Phương pháp phỏng vấn sâu là gì? Đặc điểm, cách thực hiện hiệu quả nhất

Phỏng vấn sâu là một kỹ thuật quan trọng trong việc thu thập thông tin và ý kiến chi tiết từ người tham gia phỏng vấn. Phương pháp này giúp người tuyển dụng, nhà nghiên cứu hoặc các chuyên gia hiểu sâu hơn về suy nghĩ, động cơ và trải nghiệm của đối tượng. Để thực hiện phỏng vấn sâu hiệu quả, người thực hiện cần có phương pháp rõ ràng và kỹ năng lắng nghe tốt. Dưới đây là các đặc trưng, cách thực hiện và 4 phương pháp phỏng vấn sâu hữu dụng nhất.

Phương pháp phỏng vấn sâu là gì?

Phương pháp phỏng vấn sâu là một phương pháp nghiên cứu nhằm khai thác thông tin chi tiết bằng cách trò chuyện trực tiếp giữa người phỏng vấn và người tham gia. Khác với các phương pháp phỏng vấn ngắn gọn hay khảo sát, phỏng vấn sâu tập trung vào việc khai thác quan điểm, cảm xúc và trải nghiệm cá nhân của người tham gia, thường không giới hạn về thời gian.

Những chuyên gia phỏng vấn có thể sử dụng cuộc trò chuyện với người tham gia để khai thác và mở rộng thông tin liên quan đến chủ đề đã đặt ra. Trong quá trình phỏng vấn, người phỏng vấn cần chú ý đến thái độ và hành vi của người trả lời để thu thập thêm thông tin từ những biểu hiện đó.

Phỏng vấn sâu cho phép người phỏng vấn thu thập nhiều thông tin từ người tham gia.
Phỏng vấn sâu cho phép người phỏng vấn thu thập nhiều thông tin từ người tham gia.

Mục tiêu của việc phỏng vấn sâu

Mục tiêu của phỏng vấn sâu là thu thập thông tin chi tiết từ một nhóm đối tượng nhất định. Tuy nhiên, phương pháp này có thể được áp dụng khác nhau tùy vào từng lĩnh vực. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tuyển dụng, phỏng vấn sâu giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về thái độ, hành vi, tính cách, kỹ năng và nhiều khía cạnh khác của ứng viên. Từ đó, họ có thể đưa ra những đánh giá chính xác và quyết định tuyển dụng hiệu quả. 

Trong marketing, phỏng vấn sâu hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt về đối tượng mục tiêu, bao gồm đặc điểm nhân khẩu học, sở thích, nhu cầu. Các nhân viên marketing có thể nắm bắt cảm nhận của người dùng về sản phẩm, những gì họ yêu thích, chưa hài lòng, nỗi lo, mong muốn và các nhu cầu mà họ tìm kiếm. Qua đó, doanh nghiệp có thể dựa vào những thông tin này để phát triển sản phẩm hoặc ý tưởng phù hợp. 

Phỏng vấn sâu mang lại giá trị thực tiễn cao trong nhiều lĩnh vực.
Phỏng vấn sâu mang lại giá trị thực tiễn cao trong nhiều lĩnh vực.

Đặc điểm của các cuộc phỏng vấn sâu

Có nhiều hình thức phỏng vấn để thu thập dữ liệu., mỗi loại đều mang những đặc điểm riêng. Với phỏng vấn sâu, có ba đặc điểm chính bạn cần lưu ý:

  • Cấu trúc linh hoạt: Dù không quá cứng nhắc, phỏng vấn sâu vẫn cần một số chủ đề được xây dựng trên các hướng dẫn cụ thể, cho phép người phỏng vấn khám phá các khía cạnh phù hợp với người được hỏi.
  • Tương tác: Người phỏng vấn sâu sẽ trực tiếp xử lý tài liệu từ buổi phỏng vấn. Vì vậy, trong quá trình tương tác, họ cần đặt câu hỏi tích cực để khuyến khích đối tượng trả lời rõ ràng và tự nhiên.
  • Chuyên sâu: Để nắm bắt đầy đủ ý nghĩa câu trả lời, người phỏng vấn nên sử dụng nhiều kỹ thuật thăm dò, sắp xếp các câu hỏi theo trình tự hợp lý nhằm đào sâu và hiểu rõ hơn quan điểm của người tham gia.

>>> Tham khảo: Mẫu thư mời phỏng vấn qua email chuyên nghiệp giúp chiêu mộ nhân tài hiệu quả.

Ưu điểm và hạn chế của phương pháp phỏng vấn sâu

Phỏng vấn sâu mang đến nhiều giá trị trong việc khai thác thông tin chi tiết, nhưng cũng đi kèm với một số thách thức nhất định. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng xem qua các ưu điểm và hạn chế của phương pháp này:

Ưu điểm

  • Thu thập thông tin chi tiết và cụ thể về đối tượng, giúp người phỏng vấn có cơ sở để phân tích sâu hơn.
  • Tạo sự cân bằng giữa người phỏng vấn và người tham gia, giúp việc trao đổi dễ dàng, từ đó có thể phát triển ý tưởng hoặc đóng góp xây dựng cho chủ đề nghiên cứu.
  • Đặt đối tượng phỏng vấn trong môi trường phù hợp, rất hữu ích cho các nghiên cứu khoa học về xã hội và con người.

Hạn chế

  • Câu trả lời thường mang tính tương đối, khó để khái quát hay đưa ra số liệu cụ thể vì thông tin không được chuẩn hóa và lượng hóa.
  • Phỏng vấn sâu đòi hỏi người thực hiện có kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực, để có thể dẫn dắt cuộc trò chuyện và đặt câu hỏi cũng như nhận xét phù hợp.
  • Quá trình phân tích thông tin tốn nhiều thời gian, bao gồm việc chia nhỏ, phân loại và tổng hợp dữ liệu để xây dựng các luận điểm cụ thể, phù hợp với mục đích nghiên cứu.
Phỏng vấn sâu đòi hỏi người thực hiện có kỹ năng và kiến thức sâu rộng.
Phỏng vấn sâu đòi hỏi người thực hiện có kỹ năng và kiến thức sâu rộng.

Khi nào cần áp dụng phỏng vấn sâu

Phỏng vấn chuyên sâu cần nhiều nhân lực và thời gian, vì vậy người nghiên cứu cần cân nhắc thời điểm phù hợp để áp dụng nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Phương pháp này có thể được sử dụng trong các trường hợp như sau:

  • Khi nghiên cứu một chủ đề mới, chưa có nhiều tài liệu hoặc chưa được xác định rõ ràng phương pháp phỏng vấn chuyên sâu sẽ giúp làm rõ chủ đề và xác định mục tiêu nghiên cứu thích hợp.
  • Trong nghiên cứu khoa học mang tính thăm dò, khi chưa xác định được khái niệm hay biến số, phỏng vấn sâu cung cấp thông tin cần thiết để hoàn thiện và phát triển tri thức.
  • Khi cần hiểu rõ về một chủ đề cụ thể, đây là mục đích chính của phỏng vấn chuyên sâu.
  • Khi ý nghĩa về các yếu tố nghiên cứu quan trọng hơn số liệu cụ thể.
Phỏng vấn sâu được thực hiện để khai thác một chủ đề nào đó chi tiết và sâu rộng hơn.
Phỏng vấn sâu được thực hiện để khai thác một chủ đề nào đó chi tiết và sâu rộng hơn.

4 phương pháp phỏng vấn sâu hữu dụng nhất

Trong nghiên cứu định tính, việc chọn phương pháp phỏng vấn sâu phù hợp là rất quan trọng để thu thập thông tin chính xác và chi tiết. Dưới đây là 4 phương pháp hữu ích nhất mà bạn có thể áp dụng để tối ưu hóa quá trình thu thập dữ liệu:

Phương pháp phỏng vấn chuyên sâu thân mật

Phỏng vấn chuyên sâu thân mật không có các câu hỏi được chuẩn bị sẵn, mà mọi thứ diễn ra tự nhiên theo dòng chảy của cuộc đối thoại. Phương pháp này tạo ra một bầu không khí trao đổi thân thiện, giúp cả người phỏng vấn và người tham gia thoải mái chia sẻ ý kiến của mình. Hơn nữa, đây là phương pháp dễ dàng điều chỉnh cho cả hai bên, cho phép họ linh hoạt trong quá trình trao đổi.

Phương pháp phỏng vấn thân mật tạo ra sự linh hoạt trong quá trình trao đổi.
Phương pháp phỏng vấn thân mật tạo ra sự linh hoạt trong quá trình trao đổi.

Phương pháp tiếp cận bán cấu trúc/tiếp cận hướng dẫn chung

Phương pháp phỏng vấn bán cấu trúc nhằm mục tiêu thu thập thông tin đồng nhất từ các đối tượng tham gia. Cách tiếp cận này giúp cuộc phỏng vấn trở nên tập trung hơn và tiết kiệm thời gian hơn so với phương pháp trò chuyện thân mật. Mặc dù người phỏng vấn chỉ cung cấp hướng dẫn cơ bản, phương pháp này vẫn cho phép người tham gia tự do chia sẻ thông tin và linh hoạt trong việc thu thập dữ liệu.

Phương pháp phỏng vấn sâu tiêu chuẩn, kết thúc mở

Phương pháp phỏng vấn này tập trung vào việc đặt những câu hỏi tương tự cho tất cả các đối tượng tham gia. Người phỏng vấn có thể thu thập thông tin trong một lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, họ vẫn có thể khám phá ra những yếu tố mới thông qua các câu hỏi mở dành cho người tham gia.

Phương pháp phỏng vấn theo cấu trúc cố định

Trong phương pháp phỏng vấn có cấu trúc cố định, tất cả người tham gia sẽ nhận những câu hỏi giống nhau và phải chọn câu trả lời từ các lựa chọn đã được xác định trước. Cách tiếp cận này giúp tiết kiệm thời gian phỏng vấn và thông tin thu thập được có tính đồng nhất, dễ dàng phân tích. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là nó hạn chế khả năng khai thác sâu các yếu tố mới từ các câu trả lời của người tham gia.

Phương pháp sử dụng cấu trúc cố định giúp thu thập thông tin có tính đồng nhất.
Phương pháp sử dụng cấu trúc cố định giúp thu thập thông tin có tính đồng nhất.

7 bước thực hiện phỏng vấn sâu chuẩn nhất

Để tiến hành một cuộc phỏng vấn sâu hiệu quả, việc tuân thủ quy trình cụ thể là rất quan trọng. Dưới đây là các bước thực hiện phương pháp phỏng vấn sâu cần thiết để đạt được kết quả mong muốn:

Bước 1: Xác định vấn đề cụ thể cần phỏng vấn.

Bước 2: Lên kế hoạch và thiết kế nội dung bài phỏng vấn cũng như hướng dẫn thực hiện.

Bước 3: Tiến hành phỏng vấn theo hướng dẫn đã lập ra.

Bước 4: Ghi chép lại thông tin, chuẩn bị tài liệu để phục vụ cho việc phân tích sau này.

Bước 5: Phân tích các chủ đề, mục tiêu và đặc điểm từ tài liệu đã thu thập được trong buổi phỏng vấn.

Bước 6: Xác minh tính chính xác và hợp lệ của kết quả từ buổi phỏng vấn.

Bước 7: Viết báo cáo để truyền đạt các phát hiện và kết luận từ nghiên cứu.

Khi thực hiện phỏng vấn sâu cần lên kế hoạch cụ thể và chi tiết.
Khi thực hiện phỏng vấn sâu cần lên kế hoạch cụ thể và chi tiết.

Các bước xây dựng bảng câu hỏi phỏng vấn sâu

Việc tạo ra bảng câu hỏi là cần thiết để thu thập và ghi chép thông tin một cách chính xác. Một bảng câu hỏi rõ ràng sẽ khuyến khích sự hợp tác giữa người phỏng vấn và người tham gia, giúp cho quá trình phỏng vấn diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn. 

Bước 1: Xác định mục tiêu nghiên cứu 

Bước đầu tiên là xác định mục tiêu nghiên cứu, đảm bảo các câu hỏi được đưa ra phù hợp với mục tiêu đó và giúp giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. 

Ví dụ: 

  • Phản ứng của khách hàng về sản phẩm hoặc dịch vụ mới? 
  • Mức độ tiếp cận thương hiệu so với các đối thủ khác? 

Bước 2: Xác định đối tượng và mẫu khảo sát 

Đối tượng khảo sát sẽ khác nhau tùy theo vấn đề cần nghiên cứu. Nhà nghiên cứu cần xác định khách hàng mục tiêu và có thể phân chia thành các nhóm nhỏ dựa vào nghề nghiệp, độ tuổi, giới tính hoặc hành vi tiêu dùng. 

Ví dụ: Cửa hàng thời trang có đối tượng mục tiêu là phụ nữ từ 25 đến 50 tuổi, có thể phân chia thành các nhóm theo độ tuổi (25 – 30, 30 – 40, 40 – 50), khu vực địa lý (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) hoặc hành vi (mua quần áo từ 1 đến 2 lần mỗi tháng). 

Vì giới hạn về nguồn lực, chi phí và thời gian, việc thu thập dữ liệu từ tất cả các nhóm là không khả thi. Do đó, chọn tập mẫu đại diện sẽ giúp giải quyết những khó khăn này mà vẫn đảm bảo có được thông tin cần thiết.

Xác định đối tượng khảo sát phù hợp với mục tiêu nghiên cứu.
Xác định đối tượng khảo sát phù hợp với mục tiêu nghiên cứu.

Bước 3: Chọn cách thức thu thập dữ liệu 

Nhà nghiên cứu có thể lựa chọn phương pháp phỏng vấn phù hợp trong nghiên cứu định tính, chẳng hạn như: phỏng vấn thân mật, phỏng vấn có cấu trúc hoặc bán cấu trúc. 

Bước 4: Chọn các câu hỏi trong bảng câu hỏi 

Đặt ra các câu hỏi chính xác là yếu tố quyết định kết quả của nghiên cứu. Các câu hỏi nên dựa trên lý thuyết, các thang đo do nhóm nghiên cứu thiết kế hoặc trong các nghiên cứu trước. 

Bước 5: Sắp xếp thứ tự các câu hỏi 

Thứ tự câu hỏi cần được sắp xếp một cách logic, đảm bảo liên kết với nhau. Các câu hỏi có thể bắt đầu từ những câu gợi mở trước khi đi vào chi tiết và chuyên môn. Việc này giúp tránh sự phức tạp và tạo điều kiện cho quá trình khảo sát diễn ra dễ dàng hơn. 

Bước 6: Phỏng vấn thử và điều chỉnh 

Trong quá trình thiết kế bảng câu hỏi có thể xuất hiện những sai sót như câu hỏi không rõ nghĩa hoặc lặp lại. Do đó, nhà nghiên cứu cần thực hiện một vài buổi phỏng vấn thử với những đối tượng nhất định để kịp thời phát hiện và điều chỉnh các lỗi này. Sau khi nhận diện được các lỗi sai, nhóm nghiên cứu sẽ thảo luận và chỉnh sửa để hoàn thiện bảng câu hỏi, sẵn sàng cho buổi phỏng vấn chính thức. 

Các loại câu hỏi thường gặp trong các cuộc phỏng vấn sâu

Trong phương pháp phỏng vấn sâu, mỗi loại câu hỏi sẽ đáp ứng mục đích hoặc nhu cầu riêng. Dưới đây là các loại câu hỏi phổ biến mà người phỏng vấn nên chuẩn bị để tối ưu hóa quá trình phỏng vấn:

  • Câu hỏi mô tả: Câu hỏi này đề nghị người tham gia phỏng vấn mô tả sự kiện, con người, địa điểm hoặc trải nghiệm của họ. Đây thường là loại câu hỏi mở đầu trong phỏng vấn chuyên sâu để khởi động cuộc trò chuyện, giúp đối tượng phỏng vấn cảm thấy thoải mái và tự nhiên hơn khi chia sẻ.
  • Câu hỏi cơ cấu: Loại câu hỏi này giúp xác định cách đối tượng tổ chức và sắp xếp kiến thức của họ. Mục tiêu là đánh giá sự mạch lạc và khả năng logic khi họ phản hồi các câu hỏi cụ thể.
  • Câu hỏi đối lập: Những câu hỏi này yêu cầu người được phỏng vấn nêu quan điểm về sự khác biệt giữa các sự kiện và chia sẻ suy nghĩ của họ về ý nghĩa của chúng.
  • Câu hỏi về quan điểm/giá trị: Đây là dạng câu hỏi nhằm khuyến khích người trả lời thể hiện suy nghĩ và phân tích cá nhân về một chủ đề nhất định. 
  • Câu hỏi về cảm nhận: Đây là câu hỏi để người trả lời thể hiện những cảm xúc cá nhân của mình về một chủ đề, con người, sự kiện,… nào đó được nêu trong câu hỏi.
  • Câu hỏi về kiến thức: Loại câu hỏi này giúp người nghiên cứu đánh giá mức độ hiểu biết của người tham gia về chủ đề đang được thảo luận.
  • Câu hỏi về cảm giác: Câu hỏi này khai thác thông tin từ những trải nghiệm của đối tượng phỏng vấn thông qua 5 giác quan (thính giác, vị giác, khứu giác, thị giác, xúc giác).
  • Câu hỏi tiểu sử: Với tính chất riêng tư, câu hỏi này đòi hỏi người phỏng vấn khéo léo để thu thập thông tin về các đặc điểm cá nhân của người tham gia.

Lưu ý khi áp dụng phỏng vấn sâu

Khi áp dụng phương pháp phỏng vấn sâu, có một số điểm quan trọng cần lưu ý để đạt được kết quả chính xác và hiệu quả. Việc tuân thủ các nguyên tắc dưới đây sẽ giúp bạn xây dựng cuộc phỏng vấn sâu sắc, giúp người tham gia dễ dàng chia sẻ:

  • Giữ thái độ cởi mở: Trong phỏng vấn, hãy tránh những phán xét hay chỉ trích, vì  có thể khiến người tham gia cảm thấy không thoải mái và hạn chế chia sẻ. Ngoài ra, các nhận xét và kết luận nên được ghi chú sau khi buổi phỏng vấn kết thúc.
  • Linh hoạt và hướng tới mục tiêu: Phỏng vấn sâu thường đòi hỏi khả năng ứng phó linh hoạt, vì tương tác và phản hồi của người tham gia có thể không dự đoán được. Điều quan trọng là đảm bảo không đi lệch khỏi mục tiêu chính của cuộc phỏng vấn.
  • Hạn chế các câu hỏi đóng: Tránh những câu hỏi chỉ có thể trả lời “Có” hoặc “Không”, vì chúng không khai thác được nhiều thông tin sâu. Thay vào đó, các câu hỏi mở sẽ giúp đối tượng đưa ra ý kiến một cách đầy đủ hơn.
  • Chuẩn bị chủ đề chính thay vì câu hỏi chi tiết: Thay vì lập danh sách câu hỏi cụ thể, người phỏng vấn hãy tập trung vào chủ đề chính để điều chỉnh phù hợp trong từng tình huống và thu thập thông tin phong phú hơn.
  • Kiên nhẫn lắng nghe: Để người được phỏng vấn chia sẻ thoải mái, không nên ngắt lời hoặc thúc giục. Điều này có thể khiến họ cảm thấy bị cản trở trong việc bày tỏ ý kiến.
  • Quan sát kỹ lưỡng: Người phỏng vấn cần chú ý đến những biểu hiện như ngôn ngữ cơ thể, nét mặt, giọng điệu, giúp nhận biết các tín hiệu và đặt câu hỏi phụ khi cần thiết.
  • Nhắc lại nội dung đã nghe: Diễn giải lại ý của người được phỏng vấn để đảm bảo rằng bạn hiểu đúng thông điệp. Việc này cũng tạo điều kiện cho họ tập trung vào cuộc trò chuyện và giảm thiểu sự phân tâm.

Phương pháp phỏng vấn sâu là một công cụ nghiên cứu quan trọng, giúp thu thập thông tin chi tiết trong các chủ đề nghiên cứu. Bằng cách thực hiện phỏng vấn theo đúng quy trình, nhà nghiên cứu có thể thu thập dữ liệu chính xác và phong phú. Đây không chỉ là phương pháp để khám phá thông tin mà còn là cách tạo dựng sự tin tưởng, cởi mở giữa người phỏng vấn và người tham gia, mang lại giá trị thực tiễn cao trong nhiều lĩnh vực.

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục