Ngành du lịch là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19. Những nhân sự của ngành này đã có bước chuyển mình như thế nào để luôn giữ mãi lửa nghề và bám trụ lại sau hơn 2 năm đình trệ? Cùng Việc Làm 24h gặp gỡ và trò chuyện cùng chị Nguyễn Thủy Nguyên, một tiền bối với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch, chuyển hướng sang từ vị trí Sales Manager sang nghề BA (Business Analyst) để đi tìm câu trả lời cho những ai đang muốn bước chân vào ngành này.
Chị Nguyễn Thủy Nguyên với kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam và Malaysia cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước như Vleisure, Innaway và các doanh nghiệp quốc tế nổi tiếng trong ngành như Expedia, Hotelbeds, Discova,… Hiện chị đang làm Business Analyst tại Designer Journeys.
Tình yêu với ngành giúp vượt qua đại dịch, sẵn sàng chuyển đổi số bản thân để thích nghi
Chào chị, rất vui vì chị đã nhận lời tham gia chia sẻ, không biết cơ duyên nào đã đưa chị đến với ngành du lịch và cho đến bây giờ?
Tại thời điểm chị đi học, nói đến ngành du lịch, nhiều người vẫn chỉ nghĩ đến những vị trí như hướng dẫn viên du lịch hay lễ tân khách sạn. Sau khi chị ra trường, suy nghĩ đến khả năng trở thành hướng dẫn viên, chị cảm thấy mình không phù hợp với công việc đó. Lúc ấy bắt đầu xuất hiện những công ty B2B (Business to Business) chuyên cung cấp nền tảng (platform) bán phòng khách sạn cho những công ty du lịch vừa và nhỏ.
Tại thời điểm đó, trở ngại của những công ty du lịch ở Việt Nam khi muốn đặt phòng ở các quốc gia khác là không thể nào liên hệ trực tiếp với khách sạn để chuyển tiền ra nước ngoài, đòi hỏi nhiều thủ tục rắc rối. Vì vậy khi nghe thông tin về loại hình công ty này, chị cảm thấy rất thú vị. Chị nhận ra đây là một lĩnh vực cực kỳ tiềm năng và mới mẻ nên chưa có đối thủ cạnh tranh. Vậy là chị lựa chọn trở thành nhân viên kinh doanh (sales) cho công ty.
Chị có thấy ngành du lịch ở thời điểm hiện tại có nhiều thay đổi so với thời điểm chị mới làm quen với nghề không?
Ngành du lịch hiện tại đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Công nghệ phát triển đã làm công việc của các hướng dẫn viên thay đổi. Đã qua rồi thời điểm hướng dẫn viên phải học thuộc lòng các thông tin về địa điểm tham quan để thuyết trình cho khách. Vai trò của hướng dẫn viên hiện tại thiên về hoạt náo để làm khách vui, vì các thông tin khách có thể tự tìm kiếm trên smartphone.
Điều thay đổi lớn thứ hai là xu hướng chuyển đổi số trong ngành du lịch. Những công ty không đáp ứng được xu hướng này sẽ bị đào thải. Vào năm 2019, đã có một sự kiện diễn ra gây chấn động ngành du lịch. Công ty du lịch nổi tiếng toàn cầu Thomas Cook tuyên bố phá sản. Thomas Cook được thành lập năm 1841, được mệnh danh là ông tổ của ngành du lịch thế giới. Một trong những nguyên nhân của sự kiện này là công ty đã chậm thay đổi chiến lược kinh doanh, không thích ứng kịp thời sự phát triển của Internet trong khi thói quen du lịch của mọi người đã thay đổi.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 47.000 khách sạn nhưng chỉ có 13.000 khách sạn đang bán online, trong đó cũng chỉ 2.000 khách sạn đang sử dụng các phần mềm phân phối phòng. Có thể hiểu đơn giản như mở cửa hàng trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Sen Đỏ… khi bạn có sự điều chỉnh về giá bán, thay vì phải vào từng trang chỉnh, bạn sẽ sử dụng phần mềm này để quản lý tất cả.
