ gặp không ít khó khăn. Kiên định là ý chí sắt đá không lung lay, nhưng không vì thế mà gò ép bản thân quá mức. Bên cạnh việc kỷ luật bản thân, học hỏi từ những thất bại thì tin vào chính mình, cũng là nguồn động lực cực lớn để bạn không cạn năng lượng dọc đường.
Để giữ tinh thần này, đó là sự tổng hòa của tất cả những lời khuyên ở trên: mục tiêu phù hợp, lịch trình phù hợp và tuân thủ một cách kỷ luật, chăm sóc bản thân, kiên nhẫn, chấp nhận sai lầm và tiến lên.
Xem thêm: Tư duy tích cực là gì? Bật mí bí quyết giúp bạn tích cực trong mọi hoàn cảnh
Lời kết
Qua bài viết trên từ Vieclam24h.vn, mong rằng bạn đã hiểu được kiên định là gì cũng như những cách để có thể bắt đầu rèn luyện sự kiên định cho bản thân. Mong rằng bài viết mang lại cho bạn nhiều kinh nghiệm hữu ích. Theo dõi Blog Vieclam24h.vn để có thêm nhiều kiến thức nâng cấp bản thân bạn nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Thay đổi bản thân là gì? Vì sao bạn cần phải thay đổi bản thân?