Chia sẻ từ Giám đốc nhân sự: Quyết định táo bạo trở thành thực tập sinh năm 32 tuổi và bài học thế nào là hợp việc

Nghề nhân sự được ví như nghề làm dâu trăm họ với tâm thế luôn là cầu nối giữa công ty và nhân viên, giải quyết vấn đề của hàng chục, hàng trăm con người khác nhau. Nhiều thử thách là thế nhưng có một người chị sẵn sàng từ bỏ công việc đang ổn định đã gắn bó trong vòng 10 năm để bước chân vào nghề nhân sự. Chị Ngọc Thảo (N.Thảo), hiện đang là Head of People & Culture, từng làm việc tại nhiều doanh nghiệp lớn như Pizza Hut Digital Ventures, Mantu, Hitachi Consulting Vietnam, Bosch,… đã có buổi chia sẻ với Việc Làm 24h về quyết định táo bạo của bản thân và những kinh nghiệm chị đã đúc kết trong suốt quãng thời gian cống hiến với nghề.

Quyết định ‘nên duyên’ với nghề nhân sự năm 32 tuổi

Chào chị, chị đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người qua câu chuyện bắt đầu với nghề nhân sự vào năm 32 tuổi, ở cái độ tuổi mọi người rất ngần ngại thay đổi công việc. Chị có thể chia sẻ thêm những yếu tố nào đã dẫn chị đến quyết định này?

Chị đã làm công việc trợ lý tổng giám đốc trong 10 năm. Thời điểm đó, chị tình cờ đọc được bài đăng tuyển trợ lý tổng giám đốc dưới 35 tuổi, chị nhận ra rằng nếu cứ gắn bó với việc làm trợ lý, chị sẽ không còn cơ hội cạnh tranh với các bạn trẻ tuổi hơn. Lúc ấy mọi người xung quanh khuyên chị nên theo nghề Marketing, nhưng chị đã chọn nhân sự.

nghề nhân sự

Điều đầu tiên chị suy nghĩ sao mình không làm nhân sự theo cách của Marketing. Thứ hai, chị nhận ra bản thân thích làm việc với con người. Dù làm việc với con người thật sự rất đau đầu, nhưng chị yêu thích việc tìm hiểu và giúp đỡ mọi người phát triển hơn. Thứ ba, làm nghề nhân sự sẽ giúp chị nâng cao khả năng giải quyết vấn đề. Mỗi người là một cá thể riêng biệt với những vấn đề phức tạp khác nhau. Nếu chị giải quyết được những vấn đề đó, chị sẽ giúp mọi người hạnh phúc hơn và cống hiến cho công việc nhiều hơn. Từ đó, kỹ năng của chị cũng sẽ được trau dồi.

Trợ lý tổng giám đốc được mệnh danh là một vị trí dưới một người nhưng trên vạn người, đang ở cấp bậc cao nhưng lại chuyển hướng trở thành thực tập sinh nhân sự, chị có gặp áp lực không?

Thật sự rất áp lực. Lúc còn làm trợ lý, cuối tháng chị chỉ cần nhắn các phòng ban nộp báo cáo, còn ở vị trí thực tập sinh chị phải đi năn nỉ mọi người xin số liệu để làm báo cáo. Cách để giải quyết những áp lực đó là chị phải vượt qua cảm xúc tiêu cực của bản thân, biết mục đích cuối cùng của mình là gì và kiên định đi tới đích đến.

Ngay khi bước vào ngành nhân sự, chị đã đặt ra mục tiêu năm 40 tuổi chị phải trở thành HRBP Manager. Bất kỳ lúc nào thấy áp lực, chị lập tức nghĩ đến mục tiêu đó. Chị cũng chia nhỏ thời gian thành từng cột mốc để dễ dàng đạt được mục tiêu lớn hơn. Ví dụ, để năm 40 tuổi trở thành Manager, chị còn 8 năm.

Xem thêm: Hành trình tìm nghề hợp nhất của HRBP Manager MoMo

nghề nhân sự

Chị cảm thấy mình rất ‘trâu bò’ với các thử thách và vui khi hoàn thành những mục tiêu nhỏ. Đến năm 38 tuổi chị đạt được vị trí HR manager, sớm hơn 2 năm so với dự tính.