Ngoài ra, ngành du lịch vẫn tồn tại sự khác biệt trong việc chuyển đổi số giữa các đơn vị kinh doanh lưu trú và kinh doanh lữ hành. Đối với đơn vị lưu trú đã có hệ thống vận hành phòng, việc làm phần mềm quản lý bán phòng rất đơn giản. Nhưng với các dịch vụ lữ hành bán tour thì phức tạp hơn vì tour bao gồm khách sạn, vé tham quan, xe cộ, bữa ăn, hướng dẫn viên,… Sản phẩm tour có quá nhiều thành phần nên tour rất khó chuyển đổi số.
Thứ ba là sự thay đổi trong lực lượng lao động. Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam chiếm đến 10% GDP, tạo ra rất nhiều công việc, không ai nghĩ dịch COVID-19 sẽ đến. Năm 2020 dịch bùng phát, đến 80% lao động ngành du lịch Việt Nam bị xóa sổ, gây ảnh hưởng rất nhiều đến xu hướng tìm việc của sinh viên ngành du lịch. Các bạn ra trường năm 2020 – 2021 không thể tìm được việc làm, đành phải chuyển ngành và rất khó có khả năng sẽ quay trở lại.
Tính đến đầu năm 2022, về phía khách sạn, số lượng nhân viên quay lại làm việc cũng chỉ có 70%. Đó chính là lý do dạo gần đây giá máy bay, giá phòng khách sạn tăng vì đứt gãy chuỗi cung ứng lực lượng lao động. Theo các báo cáo mà chị xem được, phải đến năm 2026 ngành du lịch mới có thể phục hồi.
Đại dịch Covid-19 có phải là yếu tố tác động khiến chị chuyển công việc từ làm sales sang vị trí Business Analyst (BA) không? Chị có thể chia sẻ thêm về quyết định này?
Đúng vậy! Ngoài công việc làm sales cho công ty du lịch, thời điểm năm 2019 chị có từng hợp tác startup chung với vài người bạn và gọi vốn thành công 100.000 USD. Lúc đó, chị tự học lập trình để có thể hiểu các bạn lập trình viên (developer) đang nói gì. Năm 2020, Covid-19 ập đến, công ty du lịch chị đang làm phải sa thải 70 – 80% nhân sự, chỉ giữ lại những nhân viên có nhiều kỹ năng có thể đảm nhận nhiều vị trí khác nhau. Ngay lúc ấy đang thiếu vị trí BA, chị có sẵn kỹ năng về lập trình nên nhận vị trí này.
Dù lúc đó đã lên vị trí Trưởng nhóm Kinh doanh, nhưng khi bắt đầu lại với vị trí BA hoàn toàn mới, chị không cảm thấy khó khăn. Đối với chị, cấp bậc không quan trọng, quan trọng là chị hoàn thành được công việc và vẫn được làm ngành du lịch mà mình yêu thích. Giai đoạn đó chị phải tự học rất nhiều, không hiểu thì hỏi ngay những người xung quanh, không giấu dốt. Chị nhận ra lợi thế của mình là am hiểu về ngành du lịch. Technical skill (kỹ năng kĩ thuật) của chị không mạnh nhưng chị có Domain Knowledge (kiến thức nghiệp vụ) về ngành nên đó sẽ là ưu thế lớn của chị khi bước chân vào mảng này.
Với những thách thức trong ngành du lịch vẫn còn tồn tại ít nhất trong 3 – 4 năm tới, chị có lời khuyên gì với các bạn trẻ yêu thích ngành này có thể vững tâm đi tiếp con đường đã chọn?
Điều đầu tiên chị nghĩ đó là tiếp tục duy trì tình yêu với ngành. Thật ra có niềm yêu thích đối với ngành nghề mình theo đuổi là điều cần thiết. Sở thích sẽ giúp các bạn duy trì hứng thú trong công việc. Nếu không yêu thích ngành nghề đó, bạn sẽ rất chán nản khi đi làm mỗi ngày.
