Tuy nhiên bài viết này sẽ không cung cấp cho bạn những câu hỏi vĩ mô như tìm hiểu về giá trị cốt lõi của công ty, các mối quan hệ trong công ty hay định hướng phát triển nghề nghiệp. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn những câu hỏi về lợi ích cơ bản và trực tiếp nhất mà ngay trong giai đoạn đầu tiên các bạn cần biết rõ để ra quyết định.
1. Thời gian thử việc là bao lâu? Thử việc không lương hay nhận lương phân nữa?
Có không ít những bạn trẻ mới lần đầu xin việc thường bỏ qua vấn đề này, bên cạnh đó nhà tuyển dụng lại ậm ờ trong việc thông báo cho ứng viên, để rồi khi đã làm việc được phân nữa thì các bạn mới nhận ra mình không hề có lương trong một đến hai tuần thử việc.
Một bên không hỏi, một bên không nói khiến mâu thuẫn được phát sinh và rất có thể dẫn đến những hậu quả không lường. Ứng viên ấm ức vì mình “bị lừa” rất có thể sẽ nghĩ ngang công việc, nhà tuyển dụng vì không nói rõ ràng mà mất đi nhân tài. Chính vì vậy, việc hỏi rõ ràng thời gian thử việc, chế độ lương bổng luôn là một vấn đề cần thiết mà bất cứ ứng viên nào cũng phải quan tâm.
2. Ai sẽ là người hướng dẫn chuyên môn? Ai sẽ là cấp trên trực tiếp của bạn?
Người hướng dẫn bạn những ngày đầu tiên chưa chắc là quản lý trực tiếp của bạn. Trong giai đoạn thử việc, bạn sẽ được một người có chuyên môn vững chắc để hướng dẫn và luyện tập. Tuy nhiên, người đó không chắc sẽ trở thành sếp của bạn sau này.
Có một nhầm lẫn về vai trò quản lý trong công ty mà rất nhiều nhân viên mới gặp phải. Họ luôn vô thức nhận định người hướng dẫn là người quản lý trực tiếp của mình. Điều này gây ra vô số những hiểu lầm tai hại, khi mà cấp trên thực sự ban hành công việc thì họ lại không làm.
Việc nhận định rõ ai là cấp trên trực tiếp vô cùng quan trọng. Để tránh những hiểu lầm rắc rối sau này, mỗi ứng viên nên hỏi rõ ràng nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn. Thông qua câu trả lời của nhà tuyển dụng, ứng viên có thể hình dung khái quát sơ đồ quản lý trong công ty. Điều đó giúp rất nhiều cho người xin việc trong việc ra quyết định làm hay không làm sau này.
3. Có hay không những chi phí phát sinh trong quá trình làm việc?
Nếu bạn làm Telesales, bạn phải hỏi về trợ cấp tiền điện thoại. Nếu bạn làm mô giới bất động sản, bạn phải đòi hỏi phụ cấp về xăng dầu. Đừng nghĩ đó chỉ là việc nhỏ, nhiều việc nhỏ gộp lại có thể khiến bạn đau đầu.
Chi phí phát sinh hầu như bất kể ngành nghề nào đều có. Nhưng một số công ty lại lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của các ứng viên mà lờ đi những khoản trợ cấp này. Vì vậy, hãy bình tĩnh, tự tin hỏi nhà tuyển dụng vào cuối buổi phỏng vấn về vấn đề này.
Việc làm này không khiến bạn bị mất điểm, ngược lại nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy bạn là người có kinh nghiệm và tự chủ cao trong việc xác định vấn đề. Nếu nhà tuyển dụng có thái độ ậm ờ, lãng tránh hoặc không có câu trả lời rõ ràng, bạn nên rút lui ngay từ đầu vì đó không phải là môi trường tốt mà bạn nên làm việc.
4. Kết quả phỏng vấn sẽ được gửi lại khi nào?
Có bao giờ bạn ngồi nhà và reload liên tục Email của mình chỉ mong ngóng một lá thư từ nhà tuyển dụng? Chắc chắn rằng, dù ít hay nhiều, mỗi ứng viên đều đã từng làm như vậy. Tâm trạng sau khi phỏng vấn có khi còn hồi hợp gấp nhiều lần so với trước đó, đặc biệt là nếu như công ty đó là mơ ước của bạn bấy lâu nay.
Vậy thì tại sao, bạn không hỏi nhà tuyển dụng ngay từ đầu? Bình thường kết quả phỏng vấn sẽ được gửi về hòm thư của những ứng viên từ 2-3 ngày sau buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, con số này không hoàn toàn chính xác bởi quy trình tuyển dụng và chắt lọc hồ sơ của mỗi công ty là khác nhau. Nếu quy trình này đã được thiết kế cụ thể và rõ ràng, nhà tuyển dụng sẽ ngay lập tức cung cấp cho bạn con số chính xác.
Thay vì cứ thấp thỏm không yên mà chờ đợi, bạn ngại gì mà không chủ động ngay từ đầu. Ít ra nếu lần phỏng vấn này không được may mắn, bạn cũng biết chính xác khi nào bạn cần chuẩn bị cho lần phỏng vấn tiếp theo. Thời gian không nhiều để chờ đợi, bạn phải biết bắt lấy cơ hội cho chính mình.