Nộp hồ sơ xin việc khắp nơi không có nghĩa bạn sẽ có một công việc. Bạn phải chấp nhận sự thật là điều đó không giúp bạn có được một cuộc hẹn mời đến phỏng vấn. Nếu bạn may mắn được hẹn phỏng vấn thì hãy xem đó là cuộc hẹn quan trọng nhất trong cuộc đời. Nó có thể thay đổi tương lai của bạn. Một sự chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp bạn ghi điểm trong buổi phỏng vấn xin việc với nhà tuyển dụng.
7 điều cần lưu ý khi đi phỏng vấn xin việc
Hình thức bên ngoài
Quần tây dài với áo sơ mi luôn là lựa chọn tốt. Khi được mời đến những công ty chuyên nghiệp hay công ty nước ngoài, bạn có thể khoác thêm áo vest cho trang trọng. Tóc, móng tay, giày và túi đeo nên sạch sẽ, gọn gàng. Nó giúp bạn làm nổi bật tính chuyên nghiệp và lịch sự. Nhà tuyển dụng sẽ thấy bạn xem trọng cuộc phỏng vấn, xem trọng người phỏng vấn.
Tuân thủ nguyên tắc thời gian
Nguyên tắc thời gian khi đi phỏng vấn xin việc là đúng giờ. Nếu bạn chậm trễ thì bạn tự loại mình ra khỏi sự lựa chọn của họ. Để tránh những sự cố ngoài ý muốn, bạn nên đến nơi phỏng vấn xin việc sớm từ 15-20 phút. Khi ngồi chờ phỏng vấn, bạn tìm hiểu thêm về công ty, xem hoàn cảnh xung quanh hoặc chuẩn bị tinh thần.
Tận dụng ngôn ngữ cơ thể
Việc tạo ấn tượng ban đầu là rất quan trọng. Giữa hàng trăm ứng viên, bạn phải biết ghi dấu ấn của mình. Hãy tận dụng ngôn ngữ cơ thể như mỉm cười, ngồi thẳng lưng, ánh mắt nhìn thẳng người đối diện,… sẽ giúp bạn tự tin hơn nhiều.
Không dễ dàng thỏa hiệp
Dù bản thân mong muốn công việc này bạn cũng phải tỏ ra từ tốn. Không được cho nhà tuyển dụng thấy bạn cấp bách muốn có được công việc ngay lập tức. Trong buổi phỏng vấn xin việc, bạn và họ là hai bên độc lập, bình đẳng. Hãy cho họ thấy giá trị của bạn. Không nên dễ thỏa hiệp trước những yêu cầu. Nếu không, bạn sẽ bị họ điều khiển. Hãy cho họ thấy nếu trao cho bạn cơ hội làm việc, họ cũng sẽ có lợi ích.
Bình tĩnh và trả lời ngắn gọn các câu hỏi
Giữ cho đầu óc thoải mái, tỉnh táo từ đầu cho đến khi kết thúc buổi phỏng vấn xin việc. Nhà tuyển dụng thường tỏ ra thân thiện khi tiếp xúc với ứng viên nhưng không đồng nghĩa họ là bạn của chúng ta. Hãy luôn tỏ ra là người chuyên nghiệp. Bạn nên lắng nghe thật kỹ câu hỏi và suy nghĩ câu trả lời. Đừng suy nghĩ quá lâu tránh mất thời gian. Đừng quên mỉm cười và trả lời thật ngắn gọn những gì bản thân muốn diễn đạt theo hướng tích cực. Nên tránh trả lời những câu hỏi theo hướng tiêu cực về những vấn đề như công ty cũ như thế nào? Lý do bạn bỏ việc ở công ty cũ,…
Cân nhắc về mức lương và thời gian làm việc
Trước khi đến buổi phỏng vấn xin việc, bạn nên tham khảo mức lương với những người cùng ngành. Khi được hỏi, bạn nên thẳng thắn và rõ ràng về tiền công và thời gian tăng ca. Tất nhiên, bạn phải cân nhắc cho thật kỹ trước khi đề ra mức lương bạn mong muốn.
Không nên chỉ là người lắng nghe
Việc bạn hỏi lại những thông tin cho nhà tuyển dụng thấy bạn có lắng nghe và quan tâm đến vị trí công việc. Đừng ngại hỏi nếu bạn không muốn quá mờ nhạt. Cuối cùng, đừng quên nói lời cám ơn sau khi kết thúc buổi phỏng vấn. Nếu nhà tuyển dụng gửi kết quả qua email, bạn nên hồi đáp một email cảm ơn cho họ.