Đối với các bạn bắt đầu nhập học ở thời điểm hiện tại, vài năm nữa khi tốt nghiệp, ngành du lịch có thể đã phục hồi, các bạn hoàn toàn có thể yên tâm theo đuổi. Những bạn ra trường năm 2020 nhưng gặp phải dịch Covid-19, nếu không duy trì được niềm đam mê, các bạn đã chuyển sang ngành nghề khác. Với những ai quyết tâm bám trụ với ngành, chị nghĩ có các kỹ năng sau đây sẽ giúp bạn luôn phát triển:
- Sự quan sát: Kỹ năng này tồn tại trong chị tới mức trở thành như một căn bệnh nghề nghiệp. Chị quan sát mọi lúc mọi nơi, trong những chuyến đi chơi, trên đường đi làm, chị quan sát các khách sạn xem có vị trí đẹp không, cửa sổ xếp đặt ra sao, cách phục vụ thế nào… Sau đó, chị áp dụng những điều đúc kết được khi quan sát vào sự nghiệp.
- Thấu hiểu nhu cầu khách hàng: Cũng từ sự quan sát đó, người làm trong ngành du lịch cần tự rút ra cho mình những cảm nhận riêng để hiểu nhu cầu khách hàng, chọn lọc để hiểu họ muốn gì.
- Hospitality (hiếu khách): Tinh thần luôn quan tâm và sẵn sàng phục vụ khách hàng là điều kiện tiên quyết nếu bạn muốn phát triển trong ngành du lịch.
Technical Skill (Kỹ năng kỹ thuật) không quan trọng bằng Domain Knowledge (Kiến thức nghiệp vụ)
Chị có thể giải thích thêm về khái niệm BA là gì và những điểm khác biệt giữa hai vị trí BA (Business Analyst) và DA (Data Analyst)?
Với chị, BA đơn giản là người nhận yêu cầu từ các phòng ban khác, chuyển yêu cầu từ ngôn ngữ đời thường sang các ngôn ngữ mà lập trình viên có thể hiểu được và thực hiện yêu cầu. Cho dù mô tả công việc của nghề BA có viết nhiều chi tiết khác nhau như thế nào, nhiệm vụ chính của BA chính là ‘thông dịch viên’, dịch ngôn ngữ đời thường thành ngôn ngữ lập trình.
Xem thêm: Data Analyst là gì? Cần học những gì để trở thành một Data Analyst chuyên nghiệp?
Vai trò của BA và DA hoàn toàn khác nhau. BA là người nhận thông tin các phòng ban khác và chuyển đổi thành ngôn ngữ cho các lập trình viên, DA là người phân tích dữ liệu. Nhiệm vụ của DA là truy vấn, hình thành mô hình, phân tích và mô tả dữ liệu, sau đó đưa ra các dự đoán. Có thể sẽ có một vài bạn theo nghề BA biết truy vấn và phân tích dữ liệu nhưng đó không phải công việc chính, chỉ là kỹ năng hỗ trợ trong quá trình làm việc.
Mô tả một ngày làm việc điển hình của người theo nghề BA sẽ bao gồm các nhiệm vụ gì và đâu là nhiệm vụ chị cho là khó khăn nhất?
Công việc của BA sẽ phải đi họp rất nhiều, check email để nhận yêu cầu mới, viết nhiệm vụ cần làm (task), lên kế hoạch chia sprint 2 tuần, chia độ ưu tiên các task nào làm trước, task không quan trọng thì để vào backlog chuyển sprint sau, chia các yêu cầu cho lập trình viên làm. Ngoài ra nhiệm vụ của BA còn làm báo cáo Business Intelligence (trí tuệ doanh nghiệp) bỏ vào platform để visualize (trực quan hóa) dữ liệu để người đọc dễ hiểu. Bên cạnh đó, còn phải thường xuyên kiểm tra website xem có bug (lỗi) không, bug chỗ nào. Công việc không chỉ có tạo ra tính năng mới cho người sử dụng mà còn phải duy trì hệ thống chạy tốt và ít lỗi nhất có thể để người sử dụng không cảm thấy khó chịu.
Cái khó của người làm nghề BA là duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bạn sẽ nhận rất nhiều công việc cùng một lúc. Lúc này, bạn cần phải có kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp một list công việc và dành bao nhiêu % thời gian để học. Sau giờ làm, chị luôn dành thời gian cho các sở thích cá nhân như đi du lịch, nghiên cứu xã hội học. Chị quan niệm không ai có thể làm xong việc trong một ngày, chỉ là hoàn thành hết danh sách công việc theo thứ tự ưu tiên và cảm thấy không còn gì nuối tiếc.