Việc đã từng làm trợ lý có mang lại cho chị lợi thế gì giúp chị hoàn thành mục tiêu sớm hơn không?

Việc làm trợ lý đã giúp chị rất là nhiều trong kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định. 10 năm chị làm việc với các giám đốc và biết cách giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý đội nhóm, kỹ năng đặt mục tiêu của mỗi người rất khác nhau. Họ đã dạy chị các chiến lược và hướng dẫn chị nên thấy vấn đề từ đâu, phải tận dụng những yếu tố gì để xử lý nó. Chị vừa học lý thuyết, vừa có kinh nghiệm thực chiến trong việc giải quyết vấn đề nên có thể đi nhanh hơn mọi người.

Chị luôn nhìn vấn đề theo hướng từ trên xuống. Khi có vấn đề xảy đến, chị cố gắng suy nghĩ ra nhiều giải pháp, có những giải pháp rất khác mọi người, giải quyết được toàn bộ vấn đề theo trật tự lớp lang nên làm việc rất nhanh và chính xác. Đó là lợi thế rất lớn mà chị có được so với các bạn ở cùng vị trí.

Làm nhân sự dưới góc nhìn Marketing

Chị có thể giải thích thêm một chút về phong cách làm nghề nhân sự theo góc nhìn Marketing là như thế nào?

nghề nhân sự

Mọi người thường có quan niệm là không trở thành người nổi tiếng thì việc gì phải xây dựng thương hiệu cá nhân, nhưng khi bạn có thương hiệu, bạn sẽ trở nên tự tin và hình thành được lối đi riêng của mình, giúp đỡ rất nhiều trong công việc. Marketing chính là tìm cách nói cho nhiều người biết về mình, càng nhiều người biết chứng tỏ bạn có nhiều mối quan hệ. Áp dụng vào nghề nhân sự, vì sao có bạn chỉ tìm được 10 ứng viên trong khi có bạn tìm được đến 100 người. Đó là nhờ vào năng lực bạn xây dựng Network trên tất cả mọi phương tiện như LinkedIn, Facebook, thậm chí là mối quan hệ ngoài đời thật.

Việc xây dựng mối quan hệ và sự uy tín cá nhân sẽ giúp người làm nhân sự dàn xếp các tình huống khó xử giữa ứng viên và công ty. Thông thường khi nhân sự đã phỏng vấn và lọc được ứng viên, cần thông báo cho line manager (quản lý trực tiếp) của vị trí đó để xin thông tin phản hồi. Tuy nhiên, nhân sự thường gặp khó vì các cấp quản lý khá bận rộn và sẽ không phản hồi ngay lập tức. Bạn có thể chờ nhưng ứng viên không thể chờ được và bạn phải cho người quản lý thấy là bạn cần nhận được phản hồi trong 24 tiếng. Một người làm nhân sự tự tin vào năng lực cá nhân của mình và có tiếng nói sẽ trao đổi thẳng thắn rằng nếu anh/chị quản lý không phản hồi sớm, ứng viên có thể nhận được đề nghị công việc từ công ty khác và mình mất người phù hợp. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của việc người làm nhân sự cần Marketing bản thân để có vị thế riêng vững chắc, tự tin đối thoại cả với các cấp quản lý.

Vậy có phải những bạn hướng ngoại và giỏi giao tiếp sẽ dễ thành công hơn trong nghề nhân sự không?

Chị không nghĩ vậy. Hướng nội hay hướng ngoại không ảnh hưởng tới công việc nhân sự. Công việc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng và kiến thức mình đang có. Dù bạn hướng nội hay hướng ngoại, miễn là bạn sở hữu năng lực đáp ứng được yêu cầu, có rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong nghề nhân sự để bạn lựa chọn. Mỗi người có tính cách và nhu cầu giao tiếp khác nhau tùy mức độ, xây dựng mối quan hệ không có nghĩa là gặp ai cũng phải nói. Không phải chị thuộc tuýp hướng ngoại là giao tiếp bừa bãi, chị sẽ chọn lọc mối quan hệ để giao tiếp.

Bạn làm ngành nghề nào cũng phải làm việc với con người. Tất nhiên, không phải cuộc giao tiếp nào mình cũng nói chuyện trôi chảy, thành công ngay từ những ngày đầu mà kỹ năng này phải thực hành và rút kinh nghiệm mỗi ngày. Lần đầu tiên chị đứng nói chuyện trước đám đông, chị bị vấp váp rất nhiều, các suy nghĩ trong đầu cứ tuôn ra nhưng chị không sắp xếp được.

nghề nhân sự

Xem thêm: Vai trò nghệ thuật giao tiếp quan trọng như thế nào trong cuộc sống hiện đại?

Ngoài kỹ năng giao tiếp, theo chị các bạn trẻ quyết định lựa chọn nghề nhân sự sẽ cần thêm kỹ năng gì?

Với chị đó là kỹ năng giải quyết vấn đề sao cho phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Ví dụ mình đang nói chuyện với một người giỏi về số thì mình cần có số liệu để nói chuyện. Đối với bạn học ngành nhân sự, lý thuyết là một chuyện nhưng khi ra đời bạn gặp vô vàn tình huống thực tế với nhiều kiểu người khác nhau. Một cách giải quyết, một quy trình có thể đúng với bộ phận này nhưng qua bộ phận khác đã không còn phù hợp. Bạn cũng không thể áp dụng một quy trình mãi mãi, mỗi quy trình cần phải được nghiệm lại sau một thời gian áp dụng.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề trong nhân sự, bạn không thể chỉ dựa vào cảm tính. Người làm nhân sự càng cần phải chú ý đến các con số rõ ràng. Khi gửi báo cáo với các trưởng bộ phận, bạn cần phải có data (dữ liệu) để chứng minh vấn đề đang gặp phải và đưa ra phương án giải quyết, số liệu càng rõ thì càng dễ nói chuyện. Không thể gửi một báo cáo nhận xét chung chung kiểu nhân viên này không đạt, người quản lý này yếu kém, không đạt thì số bao nhiêu, yếu kém phải quy ra được số liệu cụ thể như thế nào.

Hợp việc chính là hợp sếp

Với kinh nghiệm của người làm nhân sự, chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang tìm kiếm công việc, làm sao để xác định việc hợp trong lúc phỏng vấn?

Theo chị, bản chất công việc ở công ty nào cũng giống nhau, chỉ khác ở KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) mà họ đặt ra. Ví dụ bạn ứng tuyển vị trí nhân viên tuyển dụng thì bản chất công việc là tuyển được nhân viên cho công ty nhưng với công ty A thì KPI của bạn là 10 người, công ty B là 20 người, hoặc quy trình phỏng vấn công ty A là 2 vòng, công ty B đến 8 vòng. Vì vậy, chị nghĩ để xác định công việc có hợp không phải dựa trên yếu tố có hợp với sếp không.

Khi bạn đi phỏng vấn, trò chuyện với người có thể trở thành sếp tương lai của mình nhưng người đó không đưa được cho bạn bức tranh tổng thể về công việc ngay từ ban đầu, rất khó để bạn đáp ứng đúng nhu cầu họ mong muốn. Nếu bạn gặp phải những người quản lý như vậy, đừng nghĩ đó chỉ là dấu hiệu thoáng qua, đó là phong cách làm việc khó có thể thay đổi của họ. Khi làm việc cùng những người sếp như vậy, bạn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn. Sếp giao việc nhưng không đưa ra những con số chính xác, không lắng nghe góp ý để điều chỉnh cho hợp lý, công việc của bạn sẽ rơi vào bế tắc.

nghề nhân sự

Nếu nhân viên khi gặp vấn đề với sếp thì cần giải quyết như thế nào?

Theo chị, quan trọng là phải trao đổi thẳng thắn và không được nhảy cấp bậc. Nghĩa là nếu vấn đề nhỏ thì mình giải quyết với sếp cấp bậc nhỏ trước, nếu sếp ở cấp bậc này không giải quyết được vấn đề cho bạn thì mới nghĩ đến chuyện phản ánh đến người ở cấp cao hơn. Tùy vào từng người sếp mà mình có cách nói chuyện và giải quyết vấn đề khác nhau nhưng lưu ý là không người sếp nào thích nhân viên làm xấu mặt mình trong tình huống nhiều người khác đang cùng có mặt. Trao đổi riêng là cách tốt nhất để được sếp lắng nghe và giải quyết những vấn đề bạn đang gặp phải.

Xem thêm: Bỏ túi ngay 8 tuyệt chiêu ứng xử khi làm việc với sếp khó tính nơi công sở

Vậy chị có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm để các bạn trẻ định giá bản thân mình trên thị trường lao động và deal lương hiệu quả?

Đầu tiên, bạn cần hiểu được bản chất công việc của mình là gì và KPI mình cần đạt được. Trong quá trình phỏng vấn, bạn cần đặt câu hỏi càng nhiều càng tốt về những nhiệm vụ và KPI sắp tới bạn sẽ phụ trách. Những người quản lý nếu chưa đưa ra được câu trả lời cụ thể thì bạn cần suy nghĩ lại về tính chuyên nghiệp của nhân sự ở công ty này. Khi đã có hình dung về khối lượng công việc, bạn nên tham khảo cùng một vị trí này thị trường đang trả bao nhiêu và suy xét về các năng lực mà mình hiện có liệu có đáp ứng được yêu cầu không. Kèm theo đó, bạn nên chuẩn bị sẵn các ví dụ cụ thể, có số liệu càng tốt để chứng minh năng lực, cần phải thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn sẵn sàng cho vị trí này.

Xem thêm: KPI là gì, phân loại và cách xây dựng KPI cho nhân viên hiệu quả

Tiếp theo, nếu mức lương công ty đưa ra không được như bạn kỳ vọng nhưng bạn chứng minh năng lực của mình xứng đáng nhận được nhiều hơn, bạn cần đặt câu hỏi ngoài lương, công ty có những phúc lợi nào khác hoặc có thêm nhân sự hỗ trợ san sẻ công việc với bạn không. Ví dụ với công việc này, bạn mong muốn nhận được mức lương 15 triệu nhưng công ty chỉ có thể trả 12 triệu, bạn có thể đề nghị công ty có thêm ngân sách cho việc thuê thực tập sinh để chia sẻ khối lượng công việc. Từ đó, bạn học thêm được kỹ năng quản lý và kết nối với mọi người.

nghề nhân sự

Giữ chân nhân sự luôn là bài toán khó

Câu chuyện từ đầu đến giờ chị chia sẻ rất nhiều về mối quan hệ giữa sếp với nhân viên, đó có phải là mối quan quan tâm hàng đầu của người lao động hiện tại không? Môi trường làm việc lành mạnh (healthy culture) có phải là quy chuẩn mới cho thị trường lao động hiện tại?

Đúng vậy, như chị đã đề cập, hợp việc chính là hợp sếp nói riêng và hợp với những người cùng làm việc nói chung. Sếp phải luôn là người nhìn thấy các vấn đề bạn đang gặp phải và bảo vệ nhân viên của mình. Nếu có vấn đề xảy ra, sếp luôn phải là người nhận lỗi trước và bảo vệ nhân viên, không bao giờ được nói xấu nhân viên trước mặt người khác. Khi nhân viên được sếp bảo vệ, họ sẽ luôn có cách hành xử rất khác khi đối mặt vấn đề. Đó là lý do khi phỏng vấn bạn cần trao đổi với người quản lý rất nhiều về phong cách điều hành của họ, họ sẽ giải quyết vấn đề như thế nào. Có sự đồng điệu trong cách làm việc sẽ giúp bạn cảm thấy dễ dàng gắn bó đồng hành với sếp hơn, từ đó tăng sự gắn kết với công ty.

Tại sao thời điểm hiện tại, nhiều nhân sự không còn cảm thấy gắn kết với công ty nữa. Các cấp quản lý điều hành đặt ra cho bộ phận nhân sự những bài toán cần phải giải quyết: làm sao để nhân viên được vui hơn, cảm thấy gắn kết hơn với công ty hơn và xây dựng môi trường làm việc lành mạnh? Nhiều công ty đưa ra các hoạt động như team building, tổ chức sinh nhật, hoạt động nhân các dịp lễ như 20/10, 08/03, tiệc trà chiều cho nhân viên…

Xem thêm: Team Bonding là gì, những hoạt động Team Bonding cực vui cho dân văn phòng

Trên thị trường lao động cũng xuất hiện nhiều thuật ngữ như Chief of Happiness (Giám đốc Hạnh Phúc), Employer Branding (Xây dựng thương hiệu tuyển dụng)… chứng tỏ các công ty bắt đầu quan tâm hơn đến việc mang đến cho mọi người cảm giác hạnh phúc trong công việc mỗi ngày. Chị thấy đây là một xu hướng rất tích cực, vừa tạo được hình ảnh thu hút cho công ty khi đi tuyển dụng vừa giúp nhân viên cảm thấy vui vẻ, vượt qua được áp lực và gắn bó hơn với công việc hiện tại.

Thời điểm cuối năm thường là lúc người đi làm cảm thấy dao động nhất vì họ trải qua quá trình đánh giá lại một năm, liệu nên nghỉ việc hay chờ thưởng Tết, làm sao các doanh nghiệp giữ chân được nhân viên trong giai đoạn này?

Việc giữ chân nhân viên là chiến lược dài hạn, không đơn giản chỉ làm trong giai đoạn cuối năm. Vì sao nhân viên cảm thấy lung lay giai đoạn này? Vì họ trải qua rất nhiều áp lực do những tháng cuối năm các công ty đều cần chạy tổng lực để đạt mục tiêu.

nghề nhân sự

Giữ chân nhân sự là một bài toán rất khó và cần sự quan sát tốt cũng như kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn. Nhân sự cần có kế hoạch xây dựng sự kết nối của nhân viên mỗi tháng, mỗi quý, không phải chờ đợi đến cuối năm mới cuống cuồng làm hoạt động này kia để giữ chân nhân viên. Bộ phận nhân sự cần thực hiện các khảo sát định kỳ nhân viên có hài lòng không, họ không hài lòng vì điều gì, công ty cần cải thiện những gì.

Khi nhận được phản hồi từ nhân viên thường xuyên, bộ phận nhân sự sẽ kịp thời xử lý các vấn đề đang làm mọi người trong công ty cảm thấy không hài lòng. Bên cạnh đó, nhân viên cần cảm nhận được họ đang ở đâu trong bức tranh toàn cảnh và họ sẽ có thể vươn xa đến mức độ nào trong tương lai. Quan trọng là nhân sự và những người quản lý cho nhân viên thấy được mỗi nhiệm vụ mà họ đang được nhận đều hướng đến mục tiêu chung, họ có giá trị và công ty trân trọng những gì họ đóng góp. Nếu gắn bó với công ty lâu hơn thì nhân viên sẽ nhận được những phúc lợi gì: thăng chức, tăng lương bao nhiêu phần trăm, học thêm được những kỹ năng mới nào…

nghề nhân sự

Cảm ơn chị về những chia sẻ vừa rồi.

3 điều các bạn trẻ muốn gắn bó với nhân sự cần ghi nhớ:

1. Làm nhân sự theo cách Marketing: Xây dựng thương hiệu cá nhân để mở rộng vòng kết nối, tăng cơ hội trong công việc và tự tin đối thoại với mọi người.

2. Hướng nội hay hướng ngoại không ảnh hưởng đến việc bạn có thể làm công việc nhân sự hay không. Quan trọng là bạn luôn nỗ lực rèn luyện kỹ năng giao tiếp.

3. Làm nhân sự không được cảm tính, mọi báo cáo và kết luận đều cần số liệu để chứng minh.

Một câu nói có thể bạn đã nghe từ lâu nhưng không bao giờ là cũ: Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Câu chuyện của chị N.Thảo lựa chọn gắn bó với nghề nhân sự ở độ tuổi 32 biết đâu chính là nguồn cảm hứng giúp bạn thắp lên niềm tin vào đam mê của bản thân, sẵn sàng từ bỏ những gì không còn phù hợp. Dù là nhân sự hay bất kỳ ngành nghề nào, bạn luôn cần tự tin tìm cho mình con đường riêng để phát triển. Hy vọng những chia sẻ từ chuyên mục Alo tiền bối! sẽ trở thành nguồn tham khảo bổ ích đồng hành cùng bạn trên chặng đường sự nghiệp.

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục