Các buổi phỏng vấn Java luôn là một thử thách không nhỏ đối với các lập trình viên. Bởi không chỉ kiểm tra kinh nghiệm, nhà tuyển dụng còn đòi hỏi ứng viên phải có khả năng phân tích, áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế để giải quyết vấn đề dưới áp lực. Các câu hỏi phỏng vấn Java không chỉ tập trung xoay quanh vào các kiến thức cơ bản, mà đôi khi còn mở rộng ra các chủ đề khác như lập trình hướng đối tượng (OOP), cấu trúc dữ liệu và các framework phổ biến như Spring. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng các câu hỏi này sẽ giúp ứng viên tự tin hơn, đồng thời thể hiện được năng lực và sự am hiểu của bản thân đối với công nghệ Java. Nếu bạn đang chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn Java thì chắc chắn không thể bỏ qua các câu hỏi phỏng vấn phổ biến và mẹo trả lời hiệu quả trong bài viết dưới đây của Việc Làm 24h.
1. Tổng hợp các câu hỏi phỏng vấn Java Core
Nắm vững cách trả lời cho các câu hỏi về Java Core là nền tảng quan trọng để bạn tự tin đối mặt với các thử thách trong vòng phỏng vấn Java. Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi phỏng vấn Java thường gặp:
1.1. Tại sao Java được gọi là ngôn ngữ hỗ trợ đa luồng (multithreaded)?
Thông qua gói java.lang.Thread, Java cung cấp khả năng xử lý đa luồng. Điều này cho phép chương trình thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Từ đó, ngôn ngữ Java giúp tận dụng hiệu suất của cả hệ thống một cách tối đa.
1.2. Cách tạo và khởi động một luồng (thread) trong Java?
Để khởi tạo một luồng (Thread) trong Java, bạn có thể kế thừa lớp Thread hoặc cài đặt giao diện Runnable, sau đó ghi đè phương thức run() để chứa mã nguồn công việc cần thực hiện. Khi đã thiết lập xong, bạn chỉ cần gọi start() để khởi động luồng và bắt đầu thực thi.
Xem thêm: Top 6 câu hỏi phỏng vấn phổ biến và cách trả lời thông minh
1.3. Biến trong Java có phạm vi (scope) như thế nào?
Trong Java, biến có thể có phạm vi cục bộ (local scope) khi được khai báo bên trong một phương thức và có phạm vi toàn cục (global scope) nếu khai báo ở mức lớp.
1.4. Java là ngôn ngữ gì và có các đặc điểm nổi bật nào?
Java là một loại ngôn ngữ lập trình phổ biến được phát triển bởi Sun Microsystems vào thập niên 1990. Ngôn ngữ này có nhiều tính năng nổi bật như:
- Đa nền tảng (Platform Independence): Mã nguồn Java có thể hoạt động trên nhiều hệ điều hành khác nhau mà không cần biên dịch lại.
- Quản lý bộ nhớ tự động (Automatic Memory Management): Thông qua cơ chế Garbage Collection, Java có thể tự động giải phóng bộ nhớ không sử dụng.
- Lập trình hướng đối tượng (Object-Oriented): Java được phát triển theo mô hình hướng đối tượng, bao gồm các tính năng kế thừa, đóng gói và đa hình.
1.5. Điểm khác biệt giữa abstract class và interface trong Java?
Lớp trừu tượng (Abstract Class): Là một lớp được khai báo với từ khoá abstract, được dùng để định nghĩa các phương thức mà lớp con cần triển khai. Trong đó, mỗi lớp con chỉ được kế thừa một và chỉ một lớp trừu tượng.
Giao diện (Interface): Là một tập hợp các phương thức trừu tượng và hằng số. Một lớp có thể triển khai nhiều Interface (giao diện).
1.6. Phân biệt == và .equals() trong Java?
== và .equals() trong Java đều được dùng để so sánh. Tuy nhiên, == được dùng để so sánh xem hai đối tượng có trỏ đến cùng một đối tượng hay không, tức là có cùng địa chỉ bộ nhớ hay không. Trong khi với phương thức .equals(), Java sẽ hiểu là bạn muốn so sánh giá trị của 2 biến tham chiếu đó.
1.7. Java Memory Management hoạt động ra sao?
Java sử dụng cơ chế Memory Management để quản lý bộ nhớ một cách tự động. Khi một đối tượng không còn được tham chiếu và sử dụng nữa, Garbage Collector sẽ tự động dọn dẹp và giải phóng bộ nhớ của đối tượng đó, nhờ vậy tạo không gian cấp phát cho các đối tượng mới.
1.8. Sự khác biệt cơ bản giữa ArrayList và LinkedList trong Java?
ArrayList là một loại cấu trúc dữ liệu được triển khai dưới dạng mảng động. Cấu trúc này cho phép mở rộng kích thước khi cần thiết và truy cập nhanh các phần tử thông qua chỉ số.
LinkedList được tổ chức dưới dạng danh sách liên kết giúp thao tác chèn và xóa phần tử linh hoạt hơn. Tuy nhiên, tốc độ truy cập vào các phần tử ngẫu nhiên có thể sẽ chậm hơn.
1.9. Tại sao phương thức main() cần là static trong Java?
Phương thức main() trong Java luôn được khai báo là static để có thể được gọi mà không cần tạo một đối tượng của lớp chứa phương thức. Điều này cho phép JVM trực tiếp chạy phương thức main() khi bắt đầu chương trình mà không cần phải khởi tạo một phiên bản (instance) của lớp.
1.10. Java có hỗ trợ sự đa kế thừa không?
Java không hỗ trợ đa kế thừa đối với các lớp, nghĩa là một lớp chỉ có thể kế thừa từ một lớp cha duy nhất. Tuy nhiên, Java cho phép một lớp triển khai nhiều giao diện (interfaces) khác nhau.
1.11. Sự khác nhau giữa JDK, JVM, JRE là gì?
JDK (Java Development Kit) là một bộ công cụ dùng để phát triển phần mềm, cung cấp các công cụ hỗ trợ khác cần thiết cho việc biên dịch và xây dựng ứng dụng trên nền tảng ngôn ngữ lập trình Java.
JVM (Java Virtual Machine) là máy ảo Java, giúp tạo ra một môi trường để đảm bảo các bytecode của Java hoạt động chính xác nhất trên mọi hệ thống.
JRE (Java Runtime Environment) là môi trường được tạo ra bởi JVM, nơi mà Java bytecode được thực thi và hoạt động hiệu quả nhất.
1.12. Sự khác nhau giữa Path và Classpath Variables?
Path là một biến môi trường được dùng để xác định vị trí các tệp thực thi trên hệ thống. Vì vậy khi cài đặt Java, việc thêm thư mục có chứa các tệp thực thi vào Path để hệ điều hành có thể tìm và kiểm soát bất cứ thực thi nào.
Classpath Variables được dùng để tìm và nhận định vị trí của các tệp lớn trong hệ thống như thư mục, tệp Zip hoặc tệp Jar.
2. Tổng hợp các câu hỏi phỏng vấn thường gặp về Java OOP
Dưới đây là một số câu hỏi phỏng vấn Java thường gặp về chủ đề lập trình hướng đối tượng (OOP) mà nhà tuyển dụng thường dùng để đánh giá kiến thức và kỹ năng của ứng viên:
2.1. Lớp là gì trong Java?
Trong Java, lớp là một bản thiết kế hoặc định nghĩa về một đối tượng (object). Lớp sẽ xác định các thuộc tính (dữ liệu) và phương thức (hành vi) mà đối tượng (object) của lớp đó sở hữu.
2.2. Đối tượng trong Java là gì?
Đối tượng là một thể hiện cụ thể của lớp, bao gồm các thuộc tính (dữ liệu) và phương thức (hành vi) được định nghĩa bên trong lớp đó.
2.3. Tính đóng gói là gì trong lập trình hướng đối tượng?
Đóng gói là kỹ thuật che giấu các chi tiết triển khai quan trọng của một lớp giúp tăng tính bảo mật cho chương trình. Thông thường, đóng gói được thực hiện thông qua các access modifiers như private, public, default, và protected.
2.4. Tính đa hình trong OOP là gì?
Tính đa hình (Polymorphism) là khả năng thực thi một hành động nào đó theo nhiều cách khác nhau tùy vào từng đối tượng. Polymorphism trong Java được thể hiện qua 2 hình thức chính là method overriding (ghi đè phương thức) và method overloading (nạp chồng phương thức).
2.5. OOP là gì và tại sao nó lại quan trọng trong Java?
OOP (Object-Oriented Programming: lập trình hướng đối tượng) là là một phương pháp thiết kế và phát triển phần mềm tập trung vào việc tạo ra các đối tượng. Trong đó, các đối tượng có thể tương tác với nhau thông qua các phương thức. Trong Java, OOP cho phép tái sử dụng mã nguồn, để tạo ra các đối tượng linh hoạt, dễ bảo trì. Từ đó, khả năng tái sử dụng và hiệu suất của chương trình sẽ được nâng cao.
2.6. Các đặc trưng cơ bản của OOP?
Các tính chất cơ bản của OOP bao gồm đa hình (Polymorphism), đóng gói (Encapsulation), kế thừa (Inheritance) và trừu tượng (Abstraction).
2.7. Kế thừa là gì trong Java?
Kế thừa (Inheritance) là khả năng một lớp con có thể sử dụng các thuộc tính và phương thức từ lớp cha. Lớp con có thể mở rộng hoặc thay đổi các hành vi của lớp cha thông qua cơ chế kế thừa, giúp tái sử dụng mã nguồn và tạo ra một cấu trúc phân cấp rõ ràng với mối quan hệ “lớp cha – lớp con”.
2.8. Có thể sử dụng thuộc tính trong interface không?
Có. Thuộc tính trong Java phải là hằng số và được khai báo với từ khóa final.
2.9. Interface có thể được khai báo final không?
Không. Bởi, việc sử dụng một giao diện (interface) trong Java cần phải có một lớp implement interface.
2.10. Làm sao để ngăn một lớp bị kế thừa trong Java?
Để ngăn một lớp bị kế thừa trong Java, bạn chỉ cần sử dụng từ khóa final trước tên của lớp.
2.11. Giải thích khái niệm Polymorphism (đa hình) và cách sử dụng nó trong Java?
Polymorphism (Đa hình) là khả năng một đối tượng có thể thực hiện nhiều hình dạng hoặc hành vi khác nhau. Trong Java, Polymorphism được chia thành hai loại là đa hình tĩnh (Static Polymorphism) và đa hình động (Dynamic Polymorphism).
- Đa hình tĩnh (Static Polymorphism): Xảy ra khi khai báo các phương thức cùng tên nhưng khác biệt về tham số đầu vào hoặc kiểu dữ liệu trả về.
- Đa hình động (Dynamic Polymorphism) xảy ra khi phương thức được quyết định trong thời gian chạy (runtime) dựa vào đối tượng thực tế vào thời điểm đó.
3. Danh sách câu hỏi phỏng vấn Java Spring Boot thường gặp
Nếu bạn cần tìm hiểu cách trả lời những câu hỏi phỏng vấn Java Spring Boot thường gặp thì có thể tham khảo ngay tại đây:
3.1. Các tính năng của Spring Boot là gì?
Một số tính năng chính là Spring Boot bao gồm:
- Auto-configuration: Giúp tự động cấu hình các thành phần của ứng dụng dựa trên dependencies có sẵn trong dự án. Điều này giúp giảm thiểu cấu hình thủ công.
- Standalone applications: Cho phép phát triển ứng dụng độc lập, không yêu cầu một máy chủ web riêng biệt giúp đơn giản hóa quá trình triển khai.
- Spring Boot Starter: Là tập hợp các dependencies thông qua các tập hợp cấu hình sẵn cho những mục đích cụ thể.
- Embedded Servers: Đi cùng với máy chủ nhúng, cho phép ứng dụng có thể chạy mà không cần cài đặt một máy chủ web khác bên ngoài.
3.2. Các thành phần quan trọng trong Spring Boot
- Spring Boot Starter: Là các module chứa các cấu hình mặc định và dependencies được thiết lập sẵn cho những mục đích sử dụng cụ thể như phát triển ứng dụng web, thao tác với cơ sở dữ liệu, cung cấp cấu hình sẵn cho bảo mật,…
- Auto-configuration: Tự động cấu hình thành phần dựa các trên thư viện và dependencies được thiết lập sẵn trong classpath giúp giảm cấu hình thủ công hiệu quả.
- Spring Boot Actuator: Cung cấp các endpoint với nhiệm vụ chính là quan sát ứng dụng và thu thập các thông tin quan trọng như tình trạng sức khỏe, metrics và logs.
- Spring Boot CLI (Command Line Interface): Là một công cụ giúp phát triển các ứng dụng Spring Boot bằng các dòng lệnh nhanh chóng và hiệu quả nhằm giúp tăng tốc quá trình phát triển.
3.3. Spring Boot là gì?
Spring Boot là một framework mở rộng của Spring Framework, được thiết kế để đơn giản hóa quá trình phát triển ứng dụng Java. Spring Boot cung cấp các cấu hình mặc định thông minh và tự động, giúp giảm thiểu công sức để cấu hình thủ công.
3.4. Lợi ích của việc sử dụng Spring Boot?
Spring Boot có khả năng cung cấp các cấu hình mặc định cho nhiều thư viện phổ biến, hạn chế sự phức tạp trong quá trình cấu hình. Điều này giúp tập trung vào mã nguồn chính và tăng tốc quá trình phát triển ứng dụng.
3.5. Nơi xác định các properties cho ứng dụng Spring Boot?
Trong Spring Boot, các properties có thể được xác định thông qua một tệp có tên là application.properties. Tệp application.properties được tạo theo cách thủ công hoặc sử dụng Spring Initializr.
3.6. Cách tạo dự án Spring Boot với Maven?
Để tạo dự án Spring Boot với Maven, bạn có thể sử dụng một trong những phương pháp gồm Spring Initializer, Spring Boot CLI, Spring Starter Project Wizard.
3.7. Cách kích hoạt logging trong Spring Boot?
Để bật debug logging trong ứng dụng Spring Boot, bạn có thể specify –debug khi khởi động ứng dụng từ dấu nhắc lệnh.
3.8. Sự khác biệt giữa Spring và Spring Boot?
Spring là một framework toàn diện với nhiều tính năng mạnh mẽ. Trong khi đó, Spring Boot là một phần mở rộng của Spring, được thiết kế để giảm thiểu việc cấu hình thủ công và giúp tạo ứng dụng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
3.9. Mô hình MVC trong Spring Boot là gì?
Trong Spring Boot, Mô hình MVC (Model-View-Controller) phân chia ứng dụng thành ba phần là Model (dữ liệu), View (giao diện người dùng) cùng Controller (điều khiển logic và dữ liệu).
3.10. Có thể chạy ứng dụng Spring Boot mà không dùng Spring không?
Không thể chạy ứng dụng Spring Boot mà không dùng Spring. Bởi Spring Boot chỉ hỗ trợ phát triển giới hạn trong ứng dụng Spring.
Trên đây là những câu hỏi phỏng vấn Java thường gặp cũng như gợi ý cách trả lời ngắn gọn nhất. Nếu muốn tìm hiểu thêm về Java để có được các câu trả lời chi tiết hơn, bạn có thể tham khảo thêm tài liệu chuyên ngành hoặc sách, báo uy tín trên internet. Hy vọng, bài viết của Việc Làm 24h đã giúp bạn thêm tự tin trong các buổi phỏng vấn sắp tới.