Sau một thời gian làm nghề BA, chị nghĩ những kỹ năng gì BA chuyên nghiệp cần có?
Ngoài kiến thức kỹ thuật chuyên môn, chị nghĩ BA cần phải có kỹ năng tự học. Mỗi ngày luôn có rất nhiều thông tin và kiến thức mới cần cập nhật, người làm BA có tâm sẽ luôn tự học và tìm tòi để tiếp cận nguồn thông tin mới mỗi ngày.
Xem thêm: Tự học là gì? Bật mí các bí quyết xây dựng thói quen tự học hiệu quả
Quan trọng nhất là 100% phải có Domain Knowledge, bạn phải hiểu biết về ngành nghề mà mình đang làm, từ đó sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc hiểu các yêu cầu và mô tả cho các bên liên quan.
Ngoài ra, do xu hướng các công ty lập trình nước ngoài đặt văn phòng ở Việt Nam rất nhiều, các bạn có thể làm việc tại các công ty phát triển sản phẩm in-house và cả outsourcing. Vì phải nhận nhiều dự án từ nước ngoài, các bạn cần thông thạo tiếng Anh để giao tiếp và tìm kiếm thông tin. Kỹ năng đọc hiểu, tư duy logic và data mindset cũng rất quan trọng để ngay khi nhận yêu cầu, bạn đã có thể hình dung sẵn một đường dây kịch bản trong đầu để mô tả cho lập trình viên.
Chị có thể chia sẻ thêm về KPI đánh giá sự thành công của BA và lộ trình thăng tiến trong nghề như thế nào?
Sự thành công của BA chính là sự thành công của cả dự án (project). BA thường thuộc team product của công ty, bao gồm BA, PM (Product Manager/Product Owner), UI (User Interface)/UX (User Experience) Designer… Dự án thành công khi sản phẩm chạy trơn tru, tính năng (feature) đưa tới người dùng có hiệu quả, không xảy ra lỗi xảy ra trong quá trình vận hành sản phẩm.
Dưới đây là lộ trình thăng tiến của nghề BA:
Với những bạn theo nghề BA có sở thích về User Experience (trải nghiệm khách hàng), có thể rẽ nhánh sang làm UX Research (nghiên cứu trải nghiệm khách hàng), UI (Giao diện người dùng).
Xem thêm: UI UX là gì? Sự khác biệt giữa UI và UX, cơ hội nghề nghiệp ở mảng này có hấp dẫn?
Với những bạn trẻ muốn theo đuổi nghề BA hoặc chuyển nghề từ những vị trí không liên quan đến kỹ thuật, chị có lời khuyên gì để các bạn nhanh chóng nắm bắt và đạt được thành công trong nghề?
Thật ra chị nghĩ chuyên môn về kỹ thuật không quá quan trọng trong nghề. Các khóa học BA chỉ có vai trò bổ trợ kỹ năng và sử dụng các công cụ, Domain Knowledge về ngành sẽ giúp các bạn nắm bắt công việc tốt hơn, nhanh hơn.
Chị đánh giá cao những bạn có hiểu biết về ngành. Ngoài ra, còn phải có khả năng tự nghiên cứu và giải quyết vấn đề. Khi có vấn đề gặp khó khăn, bạn phải tự nghiên cứu tìm câu trả lời trước khi tìm đến sự trợ giúp. Điều đó sẽ giúp bạn nhanh chóng học hỏi và thăng tiến trong nghề.
Cơ hội nào cho nữ giới gia nhập các ngành kỹ thuật?
Theo chị, nữ giới sẽ có lợi thế và bất lợi gì khi làm nghề BA nói riêng và các công việc liên quan đến ngành kỹ thuật nói chung?
Chị nghĩ bất lợi lớn nhất là các bạn nữ thiếu một hình tượng thành công của phái nữ trong ngành IT để theo đuổi và noi gương. Rất ít các bạn nữ chọn theo học ngành IT nếu có sự yêu thích thì khi định hướng chọn nghề cũng sẽ nghe theo gia đình định hướng sang ngành khác. Vì tỷ lệ đầu vào ít nên tỷ lệ nữ giới xuất sắc trong ngành này cũng rất hiếm.
Về lợi thế nếu các bạn nữ theo đuổi ngành IT là xác suất được tuyển dụng rất cao. Các công ty cũng có sự quan tâm đến nữ giới theo đuổi ngành kỹ thuật. Công ty nào mà có IT nữ thì các đồng nghiệp nam cũng sẽ rất vui.
Xem thêm: Ngành IT là gì? Giải đáp mọi thắc mắc và định hướng nghề nghiệp cho dân IT
Đâu là những điều chị cảm thấy ý nghĩa nhất khi đi làm và tạo động lực để chị gắn bó lâu dài với công việc?
Chị ưu tiên 3 yếu tố: công việc phải cân bằng cuộc sống, kiến thức chị học được và mối quan hệ nội bộ trong công ty. Chị sẽ rất trân trọng những công ty mà ở đó mọi người đều vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Thông thường nhân sự làm việc khoảng 6 tháng sẽ dễ chán nản vì thiếu các yếu tố kích thích. Sự động viên từ sếp, quan tâm từ đồng nghiệp, hợp tác và tôn trọng từ đối tác sẽ là các yếu tố kích thích giúp nhân viên gắn bó hơn.
Như chị đã nói lúc đầu, cấp bậc với chị không quan trọng, chủ yếu là mức lương xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Ngoài công việc, trong cuộc sống còn rất nhiều điều khác bạn cần quan tâm, hãy tập cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, đảm bảo nuôi dưỡng những đam mê cá nhân. Làm cho ra làm, nghỉ cho ra nghỉ. Kim chỉ nam của chị trong công việc chính là cứ làm hết mình và làm công việc mình yêu thích thì sẽ làm được lâu dài.
Cảm ơn chị Nguyên về những chia sẻ vừa rồi! Chúc chị sẽ luôn vững bước trong sự nghiệp và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống.
3 điều bạn cần ghi nhớ khi tìm hiểu về nghề BA
- Nghề BA hiểu đơn giản như thông dịch viên với dịch vụ dịch ngôn ngữ đời thường các yêu cầu từ phòng ban khác sang ngôn ngữ lập trình mà bộ phận DEV có thể hiểu được.
- Khả năng quản lý thời gian sẽ giúp BA kiểm soát các task hiệu quả và cân bằng được giữa công việc và cuộc sống.
- Nếu không có quá nhiều hiểu biết về kỹ thuật nhưng vẫn muốn theo đuổi nghề BA, bạn đừng quá lo lắng.
Tóm tắt thuật ngữ bạn cần biết:
Thuật ngữ | Giải thích dễ hiểu hơn |
Business Analyst (BA) | Phân tích kinh doanh |
Data Analyst (DA) | Phân tích dữ liệu |
Product Manager (PM) | Quản lý sản phẩm |
Product Owner (PO) | Người sở hữu sản phẩm, chịu trách nhiệm tất cả các vấn đề liên quan đến sản phẩm |
UI Designer | Thiết kế giao diện người dùng |
UX Designer | Thiết kế trải nghiệm người dùng |
Scrum | Khung làm việc để phát triển các sản phẩm phức tạp |
Scrum Master | Người đảm bảo vận hành các nhóm Scrum |
Sprint | Khoảng thời gian mà nhóm Scrum thực hiện các nhiệm vụ cần thiết để tạo các phần tăng trưởng của sản phẩm. |
Backlog | Danh sách các việc tồn đọng cần làm |
Đam mê xê dịch và khám phá nhiều nơi trên khắp thế giới luôn là điềm nam mê của rất nhiều bạn trẻ. Chắc hẳn đã không ít lần bạn mong muốn thử sức với ngành du lịch để có cảm giác ‘đi làm như đi chơi’. Nhưng cũng như mọi ngành nghề khác, không phải lúc nào mọi chuyện cũng màu hồng. Ngành nào rồi cũng sẽ có lúc gặp khó khăn, thử thách đam mê và quyết tâm của bạn. Hy vọng với những ai đã, đang hoặc sẽ làm công việc liên quan đến ngành du lịch sẽ luôn giữ vững được tình yêu nghề và niềm tin vào những giá trị mà mình đang theo đuổi.